Đến Busan để học kinh doanh, mình bắt đầu bằng công việc làm nông
Câu chuyện được chấp bút từ lời kể của bạn Nguyễn Văn Kiệt, sinh viên trường Đại học Dong-A, thành phố Busan, Hàn Quốc. Bài viết thực hiện từ chuyến Famtour tham quan các trường đại học Hàn Quốc do Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tài trợ và tổ chức.
Ở tuổi 18, giữa tất cả mông lung về tương lai của một thanh niên mới bước vào đời, mình may mắn biết rõ được một điều. Mình muốn học tập và nghiên cứu về lĩnh vực kinh doanh tại nước ngoài. Ước muốn này đã dẫn mình đến với Đại học Dong-A, ngôi trường có thế mạnh về lĩnh vực Kinh doanh và Khoa học xã hội, đào tạo hơn 1000 CEO của các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Hàn Quốc.
Ở tuổi 18, giữa tất cả mông lung về thế giới rộng lớn của một sinh viên ngoại quốc, mình biết mình phải làm một thứ: dám trải nghiệm. Ước muốn này đã từng khiến mình đứng giữa phân vân.
Tại Đại học Dong-A, các sinh viên quốc tế mới nhập học phải ở ký túc xá trong vòng 3 tháng đầu tiên. Dùng từ “phải” thì nghe có vẻ áp chế, nhưng thật ra là với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các anh chị ban quản sinh, việc ở trong ký túc xá giúp tụi mình thích nghi với cuộc sống mới ở Hàn Quốc nhanh hơn, và cũng chính nhờ vậy mà toàn tâm tập trung vào việc học tiếng Hàn.
Thế nhưng, chỉ học thôi làm mình thấy không… yên tâm lắm. Mình đã đi xa thế này để học tập nhưng lại chỉ học bằng cách cắm cúi vào sách vở thôi sao? Sau kỳ học tiếng Hàn (dự bị đại học) đầu tiên kết thúc, tụi mình có một kỳ nghỉ dài khoảng 3 tuần, và mình đã bắt đầu đi tìm việc làm.
Công việc đầu tiên là đi hái táo tại Daegu, cách Busan hơn 100 cây số. Đây là công việc phổ biến cho các bạn du học sinh chưa giỏi tiếng, vì làm nông thì không cần phải giao tiếp gì nhiều.
Ở nhà với bố mẹ ở Việt Nam, mình không phải động tay động chân gì nhiều, vậy mà qua đây lại phải đứng ở ngoài trời cả ngày. Giữa tiết trời đông rơi xuống âm 4 độ C của Hàn Quốc, cái lạnh thấu xương quật vào người khiến mình không trụ nổi với công việc này sang ngày thứ 2.
Hai bàn tay lạnh cóng nhận lấy tiền lương của ngày làm việc đầu tiên và duy nhất đó, mình bước lên tàu về lại ký túc xá. Vậy là tiền làm của ngày hôm đó coi như để trả tiền tàu. Huề vốn!
Sau khi về lại Busan, mình tiếp tục tìm kiếm cơ hội trải nghiệm một công việc khác mà không cần giỏi tiếng. Và lần này là làm cá tại chợ Jagalchi – một trong những chợ cá nổi tiếng ở Busan. Thời gian làm việc là từ khuya đến sáng sớm. Các cô chú đánh cá lên thì mình lựa cá theo size rồi bỏ vào rổ. Công việc tính ra cũng không mấy vất vả, nhưng… mình không chịu được mùi tanh của cá… Thế nên làm được đúng 1 ngày, mình nghỉ việc.
Tiền thì không dư dả gì mấy, nhưng mình “lời lớn” khi nhận ra được một bài học: lo mà chú tâm học tiếng nếu muốn làm những công việc có tính chất nhẹ nhàng hơn!
Trong 3 tháng sau đó mình đã hoàn toàn tập trung học tiếng Hàn. Không mon men “trải nghiệm thêm cuộc sống” bằng cách đi làm nữa. Khi tiếng Hàn tốt lên, mình lại… đi xin việc. Nhưng lần này mình đã xin được việc phục vụ tại một nhà hàng thịt nướng ở phố đi bộ Nampo – một trong những con phố đi bộ nổi tiếng, thu hút khách du lịch quốc tế ở Busan.
Tại đây, thông qua công việc mình học được nhiều từ vựng, ngữ pháp mà trên lớp chưa được học, hiểu hơn về cách giao tiếp, lối sống và văn hoá của người Hàn.
Đến tháng 7 năm 2021, sau gần 2 năm sang Hàn, mình đạt được Topik 6 (cấp độ cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn) và tốt nghiệp khóa học tiếng tại Viện ngôn ngữ tiếng Hàn trường Đại học Dong-A. Lúc này mình đã quyết định nhập học đại học với chuyên ngành Quản trị kinh doanh theo đúng mục đích và ước mơ ban đầu.
Và cũng nhờ tiếng Hàn ổn mà việc học hành của mình khi vào chương trình chính thức trở nên dễ dàng hơn. Rồi nỗ lực được cộng dồn như quả cầu tuyết lăn, xếp hạng thành tích học tập tốt giúp mình nhận được học bổng 70% - 100% liên tục các kỳ.
Mình cũng nhận được nhiều cơ hội tham gia nhiều chương trình, hoạt động của trường như: Thông dịch – Hỗ trợ viên hỗ trợ sinh viên quốc tế tại Phòng hợp tác quốc tế TP Busan, Biên tập viên thực tập tại Hiệu sách quận Jung-gu Busan, Ủy viên ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại trường nhiệm kỳ 2022…
Chúng cũng là những điều kiện lớn giúp mình trúng cử Hội trưởng Hội sinh viên trường Dong-A năm 2023, và nhận được vị trí thực tập ở Văn phòng Quốc tế của trường.
Trong khoảng thời gian này, mình có nhiều cơ hội được gặp gỡ, tiếp kiến, quen biết nhiều mối quan hệ trong và ngoài trường giúp bản thân được giao lưu và học hỏi nhiều hơn. Mình vẫn duy trì công việc ở nhà hàng khoảng 4 buổi một tuần, nhưng nó không gánh thêm áp lực buộc mình “phải trải nghiệm” hay “kiếm thêm” nhiều như trước nữa.
Mình nói ra những điều này không phải để khoe khoang, mà chỉ muốn chia sẻ lại với các bạn sinh viên mới khác rằng: nhờ tập trung học tập mà chúng ta cũng có thể có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm cuộc sống. Một chút đầu tư đúng đắn vào ban đầu có thể mang đến số “tiền lời” mà mình không thể đong đếm được.
Và đó có lẽ là một trong những bài học về “kinh doanh” quý giá mình có được khi còn là sinh viên!
Thành lập vào năm 1946, Đại học Dong-A là trường tư thục có lịch sử lâu đời và danh tiếng nhất tại thành phố Busan, đạt chuẩn Hệ thống chứng nhận năng lực quốc tế hóa Giáo dục.
Đây là trường đại học có quy mô lớn thứ 13 tại Hàn Quốc với hơn 20.000 sinh viên. Trong đó có hơn 1500 sinh viên quốc tế, bao gồm 1000 sinh viên Việt Nam (nằm trong top trường có nhiều sinh viên Việt Nam nhất tại Hàn Quốc).
Sinh viên Việt Nam theo học tại trường theo 3 hệ, gồm học tiếng, đại học và cao học. Sinh viên cả 3 hệ đều trực thuộc quyền quản lý của Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại trường. Ban chấp hành gồm nhiều ban đảm trách nhiều lĩnh vực khác nhau như: Truyền thông, Sự kiện, Đối ngoại, Tài chính… phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên trong quá trình sinh sống và học tập tại Hàn.
Năm 2022, Đại học Dong-A được chọn là trường đại học có số lượng lớn các sinh viên cao học được nhận học bổng Chính phủ tại khu vực Busan.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về thông tin trường tại đây.