Điều gì giúp mình kiên trì?
Mình đã từng sống hết mình với công việc thiết kế và đã kể nhiều về câu chuyện đó. Nói như vậy bởi vì, đối với công việc thiết kế, mình đã có một tuổi trẻ quyết tâm và vượt qua nhiều thử thách để đến được thời điểm này.
Mình làm được vậy là vì mình có niềm đam mê với thiết kế?
Ừ, đúng là chỉ có lý do “vì đam mê” mới dễ giải thích cho sự kiên trì này. Thế nhưng thật lòng, thỉnh thoảng mình cũng tự phân vân về con đường đã chọn, vì mình không hoàn toàn vui vẻ với mọi khía cạnh của nó.
Bây giờ khi bắt đầu một hành trình mới cho việc viết lách, lần thứ hai tìm được một thứ gì đó để duy trì trong mấy năm qua, mình nhận ra có những yếu tố sau đã giúp mình kiên trì với cả công việc thiết kế và viết lách.
Một mảnh ghép mới
Từ nhỏ mình đã nhận thấy bản thân là một người cả thèm chóng chán, làm việc gì cũng chỉ nhiệt thành lúc đầu, sau một thời gian nguội lạnh lại từ bỏ. Chính vì thế, trong hành trình hiểu về bản thân, mình luôn trăn trở với câu hỏi: “Thứ gì có thể tạo ra mong muốn để mình đi đến cùng với nó?”.
Câu trả lời là hãy tìm ra thứ gì đó gọi là đam mê, rồi tiếp tục duy trì ngọn lửa đam mê đó? Hay phải chọn một công việc cẩn thận để không vỡ mộng, rồi bỏ cuộc sớm?
Trực giác mách bảo nỗi trăn trở kia vẫn chưa thật sự được giải đáp thỏa đáng, nhờ vậy mà đến hôm nay mình lại tìm ra thêm một mảnh ghép khác cho câu trả lời. Đó là ta sẽ kiên trì hơn nếu thấy được ý nghĩa trong những việc mình làm.
Đến đây, bạn có thể nghĩ rằng mình sắp nói về điều gì to tát như ý nghĩa sống cho cuộc đời vậy. Nhưng mình chỉ muốn nói về những chỉ báo có thể cho biết được ta có đang làm những việc đáng làm không. Vì mình nghĩ, ý nghĩa, tầm nhìn, sứ mệnh là những cụm từ dễ tự tuyên bố, nhưng khó tự thuyết phục.
Vậy nói cụ thể hơn, điều gì làm nên một công việc có ý nghĩa? Với mình lúc này, chúng là những thứ sắp được đề cập tiếp theo đây.
Việc đó mang lại cảm giác thân thuộc
Một thứ tạo được cảm giác thân thuộc thường gần gũi với bản chất của chúng ta. Bản chất là gì lại phụ thuộc vào cách ta đánh giá nó như thế nào bằng thế giới quan của mình.
Ngẫm lại khi còn nhỏ, mình thường tự giải trí trong khu vườn ở nhà, mỗi ngày lại tưởng tượng ra những thế giới khác nhau. Điều đó đã dần hình thành cho mình thói quen nghĩ ngợi, tìm tòi sáng tạo, và tận hưởng khi tạo ra những cái mới.
Nhờ vậy, với công việc thiết kế, mình thật sự tận hưởng cả quá trình sáng tạo hàng ngày, và đặc biệt thích thú nếu tạo ra một giải pháp mới hữu ích cho khách hàng. Việc sớm nhận ra điều này từ lúc học đại học đã giúp mình tin hơn vào quyết định của bản thân hơn.
Vậy việc viết thành người “thân quen” của mình như thế nào? Đó là nhờ mình không viết những gì mình chưa trải nghiệm trong cuộc sống. Với mỗi bài viết ra, mình đều đọc đi đọc lại không dưới 20 lần, như thể được sống lại một lần nữa. Có những bài cho mình cảm xúc bồi hồi, thương thân, có những bài lại cười tủm tỉm.
Nói một cách khác, thiết kế là thứ khiến mình cảm thấy vui vẻ trong quá trình, còn viết là tận hưởng kết quả.
Việc đó (từng bước) giúp mình vượt qua phiên bản cũ của bản thân
Phải nói thật, khoảnh khắc này không đến nhiều lần. Nhưng mỗi lần như vậy nó lại tạo ra cho mình những ký ức không thể quên trong đời.
Đó là khi mình đủ thành công để mẹ chấp nhận thiết kế là công việc của mình. Là khi đang ngồi uống bia với đám bạn mà sản phẩm thiết kế của mình được lọt vào top 1 Popular trên Dribbble. Là khi mình nhận được công việc mức lương 9 chữ số.
Mỗi mốc như vậy là mỗi lần mình đẩy giới hạn của bản thân lên cao nhất có thể, để vượt qua những thử thách mà cuộc đời cứ liên tục ném vào, để thách thức bản thân đối đầu với các cảm xúc không thoải mái, và để không chọn lấy “từ bỏ”.
Rồi sau đó, niềm tin về bản thân lại càng được bồi đắp dày hơn, như một bức tường thành đương đầu những cấp độ thử thách cao hơn sau đó. Nhờ vậy mà mỗi lần gặp khó khăn, mình lại tự nhủ “lại thấy khó rồi, sắp học được gì hay ho đây”.
Với việc viết cũng vậy, không ít lần mình có những ý tưởng đầy hứng khởi, nghĩ nhiều, viết nhiều nhưng phải dừng lại. Vì lúc đó nghĩ rằng mình chưa đủ trải nghiệm sống để truyền tải giá trị gì cho người đọc. Rồi một thời gian sau quay lại hoàn thành nó, lại có được cảm giác như chính mình đã “sống nhiều hơn”, đã là phiên bản giàu hơn.
Và điều này cũng gợi cho mình điều tiếp theo…
Việc đó làm mình hướng tới giá trị “cho đi”, trước khi có thể “nhận lại” được gì từ nó
Ban đầu, yếu tố này chỉ xuất hiện lờ mờ trong công việc thiết kế, khi mình cho rằng giá trị mình tạo ra thể hiện qua mức thu nhập, sự đón nhận trên các nền tảng mạng xã hội thiết kế như Dribbble hay Behance.
Rồi khi bắt đầu trưởng thành trong công việc, cũng là khi bản thân mình trưởng thành, mình nhận ra trước khi thu được giá trị từ người khác, bản thân mình phải hướng đến “mình có thể làm gì để tốt hơn”.
Mình thấy được cần có những phẩm chất của một người tiền bối (senior) trước khi thực sự có danh hiệu "Senior", hay phải bỏ đi những tật xấu của mình trước khi muốn được công nhận là một nhà thiết kế giỏi.
Mọi thứ càng rõ ràng hơn khi mình viết nhiều hơn. Mình không sợ thiếu chủ đề để viết, mình chỉ sợ thiếu trải nghiệm sống để viết. Khi chọn một chủ đề mình sẽ tự hỏi: Giá trị của chủ đề này là gì? Có gì mới hơn những thứ thường gặp không?
Đó là vì mình biết dù có thể viết ra những câu văn hay ho, từ ngữ bay bổng mà không có giá trị của riêng mình, thì mình cũng sẽ bỏ bài viết này mà thôi.
Mình có thể tự hào kể về công việc đó
Khi yêu thích một công việc nào đó, ta có xu hướng thao thao bất tuyệt về nó khi gặp bạn bè, người thân dù có được hỏi hay không.
Bạn biết không, khi bắt đầu biết cách kể chuyện cũng là khi mình nhận ra có nhiều cách khác nhau để nhìn nhận thế giới này. Trong quá khứ, mình đã từng nghĩ bản thân vì cô đơn từ nhỏ nên phải làm quen với nó để độc lập. Càng tự kể lại, góc nhìn của mình càng thay đổi, và mình không còn cảm giác là nạn nhân của hoàn cảnh gia đình nữa.
Và mình cũng bắt đầu việc viết thông qua những câu chuyện thiết kế, chia sẻ lại những gì đã học được, với mong muốn ban đầu là giúp cho những bạn bắt đầu hành trình thiết kế có thêm những kinh nghiệm thực tế.
Suy nghĩ cuối
Cảm ơn các bạn, những người đã đón nhận, đã lắng nghe và đã ủng hộ các câu chuyện của mình. Dù đồng tình hay phản đối, mình hy vọng cách mình kể về cuộc sống này sẽ trở thành một nguồn thông tin hữu ích cho hành trình của riêng bạn. Happy reading!