Đối mặt với nỗi sợ trước những điều chưa biết
Theo Mark Manson, mức độ thay đổi của xã hội càng lớn, nỗi sợ trước những điều chưa biết càng tăng. Làm thế nào để chung sống hòa hợp với nỗi sợ đó?
Tiếp nối bài viết "Chúng ta dễ bám vào niềm tin sai lầm trước quá nhiều điều không chắc chắn", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "The Fear of the Unknown" đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Ít nhất chúng ta vẫn cần một mức độ khoan dung nhất định cho những điều không chắc chắn để phát triển và thành công.
Vậy làm thế nào để chung sống hòa hợp với nó? Làm sao để đối mặt với nỗi sợ trước những điều chưa xác định?
Làm sao để chung sống với những điều không chắc chắn?
1. Tập quen với những cảm xúc tiêu cực
Chúng ta càng né tránh cảm xúc tiêu cực, ngược lại càng khiến những cảm xúc đó ngáng chân mình vào một thời điểm khác.
Lờ đi sự thật rằng bạn đang bực tức sẽ chỉ khiến cơn giận tăng lên và bùng nổ ở một thời điểm không thích hợp nào sau đó.
Lờ đi nỗi oán giận với bố mẹ mà bạn luôn chất chứa trong lòng và vờ như mọi thứ vẫn ổn sẽ chỉ khiến tình hình dần tệ đi, mối quan hệ căng thẳng kéo dài thêm nhiều năm trời, nếu không muốn nói là cả đời.
Cũng như lờ đi cảm giác lo âu và khó chịu khi phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn chỉ khiến bạn càng lo lắng về nó hơn.
Có một nghiên cứu thú vị về mối liên hệ giữa hành vi sử dụng điện thoại di động với nỗi lo âu về những điều không chắc chắn. Đây chỉ mới là dữ liệu tương quan nên chúng ta chưa thể đưa ra kết luận chắc nịch về quan hệ nguyên nhân - kết quả, nhưng vẫn cho thấy những ý hợp lý.
Lý thuyết này cho rằng khi bạn sa vào những kiểu hành vi trốn chạy như là cắm mặt vào điện thoại, bạn đang dần giảm mức độ tiếp xúc với những điều không chắc chắn hàng ngày. Một khi đã không có kinh nghiệm đối mặt với những điều không chắc chắn hàng ngày, việc xử lý chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Cũng như nếu bạn chưa từng tiếp xúc với bất kì loại vi khuẩn nào, hệ thống miễn dịch của bạn cũng sẽ không có cơ hội chiến đấu với chúng, do đó không bao giờ “học được" cách miễn nhiễm với bệnh tật.
Hãy để cho bản thân kiên cường hơn trước sự không chắc chắn… bằng cách sống hoà hợp với nó.
2. Xây dựng thói quen và nếp sống
Việc đối mặt với cảm giác thiếu chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn tập trung kiểm soát những gì bạn có thể kiểm soát được. Bằng cách xây dựng thói quen và nếp sống cho những phần quan trọng trong cuộc sống, bạn sẽ cân bằng lại những điều bất định và có cảm giác ổn định hơn phần nào.
Phải nhấn mạnh là ổn định không đồng nghĩa với chắc chắn. Bất cứ cá nhân, đoàn thể hay cộng đồng nào cũng nên tiếp nhận nhiều điều không chắc chắn hơn để giúp họ thêm kiên cường và vững vàng. Nhưng việc trở nên kiên cường và vững vàng này cũng không thể đảm bảo rằng sự kiên cường và vững vàng của bạn là một điều chắc chắn.
Lợi ích thật sự của việc xây dựng thói quen lành mạnh là bạn sẽ đối mặt trực tiếp với những gì bạn có thể và không thể kiểm soát trong cuộc sống. Đổi lại, nó giúp bạn thoải mái với những điều không chắc chắn hơn.
Ví dụ, tất cả những nghiên cứu về thói quen đều cho rằng khi cần xây dựng và duy trì thói quen lành mạnh, sức mạnh ý chí còn lâu mới quan trọng bằng yếu tố môi trường.
Nên nếu bạn không thể kiểm soát được khi nào mình thèm đồ ngọt, bạn vẫn có thể kiểm soát được những gì mình mua tại cửa hàng. Nếu bạn không chọn những món đó mà chỉ trữ sẵn những loại thức ăn vặt tốt cho sức khỏe, bạn sẽ giảm được chuyện “lục tủ lạnh" những lúc yếu lòng.
Chỉ cần thay đổi nhẹ cách nghĩ thôi là đã tạo ra được hiệu quả rõ rệt: bạn ít có khả năng kiểm soát cảm nhận của mình tại một thời điểm, nhưng có tầm kiểm soát rất lớn lên môi trường xung quanh khi cảm nhận đó ập đến. Thế nên cứ tập trung vào việc tạo ra môi trường tốt nhất cho mình là được.
Một khi bạn đã đổi cách nghĩ, bạn sẽ bắt đầu tự nhủ với bản thân, “À, mình không thể kiểm soát X, nhưng mình có thể làm gì khác để tạo ra kết quả tốt nhất trong khả năng không nhỉ?”
Dần dần, bạn bắt đầu chấp nhận sự không chắc chắn như một phần của cuộc sống, vì bạn bắt đầu thấy rằng “không biết" chẳng phải là ngõ cụt nào hết, bạn vẫn kiểm soát được những thứ khác.
Một ví dụ khác đây: Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ đảm bảo được mình sẽ vào trạng thái sáng tạo đỉnh cao mỗi khi phải ngồi xuống viết thứ gì đó.
Nhưng tôi có thể kiểm soát được việc mình có chịu đặt mông xuống và bắt đầu viết hay không. Cảm hứng có lẽ sẽ ập đến vào một ngày nào đó hoặc không. Đó là chuyện tôi không kiểm soát được.
Có lẽ tôi chỉ nắm được khoảng 30% đến 40% cơ hội sẽ viết ra được thứ gì đáng đọc vào ngày hôm đó, nhưng nếu không chịu bắt tay vào làm thì tôi chỉ còn 0% cơ hội.
Vậy nên ngày nào mà tôi chẳng viết được gì ra hồn, tôi cũng chẳng phiền lòng lắm về cảm giác không chắc chắn nảy sinh – rằng mình sẽ chẳng thể viết được gì đáng đọc nữa. Bởi vì tôi biết rằng chỉ cần tôi tiếp tục viết, rồi cũng sẽ đào ra được thứ gì đó hay ho.
Mà nhân tiện nói về việc viết…
3. Tìm cách sáng tạo
Việc khoan dung hơn với những gì không xác định cũng liên quan tới việc trở nên sáng tạo hơn. Tôi không rõ là việc khoan dung với điều không xác định khiến bạn sáng tạo hơn hay ngược lại, nhưng có lẽ là cả hai.
Khi bạn tạo ra một thứ mới, dù chỉ mới với một mình bạn, thì bạn cũng phải đối mặt với cảm giác bất định vì không biết kết quả sẽ ra sao. Nhiều dân sáng tạo thường thoải mái với cảm giác này hơn khi vừa vào nghề, nhưng tôi cho rằng cũng có chiều ngược lại: quen với cảm giác bất định cũng giúp họ sáng tạo hơn.
Tôi vẫn đang đối mặt với cảm giác đó mỗi khi viết hầu như là mỗi ngày. Rồi một lần, tôi đào sâu hơn vào lĩnh vực chưa biết. Thế là tôi nghĩ, “Ấy, mình chưa từng bắt gặp/cảm thấy/trải nghiệm điều này bao giờ. Không biết nó có phải là…” và cứ thế xuôi theo nó.
Cơ hội ẩn sau những điều chưa biết
Chúng ta đang sống trong một thời điểm có thể tiếp xúc với nhiều thông tin hơn bao giờ hết. Dù thông tin đó thường gây bối rối và dẫn đến cảm giác bất định.
Có lẽ bạn đã từng cho rằng được tiếp xúc với bất cứ điều gì mình muốn biết sẽ giúp chúng ta cảm thấy được đảm bảo hơn. Nhưng vấn đề là bất cứ điều gì bạn cho là đúng thì sẽ có 3 người khác nói rằng nó không đúng.
Kết quả là, nhu cầu cấp thiết của việc quen với những thứ không xác định lại biến thành một vấn đề của thế kỷ 21. Mức độ và xác suất thay đổi của xã hội càng lớn chừng nào, cảm giác bối rối và thiếu chắc chắn sẽ càng tăng lên chừng đó.
Đó là lý do mà việc rèn luyện khả năng chấp nhận và khoan dung với nỗi sợ những điều chưa biết là chuyện quan trọng hơn bao giờ hết.