Fan Theory - Vì sao chúng ta thích đưa ra những giả thuyết?
Một sản phẩm truyền thông thành công là một sản phẩm truyền thông tạo nên nhiều cuộc bàn luận. Một TV series đang trong giai đoạn nghỉ giữa mùa, một vũ trụ điện ảnh đang cần sự liên kết giữa các bộ phim, một nhãn hiệu game muốn đưa người chơi tiêu thụ những sản phẩm khác,... tất cả đều cần phải tạo nên nhiều bàn luận để tạo nên sự hứng thú đến từ cộng đồng khán giả.
Trong số Bóc Phim lần này, cùng tìm hiểu về khái niệm fan theory, một sản phẩm truyền thông đến từ chính khán giả. Thứ mà đã khiến cho những series đang nghỉ giữa mùa như , ,... giữ được “lửa” của khán giả.
1. Fan theory là gì?
Để có thể hiểu rõ hơn về cụm từ fan theory, hay giả thuyết đến từ khán giả, chúng ta có thể chia những giả thuyết này thành 3 loại theo mục đích chính của chúng.
Thứ nhất, những giả thuyết dự đoán được khán giả đưa ra nhằm đoán trước những gì sắp xảy ra trong một sản phẩm truyền thông chưa hoàn tất… Chẳng hạn như cái kết của một TV Series chưa được hoàn thiện (Stranger Things, Better Call Saul,...) hay nội dung của những bộ phim tiếp theo trong một vụ trũ điện ảnh (Thor: Love and Thunder, Black Adam,...).
Thứ hai, những giả thuyết được đưa ra để giải thích những bí ẩn có sẵn trong một sản phẩm truyền thông. Những bí ẩn đó có thể là xuất thân thật sự của một nhân vật (Rick Sanchez, Golden Freedy,...) hay một mật mã kí tự được xuất hiện (cuốn danh bạ đen trong Better Call Saul,...).
Loại giả thuyết cuối cùng cũng là loại giải thuyết phức tạp nhất, đây là những giả thuyết được đưa ra để thay đổi hoàn toàn góc nhìn của khán giả về một tác phẩm. Những giải thuyết tiêu biểu thuộc thể loại này có lẽ phải kể đến là “Ron Weasley quyến rũ Hermione bằng lời nguyền Độc Đoán trong series phim Harry Potter” hay “Bạn đã giết Raticate trong Pokemon Red/Blue.”
2. Những giả thuyết khán giả bắt nguồn từ đâu?
Sự ra đời và phổ biến của những giả thuyết khán giả có sự liên kết rất chặt chẽ với sự phát triển của Internet.
Khi Internet ra đời, chúng cho phép những trải nghiệm cá nhân của một khán giả về một sản phẩm truyền thông trở thành một trải nghiệm tập thể. Những website fandom đời đầu của , ,... cho phép người hâm mộ của những tác phẩm này chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ, lẫn cách đọc tác phẩm đến những người hâm mộ khác.
Từ đó, những giả thuyết khán giả trở thành đề tài nóng hổi tại các diễn đàn này. Những giả thuyết này có xuất phát điểm là những mẩu truyện nhỏ ngẫu nhiên do người hâm mộ tạo ra (fan-fiction). Qua thời gian, chúng dần có tính liên kết chặt chẽ hơn với mạch truyện chính (canon) nhờ vào những tiết lộ, chi tiết được những fan hâm mộ thu nhặt từ chính sản phẩm hay những cuộc phỏng vấn, quảng cáo xoay quanh sản phẩm ấy.
3. Vì sao fan theory lại phổ biến?
Giả thuyết khán giả có lẽ là một trong số ít những sản phẩm phụ được tạo ra từ các sản phẩm truyền thông mà tại đó cả khán giả lẫn những người sáng tạo đều có những lợi ích thiết thực từ nhau.
Theo một bài báo nghiên cứu được đăng tải trên tờ Frontier Psychology, những giả thuyết cho phép khán giả tiếp tục tương tác với sản phẩm truyền thông mà họ yêu thích ngay cả khi chúng đã kết thúc. Sự kết hợp của hàng ngàn fan hâm mộ cùng đưa ra những phân tích, giả thuyết chắc chắn sẽ mở rộng trải nghiệm cá nhân của một người xem, tạo ra một không gian diễn đàn mà bất kì người hâm mộ nào cũng có lợi.
Ở mặt khác, những cuộc bàn luận nảy sinh từ giả thuyết cho phép những sản phẩm truyền thông giữ được sự hứng thú đến từ khán giả. Là một series với cốt truyện phức tạp được lắp đầy bởi những bí ẩn chưa được giải quyết, công tác quảng cáo của Stranger Things đã thật sự làm rất tốt trong việc “giữ lửa” cho khán giả.
Những hình ảnh biểu tượng như chiếc đồng hồ con lắc, những cánh cổng dẫn đến Upside Down cùng những con số,... được lồng ghép rải rác trong trailer như những manh mối khuyến khích người xem giải mã. Thậm chí, việc một nhân vật phụ như Karen Wheeler có được một poster riêng cũng đủ khiến internet phát cuồng đi tìm lời giải thích.
Ngoài việc tạo hứng thú cho những phần sắp tới những giả thuyết còn được sử dụng như một chất keo dán giữa những sản phẩm truyền thông trong cùng một vũ trụ nhân vật. Một trong những sản phẩm truyền thông làm điều này tốt nhất chắc chắn là game.
Vào năm 2014, Five Night At Freedy’s (FNAF) chính thức ra mắt và trở thành bệ phóng cho một trong những series game kinh dị thành công nhất mọi thời đại. Với lối chơi không có quá nhiều không gian để giới thiệu một cốt truyện hoàn chỉnh, nhà sản xuất game đã chọn lối kể chuyện không thể nào hoàn hảo hơn cho những nhà “giả thuyết gia.”
Từng chi tiết kể chuyện được lồng ghép vào những mẩu đối thoại ngẫu nhiên, những đồ vật xung quanh bối cảnh game,... Với mỗi phần game ra mắt, cộng đồng game thủ đã cùng nhau “đãi thóc tìm vàng” để tìm ra những manh mối và liên kết chúng lại với nhau. Tuy nhiên, những giả thuyết này chưa bao giờ thật sự hoàn chỉnh khi chúng luôn có những lỗ hổng cốt truyện và những bí ẩn chưa được giải thích.
Mãi đến đầu năm 2022, một cốt truyện hoàn chỉnh tạo nên bởi youtuber Hyperdroid mới thật sự được chấp nhận rộng rãi bởi cộng đồng game thủ của series này. Nhà sản xuất của FNAF đã thật sự tạo nên một trải nghiệm cực kì đặc biệt khi họ yêu cầu người chơi tập hợp tất cả manh mối từ 18 games thuộc series cùng hàng chục sản phẩm truyền thông liên quan khác như sách truyện, hoạt hình,...
4. Những fan theory thú vị
Cốt truyện hoàn chỉnh của Five Nights At Freedy
Với một cộng đồng game thủ hùng hậu, lẫn lượng thông tin trải dài qua hàng chục những sản phẩm truyền thông, quá trình tạo dựng nên cốt truyện hoàn chỉnh của Five Nights At Freedy’s chắc chắn sẽ là một trong những giả thuyết khán giả thú vị nhất từng tồn tại trong thế giới game.
ARG (Alternate Reality Game)
Nếu bạn chưa từng nghe đến cụm viết tắt “ARG” trước đây, chào mừng đến với một góc mới của Internet. Có thể hiểu là những “trò chơi thực tại mới,” các ARG là những trang web tưởng như bình thường trên Internet nhưng thật ra lại được tạo ra để kể một câu chuyện ẩn giấu phía dưới. Đến với ARG, là đến với một thế giới nơi mọi chi tiết đều được sắp đặt cực kì tỉ mỉ để tạo dựng nên những sự thật kinh hoàng mà chính cộng đồng người chơi phải tìm ra.
Những ARG mà bạn có thể tham khảo: Niantic Project, FleshPitNationalPark, Hipnagogic Archive…
Series Harry Potter
Sự nhiệt huyết của cộng đồng người hâm mộ cùng một thế giới phù thủy được xây dựng tỉ mỉ chính xác là công thức hoàn hảo cho những giả thuyết khán giả thú vị ra đời.
Từ những giả thuyết đã được xác nhận như “Dumbledore là người đồng tính”, “Ba Anh Em là Voldermort, Harry Potter và Dumbledore,” đến những giả thuyết điên rồ như “Dumbledore là Ron Weasley”, “Hagrid là Tử Thần Thực Tử…” tất cả đều đưa ra những góc nhìn thú vị về thế giới phù thủy này.