Giải Cứu Anh “Thầy”: Khi Nguyễn Phi Phi Anh tay không… bắt giặc

Những nhà làm phim chuyên nghiệp sẽ không thực hiện một bộ phim và phát hành với nguồn lực ít ỏi. Nhưng với PPAN, anh vẫn muốn “tay không bắt giặc” với một thái độ làm nghệ thuật hết sức rõ ràng.
Phan Linh
Nguồn: BHD & The PPAN Company

Nguồn: BHD & The PPAN Company

Giải Cứu Anh Thầy ra rạp Việt theo một cách thật đặc biệt. Bộ phim đầu tay của Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) là một bộ “phim mù”. Khán giả lựa chọn xem phim bằng... niềm tin. Họ đặt cược vào tác phẩm với chỉ cái tên của đạo diễn - PPAN - người đứng đằng sau chuỗi nhạc kịch nổi tiếng Góc Phố Danh Vọng, Đêm Hè Sau CuốiMộng Ước Không Xa Vời gần 10 năm trước đó.

Mớ kỳ quặc nhưng gần gũi

Khán giả có thể gọi bộ phim của PPAN - ban đầu chỉ đơn thuần được gọi là “Bộ phim bí ẩn” và sau đó được tiết lộ mang tiêu đề Giải Cứu Anh “Thầy” - theo các thể loại khác nhau, bất kể là hài đen pha kỳ ảo hay tâm lý xã hội. Đó có thể là cách tiếp cận dễ chịu với mớ kỳ quặc và hỗn loạn mà PPAN tạo ra trong tác phẩm đầu tay của mình. Bộ phim gần gũi, đặc biệt là với Gen Z bởi nó bao trọn đời sống của thế hệ này, từ livestream như một hiện tượng đại chúng cho đến những bài học phong cách sống; từ KOL đến “lối thoát” trong cuộc sống của người trẻ khi rơi vào bế tắc mang màu sắc “tâm linh”.

Minh Thấu (Tùng Bùi đóng) - nhân vật chính gặp một cơn khủng hoảng hiện sinh từ bản chất, trên bề nổi của một cuộc vỡ nợ. Anh ta đại diện cho những gì hẫng hụt của nhiều người trẻ mất phương hướng. Anh ta về cơ bản là một người không có giấc mơ, hoặc giấc mơ đó đã chết đi. Khi cơn khủng hoảng đến, anh ta chỉ đơn giản là “bỏ trốn”.

Nhân vật Minh Tinh (Thảo Tươi) - em gái của Minh Thấu - lại là một đại diện khác, của những người trẻ tin vào “bốc tụ”, “tâm linh”, “chữa lành”. Việc Minh Tinh phụ thuộc vào dịch vụ “Luôn Vui Cười” - một tổ chức đa vũ trụ luôn tìm tới những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ họ bằng phép thuật, thực ra cũng là một cuộc “khủng hoảng” khác trong tâm lý nhân vật này.

Hầu hết mọi nhân vật trong Giải Cứu Anh “Thầy” được xây dựng bằng việc mất kết nối của chính họ với thế giới. Đó là một thế hệ lạc lối cố bám víu vào sự bấp bênh của đời sống, để tồn tại. Nhưng đến cuối cùng, lối thoát thực sự có mở ra với họ? Trên nền “kỳ quặc” và “hỗn loạn”, bộ phim không mang đến câu trả lời nhưng là xoáy sâu vào điều này, như chính bản chất cuộc đời mà mỗi người rồi sẽ trải qua.

Một trong những “đường nối” để nhận ra thông điệp của phim PPAN chính là sự kết nối. Nhưng rất có khả năng Giải Cứu Anh “Thầy” sẽ tạo ra một cuộc chia rẽ trong khán giả. Nó cũng đều đã diễn ra với PPAN khi cậu bắt đầu con đường nghệ thuật, với những vở nhạc kịch đầu tiên. Công chúng của PPAN có thể chia thành 2 thái cực, hoặc rất thích hoặc không ưa nghệ thuật của anh. Có người tìm thấy sự mới mẻ hấp dẫn, có người cho rằng nó vẫn còn nhiều dấu ấn của sự vụng về.

Nhưng mỗi lần đầu tiên “chạm” vào một lĩnh vực mới, vị đạo diễn trẻ luôn mang đến những yếu tố bí ẩn, gần gũi, gắn liền với những hiện tượng văn hoá đại chúng, vừa mang một vẻ gì đó ngây thơ nhưng cũng đồng thời rất quyết liệt. Và Giải Cứu Anh “Thầy” đúng với tất cả những điều đó. Nhưng trên tất cả, một điều không thể phủ nhận, PPAN luôn cho thấy anh là một người sẵn sàng “tay không bắt giặc”.

“Tay không bắt giặc”

Có hơn 10 năm làm nghệ thuật nhưng đây mới là lần đầu PPAN chính thức bước chân vào lĩnh vực điện ảnh. Cũng vì thế, bộ phim khó tránh được những vụng về thuở mới vào nghề của một nhà làm phim trẻ. Việc những thể nghiệm hay phá cách của PPAN chưa thực sự tròn trịa là điều không quá khó hiểu.

Mặt khác, Giải Cứu Anh “Thầy” lại cho thấy một niềm tin và dẫn thân của người đạo diễn trẻ. Với một phim đầu tiên, anh thực hiện nó hoàn toàn với những gì mình có, từ nguồn kinh phí thấp, kịch bản tự viết, dàn diễn viên quen thuộc với PPAN nhưng xa lạ với công chúng điện ảnh - hay nói thẳng ra, là vô danh.

Trong nền công nghiệp điện ảnh đang vận hành ngày càng một bài bản, từ khâu gọi vốn, sản xuất, hậu kỳ, quảng bá và phát hành, Giải Cứu Anh “Thầy” dường như không theo quy chuẩn này. Với một bộ phim kinh phí thấp, PPAN dường như tự bỏ tiền túi để thực hiện. Đó là một sự mạo hiểm, có phần ngây thơ của nhà làm phim trẻ.

Ngoài kinh phí, PPAN cũng hoàn toàn làm bộ phim độc lập này với tất cả những nguồn lực từ chính bản thân anh. Anh tự tay nhào nặn kịch bản, kiêm luôn đạo diễn. Các diễn viên chính trong phim là những người từng tham gia biểu diễn trong các vở nhạc kịch của PPAN trước đây. Họ không chỉ xa lạ với công chúng điện ảnh mà còn xa lạ với việc diễn xuất trước máy quay.

Với những nhà làm phim chuyên nghiệp, họ sẽ không thực hiện một bộ phim và phát hành với những nguồn lực ít ỏi như vậy. Nhưng PPAN không như thế, anh vẫn muốn “tay không bắt giặc” với một thái độ làm nghệ thuật hết sức rõ ràng.

Trước khi thực hiện Giải Cứu Anh “Thầy”, nhiều người đã can ngăn PPAN. Trong lúc quay phim, đạo diễn trẻ và cộng sự vẫn thấy những “nỗ lực tốt nhất ngày hôm nay của mình có lẽ trông vẫn thô sơ với chuẩn mực đã được những người giỏi hơn và nguồn lực tốt hơn định hình”.

Song cuối cùng thì PPAN vẫn quyết định bấm máy, bởi đơn giản đây là câu chuyện mà anh muốn kể và phải kể bằng điện ảnh. PPAN cũng tự nhận thấy rằng, “bản thân tôi cũng cần làm - để còn giỏi lên, vì còn nhiều câu chuyện khác nữa tôi muốn kể bằng ngôn ngữ và công cụ của điện ảnh.”

“Một mặt, tôi vẫn luôn muốn làm khán giả vui, thích thú. Mặt khác, điện ảnh phải tái hiện được đời sống, với sứ mệnh sau cùng là để con người chúng ta trở nên thông cảm với nhau hơn”, PPAN nói. Trong suốt hành trình nghệ thuật hơn 10 năm của PPAN, có những tác phẩm thành công rực rỡ cũng có những tác phẩm chưa đạt, đó cũng là chuyện bình thường.

Thái độ dẫn thân dù là ở loại hình nào, cho thấy PPAN có quyết tâm với nghệ thuật là điều đáng trân trọng. Bất cứ ai, muốn làm nghệ thuật, không thể không dẫn thân, kể cả khi phải “tay không bắt giặc”.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục