Giải đáp về trào lưu FIRE (phần 1): Ai mới có thể đạt được độc lập tài chính?
Hỏi đáp những vấn đề liên quan đến FIRE - Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm.
Bài viết tuần trước về Trào lưu FIRE (Financial Independence: Độc lập tài chính và Retire Early: Nghỉ hưu sớm) không ngoài mong đợi đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ bạn đọc. Nhiều bạn nói rằng mặc dù mô hình FIRE còn rất mới ở Việt Nam, nhưng mong muốn độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm thì đã có từ lâu và nhiều người đang thực hiện mục tiêu này với những cách tiếp cận khác nhau.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này—sẽ luôn có nhiều hơn một con đường để tới đích. Tuy nhiên, cái được lớn nhất của FIRE là nó cho ta một con số (4%), một công thức cụ thể (x25) để tính toán thời điểm ta có thể đạt đến mục tiêu tự do về tài chính.
Chính sự cụ thể này tạo nên động lực để mọi người hành động—thay vì chỉ “gật gù” trước những khóa học làm giàu, những workshop về quản lý tài chính… mà không bao giờ bắt tay vào thực hiện.
Để làm rõ hơn khái niệm FIRE và để tăng thêm động lực cho bạn đọc bắt đầu con đường tiến tới tự chủ tài chính (dù có theo FIRE hay không), tôi sẽ trả lời một số câu hỏi thường gặp nhất về FIRE. Bài trả lời này sẽ chia làm 2 kỳ:
- Kỳ đầu: Những đối tượng nào phù hợp áp dụng FIRE?
- Kỳ sau: Quan điểm của FIRE về việc trả nợ và đầu tư?
Như đã đề cập ở bài viết trước, FIRE không dành cho tất cả mọi người, không tuyệt đối hoàn hảo và mỗi người phải tự tìm ra con đường riêng để đến được mục tiêu FI/RE của mình. Ý nghĩa chữ “cá nhân” trong “tài chính cá nhân” (personal finance) chính là ở đây.
1. FIRE có điểm gì đặc biệt (so với các cách tiếp cận tài chính khác)?
Hiện tại, có vô vàn cách quản lý tài chính, làm giàu, kinh doanh, đầu tư, tạo nguồn thu nhập thụ động…, bởi vậy, rất khó để so sánh FIRE với các cách tiếp cận tài chính khác nếu không đặt nó vào trong một tham chiếu cụ thể.
Theo quan điểm của tôi, nếu đặt tất cả các cách tiếp cận tài chính vào cùng một tham chiếu với cấp độ thấp nhất là “ổn định tài chính” và cấp độ cao nhất là “làm giàu”, thì FIRE có lẽ rơi vào chính giữa.
Để làm rõ hơn tham chiếu này, tôi minh họa cấp độ thấp nhất bằng cuốn “The Total Money Makeover” (Thay Đổi Diện Mạo Tài Chính) của Dave Ramsey và cấp độ cao nhất bằng cuốn “Rich Dad, Poor Dad” (Cha Giàu, Cha Nghèo) của Robert Kiyosaki. Cả hai cuốn sách này đã được review và so sánh tại đây.
Ở cấp độ “Ổn định tài chính”
Các phương pháp tập trung xây dựng một quá trình “chậm mà chắc” để một người bình thường (ý chỉ phần đông mọi người trong xã hội, làm công ăn lương, không quá kiệt xuất, có xuất thân bình thường) có được tự chủ tài chính.
Theo con đường này, một người bình thường cũng có thể trở nên giàu có nhưng cả quá trình sẽ phải mất rất nhiều thời gian vì nó được thiết kế dựa vào các yếu tố: chắc chắn, ổn định, ít rủi ro. Đây là cấp độ mà tất cả mọi người, dù ở hoàn cảnh kinh tế nào, cũng cần phải nỗ lực đạt được để quản lý đồng tiền tốt nhất.
Tiếng nói mạnh mẽ của cấp độ này là của chuyên gia tài chính Dave Ramsey với mô hình 7 Bước Nhỏ (7 baby steps).
Bạn có thể thấy, đối với cấp độ này, sự tập trung sẽ nhằm vào việc trả dứt điểm các khoản nợ và xây dựng nền tảng tài chính một cách từ từ (với 15% đầu tư vào hưu trí).
Điểm mạnh của phương pháp này là sự chắc chắn, ít rủi ro. Điểm yếu là chậm. Nếu bạn bắt đầu muộn, phải dành thời gian đầu để trả nợ, và lương không quá cao, thì với tỷ lệ đầu tư 15% bạn phải đầu tư đến tận tuổi nghỉ hưu (trung bình 55-60 tuổi) mới có thể đạt được độc lập tài chính.
Ở cấp độ “Làm giàu”
Các phương pháp tập trung vào việc kiếm tiền mạnh bạo để có thể xây dựng nền tảng tài chính hùng mạnh bằng việc tự làm chủ (mở doanh nghiệp, thầu nhà đất), đầu tư lớn, vận động vốn làm giàu.
Điểm mạnh của con đường này là nếu thành công, cơ hội sẽ mở ra rất nhiều, tiền đẻ ra tiền, và thực sự được làm chủ sự nghiệp, tiền tài của mình. Điểm yếu là nhiều rủi ro, thành công phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: tài năng, cơ hội, tiềm lực, tham vọng, mối quan hệ…
Tư tưởng làm giàu này thấm đẫm trong cuốn sách “Cha Giàu, Cha Nghèo” của Robert Kiyosaki. Mặc dù cuốn sách không nói cụ thể các bước làm giàu nhưng về cơ bản, tác giả kêu gọi người đọc chuyển biến về tư duy, nhìn mọi sự dưới con mắt của cơ hội kinh doanh, của người làm chủ, sẵn sàng đặt cược, chấp nhận rủi ro để đạt được mục tiêu.
Mục tiêu ở đây là giàu có và siêu giàu có (ultra rich) như triệu phú, tỉ phú, chứ không chỉ dừng ở mức độ độc lập tài chính. Đây cũng là cơ sở của rất nhiều khóa học kiếm tiền, làm giàu hiện nay.
Ở cấp độ “tự do tài chính”
Nhìn vào tham chiếu trên thì FIRE dường như đứng ở giữa. FIRE có xuất phát điểm là “ổn định tài chính” nên những bước đi ban đầu (đặc biệt là loại trừ nợ nần) giống với mô hình 7 Bước Nhỏ.
Tuy nhiên, sau khi đã trả hết nợ, thay vì chỉ để ra 15% đầu tư hưu trí, FIRE đặt tiêu chí tiết kiệm 50-70% thu nhập để có thể đạt được khả năng độc lập và hưu sớm trước tuổi 50. Điểm này khiến cho FIRE có sự khởi đầu chắc chắn nhưng không chậm như cách tiếp cận “ổn định tài chính”.
Đây là cách để những người bình thường có thể đạt được thành quả phi thường về tài chính.
Sau khi đạt được FI/RE, mọi người hoàn toàn có thể nối tiếp với phương pháp “làm giàu” để tiếp tục mục tiêu trở nên giàu/siêu giàu. Tuy nhiên, đây không phải mục đích lớn nhất của FIRE.
Tóm lại, điểm khác biệt lớn nhất của FIRE so với các cách tiếp cận tài chính khác là nó tạo ra mô hình cụ thể cho những người bình thường đạt được độc lập tài chính một cách chắc chắn, trong khoảng thời gian tương đối ngắn (từ 5 đến 15 năm, tùy theo mức thu nhập và khả năng tiết kiệm), mà không cần phải đặt cược lấy rủi ro cao hay làm chủ doanh nghiệp với trách nhiệm lãnh đạo lớn.
2. FIRE dành cho những ai?
FIRE dành cho những người bình thường, không quá tài giỏi, không nhất thiết phải có kỹ năng lãnh đạo, có thể chỉ làm công việc bình thường (làm công ăn lương), xuất thân không quá nổi trội NHƯNG có khả năng kỷ luật cao, tiết kiệm triệt để, có thể hy sinh những thú vui trước mắt (như quần áo, nghỉ dưỡng…) vì mục đích tài chính lớn phía trước.
Theo ý kiến cá nhân thì hầu hết những người nghĩ rằng FIRE không dành cho mình thường vì ưu tiên cuộc sống của họ không phải là tiết kiệm để đạt được độc lập tài chính.
Điều này là hoàn toàn bình thường. Không phải ai cũng có thể tiết kiệm được 50-70% thu nhập, đặc biệt với thu nhập thấp. Tuy nhiên, tiết kiệm đôi khi dễ hơn bạn nghĩ.
Xin chia sẻ cách vợ chồng tôi đang tiết kiệm thu nhập ở mức 50-70%. Cách tôi làm rất đơn giản.
Từ tháng 6/2019 trở về trước, tôi làm nghiên cứu sinh với mức lương tương đối thấp. Hai vợ chồng đã quen chi tiêu trong vòng mức lương đó được 3-4 năm nay. Chúng tôi sống tối giản nên chỉ chi tiêu vào những thứ thực sự có chất lượng và ý nghĩa.
Từ tháng 6/2019 tới nay, tôi đi làm chính thức với mức lương Data Analyst (chuyên viên phân tích dữ liệu), cao hơn nhiều lương nghiên cứu sinh eo hẹp trước đây. Nhưng quỹ chi tiêu của gia đình vẫn giữ ở mức cũ. Nói cách khác, lương tăng nhưng chi tiêu trong cuộc sống không thay đổi (kể cả khi có con).
Bạn cũng có thể làm theo cách như vậy. Nếu có cơ hội tăng lương, tăng thưởng, hay kiếm thêm tiền từ làm dự án ngoài, hãy tiết kiệm toàn bộ số tiền phụ trội này thay vì đổ nó vào chi tiêu hàng ngày.
Đừng để bản thân quen với việc có thêm tiền để chi nhiều tiền hơn vào những thứ không có mục đích. Đây là cách chính tôi đang làm để thực hành tiết kiệm trong giai đoạn hiện nay.
3. FIRE không dành cho những ai?
FIRE không dành cho những người không thể, hoặc không muốn tiết kiệm, hy sinh, chắt bóp quá nhiều. FIRE cũng không dành cho những người thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình.
Nếu công việc bạn đang làm hoàn toàn tốt đẹp, bạn không có mưu cầu gì để độc lập tài chính, bạn hoàn toàn hạnh phúc với việc lĩnh lương hàng tháng và nghỉ hưu ở tuổi 55-60, thì bạn không cần làm FIRE.
FIRE có lẽ cũng không dành cho những người có mộng làm kinh doanh lớn, tạo ra mức thu nhập khủng, vì họ hợp với những cách làm giàu khác nhanh và mạnh mẽ hơn.