Họa sĩ Trịnh Lữ: "Ngồi một chỗ lâu nhiều khi quên mất thế giới"
Đã một năm trôi qua kể từ số Have A Sip của dịch giả, nhà văn, họa sĩ Trịnh Lữ. Trong buổi trò chuyện ấy, bác đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc viết, ý nghĩa của việc đọc, và những nét đẹp trong cách thực hành ngôn ngữ.
Trong những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, bác Trịnh Lữ một lần nữa ngồi lại cùng Vietcetera để đàm thoại về nghệ thuật, và nhìn lại một năm qua trên tinh thần “ôn cố tri tân.”
Vẫn là con người ấy với mái tóc bạc, dáng vẻ từ tốn, và giọng nói trầm ngâm, nhưng bác Trịnh Lữ đã trò chuyện với một vai trò khác trong lần tái xuất này: vai trò của người họa sĩ, một người yêu hội họa, một người nhạy cảm với sự vận động của thiên nhiên, mẫn cảm với màu sắc và những cảm xúc chân thành của con người.
Phiêu du để thấy sự bất biến của cuộc đời
Bác Trịnh Lữ chia sẻ, 2022 là một năm nhiều biến động. Tuy nhiên, biến động và xung đột là những sự lặp lại muôn đời của lịch sử và của nhân loại. Ta không nên quá lo lắng bởi đời người chỉ như hạt cát trong bể thế sự, không nên bị cuốn vào những lo lắng của cuộc đời mà quên đi những sự kết nối với người thân, với thế giới xung quanh, và những cảm xúc ở bên trong mình.
Sau khi đại dịch kết thúc, họa sĩ Trịnh Lữ đã du lịch tại châu Âu để thấy sự thay đổi của thế giới và tìm những nguồn cảm hứng mới. Bác thừa nhận rằng bản thân đã có tuổi, không thể tiếp tục tinh thần “du hí” dài ngày của những ngày trẻ tuổi thảnh thơi. Nhưng ham mê xê dịch, mong muốn được nhìn thấy thế giới, được tiếp xúc với nhân loại thì vẫn luôn là một hằng số bất biến trong con người họa sĩ.
Một hằng số khác mà bác nhận ra trong hành trình khám phá thế giới là khả năng đáp ứng, thích nghi với những sự thay đổi hay những kế hoạch bất ngờ. Đây cũng chính là lí do tại sao người họa sĩ già ấy có thể bình tĩnh và bình thản trước những biến cố của lịch sử. Thay vì ngóng đợi những tác nhân của thế giới bên ngoài, họa sĩ Trịnh Lữ nhìn sâu vào trong mình để nhìn ra những điều không thay đổi trong bản thân, giữa một thế giới luôn đổi thay.
Nhưng càng soi chiếu vào bên trong và đối sánh với thế giới bên ngoài, họa sĩ Trịnh Lữ càng nhìn rõ những sự đứt gãy nhân loại với chính mình và với thế giới xung quanh. Công nghệ làm cho cuộc sống phân mảnh, nó chỉ kết nối ta với những trung gian chứ không có năng lực tạo ra sự kết nối đậm sâu và chân thành giữa người với người, cũng như giữa người với thiên nhiên.
Thế giới liên tục đổi thay, và có lẽ sẽ còn thay đổi nhiều nữa trong những thập niên tới. Điều duy nhất còn đọng lại trong những biến động đảo điên đó là tình cảm của con người. Đây là thứ duy nhất mà nhân loại còn níu kéo, là đức tính duy nhất hàn gắn nhân loại trong những đứt gãy của lịch sử. Chừng nào nhân loại còn sống tình cảm với nhau, chừng đó ta còn có thể thích ứng với những biến thiên không ngừng mà công nghệ và khoa học đang thúc đẩy.
Giá trị nghệ thuật không đổi trong thời buổi buôn tranh, bán chữ
“Đồng tiền làm mọi thứ có giá trị khác.” Khi quan sát đời sống hội họa nói riêng và đời sống nghệ thuật nói chung của đại chúng ngày nay, họa sĩ Trịnh Lữ nhìn thấy rõ sự ảnh hưởng của quá trình thương mại hóa, biến nghệ thuật từ những giá trị tinh thần, những sự thể hiện cảm xúc thành vật phẩm hàng hóa.
Theo họa sĩ, nghệ thuật không đơn thuần là chạy theo thị hiếu hay các trào lưu sáng tác, mà luôn có nhiều phương diện khác nhau. Trong quá khứ, vào thời Phục Hưng khi đồng tiền ít có tác động tới nghệ thuật, họa sĩ vẽ vì các giá trị tín ngưỡng và đạo đức trong xã hội. Những bức tranh tường trong các nhà thờ chính là để khắc họa một thế giới khác và thể hiện các quan niệm tín ngưỡng, từ đó thuyết phục quần chúng lao động để họ tin theo.
Ngày nay, nghệ thuật là sự chiến đấu, nghệ thuật xuất hiện trong các cuộc đấu tranh. Đó có thể là một cuộc chiến tranh thực sự, cũng có thể là những chiến trường vô hình nơi các tư tưởng và quan niệm đối thoại với nhau. Dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản, thực hành vẽ bây giờ không còn là sự định hướng thể hiện một thế giới khác hay một xã hội mà người họa sĩ muốn xây dựng, mà là vẽ theo góc nhìn và quan niệm của cá nhân mình.
Những sự ảnh hưởng ấy đã tạo ra một tình cảnh có phần nghèo nàn: giới nghệ thuật hiện nay không còn đoái hoài đến thiên nhiên, không còn để ý tái hiện đời sống bình thường và những giá trị thường nhật. Nhiều phòng tranh không có hình ảnh gì của sự sống bình dân. Người ta chỉ vẽ để phô trương kỹ thuật, tác phẩm vì thế cứ phải làm quá lên mà thiếu đi sự say đắm của con người bình thường.
Cái gì cũng phải biểu diễn một chút, đó chính là hiện trạng của nghệ thuật mà họa sĩ Trịnh Lữ nhận thấy. Và không chỉ trong nghệ thuật, đời sống của chúng ta bây giờ cũng có vô vàn sự trình diễn. Tất cả mọi thứ bây giờ đều bị thương mại hóa, trong đó có cả những không gian văn hóa nghệ thuật và cả việc sinh hoạt văn hóa. Điều này, theo bác Trịnh Lữ, là một hiện trạng khó khắc phục.
Trong bối cảnh ấy, giá trị bất biến của nghệ thuật chính là sự kết nối của chúng ta với thiên nhiên. Khi đã tìm thấy mối quan hệ ấy và hiểu được cảm giác kết nối với thiên nhiên, người ta sẽ hiểu ra rằng sự kết nối này là một hằng số nghệ thuật quan trọng, khiến ta cảm giác mình là một phần của thế giới.
Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên hiện hữu rõ ràng trong chính thực hành vẽ của các họa sĩ. Ví dụ, có một số họa sĩ sử dụng đất làm chất liệu nghệ thuật, họ lấy chính những cục đất ở quê hương mình để chế tác thành những màu sắc, chất liệu có tính thẩm mỹ.
Đây cũng chính là cách làm ngày xưa ở châu Âu, khi mỗi màu sắc đều lấy từ chính những cục đất vô tri. Tên màu phần lớn là tên địa danh, tên thành phố nơi đất ở đó được đào lên để nghiền ra lấy màu. Họa sĩ cũng chính là người đi đào đất, tạo màu. Quan hệ của nghệ sĩ với thế giới xung quanh rất sâu sắc và bền chặt.
"Vẽ gì cũng là vẽ nội tâm mình"
Sống giữa thị thành xô bồ, một số người có mong muốn tìm về bản nguyên của họ, từ bỏ môi trường đô thị để với rừng núi. Theo họa sĩ Trịnh Lữ, đây là một hiện tượng hay, dù cho nhiều người nói họ là lập dị. Bác cho rằng lập dị hay bình thường, không quan trọng. Điều quan trọng là thế giới nội tâm bên trong mình, chỉ khi đã thấu hiểu bên trong thì mới có thể phóng chiếu bản thân ra thế giới bên ngoài.
Sở dĩ tâm thức bên trong quan trọng bởi đó là nơi nuôi dưỡng tình cảm và lòng nhân hậu ở con người. Chính vì không thấu hiểu bên trong nên con người mới gặp phải nghịch lý: tưởng rằng mình đã quá khôn ngoan, quá hùng mạnh vì có khoa học kỹ thuật trong tay mà cho rằng mình có thể chế ngự thiên nhiên. Nhưng vì quá gắn chặt với máy móc, con người trở nên vô ơn với thiên nhiên, với những người xung quanh, và với chính bản thân mình.
Họa sĩ Trịnh Lữ sợ những lề thói ấy, bác sợ việc sống theo những thói quen không mang lại những giá trị chân thực, mà chỉ để ngày qua, tháng lại. Chính vì vậy, bác vẽ để đối thoại với chính mình, để củng cố mối quan hệ với thế giới xung quanh. Với phương châm “vẽ gì cũng là vẽ nội tâm mình,” họa sĩ Trịnh Lữ vẽ hoàn toàn chân thực với bản thân mình chứ không vì lí do gì khác.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật với người họa sĩ già đều phải khiến người ta rung động bởi dấu ấn của đời sống trong một mặt phẳng của màu sắc. Quan trọng nhất, bác cho rằng hội họa là sự bộc phát của cảm xúc. Nghệ thuật nuôi dưỡng ta bằng tình cảm, cân bằng đời sống con người bên cạnh thứ lí trí khoa học nhiều khi tàn nhẫn.
Do đó, thực hành vẽ nhiều khi là một thực hành thiền định - ta chú tâm vào một tác phẩm, cũng là chú tâm vào cảm xúc của bản thân. Đây chính là hình ảnh người nghệ sĩ đích thực đối với họa sĩ Trịnh Lữ.