CEO Curnon Quang Thái và phong thái lãnh đạo của một người trẻ
Trong chuyên mục How I Manage lần này, cùng Vietcetera trò chuyện với Quang Thái, đồng sáng lập kiêm CEO của Curnon, để hiểu thêm về phong cách dẫn dắt đầy sức trẻ của anh.
Tháng 12/2017, những chiếc đồng hồ đầu tiên mang theo hơi thở Việt của Curnon chính thức ra mắt thị trường. Curnon nhanh chóng ghi điểm với công chúng bởi tính thẩm mỹ và chất lượng không thua kém bất kỳ thương hiệu quốc tế nào, nhưng lại ở một mức giá hết sức phù hợp với người trẻ Việt.
Sau 2 năm thành lập, Curnon trở thành cái tên quen thuộc tại thị trường đồng hồ và phụ kiện Việt Nam. Curnon hiện đã phủ sóng toàn quốc với 5 cửa hàng tại hai thành phố lớn cũng như hệ thống phân phối online với lượng truy cập và mua hàng cao.
Đằng sau những bước tiến triển vọng này là sự cống hiến đầy chỉn chu và nhiệt huyết của cả đội ngũ trẻ tại Curnon. Trong chuyên mục How I Manage lần này, cùng Vietcetera trò chuyện với Quang Thái, đồng sáng lập kiêm CEO của Curnon, để hiểu thêm về phong cách dẫn dắt đầy sức trẻ của anh.
Ba giá trị cốt lõi trong phong cách lãnh đạo của anh?
Hài hước, oanh tạc và thành thật. Thật ra đây chỉ là 3 trong 6 giá trị nòng cốt của Curnon.
Một trong những nỗi lo lớn nhất của tôi chính là vô tình khiến Curnon phát triển theo hướng nhàm chán. Bởi lợi thế của mô hình khởi nghiệp (startup) vốn dĩ nằm ở môi trường làm việc năng động cùng với nguồn lực trẻ. Vì thế, tại Curnon, tôi muốn gìn giữ và phát triển yếu tố này nhằm khuyến khích sự sáng tạo, cũng như mang lại sự thoải mái cho từng thành viên của mình. ‘Hài hước’ chính là chìa khóa để tạo ra một không gian tràn đầy sự tích cực nhằm mang đến hiệu quả công việc cao hơn.
Tôi quan niệm rằng, “cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc.” Vì thế, ‘oanh tạc’ là cách tôi chọn để tiếp cận với mọi vấn đề. Đồng thời, nó còn là yếu tố tôi dùng để cân bằng môi trường làm việc trong công ty.
Sự đoàn kết của một tổ chức được hình thành dựa trên niềm tin giữa từng cá nhân. Và ‘thành thật’ là nguyên liệu chính làm nên điều đó. Góp ý thẳng thắn, khen ngợi thành thật luôn là cách tôi làm việc cùng các thành viên trong đội ngũ Curnon.
Đâu là kỹ năng anh tự trau dồi được kể từ khi thành lập Curnon?
Thời gian đầu, tôi có xu hướng chú trọng quá mức vào kết quả mà xem nhẹ việc quản lý quá trình làm việc trong công ty. Điều đó đã dẫn đến hiệu quả công việc không được như mong muốn. Vì thế, dẫn dắt là kỹ năng tôi rút ra và tự mình trau dồi được dựa trên kinh nghiệm thực tế đó. Nghe khá là nghịch lý, nhưng để giữ sự thoải mái và tự do cho nhân viên, đôi khi chúng ta cần đến những nguyên tắc nhất định. ‘Nguyên tắc’ đồng thời là một trong những giá trị nòng cốt Curnon đang hướng tới.
Tiêu chí tuyển chọn nhân viên của anh là gì? Và làm thế nào để tạo ra một team có tính chất bùng nổ?
Sự phù hợp văn hoá của công ty (cultural fit) là tiêu chí được tôi ưu tiên khi tuyển chọn. Với tôi, kỹ năng có thể mài dũa theo thời gian, nhưng thái độ lại là một vấn đề khác và khó hơn nhiều.
Theo tôi, chúng ta không thể đánh giá mức độ phù hợp của một nhân tố chỉ qua vài buổi phỏng vấn. Đó là lý do vì sao giai đoạn thử việc luôn đóng vai trò quan trọng. Không chỉ giúp ích cho doanh nghiệp, nó còn giúp ứng viên xác định được công ty nào đích thị là ‘nhà’ của mình.
Ai là người đã dẫn dắt và có ảnh hưởng đến sự nghiệp cũng như phong cách lãnh đạo của anh?
Đến bây giờ, tôi chỉ có một ‘người thầy’. Anh từng là sếp cũ đồng thời là người anh mà tôi vô cùng kính nể. Sự tử tế vô điều kiện của anh là đức tính và thái độ khiến tôi luôn ghi nhớ. Ngoài ra, với tôi, anh là một hình tượng đàn ông mẫu mực. Anh làm tôi nể phục bởi khả năng cân bằng giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội.
Hai bài học lớn nhất tôi học được từ anh là khi làm việc cùng bất cứ ai, đầu tiên, bản thân mình phải cho họ sự tin tưởng tối đa. Rồi theo thời gian và kinh nghiệm, mình có thể từng bước điều chỉnh sau. Bài học thứ hai là chúng ta nên luôn luôn đối xử tử tế với mọi thành viên trong đội ngũ, kể cả khi bản thân đang rơi vào trường hợp xấu nhất.
Điều gì khiến anh khởi nghiệp Curnon?
Có 2 lý do khiến tôi muốn thành lập Curnon tại thời điểm cách đây 2 năm:
Đầu tiên là tôi nhìn thấy được cơ hội trong thị trường bán lẻ (retail). Ngành bán lẻ Việt Nam đang sở hữu tốc độ tăng trưởng liên tục mỗi năm và được dự kiến sẽ tiếp tục tạo nên nhiều bước ngoặt chỉ trong vài năm sắp tới. Thế nhưng, tại sân chơi này tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều lĩnh vực và ngành hàng bị phân mảnh, cũng như chưa xác định được ai là người chơi tiên phong.
Mặt khác, tôi cũng nhận ra xu hướng mua sắm của Millennial Việt đang có sự biến chuyển rõ rệt. Các bạn đang dần cởi mở hơn với các thương hiệu nội địa (local brand). Các local brand ghi điểm bởi sự thấu hiểu và đại diện được cho tiếng nói chung cùng cộng đồng người trẻ.
Lý do thứ hai khiến tôi quyết định khởi nghiệp Curnon là tôi mong muốn được đồng hành cùng người trẻ Việt trên hành trình chinh phục ước mơ của bản thân. Đó là lý do tôi chọn Curnon (trong tiếng La-tinh có nghĩa là “Tại sao không?”) là tên thương hiệu của mình. Tôi hy vọng các sản phẩm của Curnon với thông điệp này có thể khích lệ tinh thần ‘dám nghĩ, dám làm’ của người trẻ.
Cơ hội và thử thách của Curnon cho đến thời điểm hiện tại là gì?
Theo tôi, một khi đã hiểu được bản chất cũng như bắt kịp sự chuyển biến của ngành bán lẻ, các doanh nghiệp sẽ nhận ra cơ hội cho mình vốn còn rất nhiều. Là thương hiệu phát triển theo mô hình bán lẻ trực tiếp đến khách hàng (Direct-to-consumer), Curnon hiểu rằng việc nắm bắt tâm lý và xu hướng mua sắm của người dùng luôn là yếu tố then chốt.
Mức độ tương tác theo hướng cá nhân với khách hàng càng cao, thương hiệu sẽ càng nhận được nhiều lợi thế. Hiện chúng tôi đang cố gắng tối ưu hoá mô hình này cũng như hiệu suất tính trên đầu đơn vị (unit economics) nhằm có thể giúp Curnon tăng trưởng nhanh trong tương lai.
Song song với cơ hội, đương nhiên chúng tôi gặp không ít các thử thách. Là một thương hiệu mang mác ‘tiên phong’ và ‘designed in Vietnam’, Curnon không tránh khỏi việc bị so sánh và thái độ e ngại từ phía công chúng trong những giai đoạn đầu. Vì lẽ đó, trong 2 năm đầu, chúng tôi tập trung nhiều vào công tác lắng nghe phản hồi. Để từ đó, chúng tôi có thể kịp thời cải tiến, mang lại cho khách hàng những sản phẩm và trải nghiệm khiến họ hài lòng nhất.
Nhìn lại, một trong những điều làm tôi tự hào nhất là sự nhiệt huyết của từng thành viên thuộc bộ phận R&D (Nghiên cứu và phát triển) và bộ phận Tư vấn – Chăm sóc khách hàng của Curnon. Chính sự nhiệt tình đó đã giúp Curnon thành công trong việc lưu dấu ấn trong lòng khách hàng.
Với Curnon, anh nghĩ bản thân sẽ tạo được sự khác biệt nào hay đóng góp gì cho thị trường Việt?
Vốn Curnon là một thương hiệu thuần tính thương mại, lẽ dĩ nhiên, công tác truyền tải những giá trị tinh thần của chúng tôi luôn tồn tại đâu đó những rào cản. Để có thể đạt được mục tiêu trở thành thương hiệu nội địa mang đến những cú hích, khơi gợi cảm hứng cho người trẻ Việt, tôi đã quyết định thành lập Long&Short.
Long&Short là một thương hiệu phụ (Sub-brand) phi lợi nhuận thuộc Curnon. Long&Short tập trung vào việc xây dựng và lan toả những câu chuyện đầy cảm hứng nhưng chưa từng được kể của các nhân vật. Không dừng lại ở các bài viết, thời gian tới chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức các sự kiện, tạo không gian cho người trẻ có cơ hội tiếp xúc và lắng nghe trực tiếp từ các nhân vật truyền cảm hứng.
Anh có thể chia sẻ một vài cột mốc đáng nhớ của Curnon được không?
Trong 2 năm qua, cột mốc đáng nhớ nhất, đồng thời là sự kiện đưa công ty sang một bước ngoặt mới chính là khi tôi tham gia chương trình Shark Tank.
Ngay sau khi chương trình lên sóng, nền tảng trực tuyến của Curnon đã nhận được lượng truy cập tăng vọt. Bên cạnh sự quan tâm của khách hàng, Curnon may mắn nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư. Để có thể đáp ứng quy mô cho số lượng đơn hàng tăng gấp 3 lần chỉ sau vài tuần, toàn bộ công ty đã phải nhanh chóng tái cơ cấu từ phòng ban, nhân sự cho đến vận hành. Ngoài ra, Curnon cũng phải chuyển đến một văn phòng khác có diện tích rộng rãi hơn.
Anh từng chia sẻ anh luôn đặt cột mốc sự nghiệp theo từng năm. Vậy năm nay cột mốc của anh và Curnon là gì? Anh đã đạt bao nhiêu phần trăm mục tiêu đề ra đó?
Năm 2019 là năm trải nghiệm của Curnon, từ chiến lược kinh doanh cho đến phương pháp vận hành nội bộ. Để có thể khẳng định rằng bản thân đã hiểu được mô hình kinh doanh, Curnon cùng đội ngũ chúng tôi phải trải qua vô số phép thử.
Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành các bước thử nghiệm và có thể chính thức đưa ra một chiến lược thống nhất cho mô hình kinh doanh của Curnon. Đối với tôi, đây chính là ‘quả chín’ mà tập thể Curnon ‘hái’ được trong năm 2019.
Dự định sắp tới của Curnon là gì?
Bước tiếp theo trong lộ trình phát triển của Curnon là tập trung vào tự động hoá và số hoá cho một vài quy trình. Mục đích là chuẩn bị cho Curnon ‘tư thế’ sẵn sàng đáp ứng việc mở rộng và nhân bản trong thời gian tới.
Tất cả nền tảng dữ liệu và quản lý của Curnon sẽ đồng loạt được hệ thống hoá. Với tốc độ thông tin luôn được cập nhật theo thời gian thực, các phòng ban sẽ được vận hành một cách linh hoạt nhất.
Việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp đội ngũ marketing đo lường được chính xác mức độ hiệu quả của từng chiến dịch quảng cáo. Song song đó, nó giúp hai nhóm bán hàng [trực tuyến và tại cửa hàng] nắm bắt được thông tin khách hàng. Qua đó, mọi nhu cầu cũng như thắc mắc từ phía khách hàng sẽ được phản hồi và tư vấn nhanh chóng nhất.
Về phía kho hàng, mọi người có thể đưa ra những phương án quản lý tồn kho chuẩn xác hơn, nhằm tối ưu hoá dòng tiền. Đương nhiên, đó chỉ là một phần và sẽ còn nhiều cải tiến khác cho toàn bộ tổng thể.
Anh có lời khuyên nào dành cho độc giả của Vietcetera, những người đang hoặc sắp bắt đầu khởi nghiệp?
Với một chút kinh nghiệm có được từ những lần thành lập startup, lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ sắp và mới khởi nghiệp là hãy tập trung vào hai yếu tố trường tồn nhất của doanh nghiệp: con người – văn hoá.
Bất kỳ công ty nào cũng tồn tại những giá trị biến đổi và những giá trị bất biến. Giá trị biến đổi bao gồm những chiến lược, cách thức và mô hình. Những điều này buộc phải thay đổi liên tục để bắt kịp với tốc độ biến đổi của thị thường.
Ngược lại, giá trị bất biến của một doanh nghiệp là niềm tin và tầm nhìn. Một khi xác định và xây dựng được tư tưởng cốt lõi, các nhà sáng lập trẻ nên tập trung vun đắp các giá trị bất biến của mình ngay từ những ngày đầu tiên.
Nhằm tránh việc sau này phải ‘đập đi xây lại’ đầy rủi ro, sau đây là một vài câu hỏi cơ bản mà theo tôi, ở cương vị một nhà sáng lập, có thể giúp bạn đặt những viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp của mình:
- Tầm nhìn của doanh nghiệp bạn đang xây dựng là gì?
- Để đạt được tầm nhìn đó bạn muốn những người như thế nào đồng hành cùng bạn?
- Tất cả các bạn sẽ làm việc hàng ngày trong một môi trường làm việc với văn hóa như thế nào?
Xem thêm:
[Bài viết] How I Manage: CEO KAMEREO Taku Tanaka
[Bài viết] Câu chuyện đằng sau sự thành công của Creatory