Huỳnh Anh Thư: Văn hoá Việt như một kho tàng với vô vàn góc độ chưa được khai thác

Bộ sưu tập “Nét" lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp đã giúp nhà thiết kế trẻ Huỳnh Anh Thư đạt thủ khoa đầu ra của ngành Thiết kế thời trang, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Jen
Một vài look trong BST "Nét" | Nguồn: Huỳnh Anh Thư

Một vài look trong BST "Nét" | Nguồn: Huỳnh Anh Thư

Huỳnh Anh Thư là một nhà thiết kế thời trang trẻ mới kết thúc quãng thời gian học Đại học với đồ án tốt nghiệp mang tên “Nét" nhận được điểm cao nhất toàn khoá và được đông đảo các bạn trẻ theo học thời trang quan tâm.

"Nét được hiểu nôm na là đường nét, hiểu sâu hơn là nét chữ nết người. Dưới góc độ của thư pháp, “nét” không chỉ bao hàm về hình thức, nội dung mà còn thể hiện khí chất của người cầm bút, một chữ viết đẹp. “Nét” đẹp bao hàm nhiều ý nghĩa trong nó, đòi hỏi người viết phải có vốn kiến thức đủ rộng và sâu, qua quá trình tập luyện lâu dài mới có thể truyền tải được tinh thần và cái hồn trên trang giấy", Anh Thư chia sẻ.

Thông qua BST “Nét”, Anh Thư khắc họa lại nét đẹp của nghệ thuật này trong ngôn ngữ thời trang bằng các biện pháp xử lý chất liệu như đính kết thủ công, phá cấu trúc từ phom dáng áo dài nam, rã rập thành từng mảnh nhỏ và xâu lại bằng móc khoen kim loại và đan và thắt dây phối hợp đa chất liệu… Tất cả để tạo nên câu chuyện đặc trưng trong từng bộ trang phục.

Và “Nét" cũng là điểm khởi đầu cho hành trình khám phá thời trang cũng như văn hoá Việt Nam của nhà thiết kế trẻ Huỳnh Anh Thư.

Điều gì ở thời trang khiến bạn hứng thú và theo đuổi?

Từ nhỏ mình đã thích vẽ quần, vẽ áo rồi. Khi chơi búp bê hay ra đường mà thấy người ta mặc đồ đẹp là mình cứ ngắm mãi thôi.

Nhưng khi học cấp 2, cấp 3 mình không nghĩ mình sẽ theo đuổi thời trang đâu vì mọi người hay nói ngành này hào hoa, thị phi. Cho đến trước khi thi Đại học và mình phải suy nghĩ về việc mình sẽ học gì trong 4 năm tiếp theo, vì không muốn bỏ phí 4 năm để học thứ mình không thích, mình đã chọn học thiết kế thời trang.

3 từ miêu tả phong cách thiết kế của Thư là gì?

Cá tính, thử nghiệm và đương đại.

“Cá tính” nằm ở phong cách thời trang trước giờ của mình, mình muốn mặc gì sẽ thiết kế ra như thế. “Thử nghiệm" vì mình thích làm trang phục nghiêng về xử lý chất liệu, còn “đương đại" vì mình nhìn thời trang dưới con mắt của một người trẻ hiện đại, muốn làm ra những bộ trang phục có tính ứng dụng.

Đâu là chất liệu bạn đã xử lý thành công nhất?

Với BST “Nét", mình đã thử nghiệm chất liệu mới là đan dây, phối hợp nhiều loại dây như dây thừng, len, dây sáp bóng với nhiều kiểu đan khác nhau và cho ra kết quả ổn ngoài mong đợi của mình.

Bạn thường nghe nhạc gì khi thiết kế?

Mình thường nghe Rock (cười).

Khó khăn lớn nhất khi làm thời trang là gì?

Đâu phải lúc nào bộ đồ làm ra cũng được như trên bản vẽ, ví dụ in vải lên màu không đúng, chia kích thước bị sai, hay lúc đan thử cũng không ra.

Ban đầu làm thời trang mình cũng hơi vỡ mộng vì nghĩ cái gì mình vẽ ra cũng phải làm ra được nhưng thật sự làm mãi không ra, nhiều khi tới ngày chấm bài vẫn chưa xong.

Thư thường đi tìm ý tưởng như thế nào? Cụ thể với “Nét", cảm hứng đã đến từ đâu?

Cảm hứng thường đến rất ngẫu nhiên, cái gì cho mình nhiều cảm xúc nhất, điều gì ảnh hướng đến mình nhất, mình nghĩ về cái gì nhiều nhất thì sẽ làm cái đó.

Nguồn cảm hứng cho “Nét" đến vào 1 năm trước, khi mình đang học môn “Cơ sở thiết kế” trên trường và cô dạy môn đó thường xuyên bàn về chữ Nôm. Cô nói thư pháp Việt Nam đã kéo dài hàng nghìn năm, trong đó đã bao hàm vô vàn giá trị về văn hóa, lịch sử. Sẽ thật nuối tiếc biết bao khi phần nào đó của thư pháp đang chìm dần vào quá khứ. Khi về nhà mình nghiên cứu thêm thì thấy rất hấp dẫn.

Chữ Nôm hay thư pháp có phải sự lựa chọn mạo hiểm không?

Chữ Nôm có nguồn gốc từ chữ Hán nhưng qua cách người Việt sử dụng đã có sự biến tấu, âm đọc hay cách viết đều khác. Nhưng mình cũng sợ vì nếu không nghiên cứu đủ kỹ sẽ bị tranh chấp với chữ Hán hoặc chỉ hiểu biết trên bề nổi chứ không am hiểu sâu về văn hoá, nguồn gốc. Vậy nên, mình đã nghiên cứu rất kĩ và khi thể hiện lên trang phục thì có sự biến tấu khéo léo.

Thư có kỷ niệm gì đáng nhớ trong quá trình làm “Nét” không?

Chắc là khi mình bị… lừa. Lúc đó mình cần mua một quyển sách nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật thư pháp Việt Nam mà sách đó hết xuất bản rồi, liên hệ nhà sách cũng không in nữa. Sau đó mình lên các hội nhóm tìm người bán lại và tìm được một chị ở Hải Phòng nhưng chuyển tiền xong đợi mãi không thấy sách, nhắn tin không trả lời. May về sau tìm được một anh khác bán lại.

Theo bạn, những nhà thiết kế trẻ có gì khác so với thế hệ đi trước?

Các bạn bây giờ phá cách hơn, thiên về sáng tạo để làm nổi bật cái tôi, nhiều khi trang phục làm ra không cần ứng dụng mà chủ yếu cho mục đích trình diễn, trưng bày. Vật liệu có thể được làm ra từ những thứ vốn không phải của thời trang như ốc vít, cao su, nhựa…

Bạn nghĩ gì về việc những nhà thiết kế trẻ đang ngày càng đưa nhiều chất liệu văn hoá Việt Nam vào thiết kế?

Hiện nay sử dụng chất liệu văn hoá bản địa như một “trend" giữa những nhà thiết kế trẻ. Mình nghĩ sau khi tiếp nhận quá nhiều văn hoá nước ngoài và có phần “bội thực", người trẻ lại quay về tìm cảm hứng từ văn hoá Việt Nam. Văn hoá Việt cũng dày dặn như một kho tàng và có nhiều góc cạnh để khai thác, mỗi người sẽ chọn khai thác một góc độ khác nhau.

Bản thân mình cho rằng những giá trị truyền thống giống như một chiếc kén - từng ngày “lột xác” và bung nở để phù hợp với thời đại và con người hiện đại. Vẻ đẹp truyền thống ấy chính là gốc rễ để người trẻ sáng tạo dựa trên sự kế thừa và phát huy, tiếp nối và khai phóng mạnh mẽ hơn nữa cho lớp trẻ mai sau.

Yếu tố gì giúp một nhà thiết kế thời trang trở nên nổi bật giữa một thế hệ nhà thiết kế trẻ tài năng?

Nếu mình cứ so sánh mình với người xung quanh, mình sẽ luôn thấy nhiều điểm mình chưa bằng người ta và tự chất vấn lại những gì mình làm. Khi làm đồ mình luôn nghĩ phải tập trung vào đồ mình cần làm đã, ai hơn mình hay mình hơn ai thì tính sau vì việc đó không phụ thuộc vào mình nữa rồi. Điều đó phụ thuộc vào cách người khác nhìn nhận sản phẩm của mình.

Mình nghĩ hãy cứ kiên trì, cố gắng học hỏi vì nhà thiết kế trẻ bao giờ cũng nhiều ý tưởng nhưng thiếu kinh nghiệm. Nhiều khi mình vẽ bay bổng nhưng không biết làm sao để ra được bộ đồ thực tế.

Thư đã hình dung 5 năm nữa mình sẽ ở đâu trong thị trường này chưa?

5 năm nữa mình muốn được đặt chân sang nước ngoài, có thể là đi học hoặc đi làm. Mình hy vọng lúc đó mình đang có một công việc yêu thích. Xa hơn nữa thì mình muốn có một thương hiệu của bản thân nhưng trước mắt mình cần đi làm để biết thêm nhiều về thị trường, tiếp cận và học hỏi từ những người đi trước.

Một nhà thiết kế thời trang mà bạn luôn ngưỡng mộ?

Mình rất thích anh Nguyễn Hoàng Tú. Cách anh xử lý chất liệu và thông điệp anh truyền tải qua từng BST đều rất hay và không quá bị thị trường.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục