Làm sao để sống sót qua COVID-19? Lời khuyên của các nhà đầu tư dành cho giới khởi nghiệp
Cập nhật về những thay đổi trong cuộc sống giữa Đại dịch COVID-19 tại đây.
2019 là một năm bùng nổ của giới khởi nghiệp Việt, và họ bước vào 2020 với tâm thế sẵn sàng gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa. Thế nhưng sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 và những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng khủng hoảng tài chính khiến viễn cảnh tươi đẹp trở nên ảm đạm hơn.
Như một lẽ dĩ nhiên, tại thời điểm này, các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capitals – VCs) cùng các nhà đầu tư thiên thần (angel investors) đều đang dồn hết sức lực bảo vệ những khoản đầu tư hiện có để có thể trụ vững thêm một vài quý sắp tới.
Vậy, đối với những công ty khởi nghiệp Việt đang loay hoay tìm nguồn vốn mới, họ phải làm gì? Ai trong số họ có khả năng gọi vốn thành công trong vòng hạt giống cũng như những vòng tiếp theo quá trình kêu gọi vốn cao hơn? Một công ty khởi nghiệp có thể làm để duy trì sự sống của mình, ngoài việc cắt giảm chi phí vận hành?
Chúng tôi tìm đến các chuyên gia để được lắng nghe chia sẻ và phân tích của họ về tâm lý của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, cũng như một vài lời khuyên của họ dành cho các doanh nghiệp trẻ để có thể tồn tại và vực dậy mạnh mẽ hơn hậu đại dịch.
Justin Nguyễn, Partner tại Monk’s Hill Ventures
Lời khuyên mà anh dành cho các công ty mà mình đang đầu tư là gì?
Những doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu (early-stage) hầu như đều ở chế độ “default dead” (không có đủ tiền mặt để vận hành cho đến lúc sinh lợi nhuận), vì thế nên các nhà sáng lập và CEO cần phải nhanh chóng ứng phó để bảo vệ công ty của mình trong những giai đoạn thử thách như thế này. Tính quyết đoán chính là chìa khóa của sự sống còn.
Đối với hầu hết các công ty, quyết định tức thời có nghĩa là cắt giảm chi phí và tạm ngừng tuyển dụng, ngoại trừ những nhân sự có khả năng tạo ra giá trị ngay từ giai đoạn đầu. Tiếp đến, xem xét kỹ lưỡng để xem có thể cắt giảm chi phí ở đâu trong bộ máy vận hành và hành động ngay lập tức. Tiếp đến, bỏ ngay kế hoạch mà bạn soạn sẵn cho 2020 và bắt đầu lại từ đầu các kế hoạch 3 tháng, 6 tháng, và 1 năm, bao gồm dự tính cho những trường hợp xấu có thể xảy ra.
Hy vọng rằng 1 trong 3 kế hoạch đó là kế hoạch “default alive”, nghĩa là có khả năng tạo ra dòng tiền dương dựa trên nguồn vốn sẵn có. Nếu không, bạn sẽ có một cuộc đối thoại đầy cam go với các nhà đầu tư hiện tại để xem ai có khả năng đầu tư thêm vốn.
Khi lên kế hoạch mới, hãy lưu ý:
- Dành thời gian để phản biện những phỏng đoán ngầm của bạn về mô hình vận hành và lợi nhuận.
- Tập trung vào các đơn vị kinh tế ngầm, lưu ý tỷ lệ đốt (burn rates) và tình hình tiền mặt (cash position) cũng như dự trù các phòng tình huống khẩn cấp.
- Suy nghĩ lại về chiến lược sử dụng nguồn vốn hiện tại, so sánh lại kế hoạch tăng trưởng doanh thu so với khả năng thu lợi nhuận. Các nhà sáng lập nên chuyển hướng sang tập trung tối ưu hoá lãi góp (contribution margin) và làm thế nào để tiền của mình không bị đốt.
- Rà soát lại một cách hệ thống về khoản phải thu và khoản phải trả. Xem thử liệu bạn có thể trì hoãn khoản phải trả nào đồng thời mạnh dạn thu về những khoản cần phải thu.
- Đàm phán thương lượng lại về hợp đồng tiêu dùng nếu có thể.
- Cố gắng chốt các thương vụ hoặc cuộc hợp tác đang thảo luận ngay lập tức (thậm chí là khi bạn không thu về những gì bạn dự tính từ đầu)
- Tận dụng cơ hội này để chỉnh sửa các vấn đề về cơ cấu tổ chức trong doanh nghiệp của bạn. Khi mọi thứ trở về quỹ đạo hằng ngày, sẽ không ai hỏi bạn tại sao doanh thu giảm, tại sao khách hàng biến mất, hay nhân viên rời đi trong giai đoạn này, hãy tận dụng cơ hội ngàn năm có một này để khắc phục những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp.
Nếu bạn may mắn đủ để có một nguồn tiền dồi dào, hãy nhớ rằng cơn khủng hoảng này dẫn đến sự sát nhập của thị trường, và một vài đối thủ của bạn đã đi đến tình trạng phá sản. Hãy tìm kiếm cơ hội để mua bán, sát nhập (có thể không cần tiền mà chỉ cần hoán đổi cổ phiếu.)
Các nhà sáng lập nên chuẩn bị gì trước khi tiếp cận các nhà đầu tư để kêu gọi vốn?
Đây là thời điểm mà môi trường đầu tư trở nên căng thẳng.
Bạn cần hiểu rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm đang cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng hồ sơ doanh nghiệp mà họ đang đầu tư nhằm đưa ra các quyết định cứng rắn về việc doanh nghiệp nào xứng đáng ở lại và doanh nghiệp nào sẽ ra đi. Vì thế, họ cực kỳ bận rộn và có thể không có thời gian để cân nhắc những thương vụ mới. Điều này đặc biệt đúng với các quỹ đầu tư có hồ sơ doanh nghiệp đa ngành (non-concentrated portfolio) và ít chịu can thiệp của nhiều đối tác trong việc đưa ra quyết định.
Hiểu rằng VCs rất không thoải mái trong việc đi đến các quyết định đầu tư mới mà không trao đổi trực tiếp nhà sáng lập, vậy nên hãy bắt đầu với các nhà đầu tư mà bạn đã quen biết từ trước. Nếu bạn đang cần thêm vốn (ví dụ, từ vòng ươm mầm đến Series A), hãy dựa vào các VCs đã đi cùng bạn từ ngày đầu. Tại Monk’s Hill Ventures, chúng tôi có các thành viên tại 5 quốc gia khu vực Đông Nam Á – 2 trong số đó đang ở tại Việt Nam – và chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các bạn khởi nghiệp phát triển (với những thước đo thích hợp, dĩ nhiên).
Thêm vào đó, hầu hết các nhà đầu tư thường đầu tư để tăng trưởng, chứ không phải đầu tư để tồn tại. Nếu bạn cần tiền để tồn tại, thật sự đó là một điều rất lãng phí. Và các nhà đầu tư cũng cần phải giải thích cho đối tác hữu hạn (limited partners – LPs: là các công ty tập đoàn đầu tư vào các quỹ đầu tư) về những rủi ro khó lường trong việc đặt vốn vào những doanh nghiệp trẻ mà không có gì đảm bảo là họ sẽ có sức bật mạnh mẽ khi nền kinh tế thị trường về lại như cũ.
Chiến lược đầu tư của anh đã thay đổi như thế nào để thích nghi với đại dịch? Anh có đang tìm kiếm một hồ sơ doanh nghiệp đối lập với hồ sơ hiện có không?
Chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động và luôn tìm kiếm các nhà sáng lập xuất sắc để hỗ trợ. Chiến lược đầu tư của chúng tôi vẫn như trước, đó là đầu tư vòng Series A cho các doanh nghiệp thuộc ngành nghề và lĩnh vực công nghệ.
Mục đích cuối cùng của chúng tôi vẫn là tầm nhìn dài hạn, và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà sáng lập và công ty để giải quyết những vấn đề lớn về sự nhiễu loạn trên thị trường. Có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn trước vì chúng tôi làm việc với các nhà sáng lập tiềm năng để lên kế hoạch quản lý khủng hoảng và định vị công ty của họ ngày một nổi bật hơn hậu COVID-19.
Là một quỹ đầu tư, chúng tôi luôn áp dụng những nguyên tắc cơ bản khi đầu tư. Với tình trạng COVID-19 như hiện tại, chúng tôi càng phải suy xét kỹ càng hơn để biết ai sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời điểm khó khăn này. Đồng thời chúng tôi cũng đo lường, phân tích những tình huống khác nhau của COVID-19 để xem liệu có khoản đầu tư nào là tiềm năng.
Tận cùng, chúng tôi tin rằng những nhà sáng lập đang được hỗ trợ trong khu vực là những người cực kỳ tham vọng trong việc xây dựng và mở rộng các mô hình khởi nghiệp công nghệ của mình, nhằm mang đến giá trị tích cực cho hàng triệu người.
James Vương, Founder và CEO tại tekAngels
Lời khuyên mà anh dành cho các công ty mà mình đang đầu tư là gì?
CEO cùng các đội ngũ sáng lập công ty nắm giữ 3 trách nhiệm quan trọng: xây dựng/cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu, chiêu mộ nhân tài và đảm bảo ngân sách của công ty. Lời khuyên của tôi dành cho các công ty cũng xoay quanh 3 yếu tố cốt lõi này.
Trước hết, bạn cần đảm bảo rằng sản phẩm của mình luôn là điều mọi người mong muốn, ngay cả trong thời kỳ suy thoái. Nếu những điều đó không còn phù hợp, nếu các giá trị vốn dĩ không thể đáp ứng xu thế, thay đổi chính là quyết định cần thiết. Trong trường hợp không tìm thấy được bất kỳ điểm phù hợp giữa thị trường và sản phẩm, đó là lúc bạn nên chuyển hướng.
Thứ hai, bạn cần tuyển dụng người tài để giúp thực hiện được các mục tiêu, nhưng hãy sử dụng quyền sở hữu và hạn chế sử dụng tiền. Việc phải trữ tiền đồng nghĩa với việc bạn có thể phải tạm ngừng tuyển dụng. Tuy nhiên, các nhà sáng lập cần xem xét chiêu mộ những nhân tố quan trọng, có khả năng làm việc tốt.
Suy thoái là thời điểm thích hợp để tuyển dụng. Bởi bạn dễ tìm thấy các nhân tài cũng như mức độ cạnh tranh khi chiêu mộ họ cũng giảm đi rất nhiều. Đương nhiên, một số người tài vốn không thích chấp nhận rủi ro và có xu hướng ‘ẩn mình’ trong các công ty lớn ổn định. Cho nên, những cá nhân như vậy thường không hẳn là ‘mảnh ghép’ tương thích cho môi trường khởi nghiệp. Nếu các ứng cử viên chuộng vốn chủ sở hữu thay vì lương cao là những người bạn cần cân nhắc. Nhân tài mà một công ty khởi nghiệp muốn tuyển dụng là người đánh giá cao quyền sở hữu hơn lương (equity over cash). Điều đó chứng tỏ cá nhân đó có niềm tin vào tiềm năng của công ty và sẵn sàng gia nhập cuộc chơi.
Cuối cùng, bạn cũng phải chắc chắn rằng mình có đủ tiền để tồn tại trong 18-24 tháng. Tuy nhiên, chi tiêu không nên duy trì ở mức tối thiểu–bởi mức độ này không cho phép bạn tạo nên bất kỳ bước tiến nào. Einstein từng nói “Mọi thứ đều nên đơn giản như nó vốn có, nhưng không nên đơn giản hơn.” Câu nói này chính là lời khuyên thích hợp cho vấn đề chi tiêu của các startup. Chi càng ít càng tốt, nhưng không ít hơn mức cần thiết. Chi tiêu một cách khôn ngoan là cách để bạn tạo ra sức hút. Một khi mọi thứ trở về ‘quỹ đạo’, các bạn sẽ trở lại nhưng ở vị trí tuyệt vời hơn, đủ sức giúp công ty gọi vốn thành công.
Các nhà sáng lập nên chuẩn bị gì trước khi tiếp cận các nhà đầu tư để kêu gọi vốn?
Các nhà sáng lập nên biết rằng mọi nhà đầu tư đều trở nên thận trọng hơn rất nhiều đối với các quyết định triển khai vốn trong thời điểm hiện tại. Bởi giai đoạn này có quá nhiều sự bất ổn, thiếu chắc chắn do chịu tác động từ đại dịch. Corporate VC (vốn đầu tư mạo hiểm của công ty là đầu tư của các quỹ công ty trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp bên ngoài) vượt ngoài phạm vi của bảng cân đối kế toán rất có thể sẽ phải ngừng lại. Vì làm vậy có thể sẽ khiến chính công ty bị tổn hại về mặt tài chính.
Việc tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng bị ‘chững lại’ do lệnh hạn chế đi lại. Hầu hết các buổi trao đổi và bàn thảo đều buộc phải thực hiện trực tiếp, trong trường hợp kinh tế và vốn đầu tư của họ chưa bị ‘đóng băng’, các nhà đầu tư thiên thần có lẽ là nhóm dễ tiếp cận hơn. Vì họ đầu tư bằng tiền túi, nên họ có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Và một khi họ không còn nhiều sự lựa chọn để tài trợ, thì mức độ cạnh tranh dành cho các startups sẽ suy giảm. Tại thời điểm này, các thiên thần vẫn đưa ra quyết định đầu tư được xem là “những người đang tận dụng thời thế, biến nguy thành cơ.” tekAngels có nhiều cá nhân như vậy trong mạng lưới của mình.
Các loại hình khởi nghiệp sau đây sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn: các công ty chưa tìm được thị trường-sản phẩm phù hợp, các công ty có đơn vị kinh tế kém, các công ty có yêu cầu vốn cao (marketing hoặc vốn lưu động), các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp cần gia tăng quy mô để sinh ra lợi nhuận, và bất kỳ loại mô hình kinh doanh nào có hiệu suất tỷ lệ thuận và hoàn toàn phụ thuộc vào nền kinh tế.
Những đơn vị khởi nghiệp này nên cân nhắc việc ‘đóng băng’ phát triển trong một thời gian hoặc chuyển sang một mô hình khác. Ví dụ, nếu trước đó công ty của bạn là một full-stack startup, bây giờ bạn chỉ nên tập trung cung cấp sản phẩm/giải pháp tại một lĩnh vực nhất định. Bạn vẫn có thể nhận được một khoản đầu tư, nhưng việc định giá và các điều khoản đương nhiên sẽ có thể ít thuận lợi hơn nhiều so với trước đây.
Chiến lược đầu tư của anh đã thay đổi như thế nào để thích nghi với đại dịch? Anh có đang tìm kiếm một hồ sơ doanh nghiệp đối lập với hồ sơ hiện có không?
Trong vài năm qua, nhiều nhận định cho rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với cơn suy thoái. Và khi đối mặt với đại dịch COVID-19, một hiện tượng ‘Thiên Nga Đen’ tiêu biểu của nền kinh tế, luận án đầu tư của tekAngels vẫn luôn hướng đến việc ủng hộ các startups có hiệu quả về vốn (capital efficient).
Chúng tôi luôn tìm kiếm những đội ngũ có thể phát triển/cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của công chúng, bất kể trong thị trường giá lên (bull market) hoặc trong thị trường giá xuống (bear market). Hiện tại, chúng tôi dự định sẽ bổ sung thêm một danh mục hồ sơ khác. Chúng tôi tìm kiếm các startup có thể vượt qua sóng gió và thoát khỏi đại dịch này một cách lành lặn, hoặc thậm chí là trở nên mạnh hơn. Chúng tôi tìm kiếm những người sáng lập từng trải, theo trường phái thực tế và luôn sẵn sàng thích nghi với các xu hướng mới.
Tùng Trần, Managing Director tại VIC Partners
Lời khuyên mà anh dành cho các công ty mà mình đang đầu tư là gì?
Để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, chúng tôi khuyến khích các nhà sáng lập trong hồ sơ của mình nỗ lực duy trì và tối ưu hoá. Hãy điểm lại kế hoạch kinh doanh của bạn để đảm bảo rằng khoảng thời gian sống sót mà không có doanh thu sẽ kéo dài đến mùa đông năm nay.
Hãy sẵn sàng cho giai đoạn giảm doanh thu trong 6 tháng tới; cung cấp các ưu đãi cho khách hàng trước khi mua cũng là một ý hay; tìm ra một luồng lợi nhuận tạm thời mới, ví dụ như các dự án công nghệ ngắn hạn. Cắt giảm những chi phí không cần thiết, hoãn việc mở rộng doanh nghiệp và các chi phí tài sản cố định, và giảm lương cố định (hoặc có thể thay các vị trí chuộng vốn sở hữu hơn lương). Tăng cường ứng dụng của công nghệ và hiệu suất của các nền tảng làm việc trực tuyến. Remote.vn là một chiến dịch phi lợi nhuận cung cấp các công cụ miễn phí và hướng dẫn giúp tăng hiệu quả khi làm việc tại nhà.
Hãy nắm lấy cơ hội. Khủng hoảng dịch bệnh lần này có thể tạo ra những thay đổi về văn hoá, tình hình nhân sự, cũng như thói quen làm việc của nhiều người trên khắp thế giới. Giao tiếp trực tuyến đang trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết vì mọi người giờ đây đều đã tự cách ly tại nhà. Một số người đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ thất nghiệp. Chúng ta có thể cùng làm gì để giải quyết các vấn đề trong cộng đồng?
Cuối cùng, hãy giữ liên lạc với nhau. Đã có chúng tôi ở đây để cung cấp các hỗ trợ, tham vấn về vốn đầu tư trong thời điểm khó khăn này.
Các nhà sáng lập nên chuẩn bị gì trước khi tiếp cận các nhà đầu tư để kêu gọi vốn?
Hầu hết các nhà đầu tư mà tôi biết vẫn còn đang hoạt động. Sẽ khó để tìm kiếm các nguồn quỹ mới trong năm nay. Định giá của công ty sẽ thấp hơn mong đợi của bạn để đánh giá những rủi ro mà nhà đầu tư ước tính trong năm nay. Hơn nữa, định giá công ty mà bạn đề ra cần được kiểm chuẩn với các mức so sánh của thị trường cũng như sự hiện diện trên thị trường của công ty. Một cơ sở dữ liệu chỉn chu sẽ giúp xây dựng niềm tin và phát triển một hình ảnh chuyên nghiệp cho công ty của bạn. Hãy tìm đến các hướng dẫn về vốn đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm và tìm ra các yếu tố chủ đạo mà nhà đầu tư tìm kiếm. Hãy điều chỉnh hồ sơ của bạn theo những yếu tố đó để tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.
Hơn nữa, theo Vinnie Laura (GGV): đôi khi, để tránh phải hạ giá cổ phiếu ở vòng sau, bạn có thể cung cấp khoản vay chuyển đổi với mức định giá trần thấp hơn giá trị của vòng trước, kết hợp giữa cổ phiếu sơ cấp và cổ phiếu thứ cấp (thoái vốn sớm cho các nhà đầu tư thiên thần, VCs với ưu đãi); về chứng quyền: cho nhà đầu tư quyền để mua cổ phần với ưu đãi sau đó.
Chiến lược đầu tư của anh đã thay đổi như thế nào để thích nghi với đại dịch? Anh có đang tìm kiếm một hồ sơ doanh nghiệp đối lập với hồ sơ hiện có không?
Một hồ sơ doanh nghiệp lý tưởng sẽ là: Đầu tiên, một đơn vị khởi nghiệp cung cấp giải pháp hiệu quả cho duy nhất một vấn đề lớn và chủ chốt, đặc biệt là vấn đề gây ra bởi dịch COVID-19. Thứ hai là các nhà sáng lập với một thâm niên ấn tượng và độ am hiểu về thị trường. Thứ ba là một mô hình doanh nghiệp vừa phải và bền vững với các đơn vị kinh tế chuẩn và có sinh lời. Sự đồng điệu trong các mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo và doanh nhân. Và một nguồn vốn hợp lý.
Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các doanh nghiệp chuyên về mảng giáo dục và dịch vụ, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, và đầu tư vào họ, giúp họ sống sót qua khủng hoảng này và vực dậy mạnh mẽ hơn.
Dung Hoàng, Giám đốc văn phòng đại diện của Genesia Ventures tại Việt Nam
Lời khuyên mà chị dành cho các công ty mà mình đang đầu tư là gì?
Quỹ đầu tư Genesia Ventures hiện nay đã đầu tư hơn 70 startup khác nhau trên thế giới, tập trung chính ở thị trường Nhật và Đông Nam Á, trong đó chúng tôi có 7 công ty startup đầu tư ở Việt Nam.
Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến khó lường, gây thiệt hại chung cho nền kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu tiêu dùng các ngành đặc thù như du lịch, nhà hàng ẩm thực, bất động sản giảm xuống gần như bằng không, lời khuyên chung chúng tôi gửi đến tất cả các công ty startup chúng tôi đầu tư là cần giữ đủ dòng tiền để bền bỉ tồn tại lâu nhất có thể, chuẩn bị các phương án và kế hoạch cho mọi tình huống có thể xảy ra. Nhà sáng lập cần kiên nhẫn nếm mật nằm gai, ngồi lại cùng đội ngũ mình, cùng nhau mài giũa phát triển lại sản phẩm/dịch vụ, tối ưu hoá lại cơ cấu vận hành tổ chức.
Đặc biệt, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, khi mọi người phải chấp hành giãn cách xã hội, làm việc ở nhà, hằng ngày cập nhật tin tức không mấy sáng sủa từ dịch bệnh khiến tâm trạng mỗi người dù vốn dĩ tích cực tới đâu cũng phải bất an, tâm lý nản chí dễ buông bỏ là điều dễ xảy ra. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các nhà sáng lập và đội ngũ cần giữ liên lạc, giao tiếp online thường xuyên, và khích lệ động viên tinh thần nhau. Rất nhiều công ty thành công hiện nay đều đi lên từ biển lửa, những khó khăn, nên “đợt cúm” này không thể làm cho tinh thần đội ngũ và doanh nghiệp của các bạn sáng lập “chết” được. Hãy vững mạnh mẽ kiên cường và vững tin!
Các nhà sáng lập nên chuẩn bị gì trước khi tiếp cận các nhà đầu tư để kêu gọi vốn?
Đây là thời kỳ khó khăn chung không những cho startup mà còn cả VC, vì các LPs cũng gặp khó khăn, VCs cũng sẽ phải thận trọng và “tiết kiệm” hơn với dòng vốn đầu tư của mình. Nên nhìn chung các startup sẽ gặp khó khăn hơn khi gọi vốn trong thời gian này. Cụ thể, những khó khăn và hướng khắc phục đó là:
Khó khăn trong việc nhận được quyết định đầu tư nhanh chóng
Hiện nay các quỹ đầu tư và startup chỉ họp trực tuyến, không thể gặp mặt nhau trực tiếp do hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Việc gặp mặt trực tiếp bay qua lại giữa các nhà đầu tư và đội ngũ sáng lập startup rất quan trọng trong việc xây dựng củng cố niềm tin giữa hai bên trước khi ra quyết định cuối cùng. Nên việc chưa gặp mặt được trực tiếp giữa 2 bên khiến việc ra quyết định dễ bị trì hoãn.
Hướng khắc phục: Nhà sáng lập nếu muốn “đẩy gọi vốn” nhanh hơn thì trong giai đoạn này nên “tái tiếp cận” lại các nhà đầu tư đủ thân thiết đã từng đầu tư vào startup của mình hay nhà đầu tư bạn đã từng gặp mặt trước đó và liên tục cập nhật tình hình startup bạn cho đến khi có đủ một mức độ tin tưởng lẫn nhau ở hiện tại. Nói mới biết là việc bạn thường xuyên cập nhật tình hình phát triển startup tới mỗi nhà đầu tư bạn gặp trước đây, đóng vai trò quan trọng như thế nào trong những ngày khó khăn này.
Ngoài ra, xin lưu ý là khi tiếp cận với các nhà đầu tư để gọi vốn trong khoảng thời gian này, các nhà sáng lập cần cập nhật lại bản kế hoạch và chiến lược kinh doanh theo sát tình hình hiện tại. Các nhà đầu tư giờ đây cũng vô cùng thận trọng với “phát triển bằng mọi giá” thay vào đó nên là phát triển bền vững cho thấy khả năng sinh lợi nhuận rõ ràng.
Khó khăn trong việc nhận nhận được đủ số tiền đầu tư và định giá công ty như kỳ vọng ban đầu
Như đã đề cập ở trên là bản thân các VCs cũng phải thận trọng hơn với dòng vốn đầu tư. Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh và tổng cung cầu chung giảm trong nền kinh tế hiện nay, khiến kìm hãm sự phát triển nói chung của startup (trừ một số ngành đặc thù “hưởng lợi” như ngành y tế, ngành giáo dục trực tuyến, online streaming, vận chuyển,…). Nên có thể startup sẽ gặp khó khăn thuyết phục nhà đầu tư xuống nhiều vốn đầu tư với một định giá cao như các sáng lập kỳ vọng.
Hướng khắc phục: Nhà sáng lập cần linh hoạt và quyết đoán trong việc gọi vốn, có thể trong giai đoạn này có nhiều thứ bạn cần phải hy sinh để đổi lại sự sống còn của doanh nghiệp, mình nghĩ là sự hy sinh này vẫn còn là “ngọt ngào”, cho bạn thêm nhiều thứ ngoài vốn đầu tư, mà còn là thêm người tin vào sự phát triển của doanh nghiệp, thêm người ủng hộ, giúp đỡ bạn đi tiếp qua những ngày khó khăn. Nên việc chấp nhận một cách linh hoạt và dung hoà được nhu cầu gọi vốn cùng lời đề nghị đầu tư từ nhà đầu tư là việc cần thiết, nằm ở sự quyết đoán từ mỗi nhà sáng lập.
Nhưng tin vui động viên cho những startup ở giai đoạn sơ khai (seed stage) là các nhà đầu tư sẽ nhìn xa hơn tình hình đại dịch hiện nay, nhìn ra được tiềm năng thị trường “Hậu Corona Shock”, nên các quỹ đầu tư giai đoạn đầu có tiềm lực tài chính mạnh vẫn sẽ kiên định tìm ra và đầu tư vào các startup mạnh.
Ví dụ như, cách đây 12 năm vào giai đoạn đại khủng hoảng tài chính Lehman Shock, thực tế thống kê của pitchbook cho thấy hơn tổng số vụ đầu tư và vốn đầu tư đều tăng hơn 30% cho startup ở giai đoạn sơ khai. Nên nếu các bạn tự tin vào đội ngũ mình mạnh, mang tới giải pháp tiềm năng, giải quyết vấn đề lớn trong một thị trường đủ lớn, và thuyết phục được những nhà đầu tư này thì bạn vẫn có thể nhận được sự đầu tư.
Chiến lược đầu tư của chị đã thay đổi như thế nào để thích nghi với đại dịch? Chị có đang tìm kiếm một hồ sơ doanh nghiệp đối lập với hồ sơ hiện có không?
“NGUY” đi với “CƠ”. Như chúng ta đã thấy rất nhiều hoạt động kinh doanh ngoại tuyến như nhà hàng ăn uống, khách sạn, hàng không, du lịch đang chịu nhiều thiệt hại nặng nề do sự giãn cách xã hội trong mùa dịch.
Ở một khía cạnh khác, mọi người đang ở nhà, nó đã định hình nền kinh tế mới mang tên “Stay-at-Home Economy”, bao gồm tất cả các dịch vụ cho những người sinh sống – làm việc – tận hưởng tại nhà.
Ví dụ: Chúng ta có thể có cuộc họp trực tuyến với các đối tác kinh doanh, hẹn hò trực tuyến, thậm chí uống rượu trực tuyến với bạn bè của bạn, tận hưởng dịch vụ xem phim trực tuyến, hay chơi game thực tế ảo, nhà tất cả đều trực tuyến. Vì vậy, công ty khởi nghiệp nào nắm bắt cơ hội trong nền “kinh tế ở nhà” mới này có thể gặp may mắn trong mùa dịch này.
Các công ty startup quỹ Genesia Ventures đầu tư ở Việt Nam đã có thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình hiện nay. Ví dụ như, Kamereo thì mở thêm dịch vụ KameMart hỗ trợ gia đình bạn đặt và nhận giao thực phẩm để nấu ăn tại nhà. eDoctor hỗ trợ bạn và các thành viên trong gia đình bạn được khám bệnh từ xa và xét nghiệm sức khỏe tại nhà. BuyMed thì hỗ trợ đắc lực cung ứng thuốc và các sản phẩm y tế cho các nhà thuốc để đảm bảo cho chúng ta luôn có thể duy trì khỏe mạnh. Manabie thì hỗ trợ nhà trường và các học sinh học trực tuyến hiệu quả hơn. Homedy thì mở thêm cộng đồng những người môi giới trong đó có người đã trở thành môi giới “tự do” vì mất việc làm khi văn phòng môi giới phải đóng cửa giao dịch, để họ có thể làm việc trực tuyến.
Hay như với du lịch nghỉ dưỡng-homestay, Luxstay nỗ lực làm bạn nhớ về những tháng ngày được đi du lịch vui vẻ và lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo khi chúng ta không còn corona, mà tại sao lại phải chờ đến khi đó? Luxstay có thể đang làm một điều gì đó cho các tín đồ “xê dịch” có thể cảm nhận mình như đang được đi du lịch…tại nhà.
Các cụ nói “Trong cái khó ló cái khôn” nên trong tình hình khó khăn như hiện nay, thì sự linh hoạt và sáng tạo đổi mới thấm nhuần trong máu của các nhà sáng lập startup có cơ hội được “bùng phát” mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trước là để mang lại dịch vụ tốt nhất đáp ứng được nhu cầu và thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, sau là để giúp startup tồn tại được. “Kẻ mạnh là kẻ biết thay đổi để tồn tại”, đó là kim chỉ nam cho mỗi nhà sáng lập MẠNH, và phương châm đầu tư của Genesia Ventures luôn nhất quán–tin và đầu tư vào những nhà sáng lập MẠNH đó.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn xa và chuẩn bị cho các cơ hội mới “Hậu Corona Shock”. Ở đó, các thói quen, hành vi tiêu dùng của mọi người, cung cầu của hàng hoá, và thậm chí cả cấu trúc của của các ngành kinh tế trong xã hội, cũng thay đổi. Nhớ lại giai đoạn đại khủng hoảng tài chính Lehman Shock, gây ra một làn sóng cắt giảm nhân sự ngành ngân hàng nói riêng, nên nhiều nhân tài ngành tài chính đã rời đi và tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các ngân hàng truyền thống không thể tạo đủ niềm tin và các dịch vụ cho mọi tầng lớp người sử dụng đã thay đổi tư duy mới về tài chính linh hoạt, công nghệ phát triển kèm theo đó là các quy chế về tiền điện tử mới được sinh ra, đã khiến cho các startup Fintech (công nghệ tài chính) được nở rộ, Revolut–ngân hàng trực tuyến là một trong những ví dụ thành công điển hình. Vậy, ngành nào sẽ được nở rộ và phát triển tiếp theo sau hậu Corona Shock? Các nhà sáng lập hãy tìm câu trả lời trên, và những quỹ đầu tư sẽ không từ chối các cơ hội mới từ các bạn.
Xem thêm:
[Bài viết] Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Lời chia sẻ từ 5 chuyên gia
[Bài viết] Vietnam Remote Workforce: Làm việc từ xa, đẩy lùi Corona