Lê Võ Tuyển, 'Yêu thương là thứ khó nhất để vẽ thành hình'
Trong quá trình học và thực chiến, vùng đất Huế đã truyền cảm hứng, trở thành một trong những chủ đề mà hoạ sĩ Lê Võ Tuyển theo đuổi. Tháng 8 tới đây, anh sẽ kết hợp với Lotus Gallery, tổ chức trưng bày cá nhân có tên Hoa trong thành (I see flowers in the palace).
Ở triển lãm Hoa trong thành, chủ thể chính trong tranh của Lê Võ Tuyển thường liên quan đến cấu trúc thời gian, một viễn cảnh mơ mộng đương thời với nhiều hoài cổ; Hay những câu chuyện xưa mang đậm tính nhân văn như Hai Bà Trưng. Những chủ đề này luôn tạo cho anh cảm hứng để đưa vào tác phẩm.
Như một cách “chống ngán” và “chống tính lì tư duy”, hoạ sĩ Lê Võ Tuyển thường thực hiện nhiều dự án cùng lúc. Anh vẽ nhiều chủ đề nhưng thừa nhận 'yêu thương là thứ khó nhất để vẽ thành hình.’ Cuộc trò chuyện với Vietcetera là một gợi mở thú vị để bước vào thế giới mỹ thuật đặc biệt của Lê Võ Tuyển.
Một màu sắc miêu tả quê hương của anh?
Mình sinh ra và trưởng thành tại quê hương Tỉnh Quảng Bình. Với mình, quê hương là một phần trong cuộc sống. Mặc dù mình luôn đi xa nhưng lúc nào cũng nhớ về theo một cách đặc biệt.
Quảng Bình như bạn biết thì mưa to gió lớn, nắng chang chang… thời tiết rất khắc nghiệt. Chính vì vậy mà cây cỏ cũng phải tự mọc, kiên cường nở hoa thôi… Một cách gián tiếp, môi trường sống đã cho mình cách nhìn sự vật sự việc với tinh thần lạc quan. Có lẽ vì vậy mà khi thực hiện những tác phẩm, trong tiềm thức, mình luôn chọn những gam màu tươi sáng, để càng làm nổi trội lên tính lạc quan, vui tươi đó.
Một chủ đề anh muốn mà chưa từng vẽ là gì?
Trong quá trình làm việc, mình luôn học hỏi và thực hiện khá nhiều ý tưởng khác nhau để nói lên tiếng nói của mình và cũng tìm cảm hứng sáng tạo để tránh việc ngán ngẩm trước sự lặp lại hay "tính ì" của tư duy. Vậy nên, mình thường phát triển nhiều bộ tranh cùng lúc; và đôi khi có những bộ tranh vẫn còn dang dở chưa được hoàn thành. Đơn cử như bộ tranh về tình yêu thương, mình vẫn chưa hoàn thiện mặc dù đã có những phác thảo khởi đầu.
Điều thú vị nhất và bài học của riêng anh sau một quá trình dài thu thập những chi tiết, họa tiết để đưa vào tranh là gì?
Trong quá trình theo học tại Đại học Mỹ thuật, nơi cho phép mình đi lại, quan sát Đại Nội Huế, mình học được rất nhiều trong quá trình làm việc “thực chiến" này. Mình tìm hiểu để phát triển tác phẩm thì những họa tiết, hình tượng không chỉ giới hạn ở những kiến trúc xưa mà những họa tiết xưa trên các vật dụng, nội thất… Mình cũng nghiên cứu kỹ cả những chi tiết nhỏ như chất men, họa tiết, ám họa trên chén bát cổ, bình gốm; tìm hiểu nét mộc mạc, giản dị của những vật thể xưa.
Những chạm khắc tinh tế mang tính thẩm mỹ cao, những hình tượng biểu trưng mang ý nghĩa tinh thần trên các công trình, kiến trúc cung đình Huế đã thu hút mình. Mình đưa vào tranh với tâm ý hòa quyện vào thiên nhiên, tương tác với đời sống hiện tại như là một cách gợi nhớ, tôn vinh và giao thoa giữa hiện tại và quá khứ .
Với mình, đây cũng là cách tìm hiểu sâu sắc về những giá trị văn hóa dân tộc.
Nếu tranh của anh vẽ trở thành sự thật, anh sẽ vẽ gì đầu tiên?
Nếu tranh mình vẽ thành sự thật thì rất thú vị - ít nhất đối với mình. Mình tưởng tượng sẽ bước vào với cây cỏ muôn màu tràn ngập ánh nắng - một không gian bình yên, hay ngược thời gian quay lại với những vết tích xưa. Mình cũng có thể là một ký tự trong tranh, trong một không gian ước lệ…
Một nơi “trốn” mà anh sẽ đến để lấy cảm hứng sáng tác?
Xưởng vẽ là nơi yên tĩnh nhất, có thể khiến mình tập trung tư duy và phát triển tác phẩm một cách tốt nhất. Tất nhiên chất liệu sáng tác vẫn là những hình ảnh, tiếp xúc từ ngoài đời sống xã hội, những trải nghiệm và học hỏi… Nhưng ở xưởng vẽ, có thể nói là nơi mình thu xếp lại, vẽ lên chính con người của mình.
Một điều hứng thú và một điều khó chịu khi anh đang vẽ và sáng tạo nghệ thuật?
Mình quen làm việc độc lập nên khi ở xưởng vẽ, mình sẽ tạo cho mình không gian riêng thông qua việc nghe nhạc hay những câu chuyện mà mình quan tâm - mọi thứ cứ lao xao bên tai theo cách sắp đặt riêng của mình. Nhưng, nếu có một tiếng động lạ ngoài những âm thanh đấy, mình sẽ mất tập trung - sẽ dừng lại ngay rồi tự hỏi: ai đó, cái gì vậy!?
Một giá trị, hoặc một cái đẹp mà anh luôn muốn bảo vệ gìn giữ, đó là gì?
Giá trị về gia đình, người thân, tình cảm chia sẽ gắn kết giữa đời sống xã hội. Những gì thuộc về văn hoá.
Nếu tất cả nghề đều trả lương như nhau, anh sẽ chọn làm nghề nào?
Mình đã chọn hội họa là một cái duyên đặc biệt với mình, và lúc nào mình cũng cảm nhận mọi thứ như mới bắt đầu. Ở góc độ nghề nghiệp, thu nhập cao hay thấp không có giá trị ảnh hưởng đến công việc của mình. Với mình, thu nhập tốt đồng nghĩa với sự đầu tư những tác phẩm lớn hơn, hoành tráng hơn.
Cách để vừa bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa, nhưng vẫn khiến tranh mang tính đại chúng, dễ tiếp cận với mọi người?
Thực ra những giá trị văn hóa lịch sử luôn là nền tảng cho những thế hệ kế tiếp. Về cách thể hiện, mình cũng thấy mình chịu ảnh hưởng từ rất nhiều trường phái như nghệ thuật vẽ tranh hang động của người cổ đại, tính bản năng của dân tộc thiểu số nhiều quốc gia trên thế giới, họa tiết văn hóa Ai Cập… hay những danh họa như Douanier Rousseau, Van Gogh…
Nhưng nhìn chung, tranh của mình vẫn là kiểu ‘thu mình’, nhìn và trải nghiệm, nó cũng không thực sự nổi bật để nhiều người phải chú ý theo hướng Popart… nên những cảm nhận tức thời cũng dễ dàng phớt lờ qua. Mình cho rằng, những giá trị cộng đồng hay nghệ thuật đại chúng cũng sẽ tự nhiên sinh ra nếu họa sĩ làm việc nghiêm túc, nói lên tiếng nói của riêng mình, thời đại… và đặc biệt có tài năng thì xã hội sẽ ghi nhận.
Một lời khuyên sự nghiệp bổ ích, hoặc tệ mà anh từng được khuyên?
Khi nói chuyện hội họa, ba mình thường nói nghệ thuật không cần những thứ lặp lại; tức là những gì đã được làm rồi thì không cần người khác phải làm nữa.
Lúc đầu thì mình không hình dung rõ câu nói của ông, trải qua quá trình làm việc cho đến hiện tại, mình luôn làm việc với tinh thần tìm kiếm khai thác, sáng tạo những góc nhìn mới nhằm thõa mãn, hoàn thiện cho công việc của mình hơn. Đó cũng là quan điểm chủ đạo của mình trong công việc.
Và cũng là điều đặc biệt trong công việc của mình khi mình có một khoảng thời gian dài được làm việc với Bà Xuân Phượng và Lotus Gallery. Những chia sẻ, câu chuyện, trải nghiệm của Bà về các nghệ sĩ thế hệ đi trước đã giúp mình nỗ lực hơn trong công việc…
‘Hoa trong thành (I see flowers in the palace)’– một trưng bày cá nhân của hoạ sĩ Lê Võ Tuyển được đồng tổ chức bởi Lotus Gallery và Hôtel Des Art Saigon - Mgallery, sẽ khai mạc vào lúc 18h30 ngày 28/07/23 tại Hôtel Des Art Saigon - Mgallery (76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Tp. HCM) và kéo dài đến hết 03/08/23. Triển lãm mở cửa tự do (không thu phí) hằng ngày từ 09h00 đến 18h00.