Lo mất Tết khi lương chưa có, thưởng thì không thấy đâu
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Cách đây không lâu, Vietcetera đã viết về trường hợp các bác sĩ của bệnh viện Tuệ Tĩnh bị thiếu tiền lương từ tháng 05/2021. Vậy nên, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế phải đi bán rau, chạy ship cầm cự qua ngày.
Đáng tiếc là tình trạng này kéo dài tới hiện tại. Nhiều bác sĩ phải xuống đường, cầm băng rôn, kêu gọi sự chú ý từ cộng đồng để được trả lương. Đáng nói hơn, trong bệnh viện Tuệ Tĩnh, vẫn có ban ngành được trả lương đầy đủ nhưng có nơi thì lại không.
2. Hậu quả của việc này có thể là gì?
Sau một năm đối đầu với đại dịch, hàng loạt nhân viên y tế trên cả nước chọn nghỉ việc. Tại thành phố Hồ Chí Minh ước tính có tới 1.000 nhân viên y tế đã nộp đơn từ chức.
Lý do cốt lõi vẫn là vì tiền lương không đủ trang trải cho cuộc sống. Bản thân mức lương cơ bản của ngành y đã không cao, đãi ngộ thì ít. Đi kèm khối lượng công việc lớn và khó khăn, nhiều người dù yêu cũng không trụ lại được với nghề.
Vấn đề này càng nhức nhối hơn mỗi dịp Tết, khi mà ngay cả tiền thưởng Tết của lực lượng này cũng không được đảm bảo. Vậy nên, để tránh bị thất thoát nhân lực, ngành y tế cần đặt ra một mức đãi ngộ hợp lý và công bằng hơn.
3. Đãi ngộ cho nhân viên y tế đang thiếu hợp lý ra sao?
Hiện nay nhiều cơ sở y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nợ nần vì mất nguồn thu do dịch bệnh. Vậy nên, việc thưởng Tết cho cán bộ y tế trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều bệnh viện trung ương thậm chí còn phải giảm thưởng.
Từ năm 2015 tới nay, khoảng tiền hỗ trợ cho nhân viên y tế vẫn rất thấp, chỉ khoảng vài chục đến vài trăm nghìn. Đó là chưa kể, trong năm vừa qua, nhân viên trong tâm dịch còn phải làm việc gấp nhiều lần bình thường.
Nhiều tỉnh thành đã đứng ra đề xuất thưởng Tết cho nhân viên y tế, như thành phố Hồ Chí Minh với 1,5 triệu VNĐ/người. Khoản tiền này vẫn chưa so sánh được với những gì nhân viên y tế đã cống hiến. Tuy nhiên, nó có thể sẽ là bàn đạp, giúp đưa ra các chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn cho họ.
4. Còn ai cũng lo về thưởng Tết?
Trong khi nhân viên y tế là phải làm việc quá nhiều, thì những công nhân nhà máy lại bị mất việc vì ảnh hưởng của dịch. Thưởng tết trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và nỗi lo cho người lao động.
Gần đây nhất, công nhân của công ty TNHH Pouchen đã đình công nhiều ngày, khi nghe tin bị giảm thưởng Tết. Theo báo cáo thưởng Tết Nhâm Dần, 50% doanh nghiệp nói rằng họ gặp vấn đề về kinh phí, dẫn đến việc giảm thưởng Tết.
5. Luật pháp quy định gì về thưởng Tết?
Vẫn có nhiều hiểu nhầm về việc thưởng Tết, hay lương tháng 13 là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định, khoản tiền thưởng Tết phụ thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Thường thì lương tháng 13 hay thưởng Tết sẽ được quy định rõ trong hợp đồng lao động mà hai bên ký kết.
Trong bộ luật cũng nêu rõ, thay vì thưởng bằng tiền, doanh nghiệp có thể trao thưởng bằng hiện vật như vé xe về quê. Tuy nhiên, đa phần lao động đã tỏ ra không thích thú gì với hình thức này. Nhất là khi nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng nó để tặng đồ sản xuất thừa cho họ.
Quà cáp có thể phù hợp nếu người lao động ấm no, tuy nhiên với một số người, tiền thưởng Tết đóng một phần quan trọng giúp họ trang trải thêm cho cuộc sống.
6. Tại sao thưởng Tết ở Việt Nam là một văn hóa?
Cách đây không lâu, cư dân mạng xôn xao truyền tay nhau một bảng chỉ tiêu sắm Tết lên tới 71 triệu VNĐ đồng. Hình ảnh này, dù thật hay giả, cũng đã phản ánh về thói quen sắm sửa và chuẩn bị ăn Tết của người Việt.
Qua nhiều năm, người lao động đã xem thưởng Tết như một lẽ dĩ nhiên. Vì khoản thưởng này gắn liền với ý nghĩa và truyền thống ăn Tết của người Việt. Câu tục ngữ quen thuộc “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết” cũng đã chỉ ra ý nghĩa của cuộc sống đủ đầy trong ba ngày Tết, thấm sâu vào trong tiềm thức nhiều người.
Thực ra, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gắn liền lương thưởng với một dịp lễ trong năm. Tương tự như các nước phương Tây, thì khoản tiền này sẽ rơi vào dịp lễ như Giáng Sinh.
7. Thưởng Tết đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Mức thưởng Tết là cách doanh nghiệp ngầm khẳng định về tương lai vững chắc của mình. Không người lao động nào muốn làm việc trong cảnh một mai ngủ dậy, công ty biến mất.
Bên cạnh đó, số tiền này cũng sẽ giúp giữ chân nhân viên, vì họ cảm thấy đóng góp và cố gắng của mình được công nhận. Nhất là khi đại dịch nghỉ việc đang dần lan rộng tới Việt Nam. Dân gian cũng có câu “một nén tiền công, không bằng 1 đồng tiền thưởng". Câu nói này nhấn mạnh việc chủ lao động cần thể hiện sự tôn trọng dành cho người lao động, thông qua phần thưởng.
Thay vì nhìn nhận thưởng Tết là một sự ban ơn, không bắt buộc phải có, doanh nghiệp nên có thái độ xem nó như một sự chia sẻ từ hai phía. Bởi một khi nhân viên bất mãn, doanh nghiệp là bên chịu thiệt đầu tiên.