Male gaze hay là thành trì định kiến về nữ giới?

Male gaze hay nhãn quan nam giới đã ảnh hưởng đến cách phụ nữ nhìn bản thân như thế nào?
Minh Anh
Nguồn: Malèna (2000)

Nguồn: Malèna (2000)

1. Male gaze là gì?

Male gaze (nhãn quan nam giới) miêu tả cách đàn ông dị tính nhìn phụ nữ theo xu hướng tính dục hóa, thường xuất hiện trong những hình ảnh nghệ thuật thị giác và truyền thông. Phụ nữ không còn là một chủ thể mà thay vào đó là một vật thể thụ động.

Nhà phê bình nghệ thuật John Berger, trong cuốn The way of seeing, đã nói về cách phụ nữ “được nhìn" trên phim ảnh:

“Đàn ông diễn còn phụ nữ trình diện. Đàn ông nhìn phụ nữ. Phụ nữ nhìn cái cách mình bị ngắm nhìn."

2. Nguồn gốc của male gaze?

Năm 1975, khái niệm nhãn quan nam giới được học giả và nhà làm phim Laura Mulvey lần đầu nhắc tới trong bài luận về điện ảnh Visual Pleasure and Narrative Cinema.

Dưới sự ảnh hưởng của phân tâm học, Mulvey cho rằng sự thống trị của male gaze trong phim ảnh có gốc rễ ở căn bệnh “scopophilia” - niềm vui khoái cảm từ việc ngắm nhìn. Điều này tác động mạnh đến cách phụ nữ nhìn bản thân mình, họ nhìn bản thân qua ánh mắt của một “người đàn ông tưởng tượng” bởi họ ngầm ý thức được rằng mình đang được nhìn bởi nam giới.

3. Vì sao male gaze trở nên phổ biến?

Lý thuyết về nhãn quan nam giới đã tồn tại từ trước khi chúng ta ý thức về sự tồn tại của khái niệm này. Ánh nhìn này ẩn mình, len lỏi trong tiềm thức và đôi khi không rõ ràng như cách Megan Fox bị đối xử như một “bình hoa di động” trong Transformer.

Trong bài phân tích Cái nhìn nam giới trong thơ Nguyễn Bính, tác giả chỉ ra rằng quy chuẩn xã hội, quan niệm dân gian về vai trò giới tác động tới cái nhìn nam giới. Những quy chuẩn này đã tồn tại trong “mạch văn bản tâm thức văn hóa bề sâu” (deep cultural mindset).

Hình ảnh phụ nữ được miêu tả thường bị bó buộc vào những bổn phận của người vợ, người mẹ, gắn liền với tính nữ truyền thống trong dân gian. Vì thế sự tồn tại của họ như một cá thể riêng biệt và độc lập của dường như bị bỏ quên.

Trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, nhân vật thể hiện rõ sự áp đặt của male gaze là TYPN (Tôi yêu phụ nữ). Tay thiết kế đồ này một mặt nói ủng hộ nữ quyền, khuyến khích các bà các cô ăn mặc “tân thời" nhưng mặc khác lại không đồng ý cho các vợ, các con nhà mình mặc những bộ trang phục này. Người phụ nữ trong văn học nằm gọn trong môi trường nam quyền, bị đóng khung bởi chuẩn mực và ánh nhìn nam giới.

Trong thời hiện đại, những tính chất này xuất hiện trong những quảng cáo về đồ gia dụng luôn khai thác hình ảnh người vợ, người mẹ tảo tần trong bếp đợi chồng con về. Báo chí vẫn sẽ nhan nhản những đề tài cũ mòn: làm đẹp để giữ chồng, chồng chạy theo nhân tình trẻ đẹp,... Và đối tượng những người đọc này chính là phụ nữ, người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cái nhìn nam giới.

Ở khía cạnh tiêu chuẩn sắc đẹp, sự kệch cỡm nằm trong việc những người đàn ông tự hào cho tiền vợ để “trùng tu nhan sắc" cốt lõi cũng chỉ để phục vụ cho mục đích nhìn của đàn ông. Phụ nữ gắn liền sự tự tin của mình với nhan sắc, chạy đua với những tiêu chuẩn làm đẹp được sinh ra từ male gaze.

Female gaze ra đời như sự phản kháng của những người phụ nữ muốn tự kể câu chuyện của mình. Nhãn quan phụ nữ không phải nhằm mục đích vật hóa đàn ông như người ta lầm tưởng, mà là lấy lại sự chủ động của phụ nữ trong việc làm chủ chính suy nghĩ và hành động của bản thân.

4. Cách dùng male gaze?

Tiếng Anh

A: My husband said that I could use his credit card to “makeover" after our first baby. I know he cares about me but somehow it makes me feel bad.

B: Maybe because you don't really wanna do that. Just break yourself free from the male gaze.

Tiếng Việt

A: Ê ông chồng tui cho tui tiền để trùng tu nhan sắc sau khi đẻ nè. Tui biết ổng nghĩ cho tui mà không hiểu sao tui cứ thấy buồn á.

B: Chắc do bà không thực sự muốn á. Đừng để nhãn quan nam giới ảnh hưởng mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục