Massimo Roj: “Kiến trúc cũng giống như nhạc Rock”
Trước thềm sự kiện Ngày thiết kế Ý 2021 tại Việt Nam, Vietcetera đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Massimo Roj - Đại sứ thiết kế năm nay.
Bên trong trụ sở công ty kiến trúc Progetto CMR ở Milan của Massimo Roj thoạt nhìn giống như một bảo tàng về Rock, với gương mặt của các huyền thoại được trang trọng in trên các bức tường. Massimo là người yêu nhạc Rock. Tháng 3 năm 2020, ông xuất bản “Rocktecture” - cuốn sách về chặng đường 25 năm phát triển của Progetto CMR, với tựa đề được ghép từ Rock và Architecture.
Vậy là câu chuyện của Vietcetera với ông bắt đầu bằng sự giao thoa giữa âm nhạc và kiến trúc.
Khi viết “Rocktecture”, ông tìm thấy mối liên hệ nào giữa kiến trúc và nhạc Rock?
Ý tưởng này bắt đầu từ câu nói của Bruno Zevi, một nhà phê bình kiến trúc nổi tiếng người Ý. Ông ấy nói rằng hội họa có 2 chiều, điêu khắc có 3 chiều. Kiến trúc là những gì xung quanh chúng ta, là nghệ thuật của không gian. Còn âm nhạc thứ chúng ta đắm chìm trong đó.
Cũng như âm nhạc, kiến trúc không chỉ khơi gợi những cảm xúc đơn thuần. Nó là cầu nối để truyền tải các thông điệp về sự sẻ chia, kết nối, và những giá trị bền vững. Nó vượt qua bản thể của chính tác phẩm để chạm tới sự đa chiều của con người, của môi trường, của kinh tế và xã hội.
Tư tưởng của Rock ‘n’ Roll là sự phóng khoáng, tự do, đổi mới. Trong khi đó, kiến trúc là loại hình nghệ thuật khiến tôi cảm thấy có thể là chiếc chìa khóa tốt nhất để mở cánh cửa về sự hiểu biết đối với thế giới này.
Những giá trị chung đó đã tạo cảm hứng cho tôi hình thành mối liên kết giữa nhạc Rock và kiến trúc, và “Rocktecture” ra đời. Cuốn sách là sự kết hợp giữa hai niềm đam mê lớn nhất của tôi: âm nhạc và kiến trúc.
Sinh ra và lớn lên ở Milan, điều gì khiến ông tự hào nhất về thành phố của mình?
Thiết kế và thời trang. Milan nói riêng và vùng Lombardy nói chung nổi tiếng về công nghiệp sản xuất vải. Từ những năm 90s của thế kỷ trước và cho đến tận bây giờ, thành phố này vẫn là một trong những kinh đô thời trang lớn nhất thế giới.
Người Milan chúng tôi tự hào khi có thể kết hợp nhuần nhuyễn chuyên môn trong các quy trình sản xuất công nghiệp vải vóc với óc sáng tạo và gu thẩm mỹ hoàn hảo. Điều này thể hiện rõ nhất trên những thiết kế thời trang.
Công trình kiến trúc nào ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách thiết kế của ông?
Center Pompidou ở Paris, được thiết kế bởi Renzo Piano và Richard Rogers, là công trình ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi khi còn trẻ. Ngoài ra, những bậc thầy Chủ nghĩa duy lý Ý cũng rất quan trọng, chẳng hạn như Terragni, Bottoni và Libera. Tôi cũng chịu khá nhiều ảnh hưởng từ những kiến trúc sư tên tuổi khác trên thế giới như Louis Khan và Luis Barragan.
“Less Ego More Eco” là phương châm tiếp cận chính của ông mỗi khi thiết kế. Điều này bắt nguồn từ đâu?
Vài năm trước, khi tham dự một hội nghị ở Thượng Hải, một vài bài thuyết trình khiến tôi nhận thấy rõ rằng một số diễn giả chỉ nói về những thứ họ thích. Nhưng nói tới kiến trúc là nói tới cảnh quan, đất đai, cuộc sống của con người trong không gian đó và cả môi trường thiên nhiên xung quanh.
Bạn phải để tâm đến tất cả những yếu tố đó thay vì chỉ làm những điều bạn thích. Đó là lúc tôi nghĩ về điều này, “Less Ego More Eco”. Bạn gạt bớt cái tôi xuống để tập trung vào những giá trị lớn lao hơn, như tính bền vững và hệ sinh thái.
Cuốn sách “Less Ego More Eco” chứa đựng rất nhiều quan điểm và lý giải, nhưng đúc kết lại, ý nghĩa cốt lõi của nó sẽ chỉ gói gọn trong 6 từ: Thẩm mỹ, Quy hoạch, Phát triển, Công nghệ, Kinh tế, Bền vững.
Mọi quy ước về những điều được cho là “đẹp” đều phải dựa trên nguyên tắc về sự tôn trọng những giá trị của thiên nhiên. Đây chính là xuất phát điểm của quan niệm bền vững. Mỗi vùng đất đều có lối kiến trúc riêng thể hiện ngôn ngữ của vùng đất đó. Và bí quyết để phát triển chính là quay trở về với những giá trị cốt lõi đó.
Chủ đề “Ngày thiết kế Ý” năm nay là về tái sinh đô thị. Câu chuyện tái sinh đô thị ở Ý diễn ra như thế nào?
Ý là một quốc gia mà ở đó các thành phố là đầu tàu cho sự phát triển và tăng trưởng, là nơi giao thoa văn hóa và kiến thức qua nhiều thời đại.
Sự phát triển của đất nước chúng tôi gắn với sự phát triển của nhiều thành bang, chia cắt rồi tái hợp. Lịch sử cả ngàn năm đó giúp cho chúng tôi có kiến thức về sự phát triển của các đô thị từ rất xa xưa. Khi bạn hiểu rõ về lịch sử và quá khứ, bạn sẽ có cơ sở để đưa ra các diễn giải cho tương lai.
Rất nhiều dự án tái sinh đô thị đã được thực hiện tại Ý. Hiện nay, các dự án quy hoạch tập trung vào mô hình thành phố đa trung tâm, vào việc xây dựng những khu tổ hợp đa chức năng ở các quận khác nhau và các vùng lân cận.
Chúng ta có ý tưởng “Thành phố 15 phút” mà ở đó mọi người dân đều có thể tiếp cận tất cả mọi dịch vụ thiết yếu chỉ trong vòng 15 phút đi bộ hoặc xe đạp. Chiến lược này của thị trưởng Paris Anna Hidalgo sẽ trở thành mục tiêu phát triển của rất nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Milan.
Sự tái sinh trong kiến trúc bắt nguồn từ đâu?
Mọi người đều nói về tái sinh đô thị, nhưng theo tôi, tái sinh kiến trúc cần phải bắt nguồn từ tái sinh con người. Chúng tôi đặt con người vào trung tâm của mọi dự án, chú trọng đến nhu cầu, sự hiểu biết và ước mơ của con người.
Khi thiết kế hay quy hoạch một thành phố, chúng ta cần suy nghĩ về cách con người sẽ sống trong thành phố đó như thế nào. Nơi họ sống không những cần sự hiện đại, mà còn cần cho họ cảm giác an toàn, có phúc lợi và chất lượng cuộc sống tốt.
Chúng ta sử dụng các công nghệ để tạo ra những thay đổi, cải tiến phù hợp hơn với nhu cầu của con người, để một thành phố không chỉ thông minh mà còn an toàn. Góp phần làm cho các thành phố phản ứng nhanh hơn với những sự kiện phức tạp như những gì chúng ta chứng kiến trong vài năm gần đây.
Thành phố an toàn là nơi mà trong đó các yếu tố về kiến trúc, môi trường, kinh tế, văn hóa và đối thoại cộng đồng đều có chung tiếng nói. Mô hình tích cực về sự tái sinh này có thể được mở rộng và áp dụng với tất cả các thành phố trên thế giới.
Progetto CMR đã tham gia thiết kế nhiều dự án tại Việt Nam. Có điểm tương đồng nào giữa đô thị Việt Nam và Ý?
Ý và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về địa lý và không gian mà tôi tin rằng chúng ta sẽ gặp gỡ và phát triển được rất nhiều từ những điểm chung đó.
Bản đồ của Ý và Việt Nam cũng trải dài từ Bắc xuống Nam với những vùng miền rõ rệt. Nếu nhìn vào những đô thị lớn của hai đất nước, ta cũng dễ dàng thấy các khu trung tâm gắn liền với lịch sử lâu đời đều có kết cấu hình vuông, với những con phố nhỏ hẹp. Cách bố trí của các thành phố lâu đời của Ý và Việt Nam tương tự nhau. Bạn sẽ thấy các con phố ở Rome cũng có rất nhiều ngõ nhỏ giống như ở Hà Nội.
Hay các cửa hàng, tòa nhà ở Việt Nam thường kết hợp không gian sản xuất và bán hàng ở tầng trệt, các tầng trên dùng để sinh hoạt. Hình thái nhà này cũng có trong truyền thống của người Ý. Mỗi khu phố đều duy trì tính đa chức năng của nó, kết hợp với nhau và tạo ra giá trị chung giữa các chức năng với nhau.
Cũng chính vì thế mà có nhiều mô hình đã thành công ở Ý mà tôi tin rằng có thể phù hợp khi áp dụng tại Việt Nam.
Ông trông đợi điều gì từ sự kiện Ngày thiết kế Ý năm nay?
Tôi mong muốn thông qua những hoạt động này, người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu và yêu thích hơn văn hóa Ý. Từ đó chúng ta có thể làm việc và chia sẻ nhiều quan điểm, các chủ đề phát triển trong tương lai.
Tôi rất vui với vai trò Đại sứ thiết kế trong hơn một năm qua. Điều này cho phép tôi xây dựng sự hiểu biết, khám phá một nền văn hóa mới đa dạng hơn, đồng thời mở rộng thêm những quan điểm trong kiến trúc và thiết kế.
Việt Nam là một đất nước có lịch sử quan trọng, có nhiều dân tộc khác nhau với nền văn hóa kiến trúc đa dạng. Tôi tin rằng một cuộc đối thoại kiến trúc giữa Ý và Việt Nam sẽ vô cùng thú vị.