Kiến trúc tương lai cần được xây dựng từ bản sắc văn hóa | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
03 Thg 07, 2021
Xu Hướng Kinh Doanh

Kiến trúc tương lai cần được xây dựng từ bản sắc văn hóa

Liệu Việt Nam có thể áp dụng triết lý kiến trúc hướng tới con người vào các thành phố của mình trong tương lai không?
Kiến trúc tương lai cần được xây dựng từ bản sắc văn hóa

Các kiến trúc sư giữ nguyên kết cấu gốc của nhà máy, ngoại thất không thay đổi và thậm chí đường đua thử nghiệm xe năm xưa vẫn được giữ lại trên sân thượng | Nguồn: Shutterstock

Logo

Năm 2018, báo cáo về dân số của Liên hợp quốc chỉ ra rằng 56% dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị, tăng 10% kể từ đầu thế kỷ 21. Liên hợp quốc dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tiếp tục tăng lên đến 68%, trong đó 90% xảy ra ở châu Á và châu Phi.

Tại những thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng và đặc biệt là TP.HCM, xu hướng dịch chuyển này cũng thể hiện rõ nét. Những đường chân trời ở các đô thị lớn ngày càng được mở rộng để bắt kịp với tốc độ gia tăng dân số và tiềm lực tài chính.

Vào cuối năm 2010, Bitexco Tower mới chỉ gần hoàn thành, Landmark 81 vẫn chưa được hình thành, mật độ xây dựng ở trung tâm Quận 1 chưa sôi động như hiện nay. Tương tự, Bình Thạnh và Quận 4 khá yên ắng khi chưa có các khu cao ốc liên tiếp mọc lên. 11 năm sau, dân cư ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung chứng kiến tốc độ xây dựng và phát triển nhanh chóng ở những đô thị lớn.

Những thách thức của một đô thị phát triển

Tuy nhiên, để có được sự thay đổi này, các thành phố cũng phải đánh đổi rất nhiều. Tháng 10 năm 2020, Vietcetera có cuộc nói chuyện với Giám đốc điều hành SCE Project Asia Luigi Campanale về tương lai của các thành phố, di sản văn hóa và di sản kiến trúc.

Ông nhận xét rằng: “Các thành phố (Đông Nam Á) ngày nay có xu hướng trông rất giống nhau: những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại đồ sộ, sự thiếu hụt những mảng xanh, các khu vực cộng đồng và trung tâm văn hoá; và quan trọng nhất là dần thiếu đi bản sắc văn hoá.”

Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn lên đời sống xã hội, tạo ra những khái niệm về cuộc sống bình thường mới. Phần lớn người dân bị buộc phải làm việc nhiều hơn ở nhà cũng đồng thời làm sáng tỏ hạn chế của những không gian làm việc truyền thống. Từ đó thúc đẩy chúng ta định hình lại về không gian sống và làm việc của mình. Nó cũng tạo cơ hội cho chúng ta mở ra một cuộc đối thoại về cách con người cải tạo, tái sinh không gian sống mà vẫn đảm bảo sự bền vững về văn hóa.

Nếu sự gia tăng dân số ở các đô thị được dự báo trước là không-thể-tránh-khỏi, thì các đô thị cũng phải có tốc độ phát triển tương xứng để đáp ứng điều đó.

Những thành phố phát triển ở Ý như Turin hay Naples đều nhận thấy lợi ích của việc định hình lại về quy hoạch đô thị | Nguồn: Shutterstock

Câu chuyện tái sinh đô thị và bảo tồn di sản văn hóa ở Ý

Ý là một trong những quốc gia với số lượng di sản đồ sộ nhất trên thế giới. Với diện tích chỉ hơn 300 nghìn km2, người Ý xây dựng tới hơn 30.000 nhà thờ Thiên chúa giáo, 20.000 lâu đài và hơn 3.000 địa danh lịch sử.

Các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị Ý từ lâu đã phải giải bài toán bảo tồn di sản khổng lồ ở đất nước mình. Họ là những người tiên phong trong việc áp dụng các phương thức khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến để gìn giữ nguyên vẹn các công trình kiến trúc có tuổi đời hàng ngàn năm.

Qua rất nhiều cuộc trùng tu tỉ mỉ và áp dụng các phương pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với văn hóa, những biểu tượng như Điện Pantheon, đấu trường La Mã và nhà nguyện Sistine vẫn tiếp tục trường tồn với thời gian.

Bảo tồn di sản là một trong số rất nhiều yếu tố tạo nên khái niệm về sự tái sinh đô thị. Đây là quá trình kết hợp đổi mới công nghệ và thiết kế để mang đến sự phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, thân thiện với môi trường, tạo ra những không gian đáng sống hơn cho con người.

Những thành phố phát triển ở Ý như Turin hay Naples đều nhận thấy lợi ích của việc định hình lại về quy hoạch đô thị.

Nền kinh tế của Turin phần lớn được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp xe hơi vào đầu đến giữa thế kỷ 20, nhờ sự phát triển và thành công của hãng xe FIAT. Nhưng khi tập đoàn công nghiệp lớn hàng đầu nước Ý này rơi vào thời kỳ khó khăn và quá trình phi công nghiệp hóa bắt đầu xảy ra, thành phố có tới 6 triệu mét vuông đất bỏ hoang ở các khu công nghiệp.

Trên nền đất khô cằn hoang phế của hai khu phức hợp cũ FIAT, người ta xây dựng những công trình mang lại diện mạo mới cho thành phố công nghiệp nặng nề này. Trong đó bao gồm Công viên Environment Park rộng 20.000 mét vuông với một sân thượng được phủ hoàn toàn bằng cỏ xanh.

Một ví dụ khác là Lingotto, nơi từng là nhà máy sản xuất hiện đại và lớn nhất châu Âu, khi nó lần đầu tiên được xây dựng vào những năm 1920s. Trong những kế hoạch tái sinh thành phố, nhà máy cũ này được chuyển đổi thành một khu phức hợp thương mại đa năng với các khách sạn, khu bán lẻ, văn phòng và nhà hát. Các kiến trúc sư giữ nguyên kết cấu gốc của nhà máy, ngoại thất không thay đổi và thậm chí đường đua thử nghiệm xe năm xưa vẫn được giữ lại trên sân thượng.

Ở phía Nam nước Ý cách Turin gần 900 km, Naples cũng là một trong những cái tên đi đầu trong việc tái sinh đô thị. Chính quyền thành phố lập ra những kế hoạch về công nghệ nhằm mang lại sức sống và hơi thở của thiên nhiên vào các khu công nghiệp cũ, đồng thời tạo ra các khu văn hóa và giải trí. Mục tiêu của những kế hoạch này là kết nối dân cư của các khu vực lân cận với cấu trúc đô thị của thành phố.

Khu vực quận ven biển Bagnoli vốn phải chịu đựng sự ô nhiễm nặng nề từ nhà máy thép hai triệu mét vuông này đã được khử nhiễm, trồng lại cây xanh và được tái sinh trở thành một khu vực nông nghiệp đa dạng sinh học.

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở phía Nam, sự đa dạng kiến trúc của các tòa nhà theo Chủ nghĩa Hiện đại thế kỷ 20 chính là những ví dụ điển hình nhất cho phong cách thiết kế kết hợp giữa chức năng và công nghệ | Nguồn: Shutterstock

Kiến trúc tương lai cần được xây dựng từ bản sắc văn hóa

Bất chấp những khó khăn kể từ đầu năm 2020, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế tiếp tục phát triển ngay cả trong đại dịch, và chắc chắn sự phát triển đô thị sẽ tiếp tục bùng nổ. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, di sản văn hóa và phúc lợi của người dân cũng cần phải được bảo vệ.

Điều quan trọng trong việc xây dựng các thành phố to lớn hơn, hiện đại và lộng lẫy hơn, chính là làm thế nào để khiến các thành phố trở nên đáng sống hơn.

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở phía Nam, sự đa dạng kiến trúc của các tòa nhà theo Chủ nghĩa Hiện đại thế kỷ 20 chính là những ví dụ điển hình nhất cho phong cách thiết kế kết hợp giữa chức năng và công nghệ. (Nguồn: tapchikientruc.com)

Một số các công trình kiến trúc đó cho đến ngày nay vẫn giữ được giá trị lịch sử và văn hóa của nó, nhưng đã được tu sửa để phục vụ cho nhiều mục đích khác như thương mại, dịch vụ. Sự vận động và thay đổi của một đô thị là điều không thể tránh khỏi. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể dung hòa điều này với việc bảo tồn di sản văn hóa?

Đó cũng chính là những vấn đề được đặt ra trong sự kiện “Ngày Thiết kế Ý 2021” năm nay với chủ đề “Tái sinh một số khu vực đô thị” và “Ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa”.

Kể từ năm 2017, Việt Nam là một trong các nước tham gia tích cực vào ý tưởng “Ngày thiết kế Ý” của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia cùng Fondazione Compasso d’Oro và The Triennale di Milano. Mỗi năm, 100 đại sứ văn hóa Ý tại 100 thành phố sẽ chia sẻ, trao đổi và cùng những người yêu nghệ thuật, những nhà thiết kế, các kiến trúc sư và những nhà hoạch định cảnh quan, phát triển đô thị tại các quốc gia tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mang tính thời đại về hình mẫu thế giới trong tương lai, sự phát triển bền vững cũng như lưu giữ vẻ đẹp vĩnh cửu.

Kiến trúc sư Massimo Roj - Đại sứ của “Ngày thiết kế Ý 2021” tại Việt Nam, là người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty kiến trúc Progetto CMR với trụ sở tại Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Mục tiêu của ông là mang các quy trình kiến trúc của Ý theo hướng công nghệ ra thế giới, nhằm thúc đẩy tính linh hoạt, tính bền vững, ý thức sinh thái và triết lý thiết kế lấy con người làm trung tâm.

Ông cũng nhất mực tin tưởng rằng tương lai chỉ có thể được xây dựng bằng cách học hỏi từ quá khứ và diễn giải nó bằng chiến lược hiện đại, sự sáng tạo và ý thức về các giá trị văn hóa.

Tái sinh đô thị theo quan điểm của Roj không chỉ là bảo tồn các di sản kiến trúc hiện có. Mà ngay khi bắt tay vào xây dựng một công trình mới hay quy hoạch một đô thị, cần cân nhắc đến các giá trị bên trong của vùng đất đó, tìm hiểu và tôn vinh tính địa phương cũng như các bản sắc xã hội và văn hóa.

Bài viết được dịch bởi My Nguyễn.