Từ Ý đến Việt Nam: Tái sinh các khu vực đô thị quan trọng như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
29 Thg 06, 2021
Xu Hướng Kinh Doanh

Từ Ý đến Việt Nam: Tái sinh các khu vực đô thị quan trọng như thế nào?

Sự thành công của Ý trong việc tái tạo đô thị, tạo ra các không gian bền vững đã được nhân rộng tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Từ Ý đến Việt Nam: Tái sinh các khu vực đô thị quan trọng như thế nào?

Trong những năm qua, các kiến trúc sư tài năng nhất thế giới đã mang lại cho Milan một sự phát triển kiến trúc phi thường | Nguồn: Shutterstock

Lockup

Năm 312 sau Công nguyên, rất lâu trước sự ra đời của nhiều công trình kiến trúc vĩ đại trên thế giới, người Ý đã xây dựng khải hoàn môn Constantine sừng sững giữa đấu trường La Mã và đồi Palatine. 

Công trình được làm bằng đá cẩm thạch với các chi tiết chạm trổ tinh tế này được đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá, là biểu tượng quyền lực của La Mã cổ đại. Kiến trúc đồ sộ của cổng Constantine là cảm hứng cho hầu hết các khải hoàn môn khác trên thế giới sau này, chứng minh cho sự dẫn đầu và trường tồn của kiến trúc Ý

Thời kỳ Phục Hưng vào thế kỷ 15 cũng chứng kiến sự tái sinh của văn hóa cổ điển, những kiệt tác kiến trúc thách thức lý tưởng về xây dựng và kỹ thuật. Thánh đường ở Vatican dưới bàn tay của Michelangelo hay công trình “Ospedale degli Innocenti” của Filippo Brunelleschi là những công trình tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và khoa học. 

Hàng thế kỷ sau đó, dấu ấn thiết kế và kiến trúc sản sinh từ người Ý vẫn ảnh hưởng và là hình mẫu cho rất nhiều phong trào thiết kế ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ.

Ngày nay, các kiến trúc sư và nhà thiết kế Ý vẫn tiếp tục đổi mới những ý tưởng, kết hợp kiến trúc và thiết kế với chiến lược quy hoạch đô thị, nhằm đem lại sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ cho đất nước Địa Trung Hải này. 

Khái niệm tái sinh đô thị (urban regeneration) được hình thành dựa trên việc cải thiện các tòa nhà và đất đai, ngăn chặn sự suy giảm và xuống cấp của các công trình kiến trúc cổ. Điều này chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận và dự án quy hoạch đô thị. Những dự án tại hai thành phố nổi tiếng Milan và Venice là những ví dụ tiêu biểu. 

Công trình Porta Nuova và CityLife ở Milan 

Công trình xanh ở quận Porta Nuova, Milan | Nguồn: Shutterstock

Milan là thủ phủ của vùng Lombardy giàu có và là trái tim kinh tế của cả nước Ý. Thành phố với 3,1 triệu dân này đã trải qua những biến đổi không ngừng trong lịch sử, trở thành quê hương của các thương hiệu thời trang lớn và các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới. 

Trong những năm qua, các kiến trúc sư tài năng nhất thế giới đã mang lại cho Milan một sự phát triển kiến trúc phi thường. Họ biến nơi đây từ một “thành phố xám” trở thành hình mẫu về thành phố sinh thái, đáp lại những lời kêu gọi ứng phó với sự nóng lên toàn cầu. 

Porta Nuova và CityLife là hai công trình tái tạo đô thị lớn ở châu Âu, biến các khu công nghiệp nặng nề trở thành không gian sáng tạo bền vững, mang giá trị cao về nghệ thuật và văn hóa. 

Cả hai dự án tập trung vào mật độ các tòa nhà cao tầng, giải phóng mặt bằng để phát triển thành công viên thiên nhiên đô thị mới. Một giải pháp xanh thổi luồng sinh khí cho thành phố, khiến nơi đây trở nên dễ chịu và dễ sống hơn.

Hệ thống MOSE giải cứu Venice

 Venice phải tìm ra sự cân bằng giữa việc bảo tồn thành phố như một di sản, vừa phải đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo chất lượng sống | Nguồn: Shutter Stock

Venice là một trong những thành phố lộng lẫy nhất thế giới, nổi tiếng với những con kênh và lối kiến trúc trên nước độc nhất vô nhị. Nhưng chính nguồn gốc độc đáo và sự phụ thuộc vào tự nhiên này cũng khiến Venice phải đối mặt với thách thức rất lớn. Đó là tìm ra sự cân bằng giữa việc bảo tồn thành phố như một di sản, vừa phải đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo chất lượng sống. 

MOSE là một hệ thống thử nghiệm điện từ, bao gồm 78 cửa chắn lũ lắp ở đáy biển tại các cửa hút Lido, Malamocco và Chioggia để cô lập đầm phá tạm thời với Biển Adriatic khi triều cường. Khi thủy triều tràn tới, các cửa có thể nhô lên tạo thành một con đê, ngăn nước biển tràn vào gây ngập lụt cho Venice.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng bắt đầu vào năm 2003. 17 năm sau, quá trình thử nghiệm đầy đủ mới hoàn toàn thành công. Khi MOSE được kích hoạt lần đầu tiên trong sự kiện triều cường vào tháng 10 năm 2020, các khu vực trũng thấp của thành phố không bị ngập lụt. Dự án khởi công cùng với các công trình gia cố ven biển nhằm bảo vệ thành phố và người dân. 

Đây cũng chính là lời giải cho những quan ngại về việc thành phố sẽ ngày càng chìm xuống và hoàn toàn biến mất chỉ trong vòng 50 năm nữa. 

Mô hình cho Việt Nam: Nghĩ khác về sự phát triển

Sự thành công của Ý trong việc tái sinh đô thị, tạo ra các không gian bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội đã được nhân rộng tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, các kiến trúc sư Ý cũng thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết phải định hình lại các trung tâm đô thị để đáp ứng những thách thức của toàn cầu hóa.

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia châu Á có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Đổi mới năm 1986 và các hiệp định thương mại tự do khác nhau được ký kết sau đó đã giúp Việt Nam trở thành cái tên đáng chú ý về mặt phát triển kinh tế. 

Các tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng, khu đô thị đang thống trị thành phố. Các tổ hợp hoàn chỉnh gồm văn phòng, nhà ở, tiện ích công cộng và không gian xanh liên tục được xây dựng trong sự tự hào và háo hức của người dân.

Cần một giải pháp cho những khu vực đông dân cũ tại Hà Nội | Nguồn: Shutterstock

Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác bên cạnh sự phát triển như vũ bão đầy tiềm năng này. Hầu hết các hoạt động thiết yếu và cơ bản để duy trì sự vận động của những thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn đều tập trung vào khu vực trung tâm, các đường phố cũ, khu phố cổ. 

Các không gian này tạo thành đơn vị cơ bản nhất của đô thị, là xương sống của các động lực xã hội và thương mại của thành phố. Nhưng chúng đã quá tải bởi mật độ dân sinh sống, sự ô nhiễm, cùng với hệ thống thoát nước và xử lý nước thải có tuổi thọ vài chục năm. Những khu nhà tồi tàn và xuống cấp trong những con hẻm nhỏ đang oằn mình chống đỡ sự gia tăng dân số, đi kèm với ô nhiễm và mất an toàn, nhất là những khi có hỏa hoạn. 

Không những thế, việc sử dụng và bảo tồn các kiến trúc di sản Pháp từng là nét duyên dáng độc đáo của Việt Nam cũng ngày một giảm dần. Khi nhu cầu về nhà ở và đất đai mở rộng, các tòa nhà di sản có nguy cơ bị phá bỏ. Nhiều biệt thự và nhà phố cũ hiện nằm mục nát và trống rỗng, trong khi một số lượng lớn đã được thay thế hoặc sửa đổi thành các không gian thương mại hiện đại. 

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Xã hội học Đào Thị Như tại Đại học Panthéon-Sorbonne ở Paris, trong vòng gần 30 năm từ cuối 1980 đến 2008, số lượng biệt thự phong cách Pháp và châu Âu ở Hà Nội giảm gần một nửa, xuống dưới 1.000 công trình.

Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào để phát triển và hiện đại mà không phải hy sinh bản sắc văn hóa của mình?

Liệu Việt Nam có áp dụng được các giải pháp tái tạo đô thị như Italy? | Nguồn: Shutterstock

Ngày Thiết kế Ý: Ý tưởng từ các chuyên gia 

Người Ý đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Lời giải nằm ở sự cân bằng giữa lịch sử và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển.

Để đem đến cho công chúng cái nhìn cụ thể và đầy đủ hơn về sự độc đáo của Ý trong thiết kế và phát triển kiến ​​trúc, Ngày Thiết kế Ý là sự kiện được tổ chức hàng năm tại hơn 100 thành phố trên thế giới. Sự kiện quy tụ sự tham gia của các kiến trúc sư, chuyên gia hàng đầu trên thế giới với hàng trăm ý tưởng, nghiên cứu được trình bày. Năm nay, chủ đề của Ngày thiết kế Ý tập trung vào tầm quan trọng và nhu cầu cấp thiết của việc tái sinh đô thị.

Năm nay, chủ đề của Ngày thiết kế Ý tập trung vào tầm quan trọng và nhu cầu cấp thiết của việc tái tạo đô thị | Nguồn: Shutterstock

Ngài Antonio Alessandro, đại sứ Ý tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tiếp cận với sinh viên, giáo viên, kiến ​​trúc sư, các công ty trong lĩnh vực bất động sản và thiết kế. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho các kiến ​​trúc sư trẻ Việt Nam và công chúng quan tâm một cái nhìn tổng thể về các xu hướng và giải pháp cho các dự án tái sinh đô thị ở Ý, ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.

Ngày Thiết kế Ý 2021 tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng 7 bằng hội nghị trực tuyến với chủ đề “Tái sinh một số khu vực đô thị", giải thích xu hướng tái cấu trúc và chuyển đổi không gian đô thị ở các thành phố Việt Nam theo hướng bền vững và cân bằng. Vào ngày 9 tháng 7, webinar với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa” sẽ được tổ chức với các điểm cầu từ Hà Nội, TP.HCM, Milan và Florence. 

Kiến trúc sư Massimo Roj, người đảm nhận vai trò Đại sứ Thiết kế Ý tại Việt Nam năm nay, sẽ có bài thuyết trình về kiến ​​trúc và tính bền vững - hai khái niệm mà ông đã tích cực theo đuổi trong hơn ba thập kỷ nay. Massimo Roj tích hợp các chiến lược bền vững với mục tiêu tạo ra một kiến ​​trúc linh hoạt và hiệu quả, sử dụng cách tiếp cận tổng thể dựa trên phương châm “Less Ego More Eco”. 

Bài viết được dịch bởi My Nguyễn.