Mua điện thoại đời cũ có thực sự lỗi thời?

Các công ty công nghệ ngày nay sản xuất điện thoại mới liên tục với nhiều phân khúc giá khác nhau, vậy thì lý do gì chúng ta vẫn nên cân nhắc mua điện thoại đời cũ?
Bích Hồ
Dùng điện thoại cũ có thật sự lỗi thời?

Dùng điện thoại cũ có thật sự lỗi thời?

Sau 5 năm, tôi quyết định “lên đời” với một chiếc điện thoại mới. Gọi là mới nhưng thực ra tại thời điểm tôi mua, nó cũng đã “lỗi thời” được 2 năm.

Mua muộn hơn 2 năm so với thời điểm chiếc điện thoại mới ra mắt như thế nghĩa là tôi không có niềm háo hức của việc đặt hàng trước và chờ đợi để được cầm trên tay sản phẩm tân thời nhất. Nghĩa là khi tôi bước vào cửa hàng, sẽ không có sự nhộn nhịp, reo hò, vỗ tay.

Một mặt, tôi vẫn cảm thấy niềm vui của mình có vẻ không ít hơn là mấy so với những người tậu chiếc điện thoại này cách đó 2 năm.

Nhưng đồng thời, nó khiến tôi nhìn lại trải nghiệm dùng đồ công nghệ của mình và tự hỏi: Tôi có đang bỏ lỡ thời cuộc không? Việc dùng đồ đời cũ có thực sự lỗi thời? Quan sát và trò chuyện với những người thân quen trong lĩnh vực công nghệ, tôi đi tìm câu trả lời cho mình qua bài viết này.

Không phải sản phẩm đời mới là có công nghệ đổi mới

Dạo quanh một vòng trên Twitter, Quora và Reddit, tôi bắt gặp rất nhiều câu hỏi kiểu như: Vì sao kiểu dáng các điện thoại bây giờ cứ giông giống nhau? Vì sao Apple/Samsung/Sony/… cứ sản xuất thêm đời mới mỗi năm dù chúng không khác đi so với đời cũ là mấy?

Câu trả lời thì vô số, nhưng nhìn chung đều phản ánh một ý kiến phổ biến rằng: các dòng điện thoại thông minh ngày nay ít có tính đổi mới (innovation), thứ khiến người ta vỡ oà, tán thưởng như thời cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Hoặc ít nhất là các công ty công nghệ đang tạo ra ấn tượng như thế. Thậm chí cả ông lớn Apple trong những năm sau khi Steve Jobs qua đời cũng bị đánh giá là “thiếu sáng tạo”.

Tuy nhiên, nhìn điều này ở khía cạnh kinh doanh có thể thấy nó không hẳn là một vấn đề lớn, nhất là các công ty đang kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh. Các hãng Android, điển hình như Samsung, trong một năm có thể cho ra mắt đến hơn 50 phiên bản mới của các dòng điện thoại. Trước đây, mỗi năm trôi qua Apple chỉ ra mắt 1 dòng sản phẩm, nhưng vài năm gần đây họ cho ra từ 2 đến 3 dòng cùng một lúc như iPhone S, iPhone SE, iPhone Pro, iPhone Pro Max.

Khi số lượng quá nhiều như vậy, cũng dễ hiểu nếu giữa các sản phẩm chỉ có các thay đổi ở dạng “có thì tốt, nhưng không có cũng không sao”. Chẳng hạn như thiết kế màn hình gấp, màn hình tràn viền có “tai thỏ”, “giọt nước”, dung lượng lưu trữ lớn hơn, chip xử lý nhanh hơn (có thể hình dung bằng việc bạn có thể tải một trang web nhanh hơn vài giây). Nếu muốn thấy sự khác biệt lớn, bạn phải thường so sánh các đời máy cách nhau ít nhất trên 2 năm.

Nhất là khi nhìn ở khía cạnh lịch sử, tiến hoá xã hội, ta cũng thấy được rằng phải mất nhiều năm, chứ không chỉ vài tháng để phát triển và ứng dụng sâu các công nghệ tân tiến và thiết thực nhất vào cuộc sống hằng ngày.

Điển hình như công nghệ 5G được bắt đầu phát triển với quy mô lớn từ năm 2012, đến năm 2019 thì chính thức ra mắt, nhưng đã 3 năm trôi qua, mới chỉ có khoảng gần 40% điện thoại trên thị trường là đã hỗ trợ tính năng này.

Mặt khác, việc các công ty phải ra sản phẩm mới liên tục về bản chất là công việc của một công ty công nghệ. Trong quá trình tạo ra các phát minh lớn, họ cần phải kiếm tiền từ các phát minh nhỏ hơn để duy trì hoạt động công ty.

Chưa kể việc kinh doanh điện thoại thông minh được biết là sinh lời rất lớn, nhất là với các thương hiệu dẫn đầu. Theo thống kê vào quý 4 năm 2021, Apple chiếm tới 75% lợi nhuận ngành điện thoại thông minh toàn cầu. Trong đó, doanh số bán iPhone của Apple trong quý 4 năm 2021 chiếm đến gần 47% tổng doanh thu của công ty.

Như vậy, nhìn chung các công ty cho ra sản phẩm mới không có nghĩa là người dùng buộc phải cập nhật đời mới để kịp thời với thế giới.

Mua đồ đời cũ, đón lấy giá tốt

Mỗi năm trôi qua, người ta lại thấy giá của điện thoại thông minh ngày một tăng. Song song với đó là giá của điện thoại đời cũ cũng giảm khốc liệt hơn khi phiên bản đời mới sắp ra mắt. Qua thống kê của chuyên trang công nghệ Decluttr, trung bình giá của một chiếc điện thoại thông minh giảm khoảng 30-60% trong vòng một năm.

Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta thường hiểu 2 xu hướng trên có nghĩa là:

  • Công nghệ càng ngày càng "khủng". Đắt thì xắt ra miếng.
  • Đời cũ mà giảm giá như thế thì không còn giá trị nhiều nữa.

Tuy nhiên, mối tương quan giữa chất lượng và giá cả có nhiều tầng lớp phức tạp hơn thế.

Thứ nhất, giá cả của một sản phẩm chỉ phản ánh được giá trị trao đổi của nó (tức là mức giá mà người bán đồng ý bán và người mua sẵn sàng mua) chứ không phải giá trị thực (thứ dựa trên chi phí cần bỏ ra để sản xuất sản phẩm).

Vào đầu năm nay, chuyên trang phân tích TechInsight đã ước tính chi phí sản xuất cho một chiếc iPhone 12 Pro dựa trên giá thành phần của từng linh kiện. Con số này rơi vào khoảng 549 USD (khoảng 13 triệu đồng), tức là bằng khoảng một nửa giá bán ra (trên 30 triệu đồng) khi chiếc điện thoại ra mắt tại Việt Nam.

Về phía người bán, họ đặt ra mức giá cao ngoài vì lạm phát, hay do chi phí nghiên cứu và phát triển tăng, thì nguyên nhân còn được cho là đơn giản họ phải làm thế.

Theo nhận định của Avi Greengart, Chủ tịch công ty phân tích Techsponential, "Thị trường điện thoại thông minh đã bão hòa và người tiêu dùng đang gắn bó với điện thoại của họ lâu hơn, vì vậy các nhà sản xuất phải cố gắng thu lợi nhuận tối đa từ mỗi chiếc điện thoại thông minh."

Về cơ bản điều này có nghĩa là các nhà sản xuất có hai lựa chọn nếu không muốn doanh thu của mình giảm: bán nhiều máy hơn, hoặc tăng giá sản phẩm. Nếu tăng giá sản phẩm mà không có quá nhiều công nghệ đổi mới thì nhìn chung họ phải tập trung vào cải thiện hiệu năng như đã phân tích ở trên.

Thứ hai, giảm giá không có nghĩa là mất giá trị. Nhiều chiếc điện thoại đời cũ vẫn có giá trị sở hữu cao, đặc biệt là khi chúng có những tính năng mà chỉ ở dòng điện thoại đó, sản xuất vào năm đó mới có được. Những tính năng này có thể hữu dụng đối với một công việc nhất định nào đó hay đơn giản là phù hợp với phong cách cá nhân của bạn.

Mặt khác, chúng còn có giá tốt. Đến nay, sau 1 năm, giá của chiếc iPhone 12 Pro tại các cửa hàng ủy quyền chính thức của Apple đã giảm đi khoảng 13%, còn 26 triệu.

Đó là chưa kể ở các cửa hàng hay nền tảng chuyên mua bán lại điện thoại cũ, mức giá có thể thấp hơn nữa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng sở hữu hàng chất lượng với giá cả phải chăng. Chất lượng của điện thoại đời cũ hoặc đã qua sử dụng vẫn có thể tốt như mới, tùy vào người dùng trước hoặc nhà bán. Bỏ chút thời gian khám phá có thể giúp người tiêu dùng chốt được một "deal hời".

Thứ ba, từ phía các nhà sản xuất, việc giảm giá đời cũ sau khi phiên bản đời mới ra mắt cũng không phải là điều quá tiêu cực. Nó có thể khiến điện thoại đời cũ trở thành một phân khúc sản phẩm giá thấp, giúp họ mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng mà không cần phải ra mắt sản phẩm mới. Điều này có thể được xem là chiến thuật khi các công ty đã bắt đầu nới lỏng chính sách cho thay thế linh kiện và hỗ trợ cập nhật hệ điều hành.

Chẳng hạn như trong đầu năm nay, Samsung đã đưa ra thông báo sẽ mở rộng thời hạn cập nhật phần mềm ở các máy Galaxy lên 4 năm. Đây có thể là điều bình thường đối với các thiết bị iPhone, nhưng là một bước đi lớn với thế giới Android, nơi hầu hết các nhà sản xuất điện thoại thông minh đều bắt đầu "bỏ rơi" các dòng sản phẩm của mình, đặc biệt là các máy giá rẻ/tầm trung chỉ sau khoảng 2 năm cập nhật hệ điều hành.

Về phía Apple, sau nhiều năm ngăn chặn người dùng tự sửa chữa các thiết bị của hãng, qua việc sử dụng các loại ốc vít chuyên dụng, hay dán chặt linh kiện bằng keo,... họ cũng đã cho phép người dùng có thể tự sửa chữa các thiết bị của mình dựa trên các linh kiện và hướng dẫn chính hãng. Nếu gửi lại cho Apple linh kiện cũ, giá bán của linh kiện mới cũng sẽ được giảm trực tiếp.

Cần lưu ý gì khi mua điện thoại đời cũ?

  • Mỗi dòng điện thoại sẽ có một chu kỳ ra mắt sản phẩm mới khác nhau. Chẳng hạn, với iPhone là tháng 9 hàng năm. Sau thời gian này giá của các sản phẩm đời trước thường giảm xuống ít nhiều. Vì vậy, nhìn chung bạn nên chờ và quyết định mua sau khi sự kiện ra mắt sản phẩm mới của các hãng đã diễn ra.
  • Nếu mua hàng ở các bên thứ ba (không phải cửa hàng chính hãng hay cửa hàng được uỷ quyền), hãy xác nhận lại với người bán đó là hàng tân trang (refurbished), hàng làm mới (renewed) hay hàng đã qua sử dụng, chưa qua sửa chữa (used/secondhand).

Trong đó hàng tân trang là hàng chưa qua sử dụng nhưng bị lỗi nên khách hàng trước trả lại. Khi đó, một bên trung gian hoặc cửa hàng chính hãng sẽ nhận lại để thay thế bộ phận lỗi. Hàng làm mới là hàng đã qua sử dụng và có thay thế các bộ phận cũ hay đã bị hỏng trước đó.

  • Bên cạnh các bước kiểm tra cơ bản về ngoại hình của máy, hãy kiểm tra thêm số series trên điện thoại qua trang web chính hãng để xác nhận hàng thật và ngày kích hoạt tài khoản (để biết thời gian sản phẩm đã qua sử dụng, hay thời hạn bảo hành).
  • Kiểm tra thời hạn cập nhật phần mềm của đời máy bạn muốn mua. Nếu đời máy đó đã ngừng được hỗ trợ phần mềm mới nhất, hãy tra cứu về các lỗi ở phiên bản phần mềm mà máy đang được cài đặt. Đồng thời cũng lưu ý, bạn sẽ không được cửa hàng chính hãng hỗ trợ sửa chữa với các đời máy đã ngưng sản xuất.

Kết

Việc mua lại điện thoại đời cũ, hay sử dụng điện thoại đời cũ không hẳn là lỗi thời. Nó đặc biệt phù hợp cho những ai có nhu cầu sử dụng một tính năng đặc biệt nào đó mà chỉ có ở dòng điện thoại sản xuất vào một năm nhất định nào đó. Tuy nhiên, hãy thử tham khảo kinh nghiệm đi trước trong các hội nhóm công nghệ khi bạn đã quyết định mua điện thoại đời cũ hoặc điện thoại cũ.

Chợ Tốt là nền tảng recommerce hàng đầu Việt Nam, trực thuộc tập đoàn công nghệ kỳ lân Carousell. Bằng việc mang đến nền tảng mua bán dễ dàng, tiện lợi, Chợ Tốt cùng Carousell thúc đẩy mua bán, trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng, giảm thiểu sự tiêu dùng quá mức, và hướng đến lối sống bền vững cho Việt Nam nói riêng và cho khu vực Đông Nam Á nói chung.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục