Mục tiêu không thể chỉ có một, cũng không thể quá nhiều

Phân biệt rõ tính chất các mục tiêu ảnh hưởng rất lớn đến mức độ hài lòng của chúng ta sau khi hoàn thành.

Mark Manson
Mục tiêu không thể chỉ có một, cũng không thể quá nhiều

Nguồn: Allan Mas/Pexels

Tiếp nối bài viết “Mặt tối ít người nhắc đến của việc đặt mục tiêu”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "The Surprising Science of Goal Setting (And Why You’re Probably Doing It Wrong)", được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Một mục tiêu cụ thể cần hướng tới giá trị cá nhân

Bạn sẽ không thoải mái chút nào nếu quá tập trung vào các mục tiêu cụ thể với những kết quả khách quan, bởi chúng không thật sự đem lại giá trị hữu ích cho bản thân. Bạn có thể đặt ra mục tiêu kiếm thật nhiều tiền, nhưng cần phải có lý do để phấn đấu vì mục tiêu đó. Nếu không thì niềm hạnh phúc khi có tiền cũng chẳng duy trì được dài lâu.

Chúng ta cần phải cân bằng giữa những mục tiêu cụ thể đem đến kết quả khách quan, và mục tiêu chung đem lại kết quả chủ quan. Nếu bạn muốn thực hiện mục tiêu cụ thể: “Tôi muốn trở thành tỷ phú”, thì mục tiêu chung ở đây là: “Vì tôi muốn tự chủ về tài chính và không phải lo lắng về chuyện tiền bạc”.

Có thể thấy, mục tiêu cụ thể cần hướng tới giá trị nhất định (trong trường hợp này là “tự chủ về tài chính”), và từ đó bạn có thể đề ra được các giới hạn cụ thể và rõ ràng hơn để theo đuổi mục tiêu này.

Lý do chúng ta quá tập trung theo đuổi các mục tiêu cụ thể là bởi vì các kết quả khách quan rất dễ đo lường. Một quy luật được-cho-là lý tưởng khi đặt ra mục tiêu chính là: quá trình thực hiện mục tiêu phải dễ kiểm soát, được xác định rõ ràng nhất có thể. Tuy nhiên, những mục tiêu có kết quả khách quan càng dễ đo lường, lại càng ít đem lại cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành nhất.

Bạn chỉ cần nhìn con số trong tài khoản ngân hàng là biết mình đã đạt được mục tiêu tài chính hay chưa. Hoặc bạn cũng chỉ cần theo dõi cân nặng và quá trình luyện tập là hiểu được hành trình thực hiện mục tiêu giảm cân.

Nhưng để biết cụ thể bạn đã học cách tự chủ đến đâu, đã ngưng dần việc phán xét chủ quan, hoặc nâng cao ý thức cộng đồng ra sao, thì khó hơn rất nhiều. Những mục tiêu này rất khó theo đuổi đến cùng, nhưng sau khi hoàn thành thì bạn sẽ thấy thỏa mãn không gì sánh bằng.

Không nên đặt mục tiêu quá khó hoặc quá dễ

Giống như việc cân bằng mục tiêu cụ thể với mục tiêu chung, các mục tiêu càng tham vọng và khó thực hiện cũng cần phải cân bằng với các mục tiêu nhỏ và dễ hoàn thành hơn.

Nếu chúng ta chọn theo đuổi một mục tiêu quá khó hoặc không thực tế (ví dụ: “Tôi muốn bay lên sao Mộc”), chúng ta sẽ dễ mất động lực vì những nỗ lực bỏ ra thường không khả thi.

Mặt khác, nếu chúng ta đặt ra mục tiêu quá lắt nhắt và dễ hoàn thành (ví dụ: “Chống đẩy 3 cái”), thì dù có thỏa mãn đến đâu sau khi thực hiện xong, bạn cũng sớm cảm thấy vô nghĩa.

Nhiều năm trước, tôi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành tác giả bán chạy nhất của thời báo New York Times. Dù mất rất nhiều năm theo đuổi, nhưng tôi đã hoàn thành được bằng cách đề ra và thực hiện dần các bước nhỏ:

  • Xây dựng trang blog để đăng tải các bài viết của bản thân
  • Ký hợp đồng với một nhà xuất bản sách
  • Viết nháp khoảng 100.000 từ.

Những mục tiêu nhỏ này cũng không dễ thực hiện, nhưng đều có khả năng hoàn thành trong vòng từ 1-2 năm. Và kể cả đối với những bước này, tôi cũng tiếp tục chia thành các bước nhỏ và đơn giản hơn, ví dụ như: “Viết 1.000 từ mỗi ngày trong vòng một tháng”, hoặc: “Gửi bản thảo sách cho 10 nhà xuất bản khác nhau”.

Thiết lập sơ đồ mục tiêu

Chúng ta đã nhận ra mình nên cân bằng các mục tiêu cụ thể với các mục tiêu chung, phản ánh giá trị con người. Chúng ta cũng hiểu được rằng nên đặt ra từng mục tiêu nhỏ để phấn đấu dần tới mục tiêu lớn. Và chúng ta cũng đã nhận ra rằng các mục tiêu cần phải chứa đựng khát vọng, nhưng không thể quá tham vọng phi lý.

Bạn có thể tưởng tượng, sơ đồ mục tiêu cụ thể của bạn được xây thành hình kim tự tháp, với mục tiêu lớn và tham vọng nhất ở đỉnh tháp, rồi chia dần các mục tiêu nhỏ xuống dưới. Ví dụ, mục tiêu lớn nhất là giảm 20kg trong vòng một năm. Để làm được điều này, bạn phải tập thể dục 3 lần mỗi tuần, và giảm 1500 calo trong mỗi bữa ăn (giả sử thôi).

Càng xuống phía dưới, các mục tiêu càng nhỏ dần và càng dễ thực hiện hơn, ví dụ như: học 10 công thức nấu các món ăn lành mạnh, mua một chiếc cân nguyên liệu nấu ăn, đăng ký đi tập tại phòng gym, v.v…

Sơ đồ mục tiêu này còn gồm một vòng tròn bao quanh kim tự tháp, thể hiện các mục tiêu lớn và cụ thể hơn nữa: “Một lối sống lành mạnh”, “Vóc dáng lý tưởng”, hoặc “Tăng cường năng lượng và sức bền”.

Với cách này, các mục tiêu của bạn sẽ hướng đến việc bổ sung giá trị cá nhân (mục tiêu chung), và bao gồm các bước thực hiện cụ thể. Những bước nhỏ này cũng chính là động lực giúp bạn thực hiện các mục tiêu được lâu dài.

Quá trình xây dựng mục tiêu có thể dựa trên từng câu hỏi như sau:

  • Trong cuộc sống, đâu là những điều bạn trân trọng và mong muốn sở hữu nhiều hơn?
    Ví dụ: Những giá trị cá nhân mà bạn muốn đạt được có thể là “sự tự tin”, “tình yêu”, hoặc “tự chủ về tài chính”.
  • Những giá trị này cần được củng cố bằng những mục tiêu chung nào?
    Ví dụ: “Một lối sống lành mạnh”, hoặc “Duy trì việc tự chủ về tài chính”, hoặc “Trở thành một người mẹ tốt”.
  • Những mục tiêu cụ thể đem lại kết quả khách quan nào sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu chung?
    Ví dụ: “Giảm 20kg”, hoặc “Tiết kiệm được khoảng 10 tỷ VND vào năm 50 tuổi”, hoặc “Dành thời gian ít nhất 10 tiếng một tuần với con mình”.
  • Có thể chia nhỏ những mục tiêu cụ thể này thành các bước nhỏ hơn nào để dễ thực hiện?
    Ví dụ: “Tập thể hình 3 lần/tuần”, hoặc “Tiết kiệm 1/4 tiền lương trong vòng 5 năm”, hoặc “Dành 2 tiếng mỗi tối với con”.

Hãy viết ra từng câu hỏi và các câu trả lời phù hợp với bạn, rồi ghim ở đâu đó dễ nhìn để bạn có thể đọc hàng ngày.

Và hãy bắt tay vào thực hiện thôi nào.

Được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục