Muôn Kiếp Nhân Duyên và “cánh cửa trượt” của lựa chọn
Bằng cách mượn điển tích “nhân duyên” (In-yun) trong văn hóa Hàn Quốc có nguồn gốc từ Phật giáo, bộ phim lãng mạn đầy tinh tế Muôn Kiếp Nhân Duyên (Past Lives) của Celine Song cuối cùng lại nói tới được mất của việc chọn lựa.
Đó là nơi khái niệm “cánh cửa trượt” (sliding-door) phổ biến trong văn hóa phương Tây cũng bàng bạc màu sắc định mệnh. Trong mỗi lựa chọn, ta đều có được và mất song hành.
Bộ phim mở ra với một khuôn hình của thời hiện tại, nơi 3 nhân vật chính ngồi trong một quán bar lúc 4 giờ sáng. Một đoạn hội thoại (tiếng ngoài hình) của một cặp đôi khác vang lên, dự đoán “họ là gì của nhau”.
Và rồi ánh mắt của nhân vật nữ chính nhìn thẳng vào ống kính, để cùng lật giở lại những trang quá khứ tiết lộ họ từng là gì của nhau.
Hy sinh điều gì đó cũng có nghĩa là sẽ nhận được điều gì đó
Trong chương đầu tiên của quá khứ 24 năm về trước ấy, ta được biết Na Young và Hae Sung như một cặp “thanh mai trúc mã” cùng lớn lên ở Seoul. Chỉ cần vài phác thảo ngắn gọn mà tinh tế, Celine Song đã kịp khắc họa nên chân dung của cả hai trong những thước phim tuyệt đẹp của cô.
Na Young - cô bé 12 tuổi hay khóc nhưng lại đầy tham vọng và có mục tiêu rõ ràng. Cô bé khóc khi bị rớt xuống hạng 2 sau Hae Sung về điểm số ở lớp, nhưng đồng thời cũng rất quyết liệt cho tương lai của mình khi dự định cùng gia đình di cư sang Canada.
Khi được hỏi lý do quyết định ra đi, Na Young trả lời rằng, “vì người Hàn Quốc thì không đoạt giải Nobel văn chương”. Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, có lẽ Na Young có ý thức rất rõ về mục tiêu tương lai của mình.
Nếu Na Young “mít ướt” nhưng giàu tham vọng, thì Hae Sung hiền lành, nhẫn nhịn và chỉ biết dành sự quan tâm chân thành tới cô bạn của mình. Cả hai dành cho nhau những tình cảm trong sáng đầu đời.
Thậm chí Na Young còn bảo mẹ rằng “sau này con sẽ cưới Hae Sung”, khiến bà phải tổ chức một cuộc “hẹn hò” để con gái có những kỷ niệm đẹp trước khi đi. Khi mẹ Hae Sung thắc mắc vì sao gia đình Na Young bỏ lại mọi thứ ở phía sau để đi định cư, mẹ Na Young đáp rằng, “hy sinh điều gì đó cũng có nghĩa là sẽ nhận lại được điều gì đó”.
“Cánh cửa trượt” đầu tiên của sự lựa chọn rõ ràng minh chứng cho điều đó. Na Young mất đi mối tình đầu thanh mai trúc mã với cậu bạn cùng lớp, gia đình của cô phải rời bỏ quê hương. Nhưng đổi lại, họ sẽ đón nhận một tương lai rộng mở hơn ở phía trước.
Một cú máy dài lặng lẽ theo chân đôi bạn trẻ đi bộ về nhà rồi kết lại bằng một khuôn hình tách đôi, nơi Na Young bước lên những bậc thang lên dốc và Hae Sung lầm lũi đi tiếp về phía trước. Trang quá khứ đầu tiên ấy khép lại bằng một lời từ biệt và một nỗi buồn thật khẽ trong đáy mắt của cậu bé, như dự cảm rằng cậu sẽ còn nhiều vương vấn và day dứt với mối tình vô vọng này.
Tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan
Và rồi một chương quá khứ nữa lại được mở ra, cách lần đầu tiên 12 năm. Lúc này, Na Young (do Greta Lee đóng) đã đổi tên thành Nora và trở thành một nhà văn. Cô đến New York tham gia một trại sáng tác văn học. Ước mơ của cô lúc này không phải là Nobel văn chương nữa mà là Pulitzer, giải thưởng hàng đầu ở Mỹ và có vẻ “gần” với mục tiêu của cô hơn.
Trong một cuộc điện thoại với mẹ đang sống ở Canada, Nora chợt nhớ đến người bạn thuở thiếu niên và tìm cách kết nối lại với Hae Sung (Teo Yoo) trên Facebook, để rồi nhận ra rằng cậu cũng đang tìm kiếm cô. Sự kết nối của cả hai sau 12 năm xa cách mang lại những cảm xúc mãnh liệt, dù chỉ diễn ra qua những cuộc nói chuyện bằng Skype trên màn hình laptop hay điện thoại.
Những tình cảm bị chia cắt được kết nối trở lại đầy say mê trong sự bồi hồi của hoài niệm tình đầu. Họ rạng rỡ, hồi hộp và ngập ngừng qua những cuộc trò chuyện thi thoảng bị “treo” bởi kết nối Internet yếu, qua những cảm xúc mơ hồ đôi khi không thể diễn tả thành lời, qua những lời hứa hẹn trở về Seoul của Nora và đến New York của Hae Sung.
Để rồi đến một ngày, chính Nora đề nghị dừng lại và “cho nhau một thời gian”. Hae Sung cảm thấy đầy tổn thương, bởi anh phải mất 12 năm mới tìm thấy cô, để rồi bị cô từ chối phũ phàng như thế. Nora đáp lại rằng: “Mình đã nhập cư hai lần mới đến được New York. Mình có thứ muốn đạt được ở đây. Mình muốn cuộc sống của mình ở đây, nhưng thay vào đó mình lại ngồi quẩn quanh và kiếm chuyến bay tới Seoul”.
Thêm một lựa chọn nữa được mở ra, thêm một “cánh cửa trượt” nữa đóng lại. Sự kết nối lãng mạn giữa cả hai lại mất thêm một cơ hội để tác thành. Đó cũng là lúc khái niệm “in-yun” lần đầu được nhắc đến, trong cuộc trò chuyện sau đó giữa Nora và Arthur (John Magaro), nhà văn người Mỹ tham dự trại sáng tác và sau đó trở thành chồng của cô.
Nora giải thích trong văn hóa Hàn Quốc, “in-yun” có nghĩa là “ý trời” hoặc “định mệnh”, có nguồn gốc từ Phật giáo. Cô cũng nói rằng, nếu hai người kết hôn, họ tin rằng họ có với nhau 8000 tầng định mệnh trong hơn 8000 kiếp sống trước đây của họ, như cách người ta thường đem ra để tán tỉnh nhau.
Và rồi 12 năm nữa lại trôi qua như một cái chớp mắt. Trong phần kết đầy xuất sắc của mình, nơi Nora và Hae Sung tái ngộ tại New York, nữ đạo diễn Celine Song đã khép lại bộ phim với sự thấu cảm sâu sắc dành cho cả ba nhân vật chính. Đó là một cái kết đầy thổn thức và tuyệt đẹp, nơi ta dành cho cả ba nhân vật sự yêu mến và trân trọng vì cách hành xử của họ.
Đoạn kết đó cũng giúp Past Lives trở thành bộ phim có thể so sánh với những kiệt tác về tình yêu không thành trước đây như Casablanca, Điềm Mật Mật hay In the Mood for Love. Bởi đằng sau mỗi câu chuyện tình lãng mạn ấy luôn chứa đựng một thông điệp của thời đại, một chiều sâu của bối cảnh văn hóa và một câu hỏi day dứt về lựa chọn được mất của con người.
Cánh cửa trượt của sự lựa chọn
Trong bộ phim Sliding Doors (Cửa trượt) ra mắt năm 1998, Gwyneth Paltrow đóng vai một cô gái trẻ mà mỗi lựa chọn (giả thiết) của cô lại dẫn đến một kết cục hoàn toàn khác cho cuộc đời. Đó cũng là ẩn dụ cho những được mất của con người khi đứng trước một lựa chọn làm thay đổi cuộc đời họ mãi mãi, mà đôi khi họ phải tìm tới tâm linh để lý giải cho nó.
“Cánh cửa trượt” trong Past Lives cũng vài lần được mở ra đóng lại. Hae Sung day dứt hỏi Nora rằng, “Điều gì sẽ xảy ra nếu 12 năm trước cậu đến Seoul, điều gì sẽ xảy ra nếu cậu không bao giờ rời Seoul? Nếu cậu không bao giờ rời đi, liệu chúng ta có hẹn hò, chia tay, kết hôn?”. Mỗi giả thiết đều mang tới một kết cục rất khác với tình thế của họ ở hiện tại.
Nhưng không cần phải đợi Nora trả lời, Hae Sung cũng đã biết đó là một giả thiết không thể xảy ra. Bởi với một người luôn tiến về phía trước và có những mục tiêu rõ ràng như Nora, cô phải ra đi. Và anh yêu cô, bởi cô luôn là chính cô.
Sự “mắc kẹt” danh tính của một kẻ luôn tồn tại ở giữa
Bên cạnh một câu chuyện day dứt về tình yêu và được mất của sự lựa chọn, Muôn Kiếp Nhân Duyên còn là một bộ phim sâu sắc về sự mắc kẹt của danh tính (identity) của những người di dân.
Nora nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới trên đất nước mà cô lựa chọn, và luôn có mục tiêu rõ ràng cho tương lai. Nhưng từ sâu trong tiềm thức, cô vẫn là một người Hàn Quốc như cách cô nói với chồng, “đôi khi em Hàn Quốc hơn cả một người Hàn”. Hay như chồng cô kể, “Em chưa bao giờ nói mớ bằng tiếng Anh. Em chỉ nói mớ bằng tiếng Hàn thôi. Em mơ bằng một thứ ngôn ngữ mà anh không thể hiểu được, giống như có một nơi nào đó trong em mà anh không thể đến được”.
Nói cách khác, nếu phần trí óc (mind) của Nora luôn hướng về phía trước, phần tâm hồn (soul) của cô luôn ngoái lại phía sau. Từ trong tiềm thức, tâm hồn cô luôn hướng về một quê hương mà cô đã rời bỏ, về một mối tình “thanh mai trúc mã” mà cô đã cắt đứt.
Rồi khi gặp lại hình bóng của quá khứ chứa đựng trong nó cả hai “món nợ” qua vài ngày ngắn ngủi tái ngộ cùng Hae Sung ở New York, phần tâm hồn trong cô bừng dậy. Nó giống như một chiếc van được nén chặt rồi “xả” ra, với những giọt nước mắt thổn thức trong phân cảnh cuối làm lay động cảm xúc của khán giả.
Nora khóc trước tấm chân tình của một chàng trai yêu cô lặng lẽ hơn 2 thập kỷ, hay khóc cho sự “mắc kẹt” của danh tính một kẻ luôn tồn tại ở giữa? Có lẽ cô khóc cho cả hai.
Và hơn tất cả, lồng trong một câu chuyện lãng mạn về tình yêu không thành, bộ phim còn là sự suy ngẫm sâu sắc về ký ức và thời gian qua những thước phim đẹp như thơ, như nhạc.
Chậm rãi, dịu dàng ở bề mặt song chất chứa bên trong những nỗi lòng khó nói, những cơn sóng ngầm của cảm xúc luôn chực chờ tuôn trào, bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Celine Song mang nhiều màu sắc cá nhân của cô. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể đánh thức những ký ức tình yêu và thân phận của bất kỳ ai trong thời đại ngày nay.