“Ngập ngụa” thông tin: Không phải lúc nào có ý kiến cũng tốt
Được chuyển ngữ từ bài viết “Why You Should Have Fewer Opinions” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Hôm nay tôi sẽ trò chuyện như một cụ già khó tính, thế nên tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề.
Thế giới vốn đã là một mớ hỗn độn tồi tệ, và ý kiến của chúng ta đôi khi cũng góp phần vào mớ hỗn độn đó. Vì vậy, có lẽ chúng ta nên ít “ý kiến ý cò” hơn về mọi thứ xung quanh.
Khi số lượng ý kiến “đè bẹp” chất lượng
Trước đây người ta dường như biết khiêm tốn hơn, và tôn trọng sự thật rằng không cái gì hoàn hảo cả. Quyền phát biểu ý kiến dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của bạn, và chuyên môn đó phải được xác nhận một cách khách quan.
Nói cách khác, ngày xưa bạn phải phấn đấu để giành quyền phát biểu ý kiến và được lắng nghe. Còn bây giờ thì - đội ơn internet, mỗi người đều là chuyên gia về một thứ gì đó.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đều phải ngụp lặn trong biển thông tin, và sự quá tải này khiến ta nhầm lẫn số lượng kiến thức với chất lượng của chúng. Đây chính là lúc chúng ta đều “ăn đòn” - ta chú ý đến mọi thứ, và tin rằng mọi ý kiến đều đáng cân nhắc.
Hiệu ứng Dunning-Kruger phóng đại: Sự tự tin quá đà hiện diện khắp mọi nơi
Hiệu ứng Dunning-Kruger là một thiên kiến nhận thức khiến người ta đánh giá năng lực của họ cao hơn thực tế. Theo đó, người càng biết ít về một lĩnh vực thì lại càng tự tin vào kiến thức của mình trong lĩnh vực đó. Ngược lại, càng đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực đó, người ta lại càng hoài nghi những gì mình biết.
Đây là một nghịch lý kỳ quặc, nhưng không sai tí nào: Càng dành nhiều thời gian tìm hiểu một thứ, bạn càng nhận thức rõ hơn những khía cạnh bạn chưa hiểu về nó.
Internet giống như cái kính lúp đã phóng đại hiệu ứng Dunning-Kruger lên thêm. Nó cho phép chúng ta đăng bất cứ cái gì, từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào để bất cứ ai cũng có thể đọc được. Hệ quả của việc này là sự bùng nổ của tư duy “ảo tưởng sức mạnh” và thông tin sai lệch, khiến ai cũng kiệt sức khi cố bơi trong đại dương ý kiến của nhân loại.
Sự nguy hiểm của ý kiến thiếu chuyên môn: Đừng vội tin mọi thứ bạn đọc
Có hai lý do khiến những ý kiến thiếu chuyên môn trở nên nguy hiểm. Thứ nhất, bất cứ cái gì bạn tin đều có thể xác nhận bằng cách tìm kiếm trên Google. Bất kể bạn là ai hay niềm tin của bạn điên rồ đến mức nào, bạn đều sẽ tìm được nguồn nào đó trên mạng nói rằng bạn đúng.
Thứ hai, chúng ta đang ảnh hưởng lẫn nhau bằng những quan điểm sai lầm. Trước đây nếu bạn tin vào một điều điên rồ nào đó, thì chỉ mình bạn chịu thiệt hại. Giờ thì với 7749 loại nền tảng để chia sẻ ý kiến, thông tin sai lệch có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến chúng ta chẳng biết phải tin vào đâu.
Bí quyết “bơi” trong biển ý kiến: Biết thông tin, nhưng giữ cái đầu lạnh
Tìm đến các nội dung dài: Các vấn đề quan trọng đều phức tạp, ẩn chứa nhiều sắc thái mà bạn cần phân tích chuyên sâu mới hiểu được. Vì vậy, những nội dung mất chưa đầy 30-40 phút để tiêu thụ thường không phải lựa chọn tốt. Nếu thực sự quan tâm đến đề tài nào đó, bạn nên đầu tư thời gian vào đọc sách, xem phim tài liệu hay nghe podcast để được phân tích sâu hơn.
Để ý đến chuyên môn (song đừng để ý quá): Học vấn hay kinh nghiệm chuyên môn quan trọng, vì nó thể hiện thời gian và công sức một người đã bỏ ra tìm hiểu về đề tài đó. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, đi ngược lại hiểu biết thông thường để được chú ý. Internet có những “chuyên gia” đã tạo dựng tên tuổi nhờ lừa đảo đại chúng, nên bạn cần thận trọng.
Nếu muốn đi ngược đám đông, bạn cần có lý do chính đáng: Nếu có quan điểm trái ngược với số đông (và muốn bảo vệ nó), bạn cần nghiên cứu kỹ và lường trước mọi hệ quả có thể xảy ra. Tìm hiểu sâu về đề tài đó, tham khảo cả những góc nhìn trái chiều và chắc chắn rằng ý kiến của bạn có chứng cứ rõ ràng. Đừng chỉ dựa vào trực giác.