Nghệ sĩ Lâm Na - tiếp nối dấu ấn nguyên thủy và để lại cho tương lai nguyên thủy

Với chất liệu đất và di vật nguyên thủy, nghệ sĩ Lâm Na đưa bản thân mình vào một dòng chảy giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của trái đất.
Ngạo Thuyên
Nguồn: Ngạo Thuyên cho Vietcetera

Nguồn: Ngạo Thuyên cho Vietcetera

Chị Lâm Na đưa cho tôi xem một chiếc rìu đá thời Phùng Nguyên. Giây phút cầm chiếc rìu trong tay, cảm nhận dòng chảy của thời gian và lịch sử từ một mảnh đá thô sơ, tôi mới thực sự hiểu được phần nào ý niệm mãnh liệt trong mỗi tác phẩm của chị.

Tưởng tượng xem, mảnh đá đó đã tồn tại qua bao nhiêu nham thạch biến chuyển, đã được dùng để giết hàng trăm con thú nuôi dưỡng cuộc sống của một người tiền sử nào đó, để rồi, hơn 4000 năm sau, được tiếp diễn thành một tác phẩm mới, thay đổi hình dạng và ý nghĩa chỉ bởi một thao tác của một người nghệ sĩ.

Và rồi, vài nghìn năm sau nữa, những tác phẩm tiếp diễn trên đất đá này vẫn sẽ còn tồn tại như một nhân chứng mãnh liệt cho đời sống và ý niệm của con người.

Họa sĩ Lâm Na sinh năm 1987, là thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Trường đại học Mahasarakham (Thái Lan, năm 2014). Với hành trình sáng tác trải qua nhiều năm tháng và chất liệu khác nhau, Lâm Na đã góp mặt tại nhiều sự kiện nghệ thuật ở trong và ngoài nước: Triển lãm Hội họa Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội tổ chức (năm 2013); triển lãm Nghệ thuật đương đại ASEAN-Bangkok và Festival Nghệ thuật ASEAN tại Hua Hin (Thái Lan, năm 2014); Festival Nghệ thuật Seoul (Hàn Quốc, năm 2016).

Tuy nhiên, đến năm 2023, Lâm Na trở lại với một chất liệu đầy độc đáo, và một ngã rẽ mới hoàn toàn - một hành trình hòa trộn và tiếp diễn hơi thở và linh hồn của đất qua triển lãm “Ðã từng - Tiếp diễn” do Hanoi Studio Gallery tổ chức.

Gần đây nhất, tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, nghệ sĩ Lâm Na cho trưng bày 4 tác phẩm với concept “Va chạm không đàn hồi” được trích ra từ bộ sưu tập “Đã từng - Tiếp diễn”. Bốn tác phẩm này nói riêng, và bộ sưu tập nói chung, là chuyến hành trình trở về nguyên thủy của Lâm Na, để kết nối với đất mẹ, để in dấu bản thân tiếp nối vết tích người xưa và truyền lại mai sau trong dòng chảy miên man của ý niệm, của mâu thuẫn và tiếp nối, của tàn lụi và khai sinh.

Quá trình bắt đầu bộ sưu tập này của chị diễn ra như thế nào?

Ngày xưa con người rất nguyên sơ, họ chỉ vẽ bằng những nét đơn giản nhất, những họa tiết chấm, đối, xương cá lặp đi lặp lại. Chị muốn tìm lại cảm giác người xưa, muốn khiến mình tối giản đi. Ban đầu chị chỉ làm cho bản thân, trên con đường làm đơn giản mình và trở về nguyên thủy. Nhưng càng làm, những tác phẩm càng mở rộng ra và cũng mở rộng chính những suy tư trăn trở của mình.

Chị tin cái gì chứa đựng nhiều thời gian sẽ có tính linh mạnh mẽ. Khoảnh khắc chị chạm tay vào cục đất, chị cảm thấy chất liệu này gợi cảm vô cùng. Đất đã tồn tại bao nhiêu ngàn năm, ghi dấu lịch sử trái đất, chứng kiến toàn bộ khởi sinh và sụp đổ. Chính sự gợi cảm của chất liệu, ý nghĩa sâu sắc của đất đã thôi thúc chị sáng tác.

Chị tạo hình các tác phẩm này chỉ bằng những cú chạm thôi. Tác phẩm là hiện diện của một diễn biến quá khứ, tương lai dài đằng đẵng và mình chỉ là một phần của mọi va chạm không gian, thời gian… Như thể có tín hiệu từ đâu đấy gửi xuống cho những tác phẩm này ra đời, và mình chỉ là một người đưa tin của vũ trụ mà thôi.

Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về “va chạm mềm” không?

Ví dụ ở tác phẩm này, ở miệng cái lỗ gắn chiếc rìu đá có một mảng đen chảy ra. Thực chất, nguyên bản mảng đen đấy cũng từng là một cái rìu tương tự, sau khi được chị nung qua lửa thì chảy ra, gắn kết với cục đất và tiếp nối với cái rìu mới. Mọi chất liệu, và cả bản thân chị, đều va chạm và kết nối với nhau. Trái đất đã được hình thành từ những cú “va chạm mềm” - những tương tác nhẹ nhàng nhưng bền bỉ qua thời gian. Nó tương tự như một sự tiếp nhận lẫn nhau, dù có khác biệt về bản sắc, văn hoá, tôn giáo, màu da...

Hay ở tác phẩm này, chị sử dụng di vật với hình vẽ lông do người nguyên thủy khắc vào. Chị đặt di vật trên một phần đất mới, vẽ rộng những nét lông chim ấy ra bên ngoài.

Hai người ở hai thiên niên kỷ khác hẳn nhau, cùng tác động lên một tác phẩm. Những người nguyên thủy không tên không tuổi, không có thành tựu sáng chế vĩ đại gì cho thế giới ngoại trừ việc chỉ cố sống sót ấy sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng được vài nghìn năm sau có người tiếp diễn bức tranh của họ. Và chị đã để lại một dấu ấn, một bằng chứng với những thế hệ tương lai vài triệu năm nữa qua qua sự chứng giám của đất. Đấy cũng là “va chạm mềm”.

Chị hãy chia sẻ thêm về ý niệm và suy tư được khởi sinh từ những tác phẩm này?

Trong tác phẩm luôn luôn có sự mâu thuẫn, luôn luôn khiến mình đặt câu hỏi và luôn luôn đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi đó. Ví dụ như trong tác phẩm “Va chạm không đàn hồi” ở trên, tuy nói là va chạm mềm nhưng nó vẫn để lại những vết lõm sâu đầy đau đớn, vẫn méo mó, vẫn nhăn nheo, vẫn nén lại, vẫn trào ra.

Vì những sự mâu thuẫn như thế nên mình sẽ luôn luôn phải đặt câu hỏi cho tác phẩm, và mỗi lần chiêm nghiệm lại nảy sinh ra những ý niệm mới. Trong số đó có những trăn trở về diễn biến thời gian không chạm tới được.

Nói một cách vĩ mô, đấy là một câu hỏi cho việc liệu con người hiện đại có quá phức tạp không, có tác động quá mức và gây tổn hại tới đất mẹ không? Nhìn vào những di vật là cục đá, đồng xu như này, nếu mình không tác động thì chúng sẽ mãi như vậy. Nhưng chỉ một hành động như đưa chúng vào lò, chúng đã chảy nhão và biến dạng mãi mãi.

Mất hàng tỉ năm để nham thạch trở thành đá, mà chỉ mất vài tiếng để đá trở lại nham thạch qua việc nung, qua bàn tay con người. Nhìn vào tác phẩm, ta có thể nhận ra rằng chỉ bàn tay con người mới tạo ra được một thứ như này. Bàn tay con người gây dựng tất cả, nhưng cũng có thể đưa mọi thứ về nguyên thủy.

Hoặc như trong tác phẩm này, các vết đen là những đồng xu cổ. Kim loại thực ra cũng lấy từ đất, rồi người ta gán cho nó thành tiền, thành trang sức, thành thứ đại diện cho một triều đại. Thế nhưng chỉ một động tác nung, và chúng trở về dạng nguyên thủy của đất và nham thạch, chỉ để lại những vệt đen.

Trong không gian triển lãm, có nhiều bức ảnh của một tác phẩm đặt ở các vị trí khác như trong không gian. Chị có thể chia sẻ về điều này không?

Nó là “Sinh vật đầu tiên”, khai hoang mảnh đất đầu tiên.

Khi đến đây, chị đã dẫn “Sinh vật đầu tiên” đi khắp các ngóc ngách trong khuôn viên, như một hành trình khám phá trước khi đặt nó vào điểm dừng chân cuối cùng. Mỗi nơi nó đi qua, chị đều chụp ảnh và dán lại tại chính vị trí đó, để nó trở thành nhân chứng, trở thành một phần của không gian.

Sinh vật đầu tiên” nở ra mà không có khái niệm gì. Vì vậy nên nó tiếp nhận mọi thứ. Mặc dù hình hài buồn nhưng nó không biết mình buồn. Khi nó thấy lửa lần đầu tiên, nó không biết lửa gây đau đớn. Khi nó đặt mình vào lửa, mọi người nghĩ là nó dũng cảm, nhưng thực chất khi ấy nó mới biết cái đau của lửa.

Đấy là hành trình khám phá của “Sinh vật đầu tiên”, cũng giống như hành trình khám phá thế giới của người nguyên thủy. Còn con người bây giờ quá đầy tràn, chỉ có nhu cầu tàn phá chứ không cần khám phá quá nhiều nữa.

Và sau cùng, nó cũng như quá trình sáng tạo của chị. Vì không có khái niệm gì nên mỗi ngày mình đều có thể thực sự sáng tạo.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục