Nghệ thuật nói "không"
Những lời đề nghị, yêu cầu từ mọi người có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ hình thức nào. Nếu chỉ chăm chăm ôm đồm mọi thứ, bạn sẽ chỉ rút cạn thời gian trong ngày và sức lực của bản thân.
Thật ra từ chối vốn không khó, việc chúng ta e ngại chính là cảm xúc của người đưa ra yêu cầu và cả chính chúng ta sau đó. Bài viết này sẽ liệt kê một số phương pháp giúp bạn nói “không” một cách hiệu quả, vừa khéo léo để người nghe không phật lòng, vừa giúp bạn không cảm thấy quá áy náy hoặc e ngại.
Tác hại của việc chấp nhận mọi yêu cầu
Trong thực tế, việc đồng ý lúc nào cũng dễ nói ra hơn lời từ chối.
Cảm xúc ảnh hưởng khá nhiều đến những quyết định của bạn. Bạn muốn giữ gìn mối quan hệ hiện có, giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra xung đột? Bạn lo sợ một lời từ chối có thể gây ra khúc mắc không đáng có trong mối quan hệ này? Bạn cho rằng làm hài lòng mọi người trong mọi trường hợp là điều nên làm?
Nhưng việc đó vốn không thể và cũng không cần thiết. Khi bạn muốn làm hài lòng tất cả mọi người, bạn sẽ không làm hài lòng được ai cả, bao gồm cả chính bản thân bạn. Bạn ôm đồm tất cả mọi việc, nhưng khả năng cao là cuối cùng chẳng có việc nào suôn sẻ. Khoảng thời gian của bạn sẽ nhanh chóng cạn kiệt, thậm chí còn chiếm lấn cả cuộc sống cá nhân của bạn.
Trong nhiều trường hợp, lời từ chối đúng lúc rất cần thiết và còn dễ chấp nhận hơn là cuối cùng phải nhận lại lời xin lỗi vì không thể hoàn thành.
Nguyên nhân khiến chúng ta khó nói “không”
Bạn không thể vượt qua cảm giác tội lỗi
Về cơ bản, bạn là người nhận được lời đề nghị và nắm quyền chủ động quyết định, nhưng khi từ chối người khác bạn lại cảm thấy như mình mới là người có lỗi, thậm chí cảm thấy mình “nợ” họ. Với các mối quan hệ thân thiết và cần gìn giữ như gia đình, người yêu, bạn bè thân thiết cảm giác tội lỗi này càng lớn hơn.
Nếu bạn đã từng suy nghĩ như vậy, hẳn bạn đã quên đi một điều: bạn chỉ đang nói không với yêu cầu chứ không phải người đưa ra yêu cầu, vì vậy bạn không cần cảm thấy quá nặng nề trong trường hợp đó.
Bạn sợ làm người khác thất vọng
Bạn sẽ không muốn làm mọi người thất vọng với lời từ chối của bạn, hay hơn cả là về bạn. Nhưng bạn cần hiểu rằng, nếu đồng ý với một yêu cầu khi biết chắc rằng mình không thể hoàn thành, khả năng cao kết quả sẽ khiến đối phương càng thấy thất vọng và mất niềm tin ở bạn nhiều hơn.
Bạn sợ bỏ lỡ cơ hội
Khi nhận quá nhiều việc cùng một lúc, phản ứng tự nhiên của chúng ta sẽ là tìm một lý do để hợp lý hóa cho điều đó. Bạn vừa làm báo cáo giúp đồng nghiệp, vừa nhận thêm một dự án sếp vừa mang về nhưng trong nhóm chẳng có ai đủ thời gian để tham gia,… Và bạn tự nhủ mình sẽ biết cách đương đầu với áp lực, học thêm kiến thức mới, tăng sự chuyên nghiệp của bản thân. Nói cách khác, bạn đang tìm lý do để an ủi chính mình.
Thực tế bạn chỉ muốn giữ mối quan hệ với đồng nghiệp. Bạn muốn thể hiện năng lực với cấp trên, sợ rằng nếu để lỡ cơ hội này để thể hiện khả năng của bản thân, bạn sẽ lỡ mất cơ hội thăng tiến. Hậu quả khi nhận quá nhiều việc nằm ngoài tầm với, bạn sẽ không thể tập trung sâu sát vào bất cứ việc gì. Đó là lúc bạn thật sự đánh mất cơ hội cải thiện chuyên môn lẫn kỹ năng cần thiết.
Lo sợ những xung đột có thể xảy ra
Suy cho cùng, các mối quan hệ bạn đang có đều được tạo dựng từ nền tảng cảm xúc của các cá nhân khi tiếp xúc với nhau. Vì thế, bạn lo sợ nếu không thể đưa ra lời từ chối hợp lý và khéo léo thì sẽ đánh mất các mối quan hệ.
Truy ngược lại, khi bạn vừa từ chối một lời yêu cầu mà đối phương đã lập tức quay lưng với bạn thì liệu mối quan hệ đó có xứng đáng lưu giữ không?
Cân nhắc trước khi đồng ý
Trước khi quyết định đồng ý hay từ chối, bạn cần tự vấn bản thân ba câu hỏi này:
Việc này có nằm trong khả năng của bạn không? Nếu đã biết yêu cầu này không nằm trong khả năng, tốt nhất bạn nên từ chối ngay từ đầu để tránh gây rắc rối về sau cho bản thân lẫn người đưa ra yêu cầu với bạn.
Đối phương có xứng đáng để bạn giúp? Xét mối quan hệ và hiểu biết của bạn về đối phương, bạn nên cân nhắc xem liệu người đó đang thật sự bế tắc và cần giúp đỡ, hay chỉ vì họ lười nhác, hoặc muốn trốn tránh trách nhiệm?
Bạn có đang bị lợi dụng không? Nếu một người nhờ bạn làm giúp công việc vì họ đã không dành đủ thời gian để học hỏi, tự trau dồi bản thân, hay nhờ bạn làm giúp việc này việc nọ để có thời gian hẹn với người yêu thì rõ ràng bạn nên cân nhắc lại. Đôi khi không phải bạn đang giúp họ mà chỉ tạo điều kiện cho họ hình thành thói quen ỷ lại mà thôi.
Học cách nói “không” hiệu quả
Nếu đã suy nghĩ kĩ và cảm thấy mình nên từ chối lời đề nghị từ đối phương, nhưng vẫn chưa biết cách từ chối sao để không gây mất lòng thì đây là một vài cách bạn có thể cân nhắc.
Tập từ chối những việc không quan trọng
Thực tế, việc đưa ra quyết định vẫn luôn tồn tại hàng ngày, không chỉ những việc quan trọng mới cần cân nhắc đến chuyện từ chối. Marcia Linehan, người tạo ra Liệu pháp Hành vi biện chứng (DBT), đề nghị thực hành nói “không” từ những tình huống nhỏ nhặt và không quan trọng trước.
Bạn có thể xem xét lại lời mời tham gia một bữa tiệc khiến bạn không thoải mái, hoặc từ chối đi xem bộ phim bạn không thích. Việc thực hành từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống sẽ khiến bạn dễ từ chối hơn trong những tình huống thật sự quan trọng.
Đừng vội nói “không” ngay lập tức
William Ury, tác giả cuốn sách “Lời từ chối hoàn hảo” chia sẻ: “Khi từ chối vội vàng, giận dữ và đôi khi thái quá, chúng ta sẽ dễ dàng mất đi những lợi ích có thể có.”
Thay vì từ chối thẳng thừng ngay từ câu đầu tiên, bạn có thể bày tỏ sự quan tâm hoặc đồng cảm với đối phương trước, chẳng hạn như “Ý kiến đấy thú vị thật, nhưng….” hay “Tôi rất muốn đến buổi tiệc ấy, nhưng…”.
Bạn cũng có thể gián tiếp giúp đỡ họ bằng cách đưa ra giải pháp nào đó: “Tiếc quá, tôi không biết cách làm việc này, nhưng tôi biết một người có thể giúp bạn, để tôi giới thiệu bạn với họ”. Đây cũng là một cách từ chối hiệu quả nhưng vẫn không làm đối phương cảm thấy phiền lòng hoặc thất vọng.
Tập quen với nỗi sợ của bản thân
Hãy tập quen với suy nghĩ bạn không có trách nhiệm phải giúp đỡ và làm hài lòng tất cả mọi người.
FOMO – nỗi sợ bị lạc lõng và cô đơn giữa một tập thể có thể đeo bám bạn theo nhiều cách khác nhau. Bạn cố gắng làm hài lòng mọi người để không bị tẩy chay nơi công sở, không bị mọi người nhìn với ánh mắt tiêu cực,… Nhưng không phải tất cả những người bị bạn từ chối đều có cách suy nghĩ và hành xử như vậy, đôi khi đó chỉ là suy nghĩ của riêng bạn mà thôi.
Luyện tập từ chối
Bạn có thể bắt đầu bằng việc hỏi bản thân ba câu hỏi trên trước khi quyết định nên từ chối hay chấp thuận. Đồng thời, tập quen với suy nghĩ bạn không sinh ra để làm vừa lòng bất kỳ ai. Cuối cùng chính là luyện tập đưa ra lời từ chối một cách thật khéo léo.
Để tránh làm phật lòng đối phương, bạn cũng nên để ý đến thái độ của mình khi từ chối. Một lời từ chối nghiêm túc và rõ ràng là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương và cả chính bạn nữa.
Kết
Từ chối là một nghệ thuật và bạn đã có trong tay những bước đầu tiên trên con đường chinh phục nghệ thuật này. Không phải lúc nào mọi người cũng có thể đón nhận lời từ chối với thái độ vui vẻ. Tuy không thể hoàn toàn thay đổi cách họ cảm nhận, nhưng qua những phương pháp trên bạn có thể giảm sự thất vọng xuống thấp nhất có thể.
Bài viết này được thực hiện bởi Eira.
Xem thêm:
[Bài viết] Từ chối thế nào để không mất lòng nhau?