Ngoài tự hào, ta có thể trông đợi gì vào hàng "Made in Vietnam"?
"Rẻ" không có nghĩa là "xấu"
Cảm quan đầu tiên khi nhắc đến dòng chữ "made in Vietnam" có lẽ là "rẻ." Ấn tượng này tôi có từ gia đình, khi ký ức về món đồ quý giá nhất ông bà tôi từng sở hữu trong quá khứ, được bà nội kể lại là chiếc quạt con cóc Thống Nhất.
Bên cạnh tính chất kỷ niệm, bà tôi yêu quý chiếc quạt ấy bởi vì nó vừa với hầu bao vô cùng hạn hẹp của những ai từng trải qua thời Hà Nội đói khổ, chứ không phải Hà Nội sáng tạo và hội nhập ta thấy trên biểu ngữ. Chữ "hàng Việt Nam" với toàn bộ lòng yêu mến và sự tự hào, được nhắc đến trong so sánh với hàng Liên Xô, hàng Đông Âu đắt đỏ hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể tự sản xuất.
Rẻ không có nghĩa là xấu, là rởm, dù tính từ này có thể gây ra sự kinh hãi đối với các nhà sản xuất ô tô-xe máy điện đang muốn tiến ra thế giới, cùng các mặt hàng điện tử tiêu dùng nội địa có đi kèm với dịch vụ bảo hành. Nếu sợ rẻ mà tăng giá nhưng giá trị đem lại cho người tiêu dùng không tăng thì những bài báo tiêu cực của người dùng quốc tế vẫn còn đó.
Rẻ có thể có nghĩa là nhiều người tiếp cận với sản phẩm hơn, giống trường hợp của chiếc quạt con cóc Việt Nam gắn bó cùng cái nghèo chung của cả một thành phố. Khi ấy, giá trị thương hiệu (một thứ không hề phổ biến trong nền kinh tế bao cấp trước đây) đến từ việc người ta gắn bó với sản phẩm vì giá trị sử dụng thực tế, sau đó sinh ra những kỷ niệm đẹp từ một thời kỳ không dễ sống.
Rẻ, với người sản xuất, còn có nghĩa là giảm thiểu chi phí đầu tư. Đây cũng là câu chuyện mà bố tôi luôn đau đáu khi ông lần đầu có doanh nghiệp riêng của mình cách đây 20 năm. Bố tôi thiết kế máy móc dùng cho các ngành công nghiệp nặng, và khi còn trẻ, đôi lúc ông tự gia công máy do mình vẽ ra để bán cho các công xưởng nhỏ.
Tôi nhớ mình từng được cùng bố cho tham quan các "chợ" linh kiện cơ khí, bao gồm ốc vít, đinh vít, dây điện... Mọi thứ có thể mua được đều là đồ Trung Quốc. Chất lượng của chúng hên xui, khi hỏng thì dễ tìm nguồn thay thế, và dù rất rẻ nhưng cái giá phải bỏ ra lại rất cao nếu có hỏng hóc gì. Bố nói rằng nếu người Việt tự làm ra được những linh kiện này, người sáng chế như bố sẽ được lợi. Vì họ kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ trong nước.
Đây là một mong ước rất thực tế. Nó dựa vào các tính toán trong bản vẽ kỹ thuật (blueprint) và kinh nghiệp từ từng mối hàn, từng cái bắt vít, từng sản lượng mà cỗ máy có thể đáp ứng cho khách hàng. Mác "made in Vietnam" dù có tạo cảm giác tự hào lớn đến mấy thì cũng không lớn hơn mong muốn đáp ứng được tính hiệu quả trong công việc.
Hàng hoá không có quốc tịch
Trong hoàn cảnh hiện tại, sẽ là không thực tế nếu nói "made in Vietnam" là tổng của ý tưởng nội địa, sản xuất nội địa, logistic nội địa, khách hàng nội địa, v.v. Ý tưởng, dù cho một mô hình kinh doanh hay một thiết bị dân dụng, đều là sự pha trộn của hằng hà sa số thành quả của nhân loại. Nguyên liệu, linh kiện và các yếu tố cần thiết để tạo ra sản phẩm đến từ các nguồn cung trên toàn thế giới.
Chiếc quạt con cóc "nội địa" mà bà nội tôi yêu quý, dù được làm ra hoàn toàn bởi các công nhân Việt Nam, thì cũng chỉ là giải pháp thay thế cho chiếc quạt tai voi Liên Xô, được làm dựa trên bản vẽ của những người đồng chí. Tình yêu với chiếc quạt nằm ở sự gắn bó nó dành cho gia đình chúng tôi trong nhiều chục năm không hỏng hóc, ở hình ảnh nó để lại trong văn hoá và ký ức của con người.
Tình cảm ấy không được tạo ra bởi bất cứ chiến dịch marketing nào.
Người tiêu dùng từng cảm thấy thất vọng khi chiếc TV "made in Vietnam" của họ có tới 70% linh kiện đến từ Trung Quốc. Họ cũng thất vọng khi chiếc điện thoại "made in Vietnam" của mình có giá cao ngang hàng quốc tế nhưng chất lượng còn nhiều thiếu sót. Ô tô, xe máy Việt Nam thi thoảng cũng gặp vấn đề tương tự. Vinaxuki là giấc mộng đã chìm vào dĩ vãng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Chất lượng - danh tính của sản phẩm
Theo tôi, món hàng được sản xuất ở Việt Nam cũng tốt (như chiếc iPad và đôi AirPods, dù chẳng ai gọi đó là hàng Việt), mà được làm dựa trên ý tưởng của người Việt cũng ổn cả. Quan trọng là chúng có phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng hay không.
Danh tính của một sản phẩm tốt chỉ một phần nhỏ gắn liền với xuất xứ của nó, khắc "made in _" ở phần xác. Còn danh tính gắn liền với phần hồn của sản phẩm nằm ở vị trí của nó trên kệ tủ, trong bàn tay ấm nóng của người dùng, và trong lời kể mùi mẫn của người già khi thời đại của sản phẩm đã trôi về dĩ vãng.