Nhìn thấy khuôn mặt trên đồ vật, là thật hay “trông gà hóa cuốc”?
Nếu đảo mắt xung quanh văn phòng, bạn sẽ nhận ra rằng hằng ngày mình đều tiếp xúc với rất nhiều khuôn mặt, từ đồng nghiệp, sếp đến những người làm cùng tòa nhà mà bạn chỉ biết mặt chứ chẳng nhớ tên.
Nhưng có bao giờ bạn để ý rằng thỉnh thoảng mình cũng bắt gặp khuôn mặt ở những đồ vật vô tri vô giác như trên đầu xe ô tô hoặc ổ cắm điện? Liệu có cách nào để lý giải điều này?
Pareidolia: Xu hướng liên tưởng đến khuôn mặt dựa trên những chi tiết ngẫu nhiên
Face pareidolia (tạm dịch: ảo giác khuôn mặt) là hiện tượng khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt trên những vật thể vô tri.
Khi chúng ta nhìn vào mặt một người, thùy chẩm (occipital lobe) - chịu trách nhiệm xử lý các kích thích thị giác như màu sắc, hình dạng và chuyển động - sẽ là nơi tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, lúc này não của bạn vẫn chưa định hình được liệu thứ bạn thấy có phải là khuôn mặt hay không. Thay vào đó, nó chỉ nhận biết được những mảng màu sáng tối và góc cạnh của sự vật.
Để não nhận ra đó là một khuôn mặt, thông tin sẽ lại tiếp tục được gửi đến khu vực được gọi là fusiform face area - FFA (tạm dịch: khu vực khuôn mặt hình thoi). Tại đây, những chi tiết rời rạc sẽ được ghép lại với nhau để tạo thành một khuôn mặt hoàn chỉnh.
FFA là một phần của hệ thống thị giác đóng vai trò nhận diện khuôn mặt, nằm ở thùy thái dương (temporal lobe). Nhưng khu vực FFA này không chỉ được kích hoạt khi bạn nhìn thấy khuôn mặt người thật. Các nhà khoa học đã tìm ra rằng, khu vực này cũng hoạt động khi bạn nhìn thấy bất kỳ thứ gì khiến bạn liên tưởng đến khuôn mặt.
Chẳng hạn, khi nhìn thấy những thứ mô phỏng hình dáng của đôi mắt và cái miệng ở gần nhau, não sẽ tự động ghép chúng lại thành một khuôn mặt, dù vị trí của chúng vốn chẳng có ý nghĩa gì. Cách bạn xâu chuỗi các dữ kiện mới chính là yếu tố mang lại ý nghĩa cho nó.
Vì sao não lại thích liên tưởng đến khuôn mặt?
Nhận diện khuôn mặt giúp con người an toàn
Các nhà khoa học cho rằng nhận diện khuôn mặt là một đặc điểm tiến hóa của não bộ có ý nghĩa về mặt sinh tồn, bởi nó giúp chúng ta cảnh giác với kẻ thù đang lẩn trốn. Bằng cách nhận diện khuôn mặt từ xa hoặc trong bóng tối, chúng ta có thể biết được rằng khi nào nào kẻ thù đang đến hoặc liệu mình có đang bị kẻ khác theo dõi. Từ đó, ta có thể bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm.
Nghiên cứu cho thấy pareidolia thường xảy ra với những người mắc rối loạn tâm thần hoặc suy nghĩ tiêu cực. Ở những đối tượng này, vùng FFA hoạt động mạnh hơn mức bình thường bởi họ có cảnh giác cao độ hơn với những mối nguy hiểm.
Nhận diện khuôn mặt là một đặc tính xã hội
Đây là chức năng mà chỉ con người mới có. Trong một nghiên cứu trên loài khỉ, các nhà khoa học đã phát hiện ra não chúng không hề có bộ phận nào có chức năng tương tự vùng FFA của người. Đối với khỉ, khuôn mặt cũng chẳng khác gì cây cối hay hòn đá ven đường.
Con người thì khác, chúng ta là sinh vật duy nhất có những khái niệm như là “danh tính” và “cảm xúc”. Vì thế, chúng ta cần khả năng nhận diện khuôn mặt để có thể phân biệt người này với người kia, hoặc một người đang vui vẻ và một người đang cáu gắt. Phụ nữ cũng có xu hướng nhìn thấy khuôn mặt trên đồ vật hơn, bởi khả năng nhận biết cảm xúc tốt hơn thông qua biểu hiện trên khuôn mặt.
Do mặt người là thứ mà não quen thuộc
Khi không hiểu lý do vì sao một điều lại xảy ra, chúng ta có xu hướng lý giải nó dựa trên những gì mình biết. Và những gì chúng ta biết lại bị chi phối bởi thiên kiến, niềm tin và những điều mà ta quen thuộc.
Bạn còn nhớ truyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng, Thỏ Ngọc trên cung trăng chứ? Giai thoại này bắt nguồn từ việc con người thấy những mảng sáng tối trên bề mặt của Mặt Trăng và họ đã liên tưởng nó đến những gì mình quen thuộc nhất, trong đó có con người. Vấn đề đôi khi không nằm ở những thứ ta thấy, mà là ở việc chúng ta nghĩ mình thấy gì.
Kết
Pareidolia từng được coi là một triệu chứng của rối loạn tâm thần, nhưng giờ đây nó được dùng để chỉ một hội chứng khá bình thường ở con người. Một cách tích cực, nó thể hiện khả năng của chúng ta trong việc xâu chuỗi và liên tưởng - điều khiến ta trở nên đặc biệt hơn những loài sinh vật khác.
Bằng chứng là đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thị giác được tạo nên bởi sự vô hạn trong trí tưởng tượng của con người. Chẳng hạn như những tác phẩm trong series Nhìn Phát Yêu Luôn của Vietcetera.