Những câu nhân viên nhà hàng nên hỏi khi làm việc trong thời kỳ hậu giãn cách
Sau đây là một vài câu hỏi mà Vietcetera cho rằng “không thừa” để bạn có thể trao đổi với doanh nghiệp trước khi bắt đầu làm việc hoặc cùng làm rõ tại thời điểm này.
Hậu đỉnh dịch, chuyển sang giai đoạn nới lỏng giãn cách từ ngày 23/4, Việt Nam hiện đang từng bước thích nghi với trạng thái ‘Bình thường mới’ (New Normal).
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân từ những hoạt động mang tính hạn chế tiếp xúc, các cơ quan và doanh nghiệp mở cửa lại trong thời gian này đều buộc phải đặt ra những quy chế làm việc tương ứng để bảo vệ khách hàng và toàn thể nhân viên.
F&B được ghi nhận vào danh sách các ngành chịu tác động tức thì từ đại dịch COVID-19. Đương nhiên, bộ phận lao động thuộc lĩnh vực này cũng khó có thể tránh khỏi tầm ảnh hưởng.
Trong khoảng 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên ở đa dạng lĩnh vực, số lao động thuộc ngành ăn uống và lưu trú là khoảng 740 ngàn người.
Tại bối cảnh ‘Bình thường mới’ này, 39% doanh nghiệp được ghi nhận sẽ sớm khôi phục tuyển dụng. Bên cạnh sự hứng khởi, một thực tế cần các nhân viên may mắn được trở về làm việc phải sáng suốt nhận thấy là kể từ thời điểm này, họ sẽ phải đối diện với quỹ đạo công việc khác xưa.
Làm việc trong môi trường đặc thù, đòi hỏi nhiều tiếp xúc trực tiếp, nên việc nắm rõ từng yêu cầu về trách nhiệm cũng như suy xét các mặt lợi ích là điều các nhân viên trong ngành F&B nên làm.
Sau đây là một vài câu hỏi mà Vietcetera cho rằng “không thừa” để bạn có thể trao đổi với doanh nghiệp trước khi bắt đầu làm việc hoặc cùng làm rõ tại thời điểm này.
Làm sao giữ an toàn cho tôi và khách hàng?
An toàn, tại thời điểm bất kỳ, trước hay sau Covid, đều phải là ưu tiên hàng đầu. Chưa kể làn sóng lây nhiễm thứ hai tại giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội đang là nỗi lo hiện thời của nhiều quốc gia. Điển hình là vụ việc Hàn Quốc ghi nhận ổ dịch mới có liên quan đến 5 quán bar và hộp đêm tại Itaewon.
Do đó, hoàn toàn hợp lý và cần thiết khi bạn quyết định đề cập, thậm chí là chất vấn cấp trên về các biện pháp bảo vệ được họ áp dụng. Bạn nên chủ động tham khảo các hướng dẫn phòng chống, khử trùng chính thức của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhằm dễ dàng đối chiếu.
Mỗi vị trí công việc sẽ có biện pháp phòng chống dịch khác nhau. Chẳng hạn, đối với bộ phận thu ngân, nhân viên nên làm rõ về sự thay đổi trong quá trình thanh toán như: Dựng vách ngăn tại quầy hay có phương thức duy trì khoảng cách an toàn nào khác? Các bước trả thẻ lẫn tiền mặt sẽ được thực hiện ra sao?…
Trách nhiệm của tôi sẽ có những thay đổi gì?
Có lẽ hiếm có doanh nghiệp nào có thể mạnh dạn khẳng định bản thân đã thực sự ổn định tại thời điểm này. Bởi đại dịch vẫn chưa qua đi và ‘dư chấn’ để lại sau khoảng thời gian giãn cách xã hội vẫn còn đáng kể.
Vì thế, đừng ngạc nhiên khi lượng công việc cần đảm nhiệm của một vị trí bỗng dưng nhiều thêm. Họ có thể yêu cầu bạn vừa chạy bàn tại quán, vừa phụ trách mảng giao hàng cho các đơn online.
“Gánh” thêm nhiều đầu việc là điều có thể thông cảm cho doanh nghiệp cũng như là vấn đề đôi khi phải miễn cưỡng chấp nhận của lao động. Bởi phần lớn (67%) doanh nghiệp thời dịch đã buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc thực hiện các biện pháp ảnh hưởng thu nhập lao động.
Nắm bắt cục diện và cho phép mình có quyền chủ động tiếp nhận là hai sự việc buộc phải rạch ròi. Bạn có thể tự mình cập nhật tình hình để thấu hiểu những khó khăn xung quanh, nhưng bổn phận của nhà tuyển dụng là trình bày rõ ràng các vấn đề liên quan đến trách nhiệm lẫn lợi ích của nhân viên.
Nếu cấp trên không chủ động đề cập, bạn nên yêu cầu họ giải đáp thắc mắc này. Trong tình huống này, cuộc đối thoại giữa hai bên phải được duy trì ở dạng trao đổi hai chiều. Bạn có quyền thương lượng. Và hãy luôn sáng suốt khi bạn quyết định thoả hiệp.
Tính lương mới cho tôi ra sao?
Nhân viên có lương tháng cố định dễ có câu trả lời biến động hơn người thu nhập theo giờ. Bởi lượng lao động này vốn phụ thuộc nhiều hơn vào doanh thu từng thời điểm và do người vận hành quyết định.
Những dạng thắc mắc bạn có thể hỏi là: “Lương trong thời điểm này của tôi sẽ là bao nhiêu?”, “mức lương được tính dựa trên tiêu chuẩn và điều kiện nào?”, “mức lương này dự định sẽ được duy trì tới khi nào?”, “liệu có thay đổi gì xoay quanh chế độ phúc lợi?”, “lịch trả lương cụ thể là vào lúc nào?”…
Thêm vào đó, bạn đừng quên kèm thêm câu hỏi “vì sao” cho từng giải đáp của nhà tuyển dụng hay chủ doanh nghiệp. Mục đích của việc làm là giúp bạn nắm rõ được tình hình.
Đồng thời, nó sẽ hạn chế phần nào khả năng rơi vào trạng thái bị động của bạn. Qua những chia sẻ đó, bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh và chi tiết hơn cũng như có thể chuẩn bị kịp thời cho bản thân những kế hoạch cần thiết.
Mô hình kinh doanh có gì thay đổi?
Giãn cách xã hội tạo ra một thái cực mới hoàn toàn cho mọi ngóc ngách đời sống. Trước mắt, nó khiến hiệu suất hoạt động chưa bung nở. “Đến khi nào nền kinh tế và các thị trường mới có thể khôi phục” vẫn là nỗi trăn trở chưa có lời giải cụ thể tại nhiều quốc gia.
Để sinh tồn, đương nhiên các mô hình kinh doanh ăn uống phải thích nghi với lối sống đã và đang biến đổi của thực khách – từ việc chuyển hướng tập trung vào giao đồ ăn, thức uống tận nơi, nhà hàng kiêm cửa hàng thực phẩm cho đến việc các cấp quản lý áp dụng giãn cách trong không gian kinh doanh…
Ở cương vị là một nhân viên, cá nhân có đóng góp cho tổ chức, bạn có quyền được biết tầm nhìn, chiến lược sơ bộ tiếp theo của doanh nghiệp. Vì đường hướng họ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp lẫn chất lượng cuộc sống của bạn về lâu dài.
Bên cạnh những câu hỏi đặt cho nhà tuyển dụng hay các chủ nhà hàng, bạn cũng nên tự có câu trả lời cho những quyết định riêng, ví dụ:
Trong trường hợp bạn không muốn quay về làm việc, chuyện gì sẽ xảy ra?
Ba khả năng tiêu biểu:
- Nếu thuộc các nhóm đối tượng này, bạn sẽ được hưởng trợ cấp Covid 1-1,8 triệu đồng/tháng trong 3 tháng.
- Bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (60% mức bình quân lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề gần nhất) nhưng phải thỏa mãn các yếu tố và làm theo hướng dẫn của Luật Việc làm.
- Bạn phải tìm công việc mới.
Kết
Bạn sẽ khó tránh khỏi cảm xúc hào hứng, hồi hộp hay lo âu lẫn sốt ruột khi quay về nhịp sống, nhịp làm việc “bình thường”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này bình tĩnh và sáng suốt là hai trạng thái cần được bạn ưu tiên hơn cả. Bạn đừng e ngại đề cập đến những nỗi lo xoay quanh công việc cho các cấp quản lý.
Xuyên suốt cuộc nói chuyện, bạn nên giữ cho mình “cái đầu lạnh” cũng như duy trì cách ứng xử chuyên nghiệp. Kết quả chung hướng tới của đôi bên là thái độ làm việc tích cực và sự triển vọng mang tính thực tế trong tương lai.
Bài viết được bình dịch dựa trên bài gốc của tác giả , đăng trên , bởi Trần Quốc Việt.
Xem thêm:
[Bài viết] Những con số nói gì về tình hình F&B Việt mùa COVID-19?
[Bài viết] Những điều cần biết và vì đâu sao Michelin vẫn chưa bén duyên với Việt Nam