Những tác phẩm Cli-Fi có thể định hình tương lai của con người?
Chúng ta đang tiến tới một viễn cảnh tương lai khó dự đoán: Lượng khí thải toàn cầu đang đạt mức kỷ lục, mực nước biển tăng nhanh, nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực đã tăng 3 độ C kể từ năm 1990. Hơn bao giờ hết, biến đổi khí hậu được xác định là cuộc chiến trong thời đại này.
Nhưng những báo cáo và các con số không thể làm được một điều, chúng chưa thể chạm đến cảm xúc con người một cách tối đa. Các nhà văn đã sử dụng ngòi bút để cảnh tỉnh thế giới, rằng chúng ta sẽ ra sao nếu không sớm hành động để chống lại biến đổi khí hậu. Và Climate Fiction (Cli-Fi) đã được ra đời.
Thuật ngữ Cli-Fi xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 2000, bởi một cây viết tự do - Dan Bloom. Thuật ngữ này bao gồm mọi tác phẩm hư cấu về tác động của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Dưới đây là 05 đầu sách thú vị để độc giả có thể bước chân vào thế giới văn học này.
Polar City Red - Jim Laughter
Polar City Red là cuốn tiểu thuyết đầu tiên từng được quảng bá như một tác phẩm văn học Cli-Fi. Bởi vậy, đây cũng là cuốn sách then chốt trong lịch sử ban đầu của thể loại văn học này.
Lấy bối cảnh vào năm 2075, các thành phố lớn lúc này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự nóng lên toàn cầu: hệ sinh thái bị phá hủy, mực nước biển dâng cao, khan hiếm cực độ của nguồn nguyên nhiên liệu.
Một gia đình nhỏ đang cố gắng chạy thoát khỏi cơn lũ lụt, họ được cứu sống bởi một người thợ săn và đưa tới nơi ở mới - nơi vùng cực phía Bắc Alaska xa xôi. Tại đây, họ vừa phải hòa nhập khu định cư mới, vừa phải cảnh giác và chống chọi với những tên cướp vẫn lăm le bên ngoài hàng rào kiên cố của khu Polar City Red.
Câu chuyện được dựa trên ý tưởng từ các cộng đồng người sinh sống tại Alaska, Canada hay Scandinavia. Và dẫu bối cảnh có là Alaska năm 2075, trong tương lai đó có thể là bất cứ thành phố nào, bất kỳ thời điểm nào, bởi sự nóng lên toàn cầu là không biên giới.
Polar City Red là câu chuyện về sự xung đột, phản bội và cả niềm hy vọng. Cuốn sách đã được chọn là một phần của nghiên cứu Đại học Cambridge về tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu vào năm 2015.
New York 2140 - Kim Stanley Robinson
Cuốn sách mở đầu với hình ảnh hai con sóng lớn tràn qua Trái Đất, mực nước biển dâng lên tới 15m, khiến phần lớn bề mặt Trái Đất đã bị bao phủ. Phải tới năm 2140, các thành phố mới dần tìm được trạng thái cân bằng. Tân New York lúc này đã biến thành một "Venice của tương lai", với các kênh đào ở khắp mọi nơi và những hòn đảo kim loại chọc trời.
Câu chuyện tập trung vào một nhóm 7 người với tính cách khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, nhưng họ có chung một mong muốn: biến New York thành một nơi đáng sống hơn, nếu có thể. Hành trình của họ dệt nên một câu chuyện hấp dẫn, pha trộn những yếu tố về biến đổi khí hậu, kèm theo sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản.
“Năm 2140” cũng đề cập nhiều tới tính đạo đức trong hệ thống tài chính, hay trong hành vi con người khi phải đối mặt với những thảm họa lớn.
Kim Stanley Robinson được coi là người "khổng lồ" trong thế giới khoa học giả tưởng. Cuốn tiểu thuyết vừa "ngổ ngáo" lại hoa mỹ này chắc chắn sẽ khiến các độc giả phải suy ngẫm nhiều cho tới trang cuối cùng.
Oryx and Crake - Margaret Atwood
Đọc Oryx and Crake, chúng ta hẳn sẽ phải ngỡ ngàng không chỉ bởi độ xác thực, mà còn về trí tưởng tượng vô hạn của tác giả Margaret Atwood. Là phần đầu của bộ ba tác phẩm “MaddAddam”, Oryx and Crake là câu chuyện lấy bối cảnh tương lai nơi kỹ thuật di truyền thống trị thế giới.
Thế giới bị xâm chiếm bởi một loại dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã tạo ra hệ thống thời tiết ngoài tầm kiểm soát. Jimmy, bây giờ với tên gọi "Snowman" - là Homo Sapiens cuối cùng còn tồn tại trên Trái Đất. Cuộc sống của Snowman được bao quanh bởi giống người mới - những con người hoàn mỹ nhưng thụ động, không có lòng đố kỵ, không bạo lực hay ham muốn tình dục.
Snowman sống hằng ngày trong sự tiếc thương người bạn thân nhất - Crake và Oryx - cô nàng mà cả hai đều vô cùng yêu mến. Thông qua hồi ức của Snowman, độc giả dần biết được chuỗi sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của nhân loại, và thậm chí cả sự đóng góp của chính Snowman trong việc này.
Câu chuyện được pha trộn giữa quá khứ và hiện tại. Margaret Atwood đã biết cách nắm bắt các xu hướng hiện tại để tạo ra một thế giới giả tưởng về sự chênh lệch xã hội, bạo lực, lai tạo gen, và virus nhân tạo hoành hành.
Cuốn sách đồng thời đặt ra rất nhiều suy ngẫm mang tính triết học về sự tồn tại: Liệu có khôn ngoan khi chĩa "cánh tay nhân tạo" vào tự nhiên? Liệu có tồn tại con người hoàn hảo? Và liệu con người có quyền quyết định sự sống, chết cho một sinh mạng?
Some Fine Day - Kat Ross
Kat Ross là một nữ tác giả trẻ định hình mình trong thể loại Cli-Fi. Tác phẩm Some Fine Day của cô không có quá nhiều những tình tiết li kì, gay cấn, nhưng lại thu hút bởi cốt truyện độc đáo và tuyến nhân vật không hề đơn điệu.
Ở một thế hệ trước, con người đã chứng kiến Trái Đất bị xé nát bởi "hypercane" - một cơn bão khủng khiếp với tốc độ gió gần 230m/s, khiến một bộ phận nhỏ người sống sót phải lùi sâu dưới lòng đất và xây dựng một xã hội mới. Jansin Nordqvist 16 tuổi, đã được đào tạo 8 năm tại Học viện Quân sự.
Trước ngày tốt nghiệp, cô được bố mẹ gây ngạc nhiên bằng một chuyến tham quan lên mặt đất. Xúc động với cơ hội được ngắm biển, hít thở không khí trong lành và ánh nắng mặt trời thực sự, Jansin bất ngờ đặt câu hỏi cho tất cả những gì cô đã được dạy dưới thế giới lòng đất.
Some Fine Day bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: Sẽ ra sao nếu kịch bản xấu nhất thật sự xảy đến với chúng ta? Cuốn sách đã ca tụng lẫn lên án những giới hạn mà nhân loại đã thúc đẩy công nghệ và thử nghiệm khoa học. Một mặt, toàn bộ nền văn minh trong lòng đất là hệ quả của phát minh khoa học. Mặt khác, công nghệ di truyền đã phát triển méo mó tới mức kinh dị.
Tác giả Kat Ross đã có kinh nghiệm lâu năm với vai trò một cây bút đưa tin về biến đổi khí hậu, đó cũng là lý do thôi thúc cô viết nên tác phẩm này.
Flight Behaviour - Barbara Kingsolver
Cuốn sách cuối cùng, và có lẽ cũng là cuốn "nhẹ nhàng" hơn cả. Bởi Flight Behaviour không mang nặng tính thuyết giáo, không nói quá nhiều về công nghệ khoa học, mà tập trung nhiều vào sự khác biệt giai cấp trong phong trào môi trường.
Sự xuất hiện của hàng triệu con bướm chúa nơi thung lũng khu vực Appalachian đã mang đến cả sự kinh ngạc lẫn hoảng sợ cho người dân nơi đây. Họ tin rằng hình ảnh này mang tính chất tâm linh. Còn với các nhà khoa học, đây là triệu chứng đáng lo ngại của biến đổi khí hậu toàn cầu, khiến đàn bướm bị dịch chuyển khỏi môi trường sống của mình.
Một sự xung đột văn hóa giữa cư dân địa phương và các nhà khoa học mới đến, một sự xung đột giữa tâm linh và khoa học. Người dân Appalachian phải tập làm quen với sự xuất hiện của các nhà khoa học, sinh vật học, đồng thời phải canh chừng những kẻ cơ hội luôn nhăm nhe trong cuộc chiến tìm hiểu này.
Flight Behaviour giống như một câu chuyện ngụ ngôn đầy chất thơ. Và dù không hề được gọi tên như một tiểu thuyết Cli-Fi chính thống, đây cũng là một tác phẩm thu hút về môi trường mà chúng ta nên đọc.
Vấn đề nóng lên toàn cầu không chỉ là dữ liệu khoa học về sự thay đổi của bầu khí quyển, đó còn là một hiện tượng văn hóa đang dần được định hình bởi cuốn sách ta đọc, hay bộ phim ta xem. Và Cli-Fi đã làm tốt vai trò của mình.
Nó chạm đến chúng ta theo cách mà báo cáo khoa học khó có thể làm nổi. Bởi cũng như các tiểu thuyết đều nói về con người, mọi quyết định và hành động đối với hành tinh này cũng là từ con người.