Phan Gia Nhật Linh: Trịnh Công Sơn từ góc nhìn của Em
Trải qua hơn 4 năm lên ý tưởng và thực hiện, Em và Trịnh đã chính thức được công chiếu với khán giả Việt Nam.
"Một bộ phim về cuộc đời và những mối tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được tiếp cận như thế nào?" Vietcetera đã có một buổi trò chuyện với Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn của bộ phim Em và Trịnh để nói về bộ phim.
“Chỉ khi ta gõ cửa, chúng ta mới biết chúng có mở ra không”
Ý tưởng của Em và Trịnh ban đầu chỉ đơn giản là một bộ phim sử dụng các nhạc phẩm của duy nhất một người nghệ sĩ. Cái tên Trịnh Công Sơn trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho bộ phim khi những tác phẩm được sáng tác đều gắn liền với các cột mốc quan trọng trong đời ông.
Đoàn làm phim đã cùng nhau nghiên cứu và sắp xếp lại những chi tiết trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để có thể đưa ra kịch bản đề cương để chuẩn bị cho phần “gian khó” nhất trong quá trình làm phim, xin phép gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để sản xuất bộ phim.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể rằng trước đây, đã có nhiều nhà làm phim đến xin phép gia đình Trịnh Công Sơn nhưng cuối cùng đều bị từ chối vì gia đình sợ họ làm xấu đi hình tượng của nhạc sĩ. Thế nhưng, anh và đoàn phim vẫn quyết định thử lại lần nữa vì “mình không gõ cửa thì làm sao mình biết cửa có mở hay không?”
May mắn thay, cánh cửa đi đến việc thực hiện một bộ phim về Trịnh Công Sơn chỉ yêu cầu một kịch bản thật sự hiểu được con người này. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tự hào nói rằng, ngay khi đọc xong kịch bản đề cương, gia đình nhạc sĩ đã cho phép đoàn phim thực hiện Em và Trịnh.
Tất nhiên, một bộ phim điện ảnh chắc chắn sẽ tồn tại những hư cấu nhằm tăng tính kịch tính của cốt truyện. “Làm sao để cân bằng giữa tính hư cấu ấy mà không làm xấu đi hình ảnh của người nhạc sĩ?" là một câu hỏi mà Phan Gia Nhật Linh phải giải quyết ngay từ những giai đoạn đầu của bộ phim.
Đối với anh, bộ phim là góc nhìn của đạo diễn về đời sống và dĩ nhiên, sự thật của điện ảnh không phải là sự thật ngoài đời. Khi làm phim, Phan Gia Nhật Linh hướng tới việc tôn trọng câu chuyện và nhân vật của phim.
“Tôn trọng ở đây không phải là nói toàn tính tốt. Không có ai hoàn toàn xấu xa hay hoàn toàn thánh thiện cả. Một bộ phim hay đôi khi cần đưa ra mặt xấu của nhân vật để khán giả có thể cảm nhận mặt tốt đẹp của họ." - anh nói thêm.
Trịnh Công Sơn là một nhân vật như vậy. Tiếp xúc với những câu chuyện, những nàng thơ đã đi qua cuộc đời của người nhạc sĩ, Phan Gia Nhật Linh nhận ra rằng tình yêu của Trịnh Công Sơn không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái. Trịnh Công Sơn yêu vì ông yêu ý niệm về tình yêu, ông yêu chính tình yêu hiện diện giữa hai con người ấy.
Chính vì góc nhìn đặc biệt này của Phan Gia Nhật Linh, gia đình nhạc sĩ đã hết lòng hỗ trợ đoàn phim trong quá trình thực hiện Em và Trịnh. Anh kể, khi có những chi tiết trong phim không sát với thực tế, gia đình chỉ kể lại cho anh những thông tin đúng và cho anh toàn quyền quyết định xem anh có nên đưa vào bộ phim hay không.
Một góc nhìn mới đến những câu chuyện tình yêu của thời đại cũ
“Đứng dưới góc nhìn chủ quan của bản thân, mình nghĩ Em và Trịnh sẽ là một bộ phim cột mốc cho sự nghiệp của mình lẫn điện ảnh Việt Nam… Đặc biệt là vào thời điểm sau dịch, mình nghĩ sẽ còn rất lâu nữa, Việt Nam mới lại có một bộ phim thuộc thể loại sử thi được đầu tư lớn như như vậy." - Phan Gia Nhật Linh tự hào nói.
Để có thể hiểu được tính khổng lồ của con số 50 tỷ kinh phí đầu tư cho phim, chúng ta cần nhìn điện ảnh như một nền công nghiệp cần phải có doanh thu và lợi nhuận để phát triển. Để nhận được một số tiền đầu tư lớn, một bộ phim cần có những yếu tố có thể đảm bảo doanh thu phòng vé. Theo Phan Gia Nhật Linh, thông thường, những yếu tố này sẽ là tính hành động, giật gân cùng những tên tuổi diễn viên lớn bảo chứng phòng vé.
Em và Trịnh không phải một bộ phim như vậy. Nhìn trên bề mặt, đây là một bộ phim tình cảm lãng mạn, một thể loại ít khi nhận được những đầu tư lớn. Thậm chí, những diễn viên của bộ phim vẫn còn mới, có những người chưa bao giờ xuất hiện trên màn ảnh bạc.
Sẽ có người cho rằng cái tên Trịnh Công Sơn là đủ để bộ phim thành công. Tuy nhiên, nếu nhìn về đối tượng khán giả ra rạp chính, những bạn trẻ từ 18-24 tuổi, âm nhạc của Trịnh Công Sơn thật sự không quá nổi bật trong cuộc sống của họ. Vậy yếu tố ăn khách của Em và Trịnh nằm ở đâu?
Với nội dung xoay quanh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những mối tình của ông vào thời niên thiếu, Em và Trịnh là một bộ phim tình cảm được đặt trong một bối cảnh xã hội cực kì quan trọng của thời đại. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tin rằng dù tình yêu ấy nằm ở thời đại nào, khán giả cũng ít nhiều sẽ cảm nhận được mối liên kết câu chuyện ấy.
Đập tan suy nghĩ rằng một bộ phim về Trịnh Công Sơn sẽ phải buồn thảm và hoài niệm, Em và Trịnh muốn mang đến khán giả trẻ một thời kì xưa cũ qua một lăng kính mới. Như cách mà thế hệ ca nghệ sĩ trẻ đã biến tấu những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh là một cách tiếp cận mới đến những câu chuyện tình yêu của huyền thoại âm nhạc ấy.
Câu chuyện về cái tên “Em và Trịnh” thể hiện điều đó khá rõ. Vào thời điểm casting, kịch bản được đặt tên là “M và Trịnh.” “M” ở đây là viết tắt của nàng thơ xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Cái tên này được đặt ra vốn dĩ để những diễn viên đi casting không biết quá sâu về nội dung của bộ phim.
Thế rồi qua thời gian, như một lẽ tự nhiên, chữ “M” dần biến thành “em." “Em” ở đây có thể là bất kì nàng thơ nào đi qua cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Theo lời của đạo diễn, anh xem bộ phim này là một bản tái hiện lại Trịnh Công Sơn từ góc nhìn của những nàng thơ đã đi qua cuộc đời của người nhạc sĩ.
Tuy là một người không quen biết và không lớn lên cùng âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Phan Gia Nhật Linh tìm thấy một sự liên kết với người nhạc sĩ qua những mẩu chuyện mà anh nghe được trong quá trình làm phim. Đem những câu chuyện ấy lên màn ảnh, Phan Gia Nhật Linh muốn khán giả có thể tìm thấy được sự liên kết đặc biệt ấy.