Popcorn brain là gì mà khiến não "phân mảnh"?
Bạn lên to-do list những đầu việc buổi chiều, sau đó multitask để nhanh chóng hoàn thành. Nhưng mọi việc diễn ra trái với những gì bạn mong đợi. Bạn càng “nhảy” liên tục giữa các đầu việc, lại càng chẳng xong hẳn được việc nào.
Bạn vốn muốn tập trung làm việc, nhưng những thông báo đẩy (push notification) cứ liên tục hiện lên trên màn hình điện thoại. Không thể kiềm chế nỗi tò mò của mình, bạn mở chúng lên đọc. Vậy là bạn liên tục mất tập trung và thấy kiệt sức khi phải “gồng gánh” nhiều nguồn tin một lúc.
Nếu thấy mình trong viễn cảnh trên, có thể bạn đã gặp phải hiện tượng mang tên popcorn brain (tạm dịch: não bỏng ngô). Nó ảnh hưởng đến khả năng tập trung của chúng ta ra sao?
Popcorn brain là gì?
Popcorn brain vốn không phải một thuật ngữ mới. Nó được nhắc tới lần đầu năm 2011 bởi David Levy, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington (Mỹ).
Đây là tình trạng xảy ra khi khả năng chú ý của não bị “phân mảnh” và không chịu đứng yên. Nó khiến ta khó tập trung vào duy nhất một vấn đề mà luôn tìm cách chuyển hướng, đang nghĩ chuyện này thì suy nghĩ lại “xọ” chuyện kia dù không cố ý. Tình trạng đó được ví như hình ảnh hạt ngô “nhảy” lúc nổ bỏng.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications năm 2019, quãng thời gian chú ý của chúng ta ngày một ngắn hơn do thói quen sử dụng mạng xã hội.
Điều này cũng được chuyên gia tâm lý Gloria Mark nhắc đến trong cuốn sách Attention Span: A Groundbreaking Way to Restore Balance, Happiness and Productivity của bà. Theo đó, thời gian tập trung trước màn hình của con người năm 2004 là 2.5 phút; năm 2012 đã giảm xuống còn 75 giây; và đến đầu năm 2021, con số này chỉ còn là 47 giây.
Biểu hiện của popcorn brain?
Dễ bị phân tâm dù có yếu tố tác động bên ngoài hay không
Điều này xảy ra do các dòng suy nghĩ, mạch cảm xúc của bạn đã quen với việc bị cắt ngang bởi thông báo từ mạng xã hội. Não dường như đã vô tình được “tập huấn” cho việc suy nghĩ loăng quăng như vậy.
Cảm thấy choáng ngợp và khó kiểm soát
Não bộ vốn có 3 cấp trí nhớ: tạm thời, ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, trí nhớ ngắn hạn là nơi tiếp nhận thông tin, và tạo ra căng thẳng tiềm ẩn giúp thông tin đó được chú ý.
Do đó khi có quá nhiều thông tin và nhiệm vụ đến cùng một lúc, lượng căng thẳng tiềm ẩn cũng tăng lên nhiều lần, tạo ra cảm giác hỗn loạn, không biết phải làm gì.
Tìm kiếm sự trấn an từ mạng xã hội
Đây chính là điều xảy ra khi bạn liên tục vào mạng xã hội để check lượt like bài đăng, lượt xem của story… Bạn tìm sự công nhận từ thế giới ảo để xác định giá trị bản thân, nhưng việc này cũng tạo nên một thói quen xấu cho não: liên tục cần dopamine để cảm thấy yên tâm.
Bận rộn nhưng không đi đôi với chất lượng
Bạn cố gắng làm rất nhiều việc, nhưng cuối cùng không xong được cái nào. Điều này không phải do bạn lười hay trì hoãn, mà có thể bạn đã tính sai khối thời gian cần để hoàn thành một việc, hoặc đang cả nể trong công việc. Thành ra bạn ôm đồm quá nhiều việc, để rồi cuối cùng không hoàn thành trọn vẹn cái nào.
Vì sao não không chịu “đứng yên”?
Sử dụng mạng xã hội quá nhiều
Theo tiến sĩ Mazher Ali, chuyên gia tâm thần học tại Bệnh viện CARE (Hyderabad, Ấn Độ), việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến popcorn brain. Việc não bộ phải liên tục tiếp nhận các dòng thông tin và trạng thái từ nhiều nguồn khác nhau khiến nhận thức trở nên phân tán, rời rạc.
Có lẽ bạn đã từng sáng dậy thấy màn hình điện thoại “ngập lụt” thông báo từ các mạng xã hội, và bối rối không biết đọc cái nào trước. Đó là bởi newsfeed của chúng được thiết kế để cập nhật các dòng trạng thái không ngừng nghỉ. Điều này khiến người dùng bội thực thông báo, sống trong một thế giới thừa mứa thông tin nhưng có khi lại bị “bỏ đói” về kiến thức.
Khi các nội dung ngắn hơn xuất hiện, chúng lại kích thích người dùng phải liên tục lướt lên, cuộn xuống và check từng cái thông báo. Vậy là não bộ phải tiếp nhận hàng chục, hàng trăm trạng thái, hình ảnh, video mỗi ngày, từ đó trở nên phân mảnh.
Tác dụng phụ của làm việc trực tuyến và đa nhiệm
Nổi lên để thích nghi với dịch COVID-19, nhưng giờ đây xu hướng làm việc từ xa lại được ưa chuộng rộng rãi. Dù vậy, hình thức này đòi hỏi sự kết nối liên tục, đặc biệt với những công việc đòi hỏi sự nhanh nhạy và kịp thời.
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Daniel Glazer, việc dành sự chú ý và chuyển đổi nhanh trên Internet trong thời gian dài có thể khiến tinh thần bồn chồn, hoặc não sẽ phải liên tục “nhảy số” để ghi nhận và xử lý các thông tin. Lâu dần, việc này sẽ khiến não “phân mảnh” và khó tập trung vào một đầu việc cụ thể.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn làm việc đa nhiệm. Khi phải “chạy show” từ task này qua task khác, bạn phải “vật lộn” để nhớ chi tiết từng task. Điều này dễ khiến bạn cảm thấy mọi việc choáng ngợp và khó kiểm soát.
Cách hạn chế não “nổ” bỏng ngô?
Dẫu biết mạng xã hội là tác nhân chính của popcorn brain, chúng ta khó mà loại bỏ hoàn toàn nó. Bởi ngoài cập nhật thông tin, mạng xã hội còn là công cụ làm việc, phương tiện liên lạc hay thậm chí là “lối thoát” giúp nhiều người giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.
Thay vào đó, ta có thể giảm thiểu phần tác động không tốt của nó lên não bộ, cũng như cải thiện khả năng tập trung bằng một số mẹo như sau:
Tắt thông báo đẩy của các ứng dụng
Bạn nên tắt thông báo đẩy của hầu hết các ứng dụng, chỉ để lại thông báo từ một số cần thiết như app làm việc, email, tin nhắn.
Bạn có thể làm việc này ở phần Cài đặt (settings) của các thiết bị điện tử. Một cách khác là đặt chế độ “im lặng” (silent) khi bạn thực sự cần tập trung - khi đó chỉ những thuê bao trong danh mục khẩn cấp mới gọi được vào máy bạn.
Batching & blocking
Bạn gom các đầu việc có thể làm cùng lúc (batching) và đặt một khung giờ nhất định (blocking) để hoàn thành, tránh phân mảnh khả năng tập trung. Chẳng hạn bạn dành hẳn 1 giờ để check email và trả lời đối tác, thay vì làm nó mỗi khi có thông báo về.
Tương tự, bạn có thể block hẳn 30 phút lướt mạng xã hội giải lao giữa giờ làm, hoặc thu thập các thông tin cần thiết cho công việc. Và trong 30 phút này bạn không làm một task nào khác.
Dành thời gian “detox” khỏi thiết bị điện tử
Bạn chọn một hoạt động không cần dùng thiết bị điện tử (như yoga, thiền định, đan móc len, đọc sách…), và dành ít nhất 30 phút - 1 tiếng ở bất cứ thời điểm nào trong ngày bạn thấy phù hợp để thực hiện. Đây là thời gian cần thiết giúp bạn “tập huấn” não bộ trở lại với khả năng tập trung vào một việc nhất định.
Đi làm không mang sạc máy tính
Bạn có thể sạc đầy laptop, sau đó để cái sạc ở nhà trước khi lên cơ quan (hoặc ra cafe, thư viện) làm việc. Khi đó bạn sẽ nhận biết được mình buộc phải hoàn thành công việc trong khi máy còn pin, nhờ đó bớt lướt web lung tung và tập trung tốt hơn.