Sáng tạo là quên đi những gì mình biết, và quên đi dư luận

"Sao mà trớ trêu thế, mình vào Harvard để quên đi tất cả."
Lê Nghĩa
Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao (trái) và host Tuân Lê. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera.

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao (trái) và host Tuân Lê. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera.

Andy Cao là một nghệ sĩ cảnh quan, hay một “người làm vườn” như cách anh thích nói về mình. Dưới đây là một số tác phẩm của người làm vườn Andy Cao, kết hợp cùng đội ngũ của mình tại studio Cao Perrot.

Tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc cảnh quan tại Mỹ từ năm 1994, tính đến nay Andy đã có 27 năm sáng tạo trong bộ môn này. Trong 27 năm này, anh đã thành lập studio Cao Perrot cùng người cộng sự Xavier Perrot; nhận những dự án lớn và thực hành nghệ thuật giữa không gian tính bằng hecta… Đặc biệt, qua buổi nói chuyện cùng host Tuân Lê của MAD Podcast, chúng ta còn biết rằng Andy đã từng tới Harvard để quên hết những gì mình đã học.

Cùng đọc bài viết và nghe MAD để tham khảo kinh nghiệm của một nhân vật lão làng. Đây là những kinh nghiệm có thể được áp dụng dù bạn đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp, vì luôn có những vấn đề “muôn thuở” mà người làm sáng tạo nào cũng sẽ gặp phải.

Lì lợm, nhẫn nại, tò mò và dám khác biệt

Người làm sáng tạo thường dễ so sánh mình với những người cùng trang lứa. Chúng ta băn khoăn liệu mình có đủ khả năng để thực hiện giấc mơ. Cùng lúc đó, ta nhìn thấy người khác thực hiện được giấc mơ của họ. Bị bao trùm trong áp lực thành công, chúng ta dễ quên rằng sáng tạo là một hành trình khám phá.

Mà đã là sự khám phá, thì chẳng ai biết chắc được mình sẽ tìm thấy gì. Có lẽ vì thế nên hoang mang là hiển nhiên, còn niềm vui là thứ giúp ta kiên định với con đường mình đã chọn.

Ngoài thiết kế cảnh quan, Andy Cao cũng dạy học khi có thời gian, và chỉ dạy khi được mời, chứ không xem đây là công việc chính. Khi nhận lớp, anh chỉ yêu cầu trưởng khoa để anh tự do với giáo án và phong cách giảng dạy của mình: đó là cho học sinh được phá. “Phá” trong “khám phá”.

Anh cũng không chấm điểm vì sự sáng tạo không chấm điểm được. Anh chỉ muốn nhìn thấy quá trình sinh viên chọn một vật liệu nào đó, rồi tìm tòi, thử nghiệm từ con số 0. Đến cuối khóa, các bạn sinh viên sẽ thấy được mình đã đem vật liệu đó từ số 0 đến đâu.

Cách giáo dục đặc biệt này được anh đúc kết từ chính kinh nghiệm bản thân trong quá trình phát triển chuyên môn gần 30 năm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa California, anh đã làm một vài khu vườn, để rồi thấy thất vọng về chúng. Anh thất vọng vì nghĩ rằng bạn bè mình ai cũng có thể làm ra cái vườn giống vậy, và anh không nhìn thấy mình trong đó.

Đó là lúc anh tự đặt câu hỏi: “Mình là ai? Mình từ đâu đến? Tại sao mình không có âm thanh, tiếng nói riêng?”. Rồi anh nhận ra mình không áp dụng được những kiến thức đã học, và phải từ từ quên bớt chúng đi. Sau đó Andy dùng một năm ở Ý để hòa mình vào môi trường mới, cũng là để đi tìm tiếng nói riêng của mình.

10 năm sau đó, khi cảm thấy công việc bắt đầu rơi vào vòng luẩn quẩn, anh lại tìm cơ hội để tới Đại học Harvard. Tại đây, khi gặp được những người mình ngưỡng mộ, anh nhận ra họ đều giống nhau ở một chỗ là có con đường chẳng giống ai. Họ có tư duy rất độc lập, và theo anh, để làm như thế, ta phải quên tất cả những gì mình biết.

Quên đi con đường chính, anh tự tìm đường tắt của mình, một con đường mà anh cho rằng khá cô đơn, nhưng thích hợp để mình tự đi từng bước một.

Sự nhẫn nại đến bướng bỉnh này cũng thể hiện qua cách Andy Cao thực hiện những công trình của mình. Studio Cao Perrot có ít dự án, và cũng làm rất chậm. Vì Andy Cao thích những dự án lâu dài để được tự do sáng tạo, đưa hết tâm hồn vào tác phẩm. Theo anh, điều đó có nghĩa là tác phẩm được tiến hóa cùng người nghệ sĩ khi nghệ sĩ làm tới đâu, ứng tác tới đó.

Đối phó với những phản hồi tiêu cực

Những đám mây pha lê là tác phẩm mang tính đại diện của studio Cao Perrot, chúng đã được yêu thích và lựa chọn trưng bày khắp thế giới (Áo, Mỹ, Pháp, Ả-rập Thống nhất, Singapore...), nhưng lại gây tranh cãi khi được đặt giữa cánh ruộng bậc thang ở Đồi Mâm Xôi, Mù Cang Chải, Việt Nam.

Một tác phẩm sáng tạo có thể nhận được nhiều luồng ý kiến. Khi người làm còn trẻ, phản hồi tích cực có thể làm ta vui 1, nhưng phản hồi tiêu cực có thể làm ta buồn tới 10. Andy Cao là người hiểu rõ cảm giác này, và anh cho rằng càng lớn thì chúng ta sẽ càng rũ bỏ đi ý kiến của số đông. Đó là lúc người nghệ sĩ biết cách lắng nghe cái tôi, thu nhỏ thế giới của mình, nhưng lại mở rộng hơn trong công việc sáng tạo.

Như dự án Mây Pha Lê nói trên, đã có người nói: “Mây gì mà xấu thế?”, “Vô tích sự!”, “Không đóng góp gì cho cộng đồng, sao phải tốn nhiều tiền như vậy?”. Về việc này, Andy cho rằng một khi đã chọn con đường làm sáng tạo, anh không quan tâm tới dư luận nữa. Vì suy nghĩ về dư luận sẽ rất áp lực. Vì giữa trời mưa gió, cũng chỉ có những người nghệ sĩ đứng nắn nót từng đường nét cho tác phẩm của mình.

Ngoài ra, vẻ đẹp và sự quý giá của một dự án với Andy còn nằm ở sự góp sức của nhiều người để hoàn thành một ý tưởng. Ngoài đội ngũ sáng tạo, còn là cộng đồng, chính quyền địa phương nơi các dự án được sắp đặt. Trải nghiệm hợp tác đắt giá đó có lẽ chỉ người làm mới thấu hiểu.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục