Sau 8 năm, Carol Nguyen chia sẻ về nghệ thuật làm phim
Năm 2020, tại liên hoan phim SXSW, No Crying at the Dinner Table - bộ phim tài liệu dài 15 phút của một nữ đạo diễn gốc Á được xướng tên với Giải Giám khảo dành cho Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất. Đó là tác phẩm tốt nghiệp của Carol Nguyen, một cô gái được sinh ra trong một gia đình Việt ở Canada. Nhưng với Carol, đó không phải là vinh quang đầu tiên.
Làm phim từ thời trung học, Carol đã luôn là một gương mặt nổi bật với khả năng kể chuyện điêu luyện bằng hình ảnh. Với các tác phẩm chỉn chu về phần nghe - nhìn lẫn có chiều sâu về nội dung, Carol từng xuất hiện trong nhiều tờ báo quốc tế lớn như The New Yorker, Variety, tham gia nhiều chương trình phát triển tài năng trẻ như Sundance Ignite 2018, Adobe Creativity Scholar 2018, trở thành đại sứ TIFF Share Her Journey 2019…
Ở ngưỡng cửa quan trọng của tuổi 23, Carol đã ngồi xuống cùng Vietcetera để nhìn lại và chiêm nghiệm về hành trình sáng tạo suốt 8 năm qua của mình.
Đi học về phim là để... tìm bạn hiền
Có cơ hội tiếp xúc với phim ảnh ngay từ khi học trung học, Carol nhanh chóng nhận ra hứng thú đặc biệt của mình với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Lên đại học, Carol từng nộp đơn vào nhiều trường, có cả trường ở Mỹ, để tiếp tục theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích. Trường phim cho Carol một không gian an toàn để va chạm ý tưởng với những bạn trẻ khác, thử sức ở nhiều vai trò, và nhất là được “nuôi” đam mê cùng cộng đồng yêu điện ảnh.
“Đại học là bước chuyển tiếp quan trọng để mình bước vào con đường làm phim chuyên nghiệp. Mình biết ơn vì được đồng hành với những người bạn cũng yêu điện ảnh không kém. Họ không chỉ truyền cảm hứng, mà còn giúp mình tìm kiếm những cộng sự hợp ý trong sáng tạo, và cả tri kỉ trong cuộc sống.”
Bạn có thể làm một tác phẩm rất cá nhân, dù không nói về mình
Trong phần lớn các phim ngắn từng sản xuất thì căn tính văn hóa, ký ức gia đình, nỗi đau thế hệ… là những chủ đề mà Carol thường đào sâu. Hơn thế, người thân ruột thịt như bố mẹ, chị gái, cũng nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm của nhà làm phim trẻ. Để làm được điều này, Carol cho rằng, ta cần xác định và tôn trọng ranh giới mà những người cộng sự của mình đặt ra trước khi đưa họ lên màn ảnh.
“Là một người làm phim có mối quan tâm đặc biệt với những câu chuyện rất riêng tư, mình tin là sự đồng thuận, đạo đức làm nghề và khả năng chăm sóc các mối quan hệ là những mấu chốt giúp tạo nên một tác phẩm cá nhân tốt.”
Tuy nhiên, Carol nhận định rằng, ngoài kia có nhiều tác phẩm hoàn toàn từ trí tưởng tượng, có nội dung không liên quan đến đời sống của tác giả, nhưng vẫn rất cá nhân.
“Để vượt qua những thử thách trong ngành này, người làm phim cần lòng đam mê và sự nhạy cảm. Và thường thì lòng đam mê ấy bắt nguồn từ một điều gì đó mà họ đồng cảm một cách sâu sắc. Theo mình, đó là tính cá nhân trong nghệ thuật. Vì vậy, các bộ phim của mình có màu sắc rất cá nhân bởi vô tình điều mình ‘cảm’ được nhất cũng là tâm tư của những người thân thuộc xung quanh.”
Hình dung về cảm xúc của khán giả sẽ làm nên hình dung của tác phẩm
Nhìn vào thế giới mà Carol xây dựng nên trong mỗi bộ phim, có thể thấy chúng có phong cách rất riêng biệt, nhưng đều đạt được độ thẩm mỹ cao.
Nét mềm mại, mơ màng của Every Grain of Rice đến từ việc câu chuyện được kể qua một giấc mơ. Những mảng màu mạnh và tương phản xen lẫn nhau xuyên suốt Façade vì thế giới của bộ phim này vốn rất kỳ quặc, và phim muốn nói đến sự xa cách giữa người với người. Còn No Crying at the Dinner Table là một cuộc tâm sự giữa các thành viên trong gia đình, nên Carol chú trọng vào ánh sáng tự nhiên để truyền tải cảm giác trần trụi và thân mật của phim.
Với Carol, hình thức cũng là nội dung, nên những gì trên màn ảnh đều xuất phát từ hồn cốt của câu chuyện. Vì vậy, điều tiên quyết trước khi xác định được hình thức của tác phẩm, là tìm hiểu thật kỹ tác phẩm ấy muốn nói gì, bản thân mình muốn nói gì, và mình muốn khán giả cảm thấy ra sao.
“Tác phẩm tiếp theo của mình là một phim hoạt hình ngắn có nội dung đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nên để có thể ‘du hành thời gian’ một cách trôi chảy, đó sẽ là một bộ phim trắng đen.”
Để đồng đội tin mình, hãy tin mình trước tiên!
Ở tuổi 23, Carol đã có 8 năm làm phim không ngừng nghỉ. Quá trình trưởng thành diễn ra cùng lúc trong đời sống lẫn sự nghiệp, nên một trong những điều quan trọng nhất mà Carol học được là cách xây dựng những mối quan hệ bền vững.
“Để tạo được niềm tin ở người khác, bạn cần tin tưởng vào chính mình đầu tiên. Để người khác tôn trọng mình, bạn cần tôn trọng mình trước nhất. Bạn cũng sẽ được đền đáp xứng đáng nếu trung thực và có trách nhiệm trong mọi hành động của mình. Gần đây, mình nhận thấy rằng đầu tư vào mối quan hệ với bản thân, thực chất, chính là đầu tư vào các mối quan hệ với những người xung quanh.”
Còn khi tìm kiếm đồng đội để cùng làm phim, Carol luôn cố gắng đảm bảo sự đa dạng ở những gương mặt mà mình hợp tác. Và quan trọng hơn là khả năng thấu hiểu và đồng cảm của họ đối với câu chuyện mà cả nhóm muốn kể. Vì qua đó, họ không chỉ trở thành chất keo kết dính quá trình sáng tạo tập thể, mà còn góp phần giúp nâng tác phẩm lên một tầm cao mới.
Bộ phim tài liệu dài đầu tiên của Carol sẽ lấy bối cảnh tại Việt Nam. Nhà làm phim trẻ hy vọng sẽ có cơ hội được hợp tác với nhiều nghệ sĩ Việt Nam khác, cả trong nước và trong cộng đồng gốc Việt.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Carol Nguyen tại:
Website | Vimeo | Instagram