STEPNERGY: “Không cần đồng đội mạnh, chỉ cần đồng đội hợp gu”
“Chúng mình đã học về case study của ALTERNO pin cát trữ năng lượng ở trường và thầm ngưỡng mộ họ, cho tới khi gặp ALTERNO là… đối thủ của mình tại Green Horizon thi pitching…”
Là đội thi với tuổi đời (cả tuổi nghề) non trẻ nhất Green Horizon Pitch Contest, STEPNERGY đã vụt sáng thế nào với ý tưởng “bước đi tạo ra điện năng”?
Tóm tắt ý tưởng cả team bằng một đoạn ngắn?
Hiểu đơn giản STEPNERGY là thiết bị dùng bước chân con người (step) để sản sinh điện năng (energy), dựa trên Hiệu ứng áp điện - Piezoelectricity.
Chỉ với cử động đơn giản là bước chân, mỗi chúng ta đã có thể sản sinh năng lượng điện sạch, giúp giảm mức độ phụ thuộc của con người vào nhiên liệu hóa thạch và dấu chân carbon.
Ý tưởng này vận hành thế nào? Các viên gạch lát sàn thay vì làm bằng gỗ nay sẽ là các miếng tam giác có tính áp điện. Các tấm này được đặt lên lõi năng lượng. Mỗi khi ta bước đi trên tấm áp điện, bước chân sẽ tác động lực nhấn xuống lõi (thế năng) để chuyển thành điện năng.
Trung bình 1 bước chân sẽ tạo ra 4-8 watt năng lượng, 4-8 watt đó sau 1 thời gian có thể tích thành kilowatt/h để:
- Sạc trực tiếp vào laptop, điện thoại, thiết bị điện tử.
- Tích trữ điện mỗi ngày để thắp sáng các loại đèn như đèn LED.
Có bao nhiêu ý tưởng “nháp” đã không được lên sóng?
Trước khi chọn STEPNERGY thì chúng mình loay hoay với 3 ý tưởng khác nhau. Bọn mình bị mắc kẹt không chốt được, cho đến khi có khoảnh khắc “lóe sáng” trong lần mình quan sát giờ ra chơi mẫu giáo ở Hồ Tràm.
Chỉ trong vòng 10 phút ra chơi hôm đó, trong sân rộng 40m2 với 40 bạn trẻ mẫu giáo, bọn mình thu được tổng cộng 34.000 bước chân.
“Hên quá, có data rồi!” Mình thở phào và bắt đầu nghĩ đến ý tưởng bước chân kia. So với 3 ý tưởng còn lại thì công nghệ Piezoelectricity vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Và, STEPNERGY đã ra đời.
Khó khăn nhất khi đưa STEPNERGY ra đời thực là gì?
Nếu team nào cũng có 1 cao nhân “người trong ngành” thì team mình hoàn toàn không có. Mặc dù thi cuộc thi STEM (viết tắt của 4 ngành học Science, Technology, Engineering, Mathematics) nhưng trong nhóm không ai xuất thân chuyên ngành Điện trong STEM cả.
Lúc ấy thứ bọn mình cần nhất là tìm ra cách tính chỉ số đo lường độ hiệu quả (impact metrics) của STEPNERGY. Chỉ số này quyết định liệu ý tưởng có thể thực thi hay không, và hiệu quả là bao nhiêu.
Lúc đầu vì loay hoay không hiểu rõ cách tính toán nên thậm chí chúng mình còn không biết ý tưởng STEPNERGY có khả thi không. Tuy nhiên, sau khi đào sâu hơn nữa và tìm tư vấn từ các cố vấn trong ngành, chúng mình đã thành công và ra được những con số ấn tượng.
Là team trẻ tuổi nhất có phải là bất lợi?
Team có 5 bạn tổng cộng và nhóm trưởng thì mới sinh năm… 2004. Cả 5 người đều ít kinh nghiệm đi pitching, làm thuyết trình. Được nhóm trưởng dù nhỏ tuổi nhất nhưng lại nhiều kinh nghiệm thi thố nhất, thế là bọn mình đặt hết niềm tin vào em ấy luôn.
Bọn mình thậm chí không gặp nhau và chỉ họp online suốt từ khi bắt tay vào dự án. Dự án nặng nhưng phải làm online, bọn mình cũng chỉ biết cố gắng động viên nhau sau mỗi buổi họp.
Và, nhờ vào chung kết mà lần đầu tiên tụi mình nhìn thấy mặt nhau tại sân khấu Green Horizon vào đúng ngày thi cuối. Tụi mình không nghĩ việc nhỏ tuổi là bất lợi, ai cũng đã làm rất tốt vai trò của mình rồi!
Kỷ niệm khó quên nhất khi cả team phối hợp làm STEPNERGY?
Có vẻ khó tin nhưng team mình chỉ biết đến cuộc thi vào đúng 4 tiếng trước khi đóng cổng đăng ký.
Anh teammate gửi thông tin Green Horizon vào nhóm chat và hỏi “có làm không?”. Bọn mình chỉ đơn giản là, anh dám hỏi thì em dám làm.
Nên dù chỉ có ⅗ thành viên rảnh vào lúc đó để làm đơn, bọn mình cũng chia nhau ra chạy hết tốc lực. 1 người trả lời câu hỏi, 1 người làm báo cáo, 1 người dựng script quay video, để nộp đúng 23:59 pm thót tim ngày đóng đơn.
Tiếp theo đến ngày nhận được tin vào top 5 chung cuộc thì chỉ còn khoảng 4 ngày để chuẩn bị nội dung pitching. Chúng mình đã họp đêm liên miên, chia việc cho nhau và động viên lẫn nhau hoàn thành nội dung. Có thể nói cả team đã thành công hoàn thành công việc của 2 tuần chỉ trong 4 ngày.
Để teamwork mỹ mãn trong thời gian khắc nghiệt như thế, các bạn có tips gì không?
Chọn đồng đội - đôi khi đồng đội giỏi không quan trọng bằng đồng đội hợp gu.
Teammate giỏi có thể đưa ra giải pháp “cứu bồ”, trong khi đồng đội hợp gu có thể đồng cam cộng khổ cùng bạn mò mẫm trong bóng tối, để cuối cùng tìm ra giải pháp cùng nhau. Đắng cay ngọt bùi đều trải qua hết, vì thế mà tình đồng đội cũng khắng khít hơn, làm việc ăn ý hơn bao giờ hết.
Như việc tụi mình không ai dân STEM hay học đúng chuyên ngành Điện, lúc gặp nhau làm nhóm cũng hoài nghi. Rõ ràng đây là “uncomfortable zone” thậm chí “danger zone” khi team mình phải đấu với rất nhiều đội mạnh. Nhưng trải qua rồi mới thấy không sợ hãi đến mức vậy.
Vì thế, các bạn đừng lo sợ nếu mình dân trái ngành, như làm Marketing thi cuộc thi về Tech chẳng hạn. Với STEPNERGY, bọn mình tham gia chương trình với suy nghĩ là mình sẽ học hỏi được nhiều điều, không phải là chúng mình biết rồi nên mới tham gia. Với suy nghĩ này thì sân nào mình cũng đủ can đảm để chiến.
Hãy tham gia thật nhiều chương trình mà bạn hứng thú, kể cả khi bạn không có kiến thức hay kinh nghiệm về chủ đề đó. Qua những chương trình này, bạn sẽ học được nhiều kiến thức thực tế và kết nối với nhiều bạn đồng chí hướng và những mentor nhiệt huyết. Để từ đó, bạn sẽ làm giàu cho chính mình, cả về mặt kiến thức kinh nghiệm lẫn tình cảm đồng đội sau mọi trải nghiệm thi.
Vietnam Innovators Summit 2023 - GREEN HORIZON là một phần của Vietnam Innovators Summit 2023. Sự kiện quy tụ các nhà đổi mới sáng tạo Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi và tìm kiếm các giải pháp để tạo nên cộng đồng kinh doanh bền vững như một phần trong hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Cám ơn các Nhà tài trợ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), Coca-Cola Việt Nam; Đối tác Nội dung Raise Partner; Đối tác Địa điểm Renaissance Riverside Hotel Saigon; và các đơn vị đồng hành EQUO và CarbonFarm Technology SAS đã hỗ trợ Vietcetera tổ chức buổi gặp gỡ này.