Tại sao ta không thực sự cần những bảo tàng sống ảo?

Nghệ thuật không phải (và không nên) trở thành phông nền. Và ta đến một triển lãm là để thưởng ngoạn và làm giàu tâm hồn, thay vì một bức ảnh ‘sống ảo?’
Phan Chung
Nguồn: Lotus Gallery.

Nguồn: Lotus Gallery.

Mỗi lần lướt Instagram và thấy một ai đó "khoe" đã tham dự một triển lãm nào đó, tôi đều xúc động. Xúc động bởi vì họ đã đến và thưởng thức những tác phẩm. Xúc động còn là bởi, nghệ thuật với tính thẩm mỹ và tinh thần nghệ sĩ đã luôn lay động tâm hồn chúng ta.

Nhưng sau phút xúc động ban đầu đó, đôi khi tôi tự hỏi: Liệu người ta chỉ thưởng lãm trước khi chụp lại một bức hình? Hay mục đích của họ đến đây chỉ để có những tấm ảnh ‘tự sướng?’ Nhất là khi xu hướng selfie museum đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, chúng ta không cần selfie museum? Và tại sao các tác phẩm nghệ thuật không phải (và không nên) trở thành phông nền? Ta có thể tiếp cận một triển lãm theo những mục đích nào ngoài việc chỉ muốn ghi lại một vài bức ảnh đẹp và khoe chúng trên mạng xã hội?

Bảo tàng sống ảo là gì?

Khái niệm selfie museum (hay Instagram museum, tạm dịch: bảo tàng sống ảo) bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ năm 2015. Đây là một xu hướng mới nói về các phòng trưng bày, bảo tàng với thiết kế đẹp mắt và ăn ảnh. Tiêu chí của bảo tàng sống ảo là phải phù hợp cho việc chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội.

Bản thân chữ museum trong selfie museum đã khác xa so với định nghĩa nguyên bản. Theo Hội đồng bảo tàng Quốc tế, "bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, mở cửa cho công chúng để tiếp thu, bảo tồn, nghiên cứu và trưng bày."

Những "tác phẩm nghệ thuật" đã biến đổi để trở thành phông nền, làm sao cho đẹp mắt và ăn ảnh là được. Bản thân của hình thức này (selfie-museum) là một loại experiential retail - thương mại trải nghiệm.

Tiền thân của selfie museum được cho là xuất phát từ nghệ thuật đương đại, với các tác phẩm sắp đặt được công chúng yêu mến. Nhiều ‘bảo tàng sống ảo’ đã ra đời và thịnh hành trên thế giới như 29Rooms, Museum of Ice Cream…

Những năm gần đây, Việt Nam cũng du nhập trào lưu selfie museum. Nó chủ yếu đến từ các nhãn hàng kết hợp thúc đẩy quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, có một số triển lãm cá nhân cũng thu hút khán giả tò mò, và cũng có yếu tố của selfie museum.

Selfie museum là cuộc ‘ngã giá’ giữa công chúng thích chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc và các đơn vị tổ chức. Nó không có gì xấu nhưng nó cũng không thể đưa chúng ta đi xa hơn… ngoài một vài chiếc hình ‘ăn ảnh’ đăng trên Instagram hay một mạng xã hội nào đó.

Hơn các bảo tàng sống ảo là gì?

Bảo tàng sống ảo đang phổ biến và ngày càng dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Và tất nhiên, không có gì sai trái nếu như chúng ta đến một ‘selfie museum’ hay chụp ảnh tại một triển lãm nghệ thuật. Đôi khi vì một chiếc ảnh selfie, lại có thể khiến nhiều người biết đến và tham gia sự kiện.

Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật không phải và không nên được xem như là một tác phẩm phông nền. Vì bên cạnh chụp một bức ảnh đẹp (ngay cả khi ta tiếp cận một triển lãm hay bảo tàng chỉ vì chụp ảnh), còn có vô vàn điều thú vị khác mà ta khó lòng bỏ qua.

Đâu là cảm giác chân xác của chúng ta khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tại một triển lãm, bảo tàng thật sự? Đã bao giờ bạn đặt cho mình câu hỏi này? - Mỗi tác phẩm đều mang đến những rung cảm rất riêng cho khán giả. Ta đến một triển lãm, nghĩa là ta muốn rung lên những cảm xúc này thông qua những tạo phẩm mà người nghệ sĩ tạo ra.

Những triển lãm nghệ thuật tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn về số lượng, đa dạng về chủ đề và đặc biệt, chất lượng hơn. Một trong những không gian thưởng thức nghệ thuật được yêu thích tại Hà Nội phải kể đến như VCCA, The Muse Art Space, Mo Art Space, Heritage Space.

Triển lãm nghệ thuật gần đây thu hút đông đảo công chúng trẻ có thể kể đến là Tỏa IV do VCCA tổ chức. Không chỉ giới thiệu các nghệ phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, nó còn mang đến góc tiếp cận về sinh thái, thiên nhiên trong nghệ thuật.

Không gian nghệ thuật lớn nhỏ tại Hồ Chí Minh phải kể đến như Gallerie Quynh hay Ươm Hub... thường xuyên có những triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng trẻ. Những không gian nghệ thuật này cân bằng được về mặt chất lượng tác phẩm, và bù đắp thẩm mỹ cho khán giả.

Hay như Lotus Gallery, một phòng tranh đã tồn tại 31 năm tại TP HCM và đang tiếp tục tạo nên những cuộc đối thoại giữa mỹ thuật và công chúng. Phòng tranh này thúc đẩy và quảng bá mỹ thuật truyền thống cũng như đương đại của Việt Nam đến với thế giới.

Đây cũng là địa điểm được nhiều người yêu thích, không chỉ bởi không gian thưởng thức nghệ thuật khác biệt, mà còn là một cách để hiểu (tiếp nhận tri thức) và yêu (thẩm mỹ nghệ thuật) của nhiều đối tượng khác nhau.

Nếu cảm xúc là thứ đầu tiên thì tiếp theo đó, một triển lãm nghệ thuật còn khơi dậy trong ta sự tò mò, sự học hỏi - những kiến thức và thực hành nghệ thuật đầy quý giá. Ở đó, ta vừa được thưởng thức vừa được ghi nhận những giá trị mỹ học đầy tuyệt vời.

Gợi ý cho tất cả chúng ta

Như đã nói ở trên, Việt Nam ngày càng có nhiều trung tâm nghệ thuật với các không gian triển lãm chất lượng. Nếu mục đích dẫn bạn đến một triển lãm là để thưởng lãm cái đẹp và tiếp cận tri thức, các xu hướng mới trong nghệ thuật và đời sống… những gợi ý sau đây là dành cho bạn:

Bạn có thể tìm kiếm các thông tin về các sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm một cách nhanh chóng qua các website như HanoiGrapevine, Tripadvisor… Khi tìm thấy một sự kiện nghệ thuật bạn yêu thích hãy đăng ký theo dõi website, các trang mạng xã hội của không gian nghệ thuật đó để cập nhật tin tức sớm nhất và đầy đủ nhất.

Hãy tìm hiểu về chủ đề, nghệ sĩ, tác phẩm… trước khi đến triển lãm. Bạn không chỉ học được nhiều kiến thức mới mà còn gợi mở những cách tiếp nhận các tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Tôn trọng các nguyên tắc chung tại triển lãm là điều đầu tiên để có một cuộc thưởng lãm nghệ thuật lành mạnh và ý nghĩa. Tùy vào mục đích và sở thích của bạn mà có thể thưởng ngoạn các tác phẩm nhanh hoặc kỹ càng.

Bạn có thể mua lại các ấn phẩm (postcard, tranh, catalogue…) nếu bạn thực sự hứng thú. Đây sẽ là những tài liệu, món quà đặc biệt mà bạn khó có thể có được sau khi triển lãm kết thúc.

Mỗi trải nghiệm đều là của riêng bạn và vì thế hãy tập thói quen ghi lại chuyến tham quan của riêng bạn. Nó có thể nằm riêng trong bản thảo hoặc có thể được chia sẻ cho mọi người, cùng một vài chiếc ảnh đẹp lên mạng xã hội.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục