Tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic mất tích ở đáy biển Đại Tây Dương
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 18/6, một tàu lặn chở khách tham quan xác tàu Titanic đã mất tích. Con tàu lặn tên là Titan chứa bốn hành khách và một lái tàu đã mất liên lạc với tàu mẹ sau khoảng 1 giờ 45 phút lặn xuống đáy biển Đại Tây Dương.
Các đội cứu hộ đang gấp rút rà soát một vùng biển rộng lớn có diện tích gấp hai lần bang Connecticut của Mỹ để tìm kiếm con tàu, cũng như manh mối chỉ tới vị trí hiện tại của tàu. Đội tìm kiếm có sự tham gia của Hải quân Mỹ, Tuần duyên Canada, công ty tổ chức dịch vụ thăm xác tàu Titanic là OceanGate Expedition, và công ty vận hành và sở hữu tàu Titan.
Đây là một cuộc chạy đua với thời gian, bởi dưỡng khí bên trong con tàu chỉ đủ sử dụng trong khoảng 96 giờ. Hơn nữa, nhiệt độ dưới đáy biển rất lạnh, và con tàu Titan không được thiết kế để hoạt động dưới đáy biển trong một thời gian dài.
Các tàu và máy bay cứu nạn đã thu được nhiều âm thanh có thể là của tàu Titan bằng cách sử dụng phao thủy âm. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có manh mối rõ ràng nào về vị trí của con tàu lặn.
2. Nguyên nhân nào khiến tàu Titan mất tích?
Các chuyên gia hàng hải và các quan chức trong hải quân Mỹ đã vẽ ra một số kịch bản lý giải nguyên nhân mất tích của tàu lặn Titan. Dù mới chỉ là những phỏng đoán, nhưng việc hình dung được lý do tàu gặp nạn có thể giúp cho quá trình cứu hộ trở nên nhanh chóng và chính xác hơn.
Đầu tiên, Titan có lẽ đã vướng vào các mảnh vỡ của tàu Titanic, hoặc thậm chí kẹt trong xác tàu Titanic trong quá trình tham quan. Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu 3800m dưới đáy Đại Tây Dương, bao quanh nó là hàng loạt mảnh vỡ còn sót lại khi tàu đắm.
Nếu điều này xảy ra thì công việc cứu hộ sẽ rất khó khăn do vị trí quá sâu và áp lực nước quá lớn. Ở độ sâu này, việc điều phối thợ lặn là không khả thi, và chỉ có tàu ngầm hay các loại máy móc mới có thể tiếp cận Titan.
Một viễn cảnh khác có thể đã xảy ra là con tàu đã mất nguồn điện khiến cho nó không thể vận hành và làm hệ thống liên lạc gặp sự cố. Trong trường hợp này, Titan có thể tự tìm cách nổi lên mặt nước bằng cách tự cởi bỏ các bộ phận nặng để khiến tàu nhẹ hơn và có đủ sức nổi lên. Khi đã ở trên mặt nước, tàu có thể phát đi tín hiệu cầu cứu.
Đây là viễn cảnh lạc quan nhất, điều mà tất cả mọi người đều mong là đã xảy ra. Tuy nhiên cho tới nay, các đội tìm kiếm chưa nhận được tín hiệu cầu cứu nào. Trường hợp thứ ba có thể xảy ra là tàu đã gặp sự cố khiến cho thân tàu hư hại và nước tràn vào trong khoang. Nếu đây là điều đã xảy ra, ta khó có thể trông đợi vào một phép màu ở độ sâu 3800m.
3. Tàu Titan có đủ tiêu chuẩn an toàn?
Sau khi sự việc diễn ra, nhiều người đã chỉ ra rằng dường như con tàu lặn Titan không đạt tiêu chuẩn an toàn để thực hiện những cuộc tham quan ở độ sâu gần 4000m dưới đáy biển. Trước đây vào năm 2018, giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của hãng OceanGate từng bị sa thải khi nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn liên quan đến thiết kế chưa được thử nghiệm và kiểm chứng của tàu lặn Titan.”
Theo đó, cửa sổ quan sát của tàu chỉ chịu được áp suất ở độ sâu 1300m. Thêm vào đó, tàu không có hệ thống lái chuyên biệt mà điều khiển bằng… tay cầm PlayStation. Tàu thậm chí còn không có cả máy phát định vị khẩn cấp để xác định vị trí trong các trường hợp gặp nạn, không có cả đèn hiệu để thông báo vị trí. Và mặc dù tàu có khả năng tự nổi, nhưng thiết bị tự nổi sẽ không hoạt động nếu hệ thống điện gặp sự cố.
Truyền thông phương Tây cũng cho biết các trang thiết bị bên trong tàu Titan rất nghèo nàn. Tàu trang bị các màn hình kỹ thuật số kết nối với camera ở bên ngoài để phục vụ cho việc tham quan. Ngoài những thứ đó ra, tàu hoàn toàn không có gì ngoài không gian để khách ngồi và một nhà vệ sinh thô sơ với túi nhựa và chai.
4. Lỗ hổng pháp lý nào đã cho phép tàu Titan hoạt động thương mại?
Một phóng viên của đài CBS - người từng tham gia một chuyến tham quan đáy biển của OceanGate vào năm ngoái - tiết lộ rằng bản thỏa thuận mà họ phải ký trước khi đi cho biết con tàu chỉ là tàu chạy thử nghiệm và “chưa được phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan nào.”
Mặc dù OceanGate đã nhiều lần lên tiếng bênh vực con tàu của mình với những chỉ số và vật liệu an toàn, thì trên thực tế nó chưa bao giờ được một bên nào kiểm định và cấp phép. Chưa dừng lại ở đó, phương pháp thử nghiệm của hãng này cũng đã được cảnh báo là có thể gây hậu quả nghiêm trọng vào năm 2018.
Thế nhưng OceanGate vẫn bất chấp mở dịch vụ tham quan đáy biển Đại Tây Dương từ năm 2020 mà không gặp phải trở ngại pháp lý hay đợt kiểm tra nào. Nguyên nhân là bởi vị trí xác tàu Titanic là vùng biển quốc tế, do đó không có điều luật nào yêu cầu OceanGate phải tuân thủ các quy định thám hiểm bằng tàu lặn.
5. Vụ mất tích của năm người có quan trọng hơn cái chết của hàng trăm người khác?
Việc tàu Titan mất tích thu hút sự chú ý dồn dập của truyền thông, với những thông tin cập nhật theo từng phút về quá trình cứu hộ cứu nạn. Việc đưa tin này là tốt, nhưng đôi khi mật độ thông tin dày đặc vô tình kéo ta khỏi những vụ việc khác với tầm quan trọng không kém.
Vào ngày 14/6, một con tàu đánh cá chở hàng trăm người tị nạn từ Libya tới Italy đã chìm tại vùng biển ngoài khơi Hy Lạp. Theo Aljazeera, trên tàu có hơn 700 người với rất nhiều trẻ em. Các phương tiện cứu hộ chỉ có thể giải cứu 104 người và vớt được 79 xác trên biển. Hầu hết những người trên thuyền tới từ Syria, Ai Cập, và Pakistan.
Sự kiện này còn nghiêm trọng ở chỗ, nó thể hiện sự yếu kém và sự vô trách nhiệm của chính quyền Hy Lạp trong việc giải cứu các nạn nhân gặp nạn và trợ giúp những người tị nạn trên biển nói chung và những người sống sót trong vụ việc nói riêng. Thế nhưng tất cả những thông tin này bị che lấp bởi một cuộc tìm kiếm 4 người giàu có dưới đáy biển Đại Tây Dương.