The Flob: Những đứa trẻ hiếu động và tràn đầy nhiệt huyết
Tinh thần của ban nhạc gói gọn trong từ "CHƠI". Cái gì không chơi được thì học để chơi cho được. Cái gì chưa chơi thì… sẽ chơi!
Được thành lập vào cuối năm 2017, "ban nhạc học sinh" gồm 6 thành viên: Tân (drummer), Lộc (vocalist), Chiến (bassist), Kiệt (guitarist) và An (keyboardlist). Trong hơn 3 năm hoạt động, ban nhạc đã cho ra mắt hai đĩa đơn (Em Oii, Mấy Khi) và một EP (Sống Sai). Gần đây nhất, The Flob đã khởi động chiến dịch Ở Nhà Đêêê nhằm lan tỏa năng lượng tích cực và kêu gọi mọi người cùng sáng tạo sản phẩm trong thời gian giãn cách xã hôi.
Ngông, hóm hỉnh, cợt nhả nhưng cũng rất nghiêm túc. Vietcetera đã có buổi trò chuyện với ban nhạc đến từ hội bạn thân lần này.
Trải qua bao cuộc "bể show" thì mới có The Flob?
Chúng mình cũng không nhớ nữa.
Năm 2017, chúng mình đã cùng nhau tham gia một cuộc thi. Mọi người gấp rút tập nhạc trong một ngày rồi hôm sau đi thi thì đạt giải nhất. Chúng mình còn chưa kịp đặt tên ban nhạc thì tự nhiên ban tổ chức tự đặt tên là "Mai Lan Cúc Trúc” để gọi lên nhận giải cho dễ luôn.
Nhờ cuộc thi đó, chúng mình được giới thiệu đi diễn thêm vài show nữa… và show nào cũng bể. Vậy nên quyết định đặt tên band là The Flob với chữ B để tránh trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Có thể các bạn đã "được hỏi" câu này nhiều lần, nhưng, nói lại nhé, thể loại âm nhạc mà ban nhạc đang theo đuổi?
Nếu ép chúng mình khai ra đại một cái tên xạo xạo nào đó về dòng nhạc đang chơi thì chắc là dòng "vroom vroom èn èn quáu quáu".
Thật vậy á, gần đây nhạc của The Flob đã thay đổi khá nhiều và thử nghiệm nhiều yếu tố mới lạ trong sản phẩm rồi. Tạm gác qua các nhạc cụ chủ yếu như trống, synth, guitar và bass, thì dạo này chúng mình có thử nghiệm lấy âm thanh từ cưa máy, banh bida va vào nhau, chó sủa. Tất cả những gì mà chúng mình nghĩ là catchy, độc và lạ, kể được câu chuyện muốn kể đều được cân nhắc bỏ vào ca khúc.
Nhìn chung thì chúng mình không muốn nói là đang chơi rock, pop, EDM hoặc cái gì đó cụ thể. Nhưng nhìn nhận thực tế thì chúng mình lấy tinh thần và cảm hứng từ những dòng nhạc đó. Ý là tại sao mình phải đâm đầu vào chơi một dòng duy nhất nhỉ? Không phải pha trộn và thử nghiệm là cái giúp chúng ta cảm thấy hứng thú mỗi lần bắt tay vào sáng tạo sao?
Sau Sống Sai, dự định tiếp theo của The Flob là gì?
EP Sống Sai là một bài tập thực sự khá bổ ích cho chúng mình, nhưng nó chưa đủ. Chúng mình muốn vượt xa trình độ của bản thân lúc bắt tay vào làm Sống Sai: bự hơn, nhanh hơn, đã hơn, điên hơn.
Mỗi thành viên trong band đều đang tự học sản xuất tại nhà. Chúng mình nghĩ việc một ban nhạc có đủ năng lực và tư duy nghệ thuật để tự thai nghén sản phẩm của mình và hạn chế sự can thiệp của một producer khác xuống mức tối thiểu là cần thiết.
Chúng mình biết là trước đây đã từng đăng bài đi tìm producer, nhưng nhận ra không có ai thực sự hiểu một ban nhạc trừ chính họ. Lúc nhận được những email của lần đó, chúng mình thật sự vui lắm vì có rất nhiều người quan tâm, tin tưởng và muốn đồng hành cùng bọn mình.
Những âm thanh mới mà các bạn sắp được nghe từ band ít nhiều sẽ trực tiếp đến từ bàn tay sản xuất của chúng mình. Nếu có hơi lâu thì các bạn thông cảm xíu nhé. Dự án đã sẵn sàng hết rồi, nhưng trước tiên là phải đi show sau dịch lại nhiều nhiều để khán giả làm quen lại với bản mặt của chúng mình đã. Chúng mình sẽ tiếp tục xuất hiện với súng khói, giáp chống đạn, vũ công và laser!
Trải nghiệm của "hội bạn thân" chơi nhạc trong band là như thế nào?
Chiến: Trong band chúng mình chơi với nhau khá là vui. Hầu như mọi người đều thông cảm và hiểu cho nhau khi ai đó có vấn đề gì khó chia sẻ. Vì thân với nhau nên khi lúc chơi nhạc mọi người đều rất ăn ý và kết nối nhau rất tốt.
Kiệt: Nôm na là anh em trong band không chỉ có kết nối về tư duy âm nhạc mà còn đồng điệu về tâm hồn và thực sự quan tâm, gắn bó với nhau.
An: Hội bạn thân chơi nhạc là cho dù mọi người đang chơi nhạc, đang diễn hay đang làm cứ việc gì thì cũng luôn hiểu những người còn lại đang nghĩ gì. Mình chưa bao giờ có cảm giác đang phải làm việc và luôn muốn có thời gian với hội bạn của mình.
Nam: Anh em luôn giữ được đứa trẻ bên trong mình và bộc lộ hết khi gặp nhau. Tụi này là những đứa hiếu động và tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo. Đặc biệt, sâu thẳm bên trong mỗi đứa đều là một quý ông, ai cũng chia sẻ, quan tâm và luôn hy vọng cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Trải nghiệm tuyệt vời nhất của một hội bạn thân chơi nhạc đó chính là hội bạn vẫn thân khi không chơi nhạc!
Lộc: Thật chứ, chưa bao giờ chơi nhạc mà như đi chơi net đánh liên minh. Bạn hình dung một đám con trai 6 đứa chơi thân với nhau thì sẽ có những trò dơ trò khỉ gì, thì nhóm tụi này cũng y chang như vậy, khác cái là chúng nó còn chơi nhạc chung nữa.
Cãi vã, bất đồng cũng sẽ xử lí như những thằng bạn thân. Đi ăn chia tiền, lên sân khấu khùng điên ba trợn thì cũng là những thằng bạn thân đang khùng điên ba trợn. Chúng mình tin là chúng mình đã xóa nhòa ranh giới giữa những nhạc công chuyên nghiệp và bạn thân với nhau rồi, và chúng mình tự hào về điều đó.
Tinh thần của nhóm được thể hiện trong các sản phẩm âm nhạc như thế nào?
Chiến: Âm nhạc phải thật dữ, chiến, lạ.
Kiệt: Âm nhạc của The Flob dưới góc nhìn của mình là một thứ âm nhạc luôn tích cực đổi mới qua từng giai đoạn, nội dung và giai điệu phải có sức nặng nhưng không quá rườm rà. Quan trọng nhất là phải "thật" với tiếng lòng của anh em trong band.
Nam: Biết rằng tuổi đời của tất cả bọn mình đều còn rất trẻ nên anh em luôn hướng tới việc phát triển âm nhạc của band cho cả một chặng đường dài trong tương lai. Đổi mới, thử nghiệm, kết hợp, đột phá... đều sẽ ở trong từ điển của The Flob.
Tất cả vì một thứ âm nhạc mới lạ mang lại giá trị lâu dài. Thế nên, tinh thần của anh em sẽ đọng lại trong từ "CHƠI". Cái gì cũng chơi, cái gì không chơi được thì học để chơi cho được, cái gì chưa chơi thì … sẽ chơi!
An: Tinh thần của nhóm luôn là sự đồng điệu của 6 người dù không có điểm giống nhau vẫn kết hợp được với nhau.
Lộc: Không phải khi nào bắt tay vào thực hiện một sản phẩm thì cả 6 người đều xem sản phẩm đấy là "hay tuyệt", và "tâm huyết" nhất đối với cá nhân bản thân họ. Còn khó ở một chỗ là The Flob không có một "moodboard" sản phẩm cố định hoặc một tông màu âm nhạc xuyên suốt một thời gian dài.
Đó là lý do vì sao ngay khi một ca khúc cợt nhả, vui đùa như Em Oii ra đời, ban nhạc lại tiếp tục cho ra mắt Mấy Khi với nội dung liên quan đến sự lạm dụng và những tâm lý nặng nề hơn rất nhiều.
Nhìn chung thì tinh thần ở đây là "thích gì thì chơi đó", nhưng một khi đã chơi thì cái mình đang chơi phải là sản phẩm tốt nhất mình có thể đưa ra.
"Ngông" và "nhiệt tình" trong âm nhạc khác nhau như thế nào?
"Ngông" là một từ khóa khá hay để diễn tả năng lượng "bigger than life" mà nghệ sĩ toát ra khi trình diễn trên sân khấu hoặc trong video ca nhạc. Đây là nguồn năng lượng được rất nhiều nghệ sĩ “tin dùng” vì nó giúp tăng sự tự tin của mình trên sân khấu. Nó giúp họ làm chủ được những gì đang xảy ra và điều khiển khán giả bằng sự bùng nổ ngông cuồng của mình.
Nguồn năng lượng này khác với "nhiệt tình" ở chỗ là nó chỉ nên được sử dụng trong một vài khâu trong quá trình sáng tạo và trình diễn như lên ý tưởng, thổi hồn, thể hiện tác phẩm. Chúng ta đâu thể ngông khi nói chuyện với đối tác hoặc tương tác cá nhân với fan hâm mộ đúng không?
Trái lại, trong bất kì trường hợp nào, nghệ sĩ cũng có thể sử dụng sự nhiệt tình để thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm với sản phẩm của mình và khán giả. Khi bạn nhiệt tình đầu tư cho sản phẩm của mình, thì chắc hẳn ít nhiều cũng sẽ có người nhiệt tình đón nhận và tin dùng sản phẩm thôi.
Trong tình hình giãn cách xã hội như thế này, làm thế nào để ban nhạc vẫn tạo cảm hứng làm việc được cho nhau? Làm thế nào để ban nhạc thực hành và luyện tập mỗi ngày?
Chiến: Đa số chúng mình làm việc online, gần đây thì bắt đầu vào discord thường xuyên để trao đổi và làm việc tại đó. Chúng mình thường chia sẻ các demo vô group để mọi người cùng nghe và tạo cảm hứng làm nhạc. Còn việc luyện tập thì mỗi thành viên đều sẽ có ý thức và tự rèn luyện bản thân tốt nhất có thể trong mùa này rồi.
An: Bọn mình thường thử thách nhau làm một thể loại nhạc nào đó để xem ai làm tốt hơn cũng như nếu có ý tưởng gì thì làm nhạc ra để cho nhau nghe rồi mọi người cùng đóng góp thêm.
Lộc: Phải nghĩ về lúc hết dịch, phải nghĩ về lúc hết dịch, phải nghĩ về lúc hết dịch, điều quan trọng phải nói ba lần. Thật, vì chúng mình biết là ngay sau khi hết dịch thì mọi người sẽ đói nhạc và đói show vô cùng.
Để đáp ứng cho nhu cầu khổng lồ đó, ban nhạc phải tự thân rèn luyện và chuẩn bị chất liệu mới ngay từ bây giờ. Không thể nào bước lên sân khấu lúc đó rồi nói: "Xin lỗi mọi người nha không có nhạc mới đâu, đợt dịch vừa rồi chúng tôi bận ngủ và đánh liên minh.” đúng không?
Chia sẻ về Chiến dịch #ONHADEE?
Thú thật là ban đầu chúng mình không nghĩ bài này sẽ trở thành nguyên một cái chiến dịch dài như vậy đâu. Nhưng có vẻ như độ dài chiến dịch tỉ lệ thuận với độ lâu của dịch nên chịu.
Ban đầu xuất phát từ một melody vui vui Lộc nghe được từ một cái xe kem, mà do thấy catchy quá nên Lộc viết lại thành một điệp khúc mới. Nhưng thú thật là tuy vui tai thật nhưng đây không hẳn là thể loại catchy mà Lộc thích thể hiện. Vì vậy ban nhạc quyết định sử dụng melody trên để viết thành một bài hát cổ động vui tươi cho cộng đồng.
Xuyên suốt quá trình làm thì chúng mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các trang cộng đồng và các bên từ phát hành, phát hình. Nên ban nhạc nhận ra thông điệp của Ở Nhà Đêêê quan trọng hơn mình tưởng.
Xin cảm ơn mọi người thật nhiều vì đã chung tay cùng ban nhạc đưa thông điệp này ra cộng đồng mạnh mẽ hơn! Và cũng cảm ơn các bạn đã tích cực cover và sáng tác nhiều sản phẩm khác cho chiến dịch #ONHADEEE!
Sau dịch, điều đầu tiên các bạn sẽ làm là?
An: Gặp lại anh em và làm nhạc chung
Tân: Đi học, đi dạy học, và gặp anh em!
Kiệt: Đi tập band, ăn một mẹt bún đậu bự, camp qua đêm cùng anh em ở nhà Lộc.
Nam: Xách xe chạy ịn ịn đi gặp mọi người, đi gặp cái sự “bụi” của Sài Gòn!
Chiến: Đi ăn 1 tô bún bò thật chất lượng cùng mọi người.
Lộc: Đi ăn bún bò, có bồ để đi ăn chung thì tốt.