23 giờ trướcSáng TạoÂm Nhạc

Thỏ Trauma - Tìm lại thứ ban sơ của đam mê với TRAUMATIZED

Sau hơn 15 năm hoạt động âm nhạc không ngừng nghỉ và gặt hái nhiều thành tựu đáng kể, đến cuối năm 2024, nữ rocker Thỏ Trauma mới ra mắt EP đầu tay mang tên TRAUMATIZED.
Ngạo Thuyên
Nguồn: Facebook @Thỏ Trauma

Nguồn: Facebook @Thỏ Trauma

Thỏ Trauma không phải cái tên quá xa lạ với các tín đồ rock Việt. Năm 2013, cô cùng band nhạc Parasite giành giải Quán quân “Ban nhạc toàn quốc 2013 - Tiger Translate”. Gần 10 năm sau, tái xuất với game show “Rock Việt – Tiger Bùng nổ bản lĩnh”, Thỏ Trauma và band Metanoia lại xuất sắc ẵm cúp vô địch. Cô đã đưa rock vào… rạp xiếc cùng band nhạc Ngũ Cung, và gần đây kết hợp rock với nhạc giao hưởng trong chuỗi sự kiện Rock Symphony của CAM by 8.

Nhưng Thỏ Trauma cũng là một trường hợp “lạ lùng” trong bản đồ rock Việt và làng nhạc Việt nói chung. Sau hơn 15 năm hoạt động và gặt hái nhiều thành tựu đáng kể, đến cuối năm 2024, nữ rocker sinh năm 1989 mới ra mắt EP đầu tay mang tên TRAUMATIZED.

Với 5 ca khúc phản ánh chân thật những khía cạnh khác nhau của bản thân, EP TRAUMATIZED - được nhào nặn dưới bàn tay của hai nhà sản xuất uy tín Vinh Khuất và Vũ Đinh Trọng Thắng cùng thẩm mỹ âm nhạc độc đáo và khắt khe của Thỏ Trauma hiện lên như một hành trình sâu sắc để tự thấu hiểu bản thân, thấu hiểu đam mê và sức mạnh của sự kết nối đồng đội, là lời khẳng định của cá tính và tâm hồn của một nghệ sĩ đang vươn mình bứt phá.

Tại sao bây giờ Thỏ Trauma mới ra EP đầu tiên?

Không phải mình muốn ra mắt EP vào lúc này, mà mọi thứ dường như không cho phép mình làm sớm hơn. Số phận đã đặt mình vào vị trí phải trải nghiệm hết khó khăn để tìm được hướng đi đúng.

Thực ra mình đã lên kế hoạch từ 2 năm trước, nhưng có quá nhiều khó khăn: từ việc tìm đồng đội, lựa chọn phong cách, định hình hình ảnh, rồi những câu hỏi như liệu nên đầu quân cho công ty hay làm nghệ sĩ indie?

Mình đã đồng hành lâu với âm nhạc, nhưng từ trước tới giờ nó chỉ luôn là một cuộc chơi. Mình chưa từng sống chết với nó. Trước đây, cơ hội đến rất nhiều nhưng mình đã không nắm bắt. Mình từng cố gắng “50-50”, vừa làm ngành khác vừa làm nhạc, nhưng sau cùng không hiệu quả. Chỉ từ khi quyết định coi âm nhạc là sự nghiệp, mình mới có thể nghiêm túc theo đuổi nó đến cùng.

Hôm qua, mình còn nói với người yêu: “Cách đây 15 năm, nếu em nhận thức được em mê âm nhạc đến vậy, câu chuyện chắc đã khác lắm rồi.”

Khó khăn lớn nhất khi bắt đầu lại từ đầu là gì?

Chơi nhạc 15 năm nhưng chỉ đạt đến một mức độ thành công nhất định, cảm giác rất bế tắc. Nó khiến mình tự hỏi tại sao con đường này lại khó khăn đến vậy? Sau một thời gian dài như vậy, mình cảm thấy chán nản. Thứ năng lượng từng cho mình cháy hết mình trên sân khấu, cho mình được sống trọn vẹn từng khoảnh khắc cùng âm nhạc dần mất đi.

Quãng thời gian luẩn quẩn kéo dài đó đã khiến mình nhận ra cần tìm lại khởi nguồn, tìm lại thứ ban sơ của đam mê - khi mà mình không có gì ngoài tình yêu thuần khiết với âm nhạc.

Tại sao ngày đó mình có thể đi hát với âm thanh tệ, với đồng bạc ít ỏi, mà vẫn cảm thấy hạnh phúc? Mình nhớ những khoảnh khắc thăng hoa đầy mê hoặc cùng band nhạc trên sân khấu. Đôi khi chỉ là một đoạn solo hay màn jam ngẫu hứng, nhưng khi quay lại nhìn nhau, cả band đều cảm nhận được sự kết nối mãnh liệt. Mình muốn tìm lại những con người có thể đem lại cảm giác thăng hoa đó cho mình, và muốn trở thành người đem lại những cảm giác ấy cho họ.

May mắn là mình chưa bao giờ giảm bớt tình yêu dành cho âm nhạc, vì âm nhạc là thứ không thể buông bỏ.

Qua TRAUMATIZED, Thỏ Trauma muốn khán giả nhìn thấy mình như thế nào?

Hồi xưa, mỗi lần lên sân khấu, mình luôn cố gắng trông thật ngầu. Khi đó, chữ “Trauma” chỉ như một món trang sức để làm cái tên thêm phần ấn tượng. Nhưng thật ra mình không thấy bản thân ngầu chút nào - mình dễ bất an, dễ tổn thương, và dễ vỡ lắm.

Và thú thật, cái tên “Trauma” cũng khá tiêu cực, không ít người từng khuyên mình đổi nghệ danh. Giờ đã đằm thắm, đã trải nghiệm hơn, đâu nhất thiết phải giữ một cái tên nặng nề như thế. Nhưng càng nghĩ, mình càng hiểu chữ “Trauma” mạnh mẽ nhường nào. Những vết thương cũng đã cho mình rất nhiều - chính những “trauma” ấy đã giúp mình trưởng thành, sâu sắc và mạnh mẽ hơn.

Khi trở lại, mình muốn sống trọn vẹn với cái tên ấy, với sự “traumatized” đã làm nên con người mình, với tất cả những khía cạnh cảm xúc khác nhau mà nó đã mang lại.

TRAUMATIZED đã được “thành hình” như thế nào?

Hai năm ấp ủ EP là một hành trình tìm kiếm đồng đội đầy gian nan. Không chỉ đơn thuần là những người làm việc chung, mà còn là những tâm hồn đồng điệu trong nghệ thuật. Điều này khó chẳng khác gì tìm kiếm một tri kỷ.

Dĩ nhiên trong quá khứ, mình từng làm việc với những người rất xuất sắc. Nhưng rồi, mình không thể kết nối với họ. Nó giống như cảm giác làm việc trong một công ty nước ngoài - mọi thứ đều chỉn chu, chuyên nghiệp, nhưng bản thân lại lạc lõng giữa bộ máy. Suốt khoảng thời gian ấy, mình đã “gãy” với nhiều người.

Cho đến khi gặp được Vinh Khuất, Trà Giang và các đồng đội hiện tại, mọi thứ mới bỗng “khớp” lại với nhau. Trước đây, mình đặt tiêu chuẩn hoàn hảo quá mức, nhưng bây giờ mình hiểu rằng điều quan trọng nhất là sự dung hòa. Một sản phẩm tuyệt vời không chỉ đến từ tài năng, mà còn từ sự hòa hợp giữa những con người đứng sau nó.

Quá trình làm việc giữa mình với Vinh Khuất và Thắng (Ngọt) diễn ra như nào?

Mọi công đoạn trong quá trình sản xuất EP đều là những “lần đầu tiên” của mình.

Vinh Khuất đang ở Đức, mình và Vinh Khuất cách nhau 6 tiếng đồng hồ. Suốt một tháng trời mình và Vinh Khuất video call cho nhau. Có khi mình gọi cho Vinh Khuất còn nhiều hơn cho người yêu mình. Vì lệch múi giờ nên một người phải thức khuya, còn người kia phải dậy sớm. Vinh Khuất dậy giữa đêm sửa file rồi ngủ tiếp, thì ở Việt Nam mình lại tìm bản mẫu cho bản phối tiếp theo. Cứ đuổi bắt như vậy, đôi khi còn không màng ăn uống.

Mình và Vinh Khuất đều nghĩ rằng ra phòng thu chuyên nghiệp thì quá tốn kém, phức tạp, mà lại không thoải mái cảm xúc. Vậy nên mình quyết định sản xuất “tại gia”, có gì dùng đó. Ban đầu, mình thậm chí không biết tự dùng thiết bị thu âm. Những công đoạn cắt ghép, lọc âm,... vì tự mày mò nên thao tác chậm vô cùng. Nhưng đến bây giờ thì Vinh Khuất nói mình có thể tự mở phòng thu rồi. Điều đó khiến mình tự hào vô cùng.

Làm việc với Thắng cũng phức tạp không kém. Thắng có nhiều vấn đề tâm lý, nên hai năm sản xuất EP, mình tốn một thời gian không nhỏ để nói chuyện với Thắng, thậm chí cả với mẹ của Thắng, để giúp Thắng giải quyết các vấn đề cá nhân, và cũng để Thắng có thể hiểu mình và viết ra những dòng lyrics phù hợp với cá tính và con người mình nhất.

Một vài người khuyên mình từ bỏ, vì nếu cứ chỉ nói chuyện với Thắng mãi thì quá phí nguồn thời gian và kinh tế ít ỏi của mình. Nhưng bỏ qua khía cạnh tâm lý, Thắng thực sự rất giỏi, chỉ chớp mắt là xong được một bản demo. Chỉ trong đúng một buổi tối ở nhà Thắng, mình và Trà Giang đã chọn được hết demo cho TRAUMATIZED.

Bài học lớn nhất Thỏ Trauma đã học được trong hành trình này là gì?

Bài học đầu tiên là mình biết tự hào về giá trị của bản thân.

Trước kia, mình không thực sự hiểu mình có gì. Mình chỉ đơn giản nghĩ là mình hát ổn, nhưng không biết giọng hát đó có giá trị ra sao, có thể được sử dụng như thế nào. Khi dần nhận ra những yếu tố cấu thành nên bản thân - những gì mình thích, những trải nghiệm mình từng trải, những giá trị thực sự của mình - mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn.

Kèm với đó là cách trở về với cốt lõi và nguyên bản của mình.

Mình đã từng cảm thấy bất công, tự hỏi vì sao rock - dòng nhạc mình yêu mến và đầu tư rất nhiều tâm huyết - lại bị xem là “khó nghe” và không nhận được sự đánh giá xứng đáng?

Có những giai đoạn chán nản, mình đã lập những band khác, thử nghiệm với những dòng nhạc “dễ nghe” hay “trendy” hơn. Nhưng rồi sau một thời gian mình càng cảm thấy vô nghĩa, không biết bản thân đang làm gì. Có những buổi sáng mình thức dậy lạc lõng khủng khiếp với vô vàn câu hỏi. “Mình đang làm cái gì ở đây? Mình ở đây làm gì? Tại sao mình lại làm việc này?”

Tất cả mọi thứ đều có mục đích và nguyên nhân, đều vận hành theo dòng chảy của nó. Nhạc rock đã chọn mình. Và mình quyết định đi theo dòng chảy của rock, chứ không gồng gượng lội ngược dòng. Bởi đó là thứ mà mình đã có từ ban sơ.

Khi cảm thấy mất phương hướng, mình luôn quay về với câu hỏi cốt lõi: Tại sao mình bắt đầu? Tìm lại những cảm giác xưa cũ là cách mình định hình lại con đường, để tiếp tục tiến lên.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục