Tin Một Dòng: Cách ly toàn xã hội đã gần hết hạn, kinh tế chuyển biến gì suốt 2 tuần qua?
Hạn cách ly toàn xã hội đã sắp hết. Liệu những biến đổi gì đã xảy ra trong 2 tuần qua và các doanh nghiệp chuẩn bị gì khi các sinh hoạt chuẩn bị quay lại?
Tóm tắt tình hình kinh tế nổi bật trong nước và quốc tế từ 11 – 14/4.
Sơ lược kỳ trước:
Vấn đề giảm giá dầu đang được giải quyết tích cực khi nhóm OPEC+ (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ) đã ngồi lại và đưa ra các biện pháp cắt giảm sản lượng sản xuất. Ngoài ra các gói kích thích kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng cũng giúp thị trường chứng khoán đi lên. Nhiều người đã nhận thấy được tiềm năng đầu tư của chứng khoán trong thời điểm này, khiến số lượng tài khoản mở mới đạt kỷ lục trong tháng 3.
Chuyện kỳ này (11 – 14/4):
THỜI HẠN CÁCH LY TOÀN XÃ HỘI ĐÃ GẦN HẾT. KINH TẾ VIỆT NAM CHUYỂN BIẾN GÌ TRONG 2 TUẦN QUA?
Thế giới
Chứng khoán: Đa số các chỉ số chứng khoán Mỹ đều mất điểm khi nhiều người dự đoán báo cáo tài chính sắp tới của các công ty Mỹ sẽ rất tiêu cực vì COVID-19.
Xăng dầu: Sáng 13/4, giá hai loại dầu thô WTI (thị trường Mỹ) và Brent (thị trường Âu – Á) đã tăng 5-7% nhờ thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng sản xuất dầu từ nhóm OPEC+.
Vàng: Giá vàng thế giới tiếp tục tăng sau lễ Phục Sinh do kinh tế Mỹ xấu đi, số người thất nghiệp tăng cao và khả năng đồng Dollar giảm giá trị vì hàng ngàn tỷ USD được bơm thêm vào thị trường để kích thích kinh tế.
Việt Nam
Chứng khoán: Các nhóm cổ phiếu hàng không và dầu khí tăng trần vì thông tin các hãng bay khai thác lại chuyến bay nội địa trong trường hợp cách ly xã hội dừng ở ngày 15/4 và khủng hoảng giá dầu đang được giải quyết tích cực.
Xăng dầu: Giá xăng dầu giảm lần thứ 7 từ đầu năm đến giờ và đã giảm khoảng 9.000 đồng/lít kể từ 15/1.
Vàng: Giá vàng trong nước tăng theo xu hướng thế giới và hiện niêm yết ở mức 47,75 – 48,67 triệu đồng/lượng (SJC), cũng là lần đầu thấp hơn giá thế giới từ tháng 2/2020.
Nông nghiệp: Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 và doanh nghiệp nào đăng ký trước sẽ được ghi vào danh sách trước.
Quyết sách: Việc giảm giá điện và tiền điện sẽ được áp dụng từ kỳ ghi hoá đơn tiền điện tháng 5, 6, 7 tương ứng cho hoá đơn tiền điện tháng 4, 5,6.
Đường sắt: 5 dự án đường sắt lớn trong nội thành hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tồn đọng, trong đó một số dự án được dự kiến triển khai chạy thử nghiệm vào tháng 6 hay tháng 10/2020.
Hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet và Bamboo Airways chỉ được tiến hành các chuyến bay từ 16-30/4 khi được Cục Hàng Không cấp phép dù hạn cách ly toàn xã hội kết thúc vào 15/4.
Dệt may: Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đang tiếp nhận vô số đơn hàng từ Châu Âu, Mỹ, trong đó công ty May 10 sẽ giao 400 triệu khẩu trang y tế trong tháng 7.
Chuyện kỳ tới:
Theo đề xuất từ phiên họp Chính phủ, bộ Y tế đang muốn tiếp tục thực hiện cách ly xã hội kéo dài thêm ít nhất 1 tuần nữa. Một đề xuất khác được xem xét là cho các thành phố không có dịch sinh hoạt trở lại. Liệu phương án nào sẽ được lựa chọn? Và những ảnh hưởng của quyết định này đến kinh tế chúng ta ra sao? Đón đọc Tin Một Dòng kế tiếp.
Có thể bạn muốn biết
#CungCầu #XuấtNhậpKhẩu
Việc Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo hay các mặt hàng y tế đang thể hiện quy luật cung cầu của kinh tế. Hãy cùng tìm hiểu về các quy luật này thông qua ví dụ của những trái việt quất.
#TinMộtDòng tóm tắt trong 1 câu các sự kiện kinh tế quan trọng đang diễn ra trong nước và thế giới.
Điểm tin được thực hiện bởi Anh Vũ.
Xem thêm:
[Bài viết] Tin Một Dòng: Liệu đây có phải thời điểm vàng để đầu tư chứng khoán?
[Bài viết] Tại sao việc giãn cách xã hội lại khó khăn đến vậy?