Tôi dạy mẹ về dinh dưỡng
Nhận thấy tầm quan trọng của một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, trong vòng 5 năm trở lại, tôi đã bắt tay vào công cuộc thay đổi bữa ăn để cải thiện sức khỏe của mẹ và của chính mình.
Khi bước qua độ tuổi 40, sức khỏe mẹ tôi bắt đầu yếu dần. Mẹ nhạy cảm với những thay đổi nhỏ nhất trong cơ thể.
Mới tháng trước thôi, sau khi thưởng thức một túi bánh chiên mà họ hàng gửi từ quê lên, mẹ đã nằm vật ra giường 2 ngày trời. Mọi thứ chỉ khá hơn khi bà uống thuốc để tống hết chất độc trong dạ dày ra.
Nhận thấy tầm quan trọng của dinh dưỡng, trong vòng 5 năm trở lại, tôi đã bắt tay vào công cuộc thay đổi bữa ăn để cải thiện sức khỏe của mẹ và của chính mình.
Thế nhưng việc này không dễ dàng như kế hoạch. Ông bà, bố mẹ thường thực hiện rất nhiều thứ dựa theo kinh nghiệm cá nhân. Với họ, việc từ bỏ một chế độ ăn uống khó có thể là chuyện ngày một ngày hai.
Trong quá trình giúp mẹ hình thành một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thứ đầu tiên tôi phải đối mặt chính là những “câu hỏi khó” của mẹ.
Trả lời câu hỏi khó của mẹ như nào?
“Mọi người đều ăn như vậy có sao đâu?”
Cơ địa của mỗi người đều khác nhau. Có người ăn chay trường vẫn mắc bệnh hiểm nghèo, có người ăn uống thiếu lành mạnh vẫn sống khỏe đến trăm tuổi, quan trọng là cần biết lắng nghe những biểu hiện bên trong cơ thể để biết mình hợp hoặc kỵ cái gì.
Ví dụ khi mẹ áp dụng chế độ ăn chú trọng thực vật (plant-based diet), cắt giảm thịt đỏ, cơ thể mẹ khỏe khoắn hơn nhiều, ngay cả bác sĩ cũng thấy vậy, thì chứng tỏ chế độ này phù hợp với mẹ.
“Các cụ vẫn bảo ăn bẩn sống lâu!”
Sau khi thử tìm hiểu, tôi nhận ra câu nói này không phải là “truyền thuyết” mà thực sự có nghiên cứu khoa học đằng sau.
Đúng là kỹ quá thì không tốt nhưng chúng ta ít nhất nên ưu tiên ăn chín uống sôi. Thực tế thì nhiều người Việt ngày nay, bao gồm cả mẹ tôi, thường ăn ốc, rau sống hoặc thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín ngoài hàng quán, để rồi cuối cùng bị giun sán ký sinh trong cơ thể.
Để thuyết phục mẹ, tôi sẽ tìm các bài báo củng cố cho quan điểm của mình.
“Thế thì tao biết ăn gì bây giờ?”
Có thời điểm mẹ tôi ăn thịt đỏ suốt 1 tuần, sau đó ăn cá liên tục. Tôi chỉ ra tác hại của thịt đỏ, cá (chứa hạt vi nhựa), thậm chí là rau (chứa thuốc trừ sâu). Có thể vì lúc đó tôi hướng dẫn mẹ chưa đúng cách nên mẹ đã gắt “thế tao biết ăn gì bây giờ?”.
Thực tế rất nhiều nguồn thực phẩm ngày nay đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại, sẽ khó để 100% tránh được việc hấp thu chất độc vào cơ thể. Ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng việc cẩn thận lựa chọn nơi mình mua đồ ăn. Và quan trọng nhất là hướng đến sự cân bằng, ví dụ đảm bảo thịt đỏ, hải sản và thực vật xen kẽ với nhau.
Tôi “dạy” mẹ như thế nào?
Tích lũy kiến thức trước
Trước khi hướng dẫn cho mẹ, bản thân tôi cần có kiến thức nền về dinh dưỡng. Tôi tích lũy kiến thức thông qua 2 nguồn chính:
- Sách: Hiện tại “tủ sách y học” của tôi gồm có bộ sách Nhân Tố Enzyme (Hiromi Shinya), Y Học Dinh Dưỡng (Ray D Strand) và Chế Độ Ăn Giải Độc Cơ Thể (bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều).
- Báo chí: Chọn đọc từ một số nguồn uy tín như WHO hoặc của Harvard. Nếu chọn một nguồn khác, thông thường tôi sẽ kiểm tra thông tin tác giả. Ví dụ như bài viết “20 thực phẩm không tốt cho sức khỏe” trên Healthline, được viết bởi chuyên gia dinh dưỡng Kris Gunnars. Hầu như các thông tin trong bài cũng được dẫn chứng đầy đủ, cụ thể.
Bắt đầu từ những gì ta ăn
Mẹ không mê thịt lắm, nhưng là fan của đồ chiên, đồ ngọt. Do là kiểu người ăn nhiều cũng không mập, mẹ càng không lý do để từ bỏ thực phẩm có hại.
Giống như một số bậc phụ huynh, mẹ cũng có thói quen dùng thuốc kháng sinh tùy tiện. Theo nghiên cứu, tình trạng tự mua thuốc kháng sinh mà không có kê đơn của bác sĩ vẫn xảy ra thường xuyên ở khu vực Đông Nam Á. Mẹ tôi chắc cũng “góp mặt” trong nghiên cứu này.
May mắn thay, sự lựa chọn trong khẩu phần ăn của con cái hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn của cả gia đình. Vì vậy để mẹ bắt đầu sống lành mạnh, tôi cần là người tạo thói quen trước. Tôi tự tăng cường rau củ, đồ luộc hoặc đồ hấp trong mọi bữa ăn.
Xử lý xong phần 1, tôi tiến đến phần 2: nhờ sự trợ giúp của chuyên gia - tức là bác sĩ.
Đầu tiên, tôi sẽ kể cho mẹ nghe về trường hợp của một người nào đó đang yên lành, một ngày đi khám sức khỏe thì phát hiện ra cả đống bệnh, thuật lại bằng giọng hoang mang một chút cho mẹ sợ. Sau đó kể về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tổng quát thường xuyên.
Tôi “dụ” mẹ đi khám sức khỏe tổng quát thường xuyên hơn, thay vì 2 năm 1 lần như hồi xưa, thì chuyển thành 2 lần 1 năm. Lúc này mới phát hiện ra các vấn đề của mẹ như: men gan cao, mức đường huyết lên xuống thất thường. Bác sĩ khuyên mẹ không nên tùy tiện uống thuốc mà không được kê đơn, đồng thời giảm bớt đồ ngọt và thực phẩm chiên rán.
Sau buổi đi khám, mẹ thay đổi rõ rệt. Phần 2 của kế hoạch thế là xong!
Đến những gì ta uống
Tới thời điểm này, các bữa ăn của mẹ đã lành mạnh hơn rất nhiều, mẹ thậm chí ăn nhiều bữa chay, giảm tối đa bột nêm hoặc mì chính.
Nhưng mẹ tôi lại nghiện cafe. Nghiện nặng. Một ngày mẹ có thể uống ít nhất 2-3 ly cà phê đá pha phin. Khi ngừng uống, mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung. Cà phê đá cũng một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau họng mãn tính của mẹ.
Tôi lục tung các phương pháp hướng dẫn “cai nghiện” cà phê, nhận ra cắt giảm ngay lập tức là bất khả thi với mẹ. Thế nên tôi xài 2 “tuyệt chiêu” sau:
- Cách 1: giảm khẩu vị của cà phê bằng cách pha thêm nước, bớt sữa, hoặc đơn giản là uống cà phê nóng (mẹ tôi ghét uống cà phê nóng).
- Cách 2: pha đủ 1 ly nhưng chia ra uống nhiều lần trong ngày. Tạo cảm giác vẫn uống cà phê cả ngày nhưng với liều lượng ít hơn.
Hiện tại mẹ vẫn uống cà phê, nhưng ở mức 2-3 ly 1 tuần. Đây dù sao vẫn là một tín hiệu đáng mừng.
“Dinh dưỡng tinh thần” cũng quan trọng không kém
Sức khỏe tinh thần vốn là thứ chưa được coi trọng tại Việt Nam. Chúng ta đều biết áp lực cuộc sống có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, và đôi khi, việc giữ tinh thần lạc quan có tác dụng chữa lành kỳ diệu hơn cả thuốc.
Sau khi thuê nhà mới và lao đầu vào công việc, mẹ không có đủ thời gian để duy trì thói quen tập thể dục. Những rắc rối với gia đình họ nội cũng làm mẹ tiều tụy và yếu đi trông thấy.
Thời gian này, tôi trở thành chỗ dựa tinh thần của mẹ. Tôi thỉnh thoảng chuyện trò, động viên mẹ, hỗ trợ tài chính gia đình hoặc tặng mẹ những món quà bất ngờ.
Mẹ hay dùng chữ “bận” để viện cớ cho những cuộc gặp mặt bên ngoài. Do vậy tôi chủ động đăng ký các khóa học yoga hoặc học nhảy để mẹ cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
Một điều nữa tôi nhận ra, đời sống tâm linh của mẹ rất phong phú. Mẹ thường lên YouTube để nghe kinh Phật hay nghe các sư thầy thuyết pháp.
Thế hệ trẻ ngày nay có thể có những cách suy nghĩ khác về việc thờ cúng hoặc gửi gắm đức tin vào tôn giáo. Nhưng đứng từ góc độ của bà, tôi hiểu kinh Phật giúp mẹ tĩnh tâm và bỏ qua những sân si đời thường. Vì thế thỉnh thoảng tôi dành thời gian cuối tuần để cùng mẹ đi chùa cầu an, giúp mẹ cúng công đức hoặc mới nhất là thỉnh một chiếc xâu chuỗi cho mẹ.
Trong vòng một năm trở lại đây, mẹ không còn giật mình khi đang ngủ, bà sẽ ngủ rất ngon, ngủ một mạch tới sáng. Mẹ cũng cười nói và tự tin hơn nhiều, tôi thấy năng lượng tỏa ra trong ánh mắt của bà.
Kết
Những bài học đầu tiên về dinh dưỡng là do bố mẹ dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên, khi trưởng thành, chúng ta nhận ra một số bài học trong đó không còn phù hợp nữa.
Để giúp bố mẹ thay đổi, điều quan trọng là bạn cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng và sử dụng kiến thức khoa học để giải thích. Nếu bản thân mình chưa đủ, hãy nhờ đến sự giúp của “bên thứ 3”. Đôi khi một câu chuyện của “ai đó” (chị hàng xóm, con chú Tuấn, cô kia ở quận 7, bà bán vé đầu hẻm) có thể tác động đến bố mẹ nhiều hơn cả kiến thức khoa học.
Trong nhân tố Enzyme, bác sĩ Hiromi Shinya có nói rằng, thực phẩm ta ăn hằng ngày có thể là căn nguyên của rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Đó là lý do vì sao bạn cần thường xuyên quan sát biểu hiện của bố mẹ, ông bà, đưa người thân đi khám sức khỏe định kỳ để giúp họ phòng bệnh tốt nhất có thể.