'Trách nhiệm độc hại' là gì? Cách để ngưng ôm việc vì cả nể

“Dạ em làm được! Chị yên tâm.” Bạn có thường xuyên nhận mọi trách nhiệm về mình, muốn nhiệt tình giúp đỡ nhưng kết quả lại dang dở rối tung?
Trân Trân
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

“Ổn không em để chị giao người khác?”

“Dạ em làm được! Chị yên tâm.”

Và đó cũng là lần bạn thâu đêm suốt sáng vẫn làm hoài không xong. Kết quả là bạn trễ deadline, ảnh hưởng đến tập thể và phải cúi đầu xin lỗi sếp trong tâm trạng bức bối.

Vì sao ta chỉ muốn nhiệt tình nhưng mọi thứ cứ rối tung? Câu chuyện trên là ví dụ điển hình của kiểu người mang “trách nhiệm độc hại” (false responsibility) khi đi làm, dễ đẩy bản thân vào tình huống khó xử và thua thiệt.

Trách nhiệm độc hại là gì?

Trách nhiệm độc hại (false responsibility) là khi bạn răm rắp đồng ý nhận việc như một cỗ máy và từ chối sự hỗ trợ từ bất kỳ ai.

Nhà Tâm lý Trị liệu Lalitaa Suglani tổng hợp 8 dấu hiệu của một người Trách nhiệm Độc hại như sau:

  • Luôn gật đầu khi được giao việc và không muốn thể hiện chính kiến.
  • Mặc định lời “đồng ý” sẽ củng cố cho giá trị bản thân trong công việc.
  • Luôn quan sát phản ứng người khác, đặc biệt là cấp trên xem liệu mình đã làm gì sai (dù đôi lúc họ giận dữ không phải lỗi của bạn).
  • Dễ đổ lỗi bản thân nặng nề nếu công việc không đi như ý.
  • Gặp khó khăn trong việc thừa nhận mình cần giúp đỡ.
  • Đề cao làm độc lập hạn chế rắc rối.
  • Luôn cảm thấy quá tải cảm xúc, không biết cách xử lý.
  • Nổi giận khi phát hiện ra người khác đang lợi dụng tinh thần trách nhiệm của mình.

Bạn không muốn ảnh hưởng tập thể nên đã chọn nói “có”. Song chính sự đồng ý mất kiểm soát lại khiến công việc thất bại và thực sự… ảnh hưởng đến tập thể. Cứ thế bạn vừa mất uy tín với đồng nghiệp, vừa cắn rứt lương tâm với bản thân.

Trách nhiệm độc hại là một phần trong tâm lý chiều lòng (people pleasing). Bạn thường nhạy cảm với tâm trạng người khác, và dễ ôm việc để chiều ý họ ngay cả khi không thuộc phận sự mình.

Sợ mất lòng nên ôm việc, hậu quả là gì?

Trách nhiệm độc hại lâu dài có thể khiến bạn “tự hủy” ở công sở. Bạn bắt đầu đặt áp lực lên mình ngày một nhiều nhưng lại mất khả năng nhờ người khác hỗ trợ hay lên tiếng cho bản thân.

Lúc này bên trong bạn thì mâu thuẫn cảm xúc, nhưng bên ngoài cấp trên và đồng nghiệp chỉ thấy bạn trễ nải mất uy tín. Họ cũng khó thông cảm cho bạn vì không thực sự hiểu cuộc chiến nội tâm bạn trải qua.

Vì sao ta tự nguyện gánh “trách nhiệm độc hại” một mình?

PsychCentral giải thích rằng trách nhiệm độc hại xuất phát từ trải nghiệm quá khứ nơi ta liên tục bị đổ lỗi và cảm thấy tội lỗi với người mình yêu quý. Một đứa trẻ liên tục bị bố mẹ lạnh nhạt vì “con làm mẹ thất vọng”, sẽ vô thức học rằng nó phải cố gắng làm hài lòng người khác thì tinh thần mới yên ổn.

Vì được học lặp đi lặp lại trong thời gian dài, ta có xu hướng né tránh mâu thuẫn và chọn dĩ hòa vi quý bằng cách hy sinh sự thoải mái của bản thân. Phản ứng này diễn ra ở mọi kiểu mối quan hệ, bất kể là đồng nghiệp, gia đình, bạn bè hay người yêu.

Bạn có nhận ra mình luôn mặc định đồng ý ngay sau khi được giao việc, mà ít khi kiểm soát được phản ứng của chính mình? Khi phản ứng đã trở thành chế độ mặc định, ta sẽ cần thời gian để nhìn nhận vấn đề và thay đổi nó.

3 Giải pháp giúp bạn buông bỏ “bao tải trách nhiệm” để nhẹ nhõm hơn

Thành thật “mình không làm được” khi nhận việc khó

Thừa nhận khiếm khuyết không có nghĩa là bạn bất tài. Trái lại đây là đức tính giúp bạn có được sự tôn trọng và tin tưởng từ người xung quanh hơn. Cấp trên hay các bậc senior cũng từng loay hoay như bạn, họ hoàn toàn có thể cảm thông ở những trường hợp bất khả kháng.

Việc của bạn là giải thích thật lòng chuyện gì đang xảy ra, để người ngoài cuộc có cơ hội hiểu bạn. Nếu cảm thấy khó nói, hãy nghĩ đến những vết xe đổ trước đây khi bạn dối lòng. Bạn không muốn công việc đình trệ chỉ vì mình “hứa lèo”? Đây sẽ là động lực để bạn thử cư xử khác đi.

Chủ động đề xuất giải pháp cho 1-2 nhân sự khác “cứu bồ”

Sau khi cân đối khối lượng việc cũng như khả năng triển khai việc mới, bạn có thể chia sẻ điều này với sếp để bắt đầu được nhận sự hỗ trợ thích hợp.

Ở trường hợp này, có một câu thần chú mang tên “giải pháp cá nhân”. Hãy tự đề xuất một giải pháp mà cá nhân bạn cảm thấy hợp lý, rồi hỏi xin ý kiến từ cấp trên. Ví dụ “Nhận thêm việc A thì việc B C D của em sẽ ảnh hưởng, mình có thể dời A sang tuần hoặc giao nhân sự khác không ạ?”

Đưa ra giải pháp cá nhân chứng tỏ bạn có khả năng tự quyết, độc lập và luôn có hướng xử lý của riêng mình trước khi tìm đến sự giúp đỡ.

Thiết lập hình ảnh bản thân cứng rắn hơn ở công sở

Theo PsychCentral, bất cứ khi nào bạn trò chuyện hay tương tác với ai đó, bạn cũng đồng thời đang chỉ họ cách cư xử với mình. Ví dụ bạn thể hiện mình không thích tiếng ồn, người khác sẽ chủ động “vặn nhỏ volume” khi gặp bạn. Mọi ranh giới cá nhân đều được thiết lập qua từng cử chỉ nhỏ nhặt hàng ngày như thế.

Tuy nhiên đối với hội người trách nhiệm độc hại, ranh giới cá nhân của họ dường như bằng 0. Vì luôn gật đầu đồng ý và tỏ ra dễ tính, bạn cũng vô tình xây dựng hình ảnh bản thân dễ dãi hơn trước các mối quan hệ, khiến người khác đối xử với bạn “sao cũng được”.

Không bao giờ quá muộn để quay xe, bạn có thể bắt đầu rũ bỏ hình tượng cũ và thay đổi bằng các cách sau:

  • Lập bộ quy tắc "có” và “không”: Bao gồm những kiểu cư xử bạn có thể và không thể chấp nhận ở công sở (ví dụ đồng nghiệp tự đùn đẩy công việc sang bạn mà không hỏi ý kiến), để lên tiếng nếu ai đó lỡ vi phạm.
  • Tách bản thân khỏi phản ứng người khác: Họ sẽ nổi giận, thất vọng, không hài lòng khi bị bạn từ chối. Không sao vì đó là tín hiệu bạn nên giữ khoảng cách với những đối tượng này hơn.
  • Có bệ đỡ cảm xúc từ các mối quan hệ thân thiết: Bạn không cô đơn trên hành trình thiết lập ranh giới, hãy có cho mình những đồng minh thấu hiểu hoàn cảnh, và lắng nghe bạn.

Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục