Trượt kỳ thi thực tập tại Google giúp tôi nhận ra những bài học quý giá sau
Ghi chú: Để truyền tải được cảm xúc của người viết, hạn chế chỉnh sửa giọng văn của bạn để độc giả cảm nhận trọn vẹn tinh thần tích cực từ một ứng viên vừa trượt Google.
Chào các bạn! Sau 5 tháng ròng rã thì mình vừa nhận được kết quả trượt vòng phỏng vấn cuối cho chương trình thực tập của Google.
Ngoài là cách để ghi nhớ thất bại (hay bài học!) của bản thân, mình nghĩ các chia sẻ bên dưới có thể sẽ tốt cho bạn sinh viên nào đó ngoài kia.
Lưu ý:
- Bài viết tập trung vào lĩnh vực tuyển dụng/thị trường lao động cho người trẻ, bỏ qua những yếu tố tiêu cực mà các tập đoàn lớn thường bị cáo buộc như tính minh bạch (transparency), trốn thuế,…
- Mình thi chương trình Google Business Internship, do đó những hiểu biết, quan điểm của mình chỉ dừng lại trong khuôn khổ chương trình này và hoàn toàn mang tính cá nhân.
Trước tiên mình xin đi vào giải đáp các thắc mắc thường có của mọi người, sau đó mới chia sẻ chuyên sâu hơn những suy nghĩ về trải nghiệm này.
Câu 1: Có bị hỏi những câu xoắn não như “Làm thế nào để đãi đỗ riêng và gạo riêng” như trong truyện Tấm Cám không?
Không, ít nhất trong chương trình của mình thì là không. Thực ra Google cũng đã nói cho cả thế giới biết là họ bỏ cái đống brain-teaser questions này đi lâu rồi.Các câu hỏi sẽ bám theo khung đánh giá năng lực (General Cognitive Ability, Leadership, Role-related knowledge, Googleyness - Khả năng nhận thức tổng quát, Lãnh đạo, Kiến thức chuyên môn, Chất Google).
Ví dụ như mình được mở đầu bằng những câu hết sức nhân văn như “Kể về một lần làm việc nhóm của em” hay “Em thích sản phẩm nào của Google? Làm thế nào để sản phẩm đó tốt lên?”. Nói chung, mọi người sẽ mong chờ chúng mình vẽ ra được tình huống - nhiệm vụ - giải pháp - hành động - kết quả (mô hình STAR) trong các câu trả lời của mình.
Câu 2: Chắc phải chọn lựa nhiều vòng lắm nhỉ?
Đúng, mà cũng… chưa hẳn.
Về cơ bản chúng mình sẽ trải qua 3 vòng đầu giống nhau:
- CV
- Kiểm tra IQ: Giống như thi SAT phiên bản rút gọn và dễ thở hơn 1000 lần, gồm toán và đọc hiểu
- Phỏng vấn với đại diện HR (nhân sự)
Sau đó, tuỳ ứng viên sẽ có số lượng vòng phỏng vấn sâu khác nhau. Người được 2, người được 3, thậm chí có người lên đến 4, 5 lần. Lý do là sẽ có những team cùng hứng thú và muốn tìm hiểu thêm về bạn.
Ví dụ như mình thì có 3 vòng phỏng vấn, qua được vòng 1 thì đến vòng 2. Vòng 2 đáng ra là final interview (vòng phỏng vấn cuối), nhưng lại được người phỏng vấn chuyển sang cho một team khác. Trong quá trình chờ đợi để xếp lịch vòng 3 thì mình nhận được thông báo trượt, do team chuẩn bị phỏng vấn mình, theo lời HR, đang không còn nằm trong hạng mục “ưu tiên phát triển kinh doanh” (business priority) của công ty nữa.
Tạm kết luận: Phỏng vấn nhiều không có nghĩa rằng bạn đang có vấn đề hay người ta cần dò hỏi bạn thêm. Rất có thể bạn đang là một nhân vật hết sức có giá và được tranh giành.
Tiếc rằng, mình lại chưa thuộc số đó.
Câu 3: Thời gian chờ đợi có lâu không?
Lại là… tuỳ.Trong hướng dẫn tuyển dụng, một vòng thi thường mất tới 2 tuần để xử lý và đưa ra kết quả cuối cùng, sau đó mất 1 tuần để sắp xếp cho vòng tiếp theo. Cá biệt còn có vòng cuối cùng: Hiring Committee Review - nghĩa là nếu bạn đã qua final interview thì hồ sơ của bạn sẽ còn được một ban bệ nữa xem xét, thảo luận.
3 Kịch bản có thể xảy ra: (1) trúng tuyển, (2) trượt, và (3) phỏng vấn thêm.
Với mình, do tình hình nghỉ Tết (và có lẽ là dịch bệnh) nên quá trình này mất tới 5 tháng kể từ lúc rải hồ sơ.
Tuy nhiên, trường hợp của bạn intern năm ngoái mình liên lạc được lại có kết quả rất nhanh. Ngay sau khi phỏng vấn sâu lần 2, bạn ấy đã được thông báo trúng tuyển. Đúng là được cả giỏi được cả hên!
Câu 4: Không khí có bị thanh niên nghiêm túc quá không?
Chuyên nghiệp và hết lòng.
Phần chuyên nghiệp chắc mình không cần nói nhiều nữa. Mọi người xem ở các câu trên nhé. Còn đây là phần hết lòng:
Chị HR phỏng vấn mình vòng HR screening để lại trong mình nhiều thiện cảm nhất. Câu cú lúc nào cũng xoay quanh các cụm như “chị ở đây để hiểu em”, “em dừng chị bất cứ lúc nào để hỏi nhé” hay là “em sẵn sàng giấy bút chưa? Cần 2 phút nghĩ không?”. Đúng là vừa xinh vừa ngọt ạ. Cảm giác như không thêm giá trị cho người khác là bạn HR này không chịu được hay sao ấy!
Xin trích dưới đây thêm một vài câu đỉnh cao:
- “Em lần sau phỏng vấn hãy chọn một không gian kín trong nhà hơn nhé. Ngồi không gian hướng ra ngoài dù một chút thôi cũng dính tạp âm. Chị thì không sao đâu nhưng sếp phỏng vấn vòng sau có thể để ý đó.”
- “Sẽ có các câu hỏi về kỹ năng lãnh đạo đó. Chuẩn bị mấy câu giải quyết tình huống nha. Kiểu, nếu có mâu thuẫn với đồng nghiệp thì làm gì nè, nếu bất đồng với lãnh đạo thì xử trí sao nè,...”
- “À em nộp vị trí Marketing và truyền thông nhỉ? Nhớ về ôn tập các kiến thức nền tảng như phân khúc thị trường, thông điệp và khách hàng mục tiêu nhé.”
- “Mấy câu về văn hoá công ty chắc em cũng dễ kiếm trên website với cả mạng xã hội đấy. Đọc xíu xíu cho thấm nhuần nha.”
Mở đầu vòng phỏng vấn cuối, mình đã được yêu cầu kể một câu chuyện hài, sau khi người phỏng vấn đọc CV và biết mình có chơi bời ở một nhóm hài ứng tác.
Mình nhìn chị, vừa lo lắng vừa lí nhí, “Chị có phải là TV không, vì em thích xem chị mỗi ngày?”. Em xin lỗi các anh chị nhóm hài thật nhiều, nhưng em thật sự không thể hài hước nổi trong tình huống đó. Đã mắc tội ăn cắp ý tưởng cheesy pick-up line (sến sẩm), lại còn nhạt.
Bấy nhiêu thôi chắc đã đủ giải đáp phần lớn thắc mắc của các bạn. Dưới đây mình xin chia sẻ chi tiết hơn về đợt thi này của bản thân.
1. Hay không bằng hên
Mình thi chương trình Google Business Internship cho văn phòng APAC (Châu Á - Thái Bình Dương) ở Singapore. Thực ra trước khi nộp cho văn phòng Singapore, mình đã rải hồ sơ cho 7749 văn phòng khác – Dublin có, Hongkong có, Tokyo có, Bắc Kinh có,… và đương nhiên là đã trượt hết.Kết quả của Singapore đến cùng lúc với kết quả của các văn phòng nói tiếng Trung Quốc, một cái trượt, một cái đỗ, làm mình ngẩn ngơ một hồi không biết có phải công ty gửi nhầm không. Nhưng không các bạn ạ, không hề - 2 văn phòng khác nhau, 2 kết quả khác nhau là đằng khác!
Lúc tìm lại mô tả công việc của văn phòng Singapore, mình mới phát hiện dòng chữ to tướng: Ưu tiên thí sinh thuộc các nước ASEAN và nói một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh thuộc khối ASEAN. Tada, chính mình đây chứ ai!
Thế là mình chễm chệ ngồi vào hàng ghế short-listed (tạm gọi là danh sách ứng viên triển vọng nhất) của Google, dù chỉ đi vào một cái ngách siêu bé – “chương trình sinh viên” và “ASEAN”.
Bài học ở đây là gì?
Công ty to tướng nào cũng có ngách! Không làm nhân viên chính thức thì ta làm intern (thực tập sinh), chưa làm intern được thì ta làm đại sứ sinh viên. Nhắm công ty công nghệ mà biết thừa mình low-tech (kém về công nghệ) thì tìm các công việc về kinh doanh, sáng tạo,…
Ở Việt Nam mình, các chương trình thực tập dành cho sinh viên thường bắt đầu muộn vào tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên tại nước ngoài, đơn cử như ở Singapore, mình có dạo quanh LinkedIn và thấy Bloomberg, Apple, Grab, Facebook, Google,... đã rục rịch mở nhận hồ sơ từ tháng 10 và kết thúc vòng CV vào khoảng tháng 12 năm ngoái.
Sức mạnh của thông tin là đây các bạn nhé! Hơi dốt tí cũng được, nhưng cao thủ không bằng tranh thủ.
2. Cứ vênh mặt lên mà tự xưng mình là người Việt Nam
Tại sao điều này quan trọng?
Việt Nam đang là một trong những thị trường hết sức hấp dẫn hiện nay, khi mà trục kinh tế dần ưu ái ngả về châu Á và Đông Nam Á. Các doanh nghiệp quốc tế không ngần ngại đầu tư để phát hiện cho được những nhân tài hiểu và sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt.
Về điểm này, một bạn trẻ lớn lên ở Việt Nam, học ở Việt Nam, và có kinh nghiệm đi làm ở Việt Nam sẽ sở hữu khả năng cạnh tranh khá lớn. Mình có thể hơi tự ti với các bạn du học sinh về kiến thức hay ngoại ngữ, nhưng yên tâm, độ thực chiến thì đố ai bì được.
Sau vòng phỏng vấn cuối, người phỏng vấn mình, một chuyên viên Google chịu trách nhiệm cho thị trường Việt Nam, có chia sẻ: “Chị muốn tìm một bạn yêu nước và có tư duy kết nối - biết đặt mọi thứ vào một hệ sinh thái.” Mình nghe mà thấy tự hào lây, vì người đang đối diện mình qua máy tính kia cũng là người Việt!
Ngoài ra, không nên quá hoảng sợ trước cái mác ngoại quốc. Cùng là tham gia cuộc thi internship, cùng là sinh viên, học hành tử tế chục năm trời, đừng tự kì thị chính mình chỉ vì mang cái mác “Trường Đại học ABC” còn của người ta là “University of XYZ”. Ăn nhau là ở cái ý tưởng, chiến lược và thực thi.
Trong bộ hướng dẫn phỏng vấn của Google cũng không có tiêu chí nào là “tiếng Anh chuẩn như người bản xứ”, nên cứ bám vào khung đánh giá năng lực mình đã nói ở trên: General Cognitive Ability, Leadership, Role-related knowledge, Googleyness.
Cái tiêu chí Googleyness nghe hơi kỳ lạ. Hiểu theo hướng dẫn thì là: Chia sẻ cách bạn làm việc cá nhân và với nhóm, cách bạn hỗ trợ mọi người, cách bạn rẽ hướng đi riêng khi đối diện vô vàn góc nhìn khác nhau và cách bạn thúc đẩy bản thân để vượt ra khỏi giới hạn (“Share how you work individually and on a team, how you help others, how you navigate ambiguity, and how you push yourself to grow outside of your comfort zone”).
Còn hiểu theo ông bà ta thì là “Yêu tổ quốc yêu đồng bào. Học tập tốt lao động tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm!”. Đó, cứ vậy mà thể hiện ra thôi ạ.
3. Tìm cho mình một lý do để ứng tuyển
Tiền tài, danh vọng, hay một cơ hội để gây ảnh hưởng lớn hơn thông qua các chương trình về trách nhiệm xã hội? Yên tâm, các tập đoàn lớn có đất cho bạn thỏa mãn những điều trên, miễn là bạn giỏi.
Điển hình là trường hợp người phỏng vấn mình vòng 2. Sau khi lần mò LinkedIn và hỏi đông hỏi tây, mình mới choáng váng biết là chị giữ chức Product Marketing Manager khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ấy thế mà đến cuối buổi phỏng vấn, mình còn được hé lộ thêm rằng chị đang tham gia cả dự án Google Women.
Mình nộp đơn vào công ty cũng vì một vài yếu tố “phù phiếm” ở trên. Nhưng ngoài ra cũng là vì một mục đích tối cao khác: được đi nước ngoài làm việc.
Trước giờ các công ty nước ngoài thường có chính sách ưu tiên người bản địa. Đột nhiên lại có một công ty tung ra chương trình tuyển dụng cực kỳ đại trà dành cho các sinh viên mọi quốc tịch và còn sẵn sàng tài trợ visa cùng hỗ trợ chi phí ăn ở. Vậy thì tại sao không?
Làm ở các công ty đa quốc gia, cơ hội luân chuyển văn phòng cũng sẽ dễ hơn. Vào được Google, hay như mình nói vui là một “tổ chức buôn người xuyên biên giới”, có mùi vừa thách thức, lại vừa gọi mời! Khó nhưng rất đáng thử!
Tóm lại là?
Mình không hối hận vì thời gian thi thố (và chờ đợi) hết sức nhọc lòng vừa qua. Nói như những người hay trượt thì là, không thành công thì cũng thành (đại) thụ - học được khối thứ từ kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp đến thị trường. Với cả, mấy ai được ngồi đàm đạo cùng các bác tai to mặt lớn ở Google khi còn là sinh viên cơ chứ?Cảm giác được ghi nhận và giúp đỡ bởi những người tài giỏi lạ mặt, thật sự, thật sự, thật sự rất phê.
Đây là một email từ chối gửi bởi Google mà mình rất cảm kích:
"Hi Anh-Tu thanks for your kind note. I think you'll be a great contributor to sales given your confidence and communication. Marketing was unfortunate to have gotten a lot of strong candidates but i did recommend our HR team to consider you for other functions. Hope to see you at Google soon! All the best!"
(Đại ý là: Bộ phận marketing của Google hiện đang có rất nhiều ứng cử viên mạnh nên rất tiếc là mình chưa thể vào. Nhưng họ nghĩ mình sẽ là một ứng viên khá triển vọng, nên đã gợi ý Nhân sự xem xét mình cho những bộ phận khác. Và họ rất mong sẽ gặp lại mình sớm tại Google!)
Trong quá trình thi cử cũng đã có vô vàn cánh tay đưa ra hỗ trợ mình - người dạy mình cách sống, người cho mình kiến thức, người thì động viên vô điều kiện,... Để bảo mật thông tin cá nhân nên mình sẽ không nhắc tới họ. Nhưng mọi người biết mọi người là ai đúng không? Em/tớ/anh/mình cảm ơn mọi người nhiều lắm.
Thôi thì các bạn ạ, cũng coi như có câu chuyện kể cho con cháu sau này. Còn giờ mình phải nghỉ đã, để có sức mà tiếp tục đi học tập, lao động và mơ mộng.
Này các bạn sinh viên năm 3, hãy mở LinkedIn ra và chờ đợi thông báo tuyển dụng của Google nhé.