3 Kiểu niềm tin khiến chúng ta mãi “dậm chân tại chỗ”

Niềm tin có sức mạnh lớn hơn chúng ta nghĩ. Những niềm tin theo hướng tiêu cực hoàn toàn có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta.
Mark Manson
Nguồn: Jansel Ferma @ Pexels

Nguồn: Jansel Ferma @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Overcome Your Limiting Beliefs” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Có một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một chú voi con bị cột vào hàng rào. Chú cứ kéo mãi mà không thể làm đứt dây hay đổ hàng rào. Vì vậy chú đành chịu thua và chấp nhận rằng số phận mình sẽ mãi mãi bị trói vào đó.

Rồi chú lớn lên với bốn chân to lớn, cặp ngà dài và chiếc vòi khỏe thừa sức giúp chú nghiền nát cái hàng rào. Nhưng vì nghĩ cái hàng rào không thể suy chuyển, chú vẫn đứng im và tin rằng mình không bao giờ có thể thoát ra.

1. Niềm tin hạn chế là gì?

Niềm tin hạn chế (limiting belief) là những quan điểm sai lầm ngăn cản chúng ta theo đuổi các mục tiêu và mơ ước của mình. Chúng có thể cản trở bạn thực hiện những việc quan trọng, như nộp đơn vào công ty bạn thích, theo đuổi người bạn “crush” bấy lâu (hoặc ngược lại, rời bỏ công việc khiến bạn kiệt sức và các mối quan hệ độc hại).

Niềm tin hạn chế không hẳn là điều xấu, bởi trong nhiều trường hợp nó giúp chúng ta tránh làm những việc dại dột. Ví dụ, niềm tin rằng trộm cắp là hành vi sai trái ngăn cản tôi lấy trộm xe hơi của người khác. Tuy nhiên một số niềm tin hạn chế khiến ta không thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Giống câu chuyện chú voi ở trên, những niềm tin này khiến ta dậm chân tại chỗ mà không hề nhận ra.

Có 3 kiểu niềm tin hạn chế phổ biến:

  • Niềm tin hạn chế về bản thân khiến bạn không thể làm gì, vì luôn có điều gì đó rất “sai” với bạn.
  • Niềm tin hạn chế về thế giới khiến bạn không thể làm gì, vì không ai cho phép bạn làm.
  • Niềm tin hạn chế về cuộc sống khiến bạn không thể làm gì, vì thấy cái gì cũng quá khó.

2. Niềm tin hạn chế về bản thân

Mỗi chúng ta đều có những niềm tin hạn chế rất mạnh về chính bản thân mình. Chẳng hạn khi còn đi học, tôi từng nghĩ rằng mình viết kém vì lúc nào cũng đạt điểm kém môn Văn ở trường.

Phải mất rất nhiều năm tôi mới nhận ra mình bị điểm kém không phải do viết tồi, mà vì viết lạc đề. Nếu đề bài là viết về George Washington, thì tôi sẽ viết ra bài văn tưởng tượng chính phủ Mỹ được thành lập bởi một nhóm người ngoài hành tinh. Dĩ nhiên các thầy cô không thích điều này, nhưng thực tế chính lối tư duy “bên ngoài chiếc hộp” đó đã giúp tôi trở thành nhà văn giỏi.

Không sợi dây nào có thể trói ta chặt như sợi dây niềm tin về chính bản thân mình. Điều này đặc biệt đúng khi những niềm tin đó chất chứa những ràng buộc tình cảm, bất an và gánh nặng cảm xúc mà ta buộc phải tháo gỡ trước khi thách thức được chúng. Một số niềm tin hạn chế về bản thân chúng ta có thể kể đến là:

Tuổi tác

Nhiều người thường lấy tuổi tác làm cái cớ để né tránh thực hiện điều mình muốn. Có những người nghĩ mình quá già để học lên cao, đổi nghề, hẹn hò trở lại hay học một kỹ năng mới. Ở thái cực còn lại, có người lại nghĩ mình quá trẻ để ứng tuyển cho công việc họ mơ ước hoặc chuyển đến một thành phố mới.

Điều vô lý nằm ở chỗ, có những việc mà cả người “già” lẫn người “trẻ” đều lấy tuổi tác làm lý do để tránh, chẳng hạn như khởi nghiệp. Trên thực tế, không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bạn bắt đầu một điều gì mới.

Đặc điểm cá nhân

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng, một đặc điểm cá nhân nào đó đang kìm hãm chúng ta phát triển ở một số khía cạnh.

Có người nghĩ bản thân quá kém để xin học bổng, để ứng tuyển một công việc nào đó, hay để nói về điều gì cao siêu với người khác.

Có người nghĩ bản thân quá xấu xí để bắt chuyện với một người hấp dẫn mà họ “crush” từ lâu.

Có người lại nghĩ chân mình quá ngắn để mặc quần soóc, nên chấp nhận mặc quần dài nóng nực suốt cả mùa hè.

Cái khó của niềm tin hạn chế về đặc điểm cá nhân là chúng ta thường không thể thay đổi chúng. Một khi đã ám thị những suy nghĩ đó, ta sẽ thấy cam chịu vì chúng suốt phần đời còn lại.

Cảm xúc

Chúng ta thường lấy cảm xúc làm cơ sở cho nhiều niềm tin hạn chế của chính mình, chẳng hạn:

"Tôi không thể gặp ngườ mới vì tôi quá chán nản, sẽ không ai thích tôi"

"Tôi không thể quay lại làm việc vì quá xấu hổ"

"Tôi không thể tạo mối quan hệ với ai vì tôi hay tức giận"

Nhưng có một nghịch lý trong những niềm tin hạn chế này: Những gì ta cần làm để đối phó với những cảm xúc này lại chính là điều ta đang muốn trốn tránh. Càng trốn tránh, bạn sẽ càng khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn cảm xúc và niềm tin hạn chế này.

Nếu bạn đang chán nản, hãy ra ngoài giao lưu để dập tắt cơn chán nản đó. Nếu bạn dễ bối rối, đối mặt với những đánh giá của người khác về mình là cách duy nhất giúp bạn hết bối rối. Hoặc nếu bạn đang nổi điên với ai, thì việc nói chuyện với người đó có khi lại giúp bạn nguôi giận.

3. Niềm tin hạn chế về thế giới

Ngoài niềm tin hạn chế về bản thân, chúng ta còn mang nhiều niềm tin giới hạn về thế giới quanh mình.

Bản thân tôi từng có một niềm tin kỳ cục là chẳng ai muốn nói chuyện với mình, nếu có thì cũng là vì họ muốn thứ gì đó từ tôi. Tôi không rõ niềm tin này đến từ đâu, có thể vì tôi từng bị bắt nạt và cô lập khi còn đi học. Nó khiến tôi không tin tưởng bất cứ ai trong suốt thời gian dài, và vì vậy không thể nhận ra niềm tin của mình sai lệch đến mức nào. Một số niềm tin hạn chế phổ biến của chúng ta về thế giới có thể bao gồm:

Không tán thành

Dường như trước khi làm điều gì, chúng ta luôn nghĩ đến việc người ngoài có cho phép ta làm hay không. Chẳng hạn:

“Tôi không thể trò chuyện với ai, vì họ sẽ nghĩ tôi kỳ cục”

“Tôi không thể bỏ học đại học/thạc sĩ vì bố mẹ sẽ rất buồn”

“Tôi không thể từ bỏ cuộc hôn nhân này, vì ai mà muốn cưới con gái đã qua 1 lần đò?”

Nếu “người khác sẽ nghĩ gì” luôn là câu hỏi đầu tiên bạn nghĩ đến, thì bạn đã thất bại rồi. Thực tế là người ngoài không quan tâm đến các vấn đề của bạn nhiều như bạn nghĩ đâu. Vì chính bản thân họ cũng quá bận rộn quan sát xem người khác nghĩ thế nào về họ.

Còn nếu họ thực sự muốn bạn phải sống theo cách của họ, thì mặc kệ họ đi. Họ đâu phải làm công việc nhàm chán đó, cũng đâu phải ở trong mối quan hệ độc hại khiến bạn mệt mỏi mỗi ngày. Đó là cuộc đời của bạn, chứ không phải của họ - nên hãy dừng việc lo lắng họ nghĩ gì và làm điều tốt nhất cho bạn.

Định kiến

Đáng buồn là định kiến và sự phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại khá nhiều trên thế giới. Hiểu được điều này là quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần chú ý không để những thành phần này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số ví dụ như vậy có thể kể đến:

“Tôi lùn nên sẽ khó mà được thăng chức, người ta bảo 'nhất lé nhì lùn' mà”

“Tôi là nữ, mà sếp nữ thì nhân viên không phục nên tôi sẽ khó trở thành sếp giỏi”

“Con gái quê tôi toàn thích trai Tây, nên tôi sẽ không cố tìm bạn gái ở đó làm gì”

Những định kiến này có thể đúng với một vài trường hợp, chứ không phải tất cả. Bên cạnh đó, cách duy nhất để vượt qua chúng là ta phải tự đứng lên - hãy chứng minh cho số đông thấy là họ đã sai.

Ảo tưởng sức mạnh

Phần lớn các niềm tin hạn chế trên được hình thành từ cảm nhận tiêu cực của chúng ta về bản thân. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp, niềm tin hạn chế được hình thành từ việc ta “ảo tưởng sức mạnh”:

“Tôi muốn làm nhạc, nhưng thế giới sẽ không đủ tinh tế để cảm nhận âm nhạc của tôi”

“Tôi muốn viết kịch bản hài, nhưng chẳng ai sẽ hiểu gu hài hước của tôi cả”

“Tôi có ý tưởng kinh doanh, nhưng không có ai hiểu được tầm nhìn của tôi”

Đây là lối tư duy “đặc quyền” sai trái. Những người này nghĩ rằng thế giới nợ họ điều gì đó vì họ quá đặc biệt. Vì vậy họ cho mình cái quyền không cố gắng, vì đằng nào cũng chẳng ai hiểu được sự đặc biệt của họ. Nhưng thực tế không ai nợ họ cái gì cả, và lối tư duy này sẽ chẳng đưa họ đến đâu.

4. Niềm tin hạn chế về cuộc sống

Chúng ta có khá nhiều niềm tin hạn chế về một cuộc sống “bình thường”. Đa số những niềm tin này xoay quanh những gì ta nghĩ là quá sớm hay quá muộn, hoặc những gì có thực hay do ta tưởng tượng.

Bỏ lỡ điều gì đó

Đây chính là kiểu tư duy “ai đó đã làm việc này rồi”. Vì nghĩ rằng ý tưởng của mình không mới, chúng ta bỏ cuộc với nó từ trước khi bắt đầu.

Nhiều doanh nhân ngần ngại khởi nghiệp vì ý tưởng kinh doanh của họ đã có người đi trước một bước. Nhưng bạn có từng nghĩ rằng, việc có ai kiếm tiền được từ ý tưởng này là bằng chứng sống cho thấy bạn nên làm nó, và thậm chí nghĩ cách làm tốt hơn thế nữa?

Tương tự, có những người ly hôn ở độ tuổi tứ tuần thường than phiền rằng tuổi xuân của họ đã bị đánh cắp. Chính suy nghĩ này đã ngăn cản họ đi tìm tình yêu mới phù hợp với mình hơn.

Chúng ta có xu hướng nghĩ cái gì cũng hạn chế. Không đủ khách hàng để kinh doanh, không đủ ý tưởng để viết tiểu thuyết, không đủ thời gian để cho bản thân một cơ hội mới trong tình yêu. Nhưng thực tế thế giới rộng lớn vô cùng, và nếu biết tìm kiếm bạn sẽ thấy cơ hội ở khắp mọi nơi. Quan trọng là bạn có sẵn sàng nắm lấy những cơ hội đó hay không.

Thời gian

Niềm tin hạn chế này khá phổ biến, nhất là với những ai đang cân nhắc một thay đổi lớn trong lối sống như ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn hay đọc nhiều sách hơn. “Tôi quá bận và không có thời gian” dường như là lý do ai cũng dùng để thoái thác việc thực hiện thay đổi.

Nhưng sự thực là nếu ta thật sự muốn, ta sẽ tìm cách, còn không thì sẽ tìm lý do. Giống như cách một người thực sự thích bạn sẽ luôn tìm cách bố trí thời gian ở bên bạn, dù họ bận đến đâu. Nếu bạn ưu tiên việc thay đổi đó, bạn sẽ sắp xếp lại lịch trình để luôn có thời gian thực hiện.

Và trong phần lớn thời gian, điều chúng ta thực sự ưu tiên là được ở lại trong vùng an toàn và thoải mái. Chúng ta đã quá quen thuộc với lịch trình hàng ngày, quá thoải mái với cuộc sống hiện tại để thực hiện một thay đổi làm xáo trộn những điều đó.

“Điều đó không tồn tại”

Đây có lẽ là một trong những niềm tin hạn chế khó suy chuyển nhất. Giống như chú voi nghĩ rằng cái tường rào là không thể lật đổ, chúng ta hay nghĩ có những thứ mình không bao giờ có thể đạt được. Hệ quả là ta không còn động lực phấn đấu, cũng như không cho phép mình thử và thất bại - điều cần thiết để đạt tới thành công. Những niềm tin kiểu này gồm có:

"Tình yêu giữa hai người là mối quan hệ ép buộc, có thật đi nữa thì nó cũng chỉ thoáng qua - vậy tại sao phải tìm kiếm nó?"

"Thành công chỉ là một lý tưởng bịa đặt do xã hội tạo ra để kiểm soát chúng ta, vậy tại sao phải thành công làm gì?"

"Con người ai cũng ích kỷ và muốn lợi dụng bạn, nên việc gì phải thân thiết với ai?"

Những niềm tin này thật khó để vượt qua, vì nó hình thành từ thế giới ngớ ngẩn mà chúng ta tạo ra cho riêng mình. Chúng ta nghĩ mình là thiên tài hơn hẳn những người khác, và nghĩ những ảo tưởng trên là điều mình biết trong khi cả xã hội không biết.

Vậy phải làm gì để vượt qua niềm tin hạn chế của bản thân? Cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục