26 Thg 03, 2021Thưởng ThứcUống

Vì sao cà phê làm chúng ta vui vẻ hơn?

Hiểu về phép màu của cà phê, bạn sẽ chọn được ly đồ uống lý tưởng mỗi ngày để tăng hiệu suất làm việc, chống oxy hoá, thậm chí còn hỗ trợ giảm cân.
Mai Trúc Quỳnh
Nguồn: Delightin Dee

Nguồn: Delightin Dee

Theo ghi chép lịch sử, cà phê bắt đầu được canh tác và mua bán vào thế kỷ 15 tại các nước Ả Rập, nhưng vùng đất mẹ đẻ của cà phê lại là Ethiopia.

Nghiên cứu di truyền học cho thấy, các giống cà phê được trồng và sản xuất trên toàn cầu chỉ chiếm 1% sự đa dạng của các loại cà phê hoang dã trên "đất mẹ". Nhưng như vậy cũng đủ để khiến cả thế giới tiêu thụ cuồng nhiệt thức uống này.

Bí mật của cà phê là gì? Quan trọng hơn, ly cà phê như thế nào thực sự tốt cho sức khoẻ của bạn?

Dưới đây là 3 đặc tính cơ bản tạo nên phép màu của cà phê. Hiểu về chúng, bạn sẽ chọn được ly đồ uống lý tưởng mỗi ngày giúp tăng hiệu suất làm việc, chống oxy hoá và thậm chí còn hỗ trợ duy trì vóc dáng.

Caffeine - nhà ngoại giao hoàn hảo

Caffeine là một hợp chất hoá học có thể hoà tan trong cả môi trường nước (máu) và chất béo (màng tế bào). Khi được tách riêng ra khỏi hạt cà phê, nó là một dạng bột có màu trắng và chúng ta có cà phê "decaf". Với khả năng "ngoại giao" linh động, caffeine dễ dàng theo máu đi lên não, tạo ra những tác động lên hệ thần kinh.

Caffeine hoạt động như thế nào?

Cà phê giúp chúng ta tỉnh táo và làm việc năng suất hơn bởi khả năng ức chế tín hiệu buồn ngủ. "Nhân vật chính" ở đây là adenosine - một phân tử của não bộ có chức năng báo hiệu sự mệt mỏi, cần nghỉ ngơi. Với ngoại hình khá giống adenosine, caffeine dễ dàng trà trộn vào các thụ thể vốn dành cho adenosine và ức chế hoạt động của hợp chất này.

Khi adenosine bị vô hiệu hoá tạm thời, dopamine - hormone hạnh phúc cũng có dịp để tung tăng hoạt động. Từ 2 điều trên, cà phê mang tới điều kiện hoàn hảo để tạo nên sự hưng phấn, tràn đầy năng lượng trong thời gian ngắn từ 4-6 giờ.

Bao nhiêu caffeine là đủ?

Người Việt Nam nổi tiếng với những ly cà phê sóng sánh, đen đặc "hardcore". Nhưng tách cà phê ngon, đậm đà nhiều hương vị vẫn có thể là loại dịu dàng hơn thế rất nhiều. Ngoài ra, quá tải caffeine cũng khiến cơ thể bị say cà phê, một điều không mấy dễ chịu.

Theo FDA, 200mg caffeine tương đương với 1 giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút. Nếu không thường xuyên sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine, bạn sẽ đạt được sự tập trung tối đa với 200 mg và 400 mg với người sử dụng hàng ngày. Trung bình, một ly cà phê 237ml có khoảng 80-100mg caffeine.

Công thức tính toán lượng cà phê thích hợp để nạp vào cơ thể dựa trên cân nặng tại đây. (có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên khi biết mình uống được từ 3-4 tách cà phê/ngày, hoặc hơn)

Ngoài ra, chúng ta được khuyên không nên uống cà phê sau 1 giờ chiều là có nguyên do của nó. Một nửa dân số thế giới tiêu hoá chậm caffeine - nghĩa là cơ thể cần hơn 10 giờ mới chuyển hoá hoàn toàn lượng caffeine nạp vào.

Nhận thức về khả năng gây ra sự rối loạn nhịp sinh hoạt tự nhiên của cà phê giúp bạn điều chỉnh đồng hồ uống hợp lý và tăng hiệu quả làm việc thay vì mất ngủ về đêm.

Phenol - món quà quý từ cà phê

Phenol là chất chống oxy-hoá tự nhiên được tìm thấy trong cà phê và nhiều loại thực vật khác. Những ly cà phê có phenol không chỉ thơm ngon mà còn tốt cho sức khoẻ.

Chỉ cần một lần uống tách cà phê này, bạn sẽ nhận thấy kiểu cà phê đậm đặc, cháy khét không thể là đối thủ của loại hạt rang nhẹ, có màu nâu trong trẻo với đầy đủ hương vị và chất chống oxy-hoá.

Mặt khác, phenol lại đỏng đảnh và nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu cà phê rang quá lâu, nhiệt độ cao hoặc nước pha cà phê quá nóng, phenol sẽ biến mất.

Vậy tìm cà phê giàu phenol như thế nào?

Trước tiên, thử tưởng tượng bạn là một cây cà phê và suy nghĩ khi được trồng ở nơi nào thì cây cần tự vệ mạnh mẽ nhất?

Đáp án là ở những vùng cao, gần đường xích đạo – nơi đối mặt với tia cực tím gay gắt nhất nhưng cũng có nhiệt độ thấp nhất. Trước điều kiện khắc nghiệt, cây phải thiết lập những lá chắn kiên cố để trở thành phiên bản hoàn hảo, cho ra những mầm giống cà phê ngày một bổ dưỡng với hàm lượng phenol - lớp áo giáp chống oxy-hoá hùng hậu.

Khí hậu mát lạnh ở vùng cao cũng làm cho hạt cà phê lâu chín hơn, cứng cáp hơn những loại được gieo trồng ở vùng thấp. Quá trình trưởng thành chậm này vô tình bồi đắp thêm hương vị đậm đà cho hạt cà phê.

Đây là một số địa chỉ xuất xứ của cà phê giàu phenol để bạn dễ dàng "đi chợ": Mexico, Brazil, Colombia, Ethiopia và cả Việt Nam nữa!

Bạn có thể xem thêm bảng xếp hạng chấm điểm cà phê tại đây. Coffee Review là một trong những trang tổng hợp đánh giá và phân tích về các loại cà phê uy tín nhất trên thế giới.

Terroir - hương vị từ trời, đất và mùa màng

Cũng như mọi loài thực vật khác, tác động từ môi trường, vùng trồng - thuật ngữ tiếng Pháp gọi là "terroir" - có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cà phê.

Những chủ nông trại cà phê giỏi nhất phải biết cách kiểm soát mọi thứ trong tầm tay, chẳng hạn như lựa chọn nơi gieo giống dựa trên thời gian và diện tích tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mật độ mây che phủ và hướng gió...

Do thành phần và tính axit của đất ảnh hưởng đến hương vị hạt cà phê, các sinh vật khác phát triển trong cùng môi trường vi mô cũng đóng góp vào đó.

Uống cà phê loại rang sẫm, bị kem và đường lấn át, đa phần người tiêu dùng không thể chỉ ra sự khác biệt giữa robustaarabica, giữa các phức hợp hương vị tinh tế, hay cảm nhận lợi ích cho sức khoẻ. Họ chỉ thấy đắng.

Cà phê có phải chất gây nghiện?

Mặc dù caffeine làm gia tăng dopamine, song vẫn chưa ở lượng đủ lớn để gây mất cân bằng cơ chế "dẫn truyền khoái cảm não bộ" (reward circuits) - một trong những điều kiện cần thiết để một chất bị liệt vào diện "gây nghiện". Vì vậy, về mặt khoa học, caffeine không phải chất gây nghiện.

Nhưng ở vị thế là chất hướng thần được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới, có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh việc tiêu thụ cà phê. Vô số nghiên cứu và thí nghiệm về cà phê đã được tiến hành. Nhưng cho tới nay, chưa có một thông tin chính xác nào công nhận việc thường xuyên tiêu thụ cà phê gây hại cho sức khoẻ về lâu dài.

Những biến đổi xấu chỉ xuất hiện khi một người có thói quen tiêu thụ cà phê dừng uống đột ngột. Khi đó, cơ thể sẽ có một số triệu chứng như: đau đầu, uể oải, khó chịu.

Cách xử lý vấn đề này rất đơn giản. Nếu muốn "nghỉ chơi" cà phê, bạn nên giảm liều lượng uống một cách từ từ, mỗi ngày. Với 6-12 ngày giảm dần liều lượng là bạn sẽ từ bỏ cà phê thành công mà không mệt mỏi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục