5 Cách thực hành chánh niệm bằng đôi tay

Để cân bằng nhịp sống hối hả, thiền định không phải là cách duy nhất dẫn ta tới chánh niệm.

Nickky Nguyen
Handy Mindfulness Featured Image

Nguồn: Unsplash

Trong nhịp sống bận rộn, chúng ta sẽ thường xuyên bị bủa vây bởi những suy nghĩ và lo âu từ gia đình hay công việc. Việc giữ cho tâm trí luôn tĩnh tại và cân bằng là một điều rất thiết yếu.

Tuy nhiên, thiền định không phải là cách duy nhất dẫn ta tới chánh niệm. Bạn luôn có thể tìm đến các hình thức vận động tinh (sử dụng mắt, bàn tay và các ngón tay) để cho mình một khoảng nghỉ trong ngày.

Dưới đây là 5 cách thực hành chánh niệm, giúp rèn luyện đôi tay và tĩnh tại tâm trí.

Giải puzzles: sudoku, xếp hình, giải rubik...

Puzzles (giải đố) không chỉ là trò chơi "bổ não", mà còn là một cách thực hành chánh niệm. Khi giải đố, não sẽ sản sinh dopamine, giúp kích thích suy nghĩ tích cực và lạc quan.

Các bài toán đố như xếp hình, sudoku hay điền ô chữ thường bao gồm những phần nhỏ yêu cầu chúng ta tập trung vào chi tiết. Để giải puzzle, ta cần dùng mắt để rà soát từng ý trong câu đố, hay màu sắc và đường cắt của từng mảnh ghép. Giải đố yêu cầu sự tập trung hoàn toàn tuyệt đối, giúp bạn tạm gác lại những mối lo xung quanh.

Nhưng bảng sudoku đơn giản nhất cũng cần suy luận để hoàn thành. Việc vận dụng não bộ để giải đố giúp tăng chỉ số IQ, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề và cải thiện trí nhớ. Hơn hết, việc giải đố trao cho ta cảm giác được kiểm soát, dù là với những thứ rất nhỏ, từ đó giảm căng thẳng rất nhiều.

Ban đầu, có thể bạn sẽ ngại trước những quy luật trông khó nhằn của việc giải đố. Nhưng hãy nhớ rằng, không có trò giải đố nào tồn tại mà không có lời giải. Việc của bạn chỉ là bình tĩnh, quan sát và suy luận ra câu trả lời. Hãy dành 15 đến 20 phút mỗi ngày để não vừa "tập thể dục" vừa thư giãn nhé!

Vẽ tranh hay tô màu

Dù không phải là một hoạ sĩ tài ba, vẽ tranh cũng đã được chứng minh là giúp giảm căng thẳng. Khi vẽ, não sẽ tập trung vào môi trường xung quanh, những gì đang diễn ra "ở đây, bây giờ". Trải nghiệm này cũng tương tự như thiền định, giúp đưa bạn vào trạng thái thoải mái và không bị chi phối bởi luồng suy nghĩ khác.

Ngoài ra, vẽ tranh kích thích cả hai bán cầu não hoạt động, giúp luyện tập tư duy chiến lược. Sự sáng tạo không giới hạn của hội hoạ cũng sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề theo những hướng cởi mở hơn.

Chỉ cần một cuốn sổ cùng cây bút chì hay hộp màu vẽ, bạn đã có thể tạo ra những tác phẩm hội hoạ của riêng mình. Nếu cảm thấy dụng cụ cồng kềnh, bạn cũng có thể tham khảo một số app vẽ tranh/tô màu như Autodesk Sketchbook, Ibis Paint X, hay Happy Colour.

May thêu

Nhịp sống hối hả đòi hỏi chúng ta phải trở thành những công dân đa tác vụ (multi-tasking). May thêu sẽ giúp chúng ta chậm lại, tập trung dùng mắt quan sát và dùng tay thao tác nhịp nhàng.

Trung bình mỗi ngày, chúng ta có 60.000 suy nghĩ, với 95% là suy nghĩ lặp đi lặp lại. May thêu sẽ giúp não thoát khỏi những suy nghĩ ấy và kích thích trí sáng tạo. Đồng thời, phương pháp này cũng sản sinh tế bào thần kinh mới và ngăn ngừa bệnh sa sút trí nhớ (dementia).

May thêu thủ công sẽ cần logic, sự cẩn thận và một trình tự khoa học. Nhưng khi hoàn thành, não sẽ sản sinh dopamine, giúp bạn cảm thấy chinh phục và thoả mãn. Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể tham khảo các hướng dẫn trên YouTube, hoặc mua các bản rập có sẵn để thực hành.

Origami

Origami là nghệ thuật gấp giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng phổ biến tại Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, “ori” nghĩa là gấp và “gami” nghĩa là giấy. Origami giúp luyện tập khả năng phối hợp giữa mắt và tay, tăng sự tập trung, ghi nhớ và kích thích trí tưởng tượng liên quan đến hình học 3D.

Hơn hết, sự hoàn hảo của origami lại khuyến khích chúng ta tập buông bỏ, chấp nhận thực tại và không phán xét. Samuel Tsang, tác giả cuốn The Book of Mindful Origami đã nói: "Dù đã gấp cả trăm ngàn lần, những chú hạt giấy của tôi cũng không thể hoàn hảo. Đó là vì chúng ta là con người chứ không phải máy móc; chúng ta không thể gấp chính xác đến độ tuyệt đối như vậy."

Dù là lúc nào hay ở bất kỳ đâu, chỉ cần một mẫu giấy là bạn đã đã có thể thực hành origami. Những mẫu phức tạp hơn có thể mất từ hàng giờ đến hàng tháng. Nhưng để thư giãn sau những giờ căng thẳng, bạn chỉ cần vài phút để tạo ra một chú hạc, một chiếc máy bay hay một chiếc thuyền!

Viết nhật ký

Trong thời đại công nghệ phát triển tính bằng giây, viết nhật ký nghe có vẻ lỗi thời. Nhưng việc đặt bút lên giấy và ghi chép bằng tay luôn được cho là cách chữa lành tâm lý hữu hiệu.

Viết nhật ký không chỉ giúp ta rũ bỏ hết cảm xúc tiêu cực trong ngày, mà còn sắp xếp cảm xúc một cách lành mạnh. Mỗi suy nghĩ, cảm xúc được viết ra sẽ giúp ta phản ánh bản thân rõ ràng hơn. Từ đó, ta sẽ tập được cách chiêm nghiệm và nhìn nhận vấn đề từ bên trong, và giải quyết chúng một cách triệt để.

Một khi đã biết đâu là điều làm mình hạnh phúc hay đau buồn, ta sẽ có thể giải quyết các vấn đề tưởng chừng nan giải nhất. Hãy dành ra ít phút để ghi lại những điều khiến bạn vui hoặc buồn trong ngày, những cảm xúc của bạn ở khoảnh khắc hiện tại, hay đơn giản là những gì bạn biết ơn trong cuộc sống.

Kết

Thực hành chánh niệm trong cuộc sống bộn bề là không khó. Nhân vật Ferris Bueller trong phim Ferris Bueller's Day Off đã nói: “Cuộc sống vốn dĩ rất nhanh. Nếu không dừng lại và ngắm nhìn xung quanh một lần. Bạn có thể sẽ bỏ lỡ nó.”

Nếu biết cách áp dụng các phương pháp chánh niệm khác nhau, bạn sẽ có thể cân bằng chính mình, với ý niệm tĩnh tại trong từng giây phút.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục