5 Thực phẩm lành mạnh của năm 2020 và tương lai

Vietcetera đã chọn ra 5 healthy food phù hợp với đời sống người Việt.

Lê Lang
5 xu hướng thực phẩm lành mạnh của năm 2020 và tương lai

Nguồn: Unsplash

Không chỉ vì dịch bệnh COVID-19, lượt tìm kiếm trên Google của từ khóa “thực phẩm lành mạnh” (healthy foods) vốn luôn giữ mức tăng liên tục trong hơn 10 năm nay. Việt Nam trong những năm gần đây đã không còn là thị trường ngoại lệ. 

Báo cáo của European Cluster Collaboration Platform (ECCP) cho biết các thực phẩm là xu hướng trong năm 2020 và dự đoán sẽ tiếp tục phổ biến hậu COVID-19 được phân loại theo các danh mục sau: 

  • Có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và tiêu hoá. 
  • Những nguyên liệu mới sẽ được thêm vào các sản phẩm hằng ngày.  
  • Cân bằng giữa lành mạnh và sở thích. 
  • Các thực phẩm thay thế có nguồn gốc tự nhiên (chủ yếu là thực vật). 

Từ những ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng cung cấp cho trang Everyday Health, Vietcetera đã chọn ra 5 thực phẩm phù hợp với đời sống người Việt.  

Kombucha

Đường ruột chiếm vai trò trọng yếu đến sức khỏe con người. Vì 80% tế bào miễn dịch trong cơ thể nằm ở ruột.

Cho nên, các thực phẩm giàu men vi sinh (probiotics), những vi khuẩn sống có lợi cho đường ruột, hiện đang nằm trong danh mục thực phẩm được ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng toàn cầu.

Nhu cầu này đặc biệt cao hơn trong thời điểm hiện tại. Bởi probiotics có khả năng phòng ngừa các bệnh về nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm mắc cúm do virus. 

Kombucha là cái tên đang nổi. Có nguồn gốc từ hơn 2000 năm trước ở vùng Viễn Đông với tên gọi ‘trà bất tử’, kombucha là một loại thức uống được lên men từ trà, đường và con giống scoby. 

Kombucha góp phần bảo vệ hệ tiêu hoá, tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó nó hỗ trợ mang lại những lợi ích như thanh lọc, kiểm soát cân nặng… 

Thị trường Kombucha được ước tính trị giá 1.8 tỉ Đô la Mỹ trong năm 2020. Các ông lớn như Coca-Cola PepsiCo cũng không bỏ qua xu hướng này.

Trước đây, vì chưa có mặt tại Việt Nam nên mọi người chấp nhận chi trả số tiền khá cao cho các sản phẩm nhập khẩu hay không yên tâm về chất lượng khi ‘tập tành’ tự làm tại nhà.

Hiện nay, Star Kombucha — thương hiệu Kombucha đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận FDA Hoa Kỳ — ra đời đã giải quyết được sự bất tiện này với chi phí hợp túi tiền. 

Các thực phẩm làm từ thực vật (Plant-based)

Xu hướng cắt giảm thịt trong khẩu phần ăn hay ‘ăn chay trường’ vốn là một trong những thói quen sống thân thiện hơn với môi trường và tốt cho sức khoẻ. Nó được dự đoán là sẽ không “lỗi thời” sớm. 

Chuyên gia dinh dưỡng Tara Collingwood cho biết: “Thực phẩm plant-based là xu hướng lớn nhất từ trước đến nay tôi chứng kiến." 

Thực phẩm plant-based được người tiêu dùng ưa chuộng hơn vì chúng có ít các loại protein dễ gây dị ứng trong thực phẩm truyền thống (sữa, hải sản,…) và chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ.

Các thực phẩm này còn chứa dưỡng chất thực vật (phytonutrients) mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ.

Thậm chí, thịt có nguồn gốc thực vật (plant-based meat) đang dần trở thành sản phẩm đại trà. Loại thực phẩm này được coi là điểm sáng trong quá trình giải quyết vấn đề thực phẩm của con người trong tương lai.

Các sản phẩm làm từ yến mạch

Yến mạch từ lâu vẫn là một trong những xu hướng thực phẩm nổi bật nhất tại nhiều nước, đặc biệt là Mỹ. Ở Việt Nam, yến mạch được ưa chuộng bởi nó là thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ, sở hữu lượng đường thấp và có tác dụng chống oxy hoá. 

Yến mạch có thể thay thế sữa hoặc sữa đậu nành cho những ai dị ứng. Nó chứa một nửa lượng protein từ đậu nành hoặc sữa bò.

Tuy nhiên với những người bị dị ứng gluten cần chú ý kỹ không phải sản phẩm yến mạch nào cũng hoàn toàn gluten-free . Quá trình trồng trọt và xử lý khác nhau quyết định thành phần gluten có trong sản phẩm yến mạch.

Rong biển

Chuyên gia phân tích F&B Darren Seifer chia sẻ với tờ HuffPost rằng rong biển sẽ là "nhân tố" triển vọng trong thời gian sắp tới.

Rong biển là một siêu thực phẩm dồi dào chất xơ, vitamin và có khả năng chống oxy hóa tốt. Rong biển còn hỗ trợ sức khoẻ đường ruột và chức năng của tuyến giáp khi có chứa hàm lượng iốt và tyrosine.

Rong biển là một trong những nguyên liệu ‘bền vững’. Quá trình canh tác rong biển không những không tiêu hao tài nguyên mà còn góp phần hấp thụ khí CO2.

Thực phẩm không chứa lactose (lactose-free)

Không dung nạp lactose là cơ thể không thể tiêu hóa hoàn toàn đường lactose trong sữa (sữa bò, sữa mẹ) do thiếu enzyme lactase.

Các triệu chứng thông thường của không dung nạp lactose gồm có: đau bụng, sình bụng, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn.... Các triệu chứng này thường bắt đầu khoảng 30 phút đến 2 tiếng sau khi uống hoặc ăn các thức ăn có chứa lactose. 

Việt Nam là đất nước có phần trăm người không dung nạp lactose cao. Chưa hết, quá trình tuổi tác cũng gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ lactose trong sữa gây đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và ợ hơi.

Các thương hiệu lớn trong và ngoài nước như Vinamilk, TH True Milk, Abbott… đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng nhiều năm qua. Ngày nay, các mặt hàng khác như bánh kẹo, thịt hộp lactose-free cũng dần xuất hiện.

Kết

Tuy ở trên là 5 cái tên được nhiều chuyên gia đánh giá là những thực phẩm hỗ trợ cho lối sống lành mạnh nổi bật trong thời gian qua, nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là ý thức gìn giữ và trao dồi sức khoẻ của mỗi người. Thực phẩm chỉ là nhân tố bổ trợ nằm trong chuỗi kế hoạch bao gồm từ ăn uống, rèn luyện thể chất, tinh thần và sinh hoạt.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục