Autopilot: Bạn có đang sống ở chế độ “không người lái”?
Bạn bận rộn cả ngày với trăm công nghìn việc. Nhưng tối về, bạn vẫn gác đầu lên gối ngẩn ngơ không nhớ mình đã làm những gì. Hoặc nguy hiểm hơn, bạn đang lái xe nhưng trong một khoảnh khắc, bạn bỗng quên mất mình đang cầm lái.
Trạng thái “rớt não” này có thể diễn ra thường xuyên đến mức bạn quên mất mình đang “sống”. Nhưng thực tế thì não bạn không rớt, mà chỉ đang hoạt động ở chế độ tự lái (autopilot).
Chế độ tự lái là gì?
Đây vốn là một hệ thống phần mềm có thể tự vận hành máy bay trong những điều kiện nhất định. Nó có thể định vị và giữ cho chiếc máy bay di chuyển ở một tốc độ và độ cao nhất định.
Tuy nhiên trong tâm lý học, autopilot là trạng thái sống trong vô thức, mất cảm nhận về những gì đang diễn ra. Cơ thể bạn vẫn hoạt động một cách hệ thống, nhưng tâm trí thì đã “ngoài vùng phủ sóng”. Đây là trạng thái ngược với chánh niệm - những hành động có ý thức ở hiện tại.
Não bộ vận hành chế độ này thế nào?
Theo nhà tâm lý học Daniel Kahneman chia sẻ trong sách Tư Duy Nhanh Và Chậm, con người có hai hệ thống suy nghĩ. Hệ thống 1 là những suy nghĩ tự động, nhanh chóng và vô thức được hình thành từ bản năng và kinh nghiệm. Hệ thống 2 là lối suy nghĩ chậm, đòi hỏi sự chú tâm, nỗ lực và tư duy logic.
Não ta lười biếng nên thường thích hệ thống 1. Khi thực hiện những hành động ít “động não”, não bộ sẽ chuyển sang “mạng trạng thái nghỉ” (resting-state network) hoặc “mạng chế độ mặc định” (default-mode network). Những vùng não này do các đường dẫn truyền thần kinh hình thành từ thói quen kích hoạt.
Chẳng hạn bạn ngủ dậy, đánh răng, ăn sáng không phải vì bạn đủ tỉnh táo để quyết định làm chúng mà vì đó là những việc bạn vẫn làm. Đây là cơ chế tiến hóa giúp con người tiết kiệm năng lượng cho những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Điều này tương tự chế độ tự lái trên máy bay. Phi công cần nghỉ ngơi để tập trung hơn vào những giai đoạn rủi ro cao như cất cánh và hạ cánh. Khi họ rời ghế lái cũng là lúc họ trao quyền điều khiển cho hệ thống lái tự động. Nó sẽ tự biết đi đâu và làm gì.
Tuy nhiên trong một số trường hợp (như bị burnout hoặc chấn thương tâm lý), chế độ tự lái có thể vượt quá giới hạn và trở thành trạng thái toàn thời gian. Khi đó, con người sẽ sống một cách vô định trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng liên tiếp. Họ sống ở đâu đó nhiều hơn ở hiện tại, và sinh hoạt theo kiểu lập trình chứ không có mong muốn cụ thể.
Các biểu hiện của chế độ tự lái
Cảm giác như đang “tồn tại” hơn là “sống”
Khi ở trong chế độ tự lái, bạn sẽ lặp đi lặp lại những thói quen cố hữu. Dù chán ngán công việc hiện tại, bạn thà “lết” qua nó 8 tiếng mỗi ngày chứ không đi tìm việc mới. Do mang tư duy cố định (fixed mindset), bạn muốn giữ lấy những gì quen thuộc và bỏ qua nhiều cơ hội thử thách, đổi mới cho bản thân.
Bạn phản ứng bị động với cuộc đời thay vì chủ động lên kế hoạch cho nó. Chẳng hạn khi bị khách hàng than phiền, bạn mới lao vào tìm xem bài viết có vấn đề gì. Nếu chủ động kiểm tra từ trước đó, bạn có thể đã phát hiện ra nó sớm hơn.
Hoạt động trong vô thức, phi chánh niệm
Như khi bạn đang lái xe chợt quên mất mình đang cầm lái, có những khoảnh khắc cơ thể ở thực tại nhưng đầu óc thì “trên mây". Đây gọi là trạng thái “zone out”, thường xảy ra ở những thói quen hằng ngày như ăn uống, tắm rửa và mặc quần áo.
Lúc này, các vùng não duy trì khả năng tập trung đã “tạm nghỉ” nên bạn có thể mặc trái áo, chấm nem rán vào nước canh mà không hề hay biết. Sống chánh niệm là lắng nghe những gì cơ thể chúng ta thực sự muốn hoặc cần. Khi không ở hiện tại, bạn dễ mất cảnh giác với những cảm xúc bất ổn của bản thân, khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Làm việc “răm rắp” như một cái máy
Theo một khảo sát của Đại học Colby (Mỹ), con người để não bộ “tự lái” trung bình 4 giờ mỗi ngày. Nếu cộng dồn lại, chúng ta dành xấp xỉ 10 năm cuộc đời làm việc như một cái máy được “lập trình” sẵn, chứ không thực sự để tâm vào những gì ta làm.
Thói quen và lịch trình có điểm mạnh là giúp ta làm việc trơn tru và hiệu quả hơn. Nhưng nó cũng khiến bạn làm việc một cách cứng nhắc và thiếu sáng tạo. Hệ quả là bạn chỉ “dậm chân tại chỗ” với những thứ đã biết, mà không tìm kiếm những trải nghiệm mới để tiến xa hơn.
Cảm xúc bị tê liệt hoặc quá tải
Những biến cố như tai nạn hay bạo lực thường tấn công ta với nhiều thông tin gây sốc, cảm xúc tiêu cực và căng thẳng. Khi đó, hệ viền não bộ (limbic system) - nơi điều tiết cảm xúc, hành vi và trí nhớ - sẽ bị quá tải và không kịp hồi phục. Điều này dẫn đến hiện tượng cảm xúc tê liệt, khiến bạn mất kết nối với hiện tại và giảm hứng thú với cuộc sống.
Chế độ tự lái cho phép ta trốn tránh khỏi thực tại đau lòng (escapism). Khi tâm trí lang thang, những khó chịu và tổn thương ở hiện tại cũng biến mất. Đây là cơ chế đối phó của não bộ để bảo vệ ta khỏi những hiểm nguy.
Không nhớ được chi tiết các việc trong ngày
Nếu đến cuối ngày, bạn chỉ nhớ mang máng mình có đi đâu đó, mình làm gì đó ở văn phòng, mình đã gặp ai đó thì chứng tỏ chế độ tự lái đang “sáng đèn”. Lý do là bạn đã trao quyền kiểm soát thói quen cho chức năng tự động của não. Các thông tin chi tiết bị “phủi” để tâm trí bạn được thảnh thơi, hoặc đủ sức tập trung vào những đầu việc lớn hơn.
Điều này đồng nghĩa bạn có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc chứa cơ hội, niềm vui và những kết nối giá trị. Cuối cùng, ký ức một ngày chỉ là những gạch đầu dòng, không có gì đặc biệt.
Không biết đặt ra giới hạn và bỏ quên bản thân
Trong sách Stop Living on Autopilot: Take Responsibility for Your Life and Rediscover a Bolder, Happier You, tác giả Antonio Neves cho rằng, chúng ta đang mặc những “bộ đồng phục” để hoà vào đám đông. Điều này có nghĩa chúng ta nhận thức nhiều về người khác, nhưng lại vô thức với chính mình.
Bạn luôn biết người khác muốn gì và sẵn sàng phục vụ theo ý muốn của họ. Bạn nghe theo kỳ vọng của bố mẹ vì không nỡ làm họ phật lòng. Người yêu bảo gì thì bạn làm nấy để giữ mối quan hệ “sóng yên biển lặng”. Nhưng bạn quên mất rằng, chính bạn cũng đang cần được quan tâm và chăm sóc.
Làm sao để “tắt” chế độ tự động và quay về “buồng lái”?
Thức tỉnh về những gì mình làm
Trước khi đưa ra một quyết định, bạn có thể tự đặt những câu hỏi giúp “đánh thức” bản thân:
- Bạn đang sống như bạn muốn hay đang để cho “nước chảy thì bèo trôi”?
- Bạn đang xem các phim bạn thích, ăn đồ ăn bạn muốn hay đang để app gợi ý cho bạn?
- Những yếu tố gì ảnh hưởng đến các quyết định của bạn?
Việc này không những giúp bạn để ý hơn vào những gì mình làm, mà còn ngăn chặn bạn tiêu thêm tiền vào những hạng mục không cần thiết. Chẳng hạn khi gọi đồ ăn, nếu để app gợi ý mặc định, nó có thể hướng bạn vào những lựa chọn có mức giá và định lượng cao hơn nhu cầu thực sự của bạn.
Xác định điểm đến và phương hướng
Mục tiêu có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng giá trị cá nhân thì sẽ theo bạn cả đời. Vì vậy bạn có thể coi mục tiêu như điểm đến, còn giá trị là bộ quy tắc giúp bạn không lái chiếc máy bay cuộc đời mình chệch hướng.
Bạn có thể lập bảng mục tiêu để nhắc nhở bản thân phấn đấu. Ngoài ra, bạn nên tham khảo một số câu hỏi để xác định hệ giá trị phù hợp nhất với mình.
Tối ưu hóa chế độ tự lái
Não bộ vốn thích chế độ tự lái. Nhưng thay vì để nó lái ta theo hướng vô định, ta có thể tối ưu hóa cơ chế của nó để phục vụ các mục tiêu trong đời.
Việc luyện tập thói quen tốt chính là một ví dụ như vậy. Chẳng hạn nếu ngày nào bạn cũng tập thể dục, nó sẽ trở thành bản năng. Bạn không chỉ đạt số cân nặng mong muốn (mục tiêu), mà còn tìm ra cách giúp bạn sống khỏe mỗi ngày (giá trị).
Để bắt đầu, bạn có thể tham khảo 6 thói quen kép xứng đáng để bạn đầu tư nhất.
Thỉnh thoảng đối chiếu để kiểm tra vấn đề
Các phi công luôn có cẩm nang hướng dẫn các quy trình an toàn trong buồng lái. Khi cảm thấy có vấn đề, họ có thể mở ra đối chiếu. Bạn cũng có thể tạo cho mình một cuốn cẩm nang bằng cách dành ra những khoảng nghỉ khi cần, và nhìn lại xem có vấn đề gì đang xảy ra hay không:
- Bạn có thấy hứng thú với những gì bạn đang làm? Nếu không, thì nguyên nhân là gì?
- Bạn có đang tập trung không? Nếu không, thì điều gì đã khiến bạn phân tâm?
Việc phát hiện vấn đề kịp thời sẽ giúp bạn nhanh chóng xử lý và không để chúng đi quá xa. Và để làm được điều này, ta cần sống chậm lại một chút để tâm trí được thư thả.
Ra khỏi vùng an toàn
Một cái bẫy của chế độ tự lái là sự nhàm chán và lặp lại. Để làm mới bản thân và nâng cao kỹ năng cầm lái cuộc đời, thi thoảng bạn nên đổi “đường bay” hoặc thử lái một chiếc “máy bay” khác. Đây là một số cách giúp bạn làm điều đó:
- Đi một con đường mới đến trường học/chỗ làm.
- Ăn một món mới, đến một tỉnh thành/đất nước mới.
- Đổi phương pháp học nếu không còn hiệu quả.
- Nghỉ việc nếu thấy không còn phù hợp.
- Loại bỏ những mối quan hệ độc hại trong cuộc sống.
Chính trong những khoảnh khắc “khác thường” này, bạn phải tập trung cao độ để định hướng, cảm nhận và trải nghiệm sự khác biệt mà nó đem lại. Bạn sẽ nhận ra hiện tại rồi cũng trở thành quá khứ, từ đó biết cách cảm nhận và sống trong hiện tại nhiều hơn.