Nguyễn Phi Vân: Bỏ cái tôi xuống để trở nên vĩ đại hơn
Nếu không có Covid-19, có lẽ rất khó để có một lịch hẹn với chị- người phụ nữ một tháng bay suốt 25 ngày. Vừa kịp chị ra mắt cuốn sách mới nhất, cũng là tác phẩm đầu tiên mà một người viết hợp tác với một AI - trí tuệ nhân tạo.
Điều chị “bỏ” đầu tiên trong cuộc đời?
Bỏ ego - cái tôi.
Cuộc đời mình nếu tạm gọi là thành công, thì chìa khoá cho điều đó, là bỏ đi cái tôi. Hồi còn trẻ, Phi Vân thấy mình đúng là “trẻ trâu”: điểm cao, thủ khoa đại học, trôi chảy tiếng Anh… những thành tựu quá nhỏ nhưng lại nghĩ là lớn, là ghê gớm. Vì thế mình khá kiêu ngạo, viển vông và ảo tưởng, không khác gì mấy với những bạn trẻ bây giờ.
Mình liên tục đưa ra những quyết định sai lầm, vì cái tôi, vì coi thường người khác, vì mình nghĩ mình thành công việc này cũng sẽ thành công tất cả. Và vì thế, mình tự đóng lại những cánh cửa ra những phương trời xa và rộng hơn.
Những người hướng dẫn - mentor – là những người có tầm nhìn và trí tuệ rất cao, họ chưa xuất hiện đâu mà đứng đâu đó trong bóng tối quan sát. Mentor sẽ không chấp nhận những đứa trẻ con viển vông, ảo tưởng tưởng mình giỏi, tưởng mình hay. Họ sẽ không bao giờ nhận lời để hướng dẫn bạn!
Phi Vân may mắn gặp những người thầy trên hành trình của mình, nói những lời như xát muối vào vết thương, ê mày chẳng là cái gì cả, mày chỉ như con ếch ngồi đáy giếng rồi coi trời bằng vung. Gặp được họ thật là cái phúc lớn trong đời.
Nên mình muốn chia sẻ để với tất cả mọi người là: cái tôi của bạn ngày hôm nay là gì không biết. Sự ngạo mạn của bạn là gì ngày hôm nay tôi không quan tâm. Nhưng nếu hôm nay bạn chịu bỏ cái tôi của mình xuống, thì chắc chắn bạn sẽ được hướng dẫn trở thành người vĩ đại hơn trong tương lai.
Chữ “bỏ” tiếp theo là chị bỏ việc ở Việt Nam để đi học ở Úc?
Thật ra đi du học, cái mình học trong trường đại học nó không có đáng gì hết. Các bạn đừng nghĩ trường này trường kia là khủng khiếp. Không phải, mình không học từ đó!
Mình học là học trải nghiệm phải tự lập, phải chịu trách nhiệm về bản thân, phải hội nhập với thế giới mới, phải xử lý những vấn đề mà trước đây bạn chưa từng xử lý. Ví dụ khi có người đến và nói: “Mày là người Việt Nam hả? Tao không ưa!”
Thì bạn xử lý làm sao?
Trải nghiệm này quý giá hàng vạn lần khi bạn đi du học. Mình thấy mọi người hay vin vào việc mình học trường gì, đọc cuốn sách gì... nhiều quá, mà quên mất cuộc đời sẽ dạy cho mình nhiều hơn. Nếu mình biết học!
Có một chữ bỏ mà chị thường ít nhắc đến trong các bài phỏng vấn của mình: Việc bỏ liên quan đến tình cảm?
Trong cuốn “Tôi đi tìm tôi”, Phi Vân có tâm sự với bạn đọc rằng mình đã ly dị chồng. Ở tuổi này mình ít nghĩ về tình yêu như một sự đam mê đôi lứa nữa.
Hạnh phúc là gì? Với mình là làm được những thứ mình muốn làm. Nghĩ được những thứ mình muốn nghĩ.
Nếu đó là lấy chồng, hãy lấy chồng. Nếu là sinh con, hãy sinh con. Nếu là sống một mình, hãy sống một mình. Không có một khuôn khổ nào cho sự hạnh phúc. Chuẩn xã hội là do con người đặt ra thôi. Làm gì có chuyện phải thế này phải thế kia mới là hạnh phúc?
Hãy sống cuộc đời mình mong muốn.
Thế chị có yêu nhiều trong cuộc sống của mình không?
Ngày xưa mình yêu rất dữ rồi.
Ở thời điểm này, mình chọn một cách: Nếu bạn có thể cùng một người, ngồi xuống ngắm hoàng hôn mà không phải nói gì cả, thì đấy là người yêu của bạn!
Khi nhìn vào chị, chị đã “được” nhiều cái lắm rồi. Có gì chị còn chưa được cho bản thân mình?
Thực ra Phi Vân sống một cuộc đời rất là “extreme”, hoặc rất ồn ào hoặc rất yên tĩnh. Khi sống trong một cuộc sống ồn ào lại càng thèm sự yên tĩnh, để mình có thể trở ra.
Cách đây khoảng 7, 8 năm Phi Vân có ý định lui về nghỉ hưu và ở ẩn vài năm, chuẩn bị chỗ xong hết rồi, trên một vùng núi ở Chiangmai, Thái Lan.
Cơ sở vật chất xong hết, khi mình về Việt Nam gặp bạn bè, thì họ nói, “Làm sao mà bạn lại chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ rằng mình đã được quá nhiều rồi, đã đến lúc giúp người khác?!”
Đó là lý do Phi Vân vẫn ở đây, có cuộc trò chuyện này.
Viết cùng trí tuệ nhân tạo khác việc viết với một tác giả như thế nào?
Rất là khác, ở cảm xúc.
Phi Vân là người đầu tiên đặt vấn đề này ra ở Việt Nam. Khi bắt đầu thì vừa rất hứng thú, vừa rất là sợ. Không biết AI đó sẽ viết cái gì? Rồi cái AI viết ra có xài được không? Rất sợ và không hiểu chuyện gì có thể xảy ra.
Phi Vân nhớ một buổi chiều tháng 12 năm 2019, Phi Vân còn ngồi ở Mỹ, các bạn trẻ gửi cho mình cái link, “Chị xem “bạn” viết đây!”. Mình ngồi nhìn cái link rất lâu, không biết có nên bấm vào hay không. Hồi hộp đến như thế!
Rồi thấy AI viết - “bạn” cũng suy nghĩ dữ lắm, chứ không viết liên tục.
Mình cứ thế ngồi trước màn hình mình nhìn “bạn” viết, liên tục thốt lên: “Hở?” “Wow”, “Câu kệ cũng được ghê ta?” Đúng ngữ pháp, đúng giọng văn. “Viết giống mình ghê ta?”- vì trước đó “bạn” AI này đã được nạp vào hết những cuốn sách đã xuất bản của Phi Vân.
Nhớ lại lúc đó, Phi Vân vẫn còn cảm giác kinh ngạc, vì mình nghe chuyện này trên thế giới không thiếu. Mình cũng thấy những tác phẩm AI cộng tác với người rất nhiều rồi. Nhưng nhìn thấy trước mặt thì không tưởng tượng được.
Mọi người đừng nghĩ nó quá xa xôi. Nó ở ngay trước ngõ nhà mình. Nếu mình không bắt đầu từ hôm nay, thì có lẽ cũng... hơi muộn rồi.
Khi nhắc đến AI, nhiều người theo trường phái bi quan - rằng robot sẽ huỷ diệt thế giới và chúng ta không tránh được viễn cảnh này. Còn chị là theo trường phái tích cực?
Mình theo trường phái công bằng. Vì mình nói chuyện nhiều với các bạn làm core-tech, đọc sách rất nhiều về tech, nên mình biết rằng tất cả đều là do con người tạo ra. Những dòng code đó được viết ra bởi một ai đó ngồi sau máy tính.
Nếu những creator hiểu chuyện thì tốt cho nhân loại, nếu không hiểu thì sẽ vô cùng khủng khiếp. Nhưng nó nằm ngoài ra câu chuyện của tech. Nếu người có mục đích xấu, thì không có AI sẽ có những thứ khác, như virus, như vũ khí sinh học...
Vì thế Phi Vân không nghĩ về chuyện tốt, xấu, chỉ nghĩ là “Nó hay mà”. Chỉ là người sử dụng nó có thông thái không?
Có giả thuyết con người sẽ tiến hoá từ Homo Sapiens thành Homo Deus, nửa người nửa máy? Tác phẩm vừa rồi của chị chính là tổ hợp người-máy. Đó có phải sự lựa chọn duy nhất?
Đó là một sự lựa chọn, chứ không phải sự lựa chọn duy nhất.
Những người protech, những người thích cái mới, họ sẽ luôn đi tìm sự siêu việt, cho dù mình phải biến thành cyborg.
Câu chuyện Neural Link của Elon Musk là một ví dụ, nếu mở hệ thống đó ra thì sẽ có người muốn thử liền.
Nhưng cũng có những người nói là ghê quá ghê quá, cắm cái gì vào người là không tự nhiên rồi.
Sẽ có những người không biết nên nghĩ gì, cứ đứng đó chờ coi.
Những lựa chọn đó tuỳ thuộc vào con người, ai thấy hạnh phúc với điều gì nhất thì làm.
Vẫn là quay lại câu hỏi: Mình làm chuyện đó để làm gì? Ý định đằng sau một việc muốn làm, quan trọng hơn thực chất của việc làm đó!