Cùng Bùi Công Khánh nhìn lại chặng đường của nghệ thuật đương đại Việt Nam
Bùi Công Khánh là một tên tuổi lớn của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Vào năm 2016, anh cho ra đời tác phẩm “Lạc chốn” xoay quanh chủ đề nhập cư và bản sắc cá nhân ở quê nhà Hội An. Gần đây, anh thành lập Cá Gỗ Studio để kết nối và ủng hộ cộng đồng yêu nghệ thuật ở Hội An.
Bùi Công Khánh được thế giới biết đến như là một trong những người tiên phong trong trường phái nghệ thuật ý niệm tại Việt Nam. Anh thành danh với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn truyền tải những giá trị liên quan đến chủ đề gia đình, quan niệm xã hội và sự di cư. Năm 2016, anh trình làng “Lạc chốn“- triển lãm cá nhân lớn nhất từ trước đến nay của anh, tái hiện lại những kiến trúc gỗ truyền thống được chạm khắc theo lối nghệ thuật đương đại.
Phòng triển lãm 10 Chancery Lane của Hồng Kông từng vinh danh anh là “một trong những nghệ sĩ trẻ triển vọng của Việt Nam”. Và tác phẩm của anh thì được trưng bày rộng khắp thế giới, từ các bảo tàng nghệ thuật ở Việt Nam đến các nước như Campuchia, Thái Lan, Pháp, Mỹ và đặc biệt là The Singapore Bienale 2016, một trong những triển lãm nghệ thuật thị giác đương đại thú vị nhất châu Á.
Chúng tôi đã gặp Khánh tại Cá Gỗ Studio của anh giữa lòng phố cổ Hội An để nghe anh chia sẻ về những tác phẩm cũng như khuynh hướng phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Bùi Công Khánh, một trong những nghệ sĩ Việt Nam tiên phong trong tường phái nghệ thuật ý niệm tại Việt Nam, đang sáng tạo trong không gian nghệ thuật công đồng Cá Gỗ Studio.Nghệ sĩ nào đã truyền cảm hứng để anh theo đuổi sự nghiệp sáng tạo của mình?
Tôi ngưỡng mộ Van Gogh và Lucian Freaud đến mức theo đuổi nghiệp vẽ tranh sơn dầu trong suốt quãng thời gian đại học và kể cả sau khi đã tốt nghiệp vào năm 1998. Sau đó, tôi chuyển hướng sang nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, một phần là do được truyền cảm hứng bởi Joseph Beuys, một nghệ sĩ liều lĩnh người Đức nổi tiếng với hàng loạt các tác phẩm liên quan đến chính trị và văn hóa. Tuy nhiên, niềm đam mê với tranh sơn dầu của tôi thì vẫn luôn còn đó.
Trước đây, điều gì đã khuyến khích anh chuyển đến sinh sống và làm việc tại Sài Gòn trong một thời gian dài?
Tôi đến Sài Gòn lần đầu là khi nhập học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003. Tại thời điểm ấy, nhiều phòng triển lãm ở Sài Gòn đã bắt đầu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, ví dụ như Sàn Art và Galerie Quỳnh. Đó là nơi tôi và các bạn thường tìm đến để tìm nguồn cảm hứng. Sau khi tốt nghiệp, tuy trở về Hội An sinh sống cùng bố mẹ nhưng tôi không thể ngừng nghĩ đến cộng đồng nghệ sĩ Sài Gòn – những người có cùng đam mê và chí hướng mà tôi không tài nào tìm thấy ở Hội An. Thế là tôi quyết định khăn gói vào Sài Gòn một lần nữa, để được gặp bạn bè, và để được hòa nhập vào cộng đồng nghệ thuật đang phát triển ở đó.
Bản phát thảo tác phẩm gần đây tron sổ tay của anh. “Lúc tôi mới bắt đầu sáng tác nghệ thuật, các phòng triển lãm chủ yếu chỉ trưng bày tranh vẽ và điêu khắc truyền thống”Đến tận hôm nay, cùng với những phòng trưng bày danh tiếng và những làn sóng nghệ thuật đang lên, Sài Gòn vẫn là nơi mà nghệ thuật cháy mạnh mẽ nhất – “vùng đất hứa” để những người trẻ đam mê nghệ thuật có thể tiếp cận và trao đổi quan điểm với các nghệ sĩ quốc tế.
Tại Việt Nam, làn sóng nghệ thuật đương đại đã và đang phát triển theo hướng như thế nào?
Lúc tôi mới bắt đầu sáng tác nghệ thuật, các phòng triển lãm chủ yếu chỉ trưng bày tranh vẽ và điêu khắc truyền thống. Mãi đến những năm 2000, những không gian triển lãm thế hệ mới bắt đầu xuất hiện, đa số được vận hành bởi những người đã từng sinh sống và trải nghiệm tại nước ngoài. Trong đó có Blue Space Gallery là nhiệt tình ủng hộ các nghệ sĩ trẻ cũng như giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật trình diễn và sắp đặt một cách bài bản. Đây là một sự khác biệt rõ rệt với những loại hình nghệ thuật mà người Việt biết đến trước đó.
Nghệ sĩ Bùi Công Khánh mở đường cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ, “ngày nay, người trẻ may mắn có nhiều cơ hội du học bài bản và tham dự các triển lãm tại nước ngoài, những cơ hội này mang lại cho họ những kinh nghiệm quý giá.”Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi phần lớn đều học tập trong nước, chỉ quen với những hình thức nghệ thuật truyền thống điển hình như tranh sơn dầu và ít có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật đương đại thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tự mình khám phá và học hỏi từ những nghệ sĩ Việt kiều và nước ngoài. Ngày nay, người trẻ may mắn có nhiều cơ hội du học bài bản và tham dự các triển lãm tại nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm về cách trưng bày và tổ chức các buổi triển lãm chuyên nghiệp, đặc biệt là tại Paris và New York.
Năm ngoái, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên đã là người đầu tiên được cấp giấy phép để trưng bày các tác phẩm ảnh khỏa thân. Anh có nghĩ rằng những chủ đề nghệ thuật nhạy cảm ngày càng được đón nhận một cách rộng rãi hơn không?
So với 10 hay 15 năm trước, đúng là mọi người đã dần có cái nhìn thoáng hơn về chủ đề nghệ thuật này. Tuy nhiên, cái khó của người theo đuổi nghệ thuật nhạy cảm là làm sao để truyền tải những thông điệp táo bạo một cách gián tiếp và tinh tế. Đồng thời, người nghệ sĩ cũng phải khéo léo trong việc giải thích ý nghĩa, giá trị nghệ thuật trong việc những tác phẩm của mình cho thanh tra giám định nghệ thuật.
Những yếu tố nào đang định hình nghệ thuật đương đại Việt Nam?
Theo tôi, nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn định hình phong cách và dấu ấn riêng. Phần lớn các tác phẩm đương đại đều phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội, và những thay đổi nhanh chóng từ sau thời kỳ đổi mới. Phong cách này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực, hứa hẹn sẽ trở thành nét đặc trưng riêng của nền nghệ thuật đương đại Đông Nam Á.
Tôi tin chắc rằng chỉ trong vòng 10 năm nửa, phong cách nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ được định hình. Tôi, với tư cách là một nghệ sĩ thế hệ đi trước rất sẵn lòng để giúp đỡ những thế hệ tiếp theo trong chặng đường dài sắp tới. Với sự nhiệt huyết và niềm đam mê sẵn có của các bạn, tôi có thể giúp các bạn kết nối với các phòng trưng bày cũng như những nhà sưu tập nước ngoài để họ phát triển tài năng và sự nghiệp một cách dễ dàng hơn tôi trước đây.
Bùi Công Khánh: “Tôi tin chắc rằng chỉ trong vòng 10 năm nửa, phong cách nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ được định hình.”Hội An là nơi anh sinh ra, lớn lên và cũng là nơi anh thực hiện tác phẩm thành công nhất của mình, “Lạc chốn”. Nơi này mang ý nghĩa như thế nào trong đời sống và quá trình làm nghề của anh?
“Lạc chốn” là tác phẩm tái hiện lịch sử gia đình và cội nguồn của tôi, đó là lý do tôi quyết định trở về Hội An để thực hiện nó. Những lần trò chuyện với bố mẹ là cơ hội để tôi có thể xâu chuỗi lại những câu chuyện của gia đình.
Tôi rất hạnh phúc khi thành quả của mình được triển lãm tại Việt Nam và sau đó được mang đi trưng bày ở nước ngoài. Tôi ước mình có thể trưng bày nó tại Hội An nhưng thật tiếc vì không có không gian triển lãm ở đây nào đủ rộng cả. Sắp tới tôi sẽ đi tìm thêm.
Anh Khánh tại nhà riêng của mình, ngôi nhà bằng gỗ mít truyền thống như những gì đã được anh thể hiện trong tác phẩm “Lạc chốn”.Dự án gần đây nhất của anh là phòng trưng bày Cá Gỗ này. Tại sao anh lại quyết định mở một phòng trưng bày tại Hội An?
Nếu muốn tạo ra những tác phẩm đương đại và được công nhận, người ta thường tìm đến những thành phố lớn như Sài Gòn, tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng rồi tôi nhận ra đó không còn là lựa chọn duy nhất – ở đây, ngay tại Hội An, cũng có một cộng đồng nghệ sĩ đang lớn lên từng ngày với rất nhiều những nghệ sĩ đến từ Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng môi trường ở đây chưa tạo ra nhiều hoạt động để họ có thể kết nối. Công việc chủ yếu vẫn mang tính thương mại hoặc vẽ tranh phục vụ khách du lịch.
Vậy nên, chúng tôi tạo ra không gian này để trưng bày những tác phẩm đương đại đã qua chọn lọc. Để người dân địa phương có cơ hội thưởng thức nghệ thuật, được gặp gỡ, trao đổi và truyền cảm hứng cho nhau, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.
Cọ vẽ và những dụng cụ mỹ thuật tại không gian trưng bày của Bùi Công Khánh.Trong bối cảnh thị trường mỹ thuật tại Hội An chỉ tập trung vào nhu cầu của du khách, làm thế nào chúng ta có thể khích lệ những ý tưởng và phương pháp sáng tạo mới?
Nghệ sĩ Hội An thường tạo ra những tác phẩm mà họ cho rằng du khách sẽ thích. Chính điều đó đã khiến cho nghệ thuật Việt Nam bị rập khuôn. Qua những buổi triển lãm và hội thảo, chúng tôi muốn mang đến cho khán giả và cả những người nghệ sĩ truyền thống những trải nghiệm nghệ thuật mới lạ hơn.
Những đồ thủ công mà chúng tôi sản xuất sẽ rất khác so với những sản phẩm lưu niệm sản xuất đại trà. Hiện tại chúng tôi đang hợp tác với nghệ nhân địa phương để tạo ra những sản phẩm độc đáo sử dụng chất liệu truyền thống. Thời gian tới chúng tôi dự định sẽ mở một nơi làm việc và lưu trú tại chỗ để nghệ sĩ có không gian sáng tạo và phát triển phong cách cá nhân.
Anh có thể chia sẻ thêm về buổi triển lãm gần đây tại Cá Gỗ Studio được không?
Buổi triển lãm này trưng bày những tác phẩm mới nhất của tôi cùng với hai nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Đinh Hoàng Việt. Một bạn hiện vẫn đang là sinh viên trường nghệ thuật tại Sài Gòn, bạn còn lại đang sống ở Huế. Anh chàng ở Huế là người cực kỳ nghiêm túc với những tác phẩm của mình. Cậu ấy có thể dành cả tháng trời để suy nghĩ ý tưởng chủ đạo cho một bức tranh. Cả hai người đều sáng tác những tác phẩm nói về lịch sử, gia đình và bản sắc cá nhân. Đâu đó trong tác phẩm của họ tôi tìm thấy tiếng nói của chính mình.
Phía ngoài của phòng trưng bày tài Phố cổ Hội An. “Nghệ sĩ Hội An thường tạo ra những tác phẩm mà họ cho rằng du khách sẽ thích.” Anh bày tỏ quan điểm của mình về cách làm nghệ thuật của những nghệ sĩ ở đấy.Cuối cùng, Vietcetera nên trò chuyện với ai tiếp theo?
Các bạn nên tìm gặp nghệ sĩ Trần Tuấn ở Huế, tác giả của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Ngoài ra, anh còn vận hành Làng Art Dorm, nơi cư trú dành cho nghệ sĩ Việt Nam và cả quốc tế.
Bài viết được dịch bởi Oanh Tran.
Xem thêm:
[Bài viết] Thái Mỹ Phương và hành trình trở thành Tamypu
[Bài viết] Rice Creative – Thước do chuẩn mực của thiết kế Việt