Dạy trẻ về tiền: Dạy gì và dạy thế nào?
Sau khi quan sát mọi người xung quanh, tôi nhận ra những người có hành trình tự do tài chính vững vàng trước tuổi 30 - trong đó có tôi, thường có hai bí quyết. Một là sự may mắn, hai là những định hướng từ sớm của bố mẹ.
Bố mẹ là người không chỉ cho con cái lời khuyên sử dụng tiền, mà còn cho cơ hội làm quen với tài chính lúc nhỏ. Như trường hợp của tôi là những khoản vốn cho “thương vụ” đầu tiên - bán bi thuỷ tinh (bi ve) và đồ ăn vặt cho bạn cùng lớp.
Giờ đây, ở vai trò là một phụ huynh, tôi mong mình có thể mang đến những hành trang tương tự cho con cái mình.
Trên tinh thần đó, ở bài viết Tiền Đồng - Tiền Đình lần này, tôi sẽ tóm tắt 3 cách mà tôi đã áp dụng. Mong rằng những chia sẻ này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho nhiều phụ huynh trẻ.
1. Gợi mở các chủ đề tài chính
Với trẻ nhỏ, cha mẹ cũng chính là người thầy tài chính đầu tiên.
Vì thế, để tập cho mình có tư duy về tài chính từ bé, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ những câu chuyện tài chính cho trẻ.
Bạn có thể bắt đầu từ các khoản thu nhập và chi tiêu của gia đình - tốt nhất là đề cập những khoản tiền dễ tạo thiện cảm và gần gũi với trẻ. Ví dụ như mua đồ chơi, mua quà tặng, thực phẩm trong nhà. Thời điểm đề cập có thể là trong mỗi bữa cơm hoặc ở giờ sinh hoạt chung.
Bạn cũng có thể thỉnh thoảng hỏi con cái một vài ý kiến trong lúc này để tạo sự gắn kết giữa bé và câu chuyện.
Qua cách kể chuyện của bố mẹ, con nhỏ sẽ có sự háo hức và tò mò. Mặt khác, do tâm lý “muốn thành người lớn", nhiều trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi mình trở thành một phần của những hội thoại tài chính. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng chỉ dạy hoặc lồng ghép các lời khuyên về tiền mà không sợ nội dung quá xa lạ, nhàm chán.
Ngoài ra, bạn cũng có thể khuyến khích tư duy tài chính bằng việc trở thành “nhà đầu tư” của con cái. Đơn giản nhất là việc góp ý hoặc cho vốn để các con thực hiện các dự án ở nhà trường như sản xuất báo tường. Bố mẹ cũng có thể cho con toàn quyền sử dụng khoản thưởng khi đỗ đại học để đầu tư vào các kênh tài chính chuyên môn hơn như chứng khoán.
Lưu ý
Khi cho “vốn”, phụ huynh có thể không yêu cầu việc nhận lãi hay nhận lại tiền vốn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần xác lập với con những điều khoản thỏa thuận về việc được nghe báo cáo về các khoản chi tiêu để vừa giám sát, vừa có cơ sở để đưa ra lời khuyên tài chính cho con trẻ.
2. Kỷ luật để hiểu được giá trị đồng tiền
Đây là điều tôi học được ngay ở cách dạy của bố mẹ. Sinh ra trong giai đoạn đầu Đổi Mới còn nhiều khó khăn, để con cái hiểu được giá trị của đồng tiền, bố mẹ tôi rất nghiêm khắc và thắt chặt những khoản tiêu vặt.
Thay vào đó, bố mẹ cho tôi giải pháp, đó là tôi phải lao động và tiết kiệm để có thể mua những thứ mình thích.
Ba mẹ đã đặt ra những đầu việc nhà đơn giản (như quét nhà, rửa bát) và tôi sẽ được thưởng mỗi khi hoàn thành. Nhờ việc tiết kiệm những khoản nhỏ này, tôi có thể tự thưởng bằng những món ăn vặt ưa thích.
Mặt khác, vì “tiền công” từ các khoản này cũng không nhiều nên chúng khiến tôi càng phải cân nhắc, trân trọng và đưa ra lựa chọn cho mỗi quyết định mua sắm của mình.
Đây cũng là cách tôi áp dụng để dạy con hiểu giá trị đồng tiền ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ngoài làm việc nhà, tôi cũng thêm vào một số hoạt động khác như đọc sách, hoặc chơi một bài hát bằng một loại nhạc cụ để giúp trẻ mạnh dạn thử sức, khám phá bản thân ở nhiều.
Lưu ý
Nhiều trẻ có thể hình thành tư duy thực dụng và chỉ nghe lời khi có chi phí. Để hạn chế trường hợp này, bạn có thể xác định thời điểm phù hợp để áp dụng.
Các chuyên gia đưa ra quan điểm rằng, thời điểm tốt nhất là khi trẻ bắt đầu hiểu rằng tiền có thể mua được những thứ mà chúng muốn.
Vì vậy, bạn nên cho trẻ một ít tiền tiêu vặt cho đến khi bạn nhận ra các dấu hiệu cho thấy con thích tiết kiệm, hoặc nghĩ về cách con có thể sử dụng nó.
Ví dụ, nếu giao làm việc nhà, bố mẹ phải phân chia rõ ràng việc nào của cha mẹ, việc nào của con, việc nào của đứa lớn, việc nào của đứa nhỏ. Vì thế, việc con tắm, học hay tự gấp quần áo của mình, buộc dây giày thì nên phân định rõ với con đó là trách nhiệm của con chứ không phải những công việc phải trả công.
Phụ huynh nên trả tiền cho con ở những việc mà bạn phải mất tiền để thuê người ngoài thực hiện như cắt cỏ vườn, dọn dẹp nhà kho, chăm sóc vườn cây. Điều quan trọng nữa đó là các vị phụ huynh công bằng, trả đúng người, đúng việc và đúng thời gian.
3. Đầu tư cho giáo dục
Trước đây, dù gia đình chưa quá dư dả, nhưng bố mẹ luôn khuyến khích tôi tìm hiểu, cũng như ủng hộ và tạo điều kiện để tôi được đi học các lớp ngoại khoá, kỹ năng mềm mà mình thích.
Ngay cả việc đi du học, bố mẹ cũng không kỳ vọng tôi sẽ trở về nước với tấm bằng giỏi và bắt đầu với mức lương tốt để hoàn lại chi phí du học. Thay vào đó, bố mẹ tạo cơ hội để tôi trải nghiệm những nền văn hoá, kiến thức và cuộc sống tại đất nước khác.
Với con nhỏ của tôi hiện tại cũng vậy, tôi luôn để con được trải nghiệm các môn học hay hoạt động ngoại khoá mà con thích và hứng thú. Quan sát một thời gian, tôi thấy rõ con khi được tham gia những hoạt động thể chất, ngôn ngữ từ sớm sẽ trở nên tự tin và dễ hòa đồng trong một tập thể hơn.
Phát triển nhiều khả năng cũng đồng nghĩa với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn. Đây cũng là cách phụ huynh vừa dạy, vừa đầu tư, vừa đảm bảo một tương lai tài chính vững vàng cho trẻ.
Lời kết
Đa số cha mẹ muốn con cái hạnh phúc hơn là con cái giàu có. Việc tư duy về tài chính, tiền bạc chỉ là một phương tiện để con đạt được hạnh phúc, chứ không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc của bản thân con.
Nói cách khác, dù là dạy con tư duy tài chính như thế nào, bố mẹ nên đồng thời chú ý về nhu cầu về hạnh phúc khác nhau của trẻ. Vì thế, không nên bắt ép quá mức buộc trẻ làm những điều không mong muốn.
Thay vào đó, phụ huynh nên quan sát, trò chuyện và thấu hiểu, từ đó thể hiện vai trò người đồng hành (khác với người bắt ép) với các lựa chọn của con.
Hình minh hoạ bởi Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera.