12 Thg 03, 2021Thăng TiếnDu Học

Đến LSE, Oxford và Stanford rồi vỡ ra mình học tiếng Anh chưa... "tới"

Khi nhận được học bổng du học và đặt chân đến Anh, tôi đã sốc vì những tuần đầu lên lớp không nghe được thầy cô nói gì mấy. 
Nguyễn Chí Hiếu
Nguồn: Nguyễn Chí Hiếu

Nguồn: Nguyễn Chí Hiếu

Vốn là học sinh chuyên Anh, cũng được gọi là “gà chọi", đạt giải Nhì quốc gia từ năm lớp 11 (năm đó không có giải Nhất), tôi từng nghĩ rằng… mình rất giỏi tiếng Anh. Thế nhưng khi nhận được học bổng du học và đặt chân đến Cambridge Tutors College, rồi LSE (The London School of Economics and Political Science - Học viện Kinh tế và Chính trị London, Anh), tôi đã sốc vì những tuần đầu lên lớp không nghe được thầy cô nói gì mấy.

Về nhà đi chợ lại càng hoảng hơn - dân bản địa nói quá nhanh, mỗi người một giọng điệu, từ ngữ thì “không học thuật", khác hẳn những bài nghe “chuẩn mực" tôi đã luyện suốt mấy chục năm. Mà có nghe được, đến phần diễn đạt, tôi cũng ấp úng…

"Tắm mình" trong sinh ngữ mọi lúc, mọi nơi

Tôi sớm nhận ra phương pháp học tiếng Anh của mình (và khá nhiều học sinh Việt Nam) bấy lâu nay… có vấn đề. Kiểu học của chúng ta mang nặng tính hàn lâm hơn là hướng đến việc vận dụng vào thực tế, vào những bối cảnh khác nhau. Điều này làm cho tiếng Anh được xem như đích đến, chứ không phải một công cụ. Việc học tiếng Anh mang tính “tiếp nhận", “khuôn mẫu" nhiều hơn là “phát ra", “đời thường".

Thế là tôi “ép" mình làm quen lại từ đầu với tiếng Anh thực-tế, bằng cách ngồi xem TV, đi chợ, trao đổi với người bản xứ, trò chuyện với bạn bè nhiều hơn. Tôi nhớ mãi những lần con gái, con trai bà chủ nhà giúp mình phát âm rõ chữ “work" và “walk" mất cả buổi tối. Những lần người đối diện “tròn mắt, nhíu mày" vì không hiểu tôi nói gì, rồi kiên nhẫn chỉnh lại cho tôi từng tí một. Cứ thế đến gần nửa năm sau, tôi mới có thể giao tiếp tự nhiên hơn, dù thỉnh thoảng vẫn còn nhiều từ chưa thể phát âm chuẩn chỉnh.

Du học, cơ bản mà nói, là bàn đạp để tôi có thể va chạm với tiếng Anh mỗi ngày, để thật sự có động lực thúc đẩy bản thân hoàn thiện năng lực nghe - nói và phản xạ của mình. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu không có động lực nội tại, không khao khát nghe được bài giảng của thầy cô, không có nhu cầu bày tỏ quan điểm cá nhân, thì sẽ rất khó tìm thấy động lực để vượt qua giới hạn ngôn ngữ.

Sau này, khi “chinh chiến" tại các buổi thuyết trình, diễn thuyết tại các hội thảo lớn, tôi lại càng thấm thía giá trị của những nỗ lực “sửa từng chút một" của ngày xưa. Nó giúp tôi rèn luyện sự tự tin mà chỉ có động lực bền bỉ qua từng ấy năm mới mài dũa ra được.

Đi học là học tư duy, mà tư duy thì không nên có giới hạn

Hết "choáng" tiếng Anh, tôi lại "choáng" với cách học tại LSE. Tại đây, tinh thần tự học được đẩy lên cao độ - lên giảng đường là chuyện tuỳ ý, điểm danh mà vắng mặt thì cũng chả ai phạt, và bài tập về nhà chịu làm thì tốt. Sinh viên học từ đầu đến cuối năm chỉ dựa vào một bài kiểm tra duy nhất để xếp loại: first class, upper second, lower second, pass, hoặc fail. Theo thông tin hành lang thì chỉ có 10% là “thú” ngoại hạng (first class), và gần 30% là “lạng quạng” trượt cầu khỉ (fail).

Những ngày đầu ở LSE, tôi đã xác định sẽ đi học tiến sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học. “Khó lắm! Hiếm sinh viên nào từ trường mình tốt nghiệp xong lại nộp thẳng lên tiến sĩ, mà lại là tiến sĩ bên Mỹ như cậu muốn. Thường ai cũng phải học qua thạc sĩ trước rồi mới nộp lên tiến sĩ. Còn nếu muốn thử, thì phải học những môn khó hơn nhiều so với mặt bằng chung!” - Giáo sư hướng dẫn đã nói với tôi như vậy. Nghe xong, tôi quyết định sẽ học những môn khó nhất, dù môn khó thì hiếm khi “gặt” được first class.

Trong năm 2, tôi đã “đâm đầu" vào học môn Kinh tế lượng phiên bản 2.0 khó thần sầu, và chèn thêm một môn của sinh viên năm cuối. Những môn mà có hôm ngồi làm bài tận 5-6 tiếng vẫn chẳng hiểu gì, chỉ muốn từ bỏ. Nhưng rồi, mọi sự ngờ vực, mệt mỏi và vật vã đều được “bù đáp" bằng cảm giác phát hiện ra mấu chốt và làm sáng tỏ vấn đề sau nhiều giờ vật lộn.

Cứ thế đến cuối năm học, điểm Kinh tế lượng và Thuyết trò chơi (Econometrics và Game Theory - hai môn khó ẵm first class nhất) của tôi còn cao hơn những môn dễ kiếm điểm. Lúc đó, tôi chợt nhận ra: đôi khi tất cả những gì mình cần là tin vào bản thân và duy trì động lực đó. Những thành quả tốt đẹp nhất thường tỷ lệ thuận với động lực tự thân.

Sau này, khi theo học MBA tại Đại học Oxford và Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford, tôi lại nhiều lần đối diện với những tình huống buộc phải kéo giãn năng lực bản thân. Nhưng dù có thế nào, tôi vẫn không cho phép bản thân học lại bất cứ môn nào đã từng học, phải để đầu óc được “kéo căng" với những môn học mới, phải quăng quật để bản thân được thuyết trình cho nhiều đối tượng, sáng tạo đủ loại ý tưởng, viết lách đủ kiểu văn phong…

Tôi biết, một người đã từng dùng tiếng Anh như một dạng năng lực để xin học bổng suốt 11 năm ròng như mình, không đến Oxford, Stanford chỉ để trở thành một người “an toàn". Đi học là học tư duy, mà tư duy thì không nên có giới hạn an toàn.

Trở về với niềm vui "nâng ai đó lên một chút"

Trước ngày hoàn tất chương trình Tiến sĩ ở Stanford, tôi thấy trong mình có một sự đối lập không nguôi giữa hai phiên bản: một “hướng ngoại" cứ lôi kéo mình hướng về tiền bạc, địa vị, danh vọng, những ánh nhìn ngưỡng mộ trước ba chữ “tiến sĩ Stanford” gắn cùng tên tuổi của một tổ chức đẳng cấp quốc tế; một “hướng nội" nhẹ nhàng chân trần đi trên đường đất, vạch lối về với quê hương, về với những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên, những khối óc trẻ và những tâm hồn rất thật, về với một cái tôi rất kín tiếng, rất lặng lẽ và rất bình yên.

Hai tháng trước ngày tốt nghiệp tiến sĩ, tôi nhận được một tin nhắn: “Anh ơi, em được nhận học và có học bổng rồi. Cảm ơn anh nhiều nhé!”. Nhìn lại những dòng chat vội, những tâm sự dễ thương từ các em học trò từ 2 năm trước, tôi mới vỡ ra: Có những niềm vui lớn lao hơn việc đồng hồ điểm báo hết giờ làm việc, lịch báo cuối tháng đến ngày nhận lương, rồi hết năm lại đến hẹn tăng lương, thăng chức. Đó chính là niềm vui khi biết mình đã nâng ai đó lên một chút, khi nhìn thấy bóng dáng của mình thấp thoáng trong niềm vui của chính họ.

Gạt mọi hợp đồng công việc đang chờ ký, tôi quyết định về. Đây có thể là một quyết định sai lầm, nhưng ở cái tuổi 27, tôi muốn dùng những năm cuối của tuổi 20 để theo đuổi những điều cho mình cảm giác “thuộc-về", bỏ lại sau lưng những lựa chọn chắc chắn không phải là mình.

Cái duyên giáo dục đến tình cờ, chóng vánh, mang nhiều cảm tính hơn lý tính; nhưng khi đã lựa chọn, tôi dặn bản thân phải làm hết mình.

Cùng các em trên hành trình rèn luyện sinh ngữ

Trong hơn 10 năm làm giáo dục, tiếp xúc với học sinh ở nhiều độ tuổi và môi trường, tôi vẫn “sốc” nặng vì cách dạy và học tiếng Anh không khác gì thời mình ngày xưa, thậm chí, có phần “đậm đặc" hơn. Vẫn là những bài học từ vựng, ngữ pháp nặng tính hàn lâm mà không phát triển được năng lực sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống và ngữ cảnh thực tế.

Đó là lý do vì sao rất nhiều học sinh học tiếng Anh suốt 12 năm, thêm 4 năm đại học, dẫu có thể đạt được điểm kiểm tra cao vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp, thể hiện quan điểm. Khi bước lên các bậc học cao hơn, tiếp xúc với các môi trường học quốc tế, hay trong một thế giới việc làm ngày càng "toàn cầu hóa" (nơi mà năng lực giao tiếp luôn nằm trong top đầu những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm), các bạn sẽ cảm thấy "sốc" về khoảng cách giữa trường lớp và nhu cầu thực tế.

Để tiếng Anh trở thành sinh ngữ, tôi nghĩ trước hết người học cần xác định được mục đích học, rồi từ đó lựa chọn phương pháp học phù hợp và hiệu quả nhất. Môi trường cũng là điều cần thiết, đặc biệt với việc phát triển năng lực giao tiếp. Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời đại mà ranh giới của môi trường đã được mở rộng hơn rất nhiều, từ các kênh thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ, đến các môi trường giao tiếp trực tiếp,... Quan trọng là chúng ta có chịu tận dụng và bền bỉ đến cùng hay không.

Có người hướng dẫn và đồng hành cũng là một yếu tố “chốt hạ”. Với sự hỗ trợ liên tục từ họ, thì sự phát triển về hầu hết các kỹ năng (chứ không chỉ riêng Tiếng Anh) đều thật sự sẽ tăng tốc và đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Người hướng dẫn, đồng hành ngày nay không nhất thiết phải là thầy cô trên lớp, đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp, hoặc các nền tảng công nghệ thông minh.

Nhưng quan trọng nhất chính là động lực nội tại của bản thân. Nếu không có hoặc không duy trì được động lực để theo đuổi việc học, mọi đầu tư về tiền bạc, thời gian và công sức cũng chỉ có giá trị ngắn hạn, tức thời. Và chẳng ai có thể xây dựng, duy trì và phát triển động lực này cho bạn xuyên suốt cuộc đời, ngoại trừ chính bản thân bạn.

Một trong những giải pháp công nghệ giáo dục tiên tiến hiện nay chính là ELSA Speak - ứng dụng học nói Tiếng Anh có Trí Tuệ Nhân Tạo chỉnh sửa phát âm chuẩn xác đến từng âm tiết. Thông minh, không mất quá nhiều thời gian, ít tốn kém và lộ trình học được cá nhân hoá là những điểm vượt trội khiến ELSA Speak được sử dụng rộng rãi tại 100+ quốc gia trên thế giới, là sự lựa chọn của nhiều công ty cũng như được tích hợp vào chương trình giảng dạy tại các trung tâm Anh ngữ hàng đầu.

Hãy khám phá ứng dụng ELSA Speak tại đây!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục