Du học nội trú tại Mỹ, học sinh Việt hòa nhập ra sao?
Mỗi năm, có khoảng 40,000 người Việt đi du học nước ngoài. Bên cạnh số lượng tăng đều qua các năm, độ tuổi du học của các bạn cũng đang dần trẻ hóa. Rất nhiều học sinh đã chân đã ướt chân ráo ra nước ngoài từ bậc trung học phổ thông.
Vậy làm thế nào để học sinh Việt Nam hòa nhập với môi trường mới?
Trong tập EduStation lần này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng với thầy Michael C. Wirtz, Hiệu trưởng Trường St.George và Tiến sĩ Randy Bertin, Hiệu trưởng Học viện Cushing. Đây là hai trường trung học nội trú tại Mỹ đào tạo từ lớp 9 đến lớp 12 với tỷ lệ học sinh quốc tế lần lượt là 13% và 29%.
Các trường trung học tại Mỹ mang lại điều gì để giúp cho học sinh quốc tế dễ dàng hòa nhập và xa hơn nữa là chuẩn bị hành trang vào đại học? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ hai vị hiệu trưởng.
Cá nhân hóa trải nghiệm học tập
Trường học tốt phụ thuộc vào phương pháp dạy tốt. Đó không chỉ nằm ở việc truyền dạy kiến thức học thuật mà còn nằm ở cách giáo viên xây dựng mối quan hệ với học sinh để từ đó bước vào trải nghiệm học tập của họ.
Mỗi học sinh đều có những sở thích, thế mạnh, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Thay vì học dàn trải, giáo viên sẽ đặt ra chiến lược học tập cụ thể cho từng cá nhân và liên tục trao đổi với học sinh để hoàn thiện chiến lược này. Tính cá nhân hóa còn nằm ở điểm, học sinh sẽ được dạy cách "suy nghĩ về suy nghĩ của mình". Điều này giúp các bạn xâu chuỗi kiến thức một cách toàn diện và hiểu được vì sao mình lại cần học chúng.
Cân bằng giữa nguyện vọng của học sinh và kỳ vọng của phụ huynh
Bên cạnh kiến thức học thuật, các trường trung học tại Mỹ cũng chú trọng việc đào tạo kiến thức xã hội cho học sinh. Ngoài các bài thi và tiểu luận, nhiều trường học hiện nay đã chuyển sang đánh giá kết quả theo hướng “hỗn hợp”, dựa trên điểm kiểm tra lẫn điểm dự án. Chẳng hạn ở lớp học ngôn ngữ, ngoài học từ vựng và ngữ pháp, các học sinh còn được tự sản xuất truyện tranh viết bằng chính ngôn ngữ họ học nhằm đánh giá mức độ hiểu biết về văn hóa.
Tuy nhiên, dù đánh giá theo hình thức nào thì đích đến cuối cùng của các trường trung học vẫn là đảm bảo học sinh của mình vào được đại học. Đặc biệt là đối với các phụ huynh Châu Á, trong đó có cả Việt Nam, kết quả đầu ra là là yếu tố tối quan trọng để họ biết rằng quá trình đầu tư của mình thật sự hiệu quả.
Để giúp học sinh có một cái nhìn dài hạn, văn phòng tư vấn đại học sẽ đồng hành cùng họ xuyên suốt. Ngắn hạn là trong quá trình lựa chọn khóa học cho mỗi năm và xa hơn là vạch ra một chiến lược vừa đúng nguyện vọng vừa không quá sức với từng cá nhân. Bạn vẫn được cổ vũ để đặt nguyện vọng nhỉnh hơn năng lực, đồng thời có một kế hoạch dự phòng an toàn. Điều quan trọng là bạn được trao quyền để đưa ra quyết định mà mình thích.
Nhưng sát cánh bên học sinh thì chưa đủ. Là một đứa con Việt Nam, tôi hiểu rằng khác biệt giữa kỳ vọng của bản thân và bố mẹ trong việc lựa chọn trường lẫn ngành học là một khúc mắt phổ biến. Họ có thể muốn bạn học ở những trường top đầu dù năng lực của bạn chỉ ở mức trung bình. Hoặc hay gặp hơn là chọn những ngành học mà bạn không yêu thích (hoặc không rõ mình thích hay không).
Việc quản lý mâu thuẫn trong kỳ vọng cũng là nhiệm vụ của văn phòng tư vấn. Phụ huynh sẽ được mời tham gia quá trình chọn trường nhưng người dẫn dắt sẽ là con họ, bởi suy cho cùng học sinh mới là người phải đến trường và vì thế cũng nên là người tự quyết định mình sẽ học đại học ở đâu.
Dorm parents - “Bố mẹ” ở phương xa
Rời xa bố mẹ ở độ tuổi mà kinh nghiệm sống chưa hoàn chỉnh, nhiều học sinh khá chật vật chật trong quá trình hòa nhập với nền văn hóa xa lạ, loay hoay với nỗi nhớ nhà và đơn độc trong quá trình giải quyết vấn đề phát sinh. Nhưng khác với du học ở bậc đại học, điểm hạn chế của các du học sinh dưới 18 tuổi chính là thiếu quyền tự quyết.
Ví dụ như ở Úc, nếu dưới 18 tuổi, học sinh buộc phải có một gia đình người Úc đứng ra bảo trợ. Tuy nhiên, việc bạn có hòa hợp với gia đình bảo trợ mình không thì đó lại là câu chuyện thiên về số phận. Nếu chẳng may có bất hòa xảy ra, các du học sinh trẻ tuổi thường rơi vào hoàn cảnh bị động. Một trong những câu chuyện mà tôi đã được nghe từ một du học sinh đó chính là việc vợ chồng người bảo trợ dù rất tốt với bạn nhưng lại thường xuyên tranh cãi với nhau. Bạn không thể nào chủ động dọn ra khi chưa đủ tuổi và khi họ cũng không trực tiếp phương hại đến bạn.
Ở khía cạnh này, trường nội trú có một ưu điểm đó là các nhân viên trong ký túc xá đều được đào tạo chuyên nghiệp để hỗ trợ học sinh. Chẳng hạn ở Học viện Cushing, những nhân viên này được gọi là “dorm parents” (tạm dịch: bố mẹ ký túc xá). Các “bố mẹ” sẽ thay phiên túc trực ở KTX (kể cả cuối tuần) để hỗ trợ từ những việc nhỏ như hướng dẫn sử dụng cơ sở vật chất, đến trực tiếp giải quyết những mẫu thuẫn giữa các học sinh sống cùng nhau.
Ngoài ra, để giúp cho phụ huynh an tâm hơn, các trường nội trú cũng cập nhật tình hình thông qua Wechat, WhatsApp, KakaoTalk, Zalo - phụ thuộc vào quốc gia của phụ huynh. Bởi chúng ta đều biết rằng lo lắng khi xa con là một cảm giác rất xót lòng.
Du học không chỉ là những trải nghiệm “màu hồng”. Những khó khăn trong quá trình học tập xa xứ chắc chắn không chỉ dừng lại ở những gì bài viết này đề cập. Nhưng hy vọng rằng đây sẽ là khởi đầu, không chỉ cho các bạn học sinh, mà còn cho các bậc phụ huynh trong quá trình chọn lựa trải nghiệm phù hợp với con cái.
EduStation từ tập 20 đến tập 24 là phiên bản đặc biệt được ghi hình tại Mỹ. Đây sẽ là cuộc trò chuyện giữa host Hùng Võ cùng 10 hiệu trưởng thuộc 10 trường trung học nội trú hàng đầu tại xứ sở cờ hoa. “Phiên bản Mỹ” của EduStation hứa hẹn sẽ mang đến góc nhìn độc đáo về cách mà một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới hoạt động.
Bạn có thể đón xem trên kênh YouTube của Vietcetera hoặc Spotify.