Giao tiếp phi bạo lực: Khi tiếng nói học trò được lắng nghe
Cách đây vài ngày, bài đăng của một cô giáo tên M.H. nhận được sự chú ý vô cùng lớn khi nhắc đến sự việc các em học sinh tự tử gần đây với hàm ý trách cứ.
Trong bài viết, cô giáo liên tục đưa ra những câu hỏi như: “Các con thường oán bố mẹ không hiểu mình, nhưng các con có từng thật sự thấu hiểu bố mẹ mình hay chưa?”, “Các con thường luôn kêu gào là áp lực. Nhưng chẳng phải kim cương khác với than đá ở chỗ nó đã chịu áp lực cực lớn hay sao?”.
Lối tư duy như cô M.H. không hiếm thấy trong ngành Sư phạm. Là một đất nước có truyền thống nặng Khổng giáo, người học trò Việt ít khi được đặt làm trung tâm, và vấn đề giao tiếp không sử dụng ngôn từ bạo lực cũng không được coi trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khoẻ tâm lý ngày một đi xuống của giới trẻ.
Giao tiếp phi bạo lực - tư tưởng không phổ biến tại Việt Nam
“Thương cho roi cho vọt” là luận điểm phổ biến nhất để bào chữa cho những quyết định bạo lực (cả về hành động lẫn lời nói) của người lớn dành cho trẻ con tại Việt Nam, nhất là trong mối quan hệ của giáo viên và học sinh. Luận điểm này, cũng tương tự như ví dụ kim cương và than đá của cô M.H, cho rằng để phát triển, con người cần liên tục bị đẩy đến cực hạn của áp lực - mà ở đây là sự bạo lực.
Nhưng để giải quyết các vấn đề giữa con người liệu chỉ có một cách duy nhất là bạo lực? Marshall Rosenberg, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã chứng minh điều ngược lại khi phát triển lý thuyết giao tiếp phi bạo lực (nonviolent communication).
Giao tiếp phi bạo lực cho rằng hầu hết xung đột giữa các cá nhân hoặc nhóm phát sinh do các thông tin sai lệch về nhu cầu của mỗi người, và thường có sử dụng ngôn ngữ ép buộc nhằm gây ra sự sợ hãi. Các phương thức giao tiếp bạo lực này, khi được sử dụng trong một cuộc xung đột, sẽ chuyển hướng sự chú ý của những người tham gia ra khỏi việc làm rõ nhu cầu của nhau, vì thế xung đột vẫn khó được giải quyết.
Lý thuyết giao tiếp phi bạo lực được phát triển với mục đích tạo ra sự đồng cảm trong cuộc trò chuyện. Có đồng cảm, chúng ta mới thực sự thấu hiểu được nhau.
Nếu giáo viên và học sinh thực sự thấu hiểu cho những suy nghĩ của nhau, dễ nhận thấy rằng mối quan hệ này sẽ được cải thiện đáng kể.
Mối quan hệ của học sinh và giáo viên bớt đi phần một chiều, và cả hai không còn có nhiều khoảng cách lớn. Không còn phe này và phe kia, mà tất cả đều hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh lẫn sự thấu cảm cho giáo viên.
Lý thuyết này của Marshall Rosenberg thực sự hướng đến một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa con người. Nhưng để thực hành điều này trong môi trường học đường tại Việt Nam lại là một việc vô cùng khó.
Vì để giao tiếp phi bạo lực, điều cần nhất là sự bình đẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, đặc biệt tại Việt Nam, cán cân này gần như chỉ hướng về một phía.
Khi tiếng nói của học trò ít có cơ hội được lắng nghe
Sức mạnh của tư tưởng Khổng giáo
Chênh lệch quyền lực xảy ra rất phổ biến trong ngành Sư phạm. Trong văn cảnh lớp học, sự cao thấp trong quyền lực được đặt ra dựa trên một số yếu tố căn bản: tuổi tác, địa vị, kiến thức, và quyền được điều phối hoạt động giáo dục… Nếu xét về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh dựa trên những tiêu chí này, phần lớn người giáo viên giữ vai trò cao hơn trong không gian sư phạm.
Nền giáo dục Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo. Trong Ngũ thường, “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, chữ Lễ - tức tôn ti trật tự, quy tắc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới - đứng thứ ba. Điều này thể hiện việc đạo Khổng rất quan trọng về cấp bậc. Đặc biệt, Nho giáo sau thời Hán còn được thay đổi so với đạo Khổng thời khởi sinh, để nêu bật sắc thái quyền uy. Bề tôi phải nghe lời vua, người cấp thấp phải nghe người cấp cao, và trong giáo dục, học trò luôn phải nghe lời thầy.
Vậy nên hình ảnh người thầy tại Việt Nam không chỉ có ảnh hưởng từ sự chênh lệch quyền lực cố hữu, mà còn càng sâu sắc hơn vì ảnh hưởng từ Nho giáo.
Bất cân bằng trong giao tiếp
Một trong những yếu tố thể hiện sự chênh lệch quyền lực là ở mặt giao tiếp. Học sinh không dám bày tỏ ý kiến với thầy cô là một lẽ, nhưng dường như, các giáo viên cũng ít suy nghĩ đến việc giao tiếp với học trò.
Trò chuyện với nhóm sinh viên tại Đại học Sư Phạm Hà Nội, tôi được biết trong suốt 4 năm học, với 135 tín chỉ, thì các em chỉ phải hoàn thành 15 tín chỉ về nghiệp vụ sư phạm.
Trong 15 tín chỉ đó là các môn: Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học, Đánh giá trong giáo dục và Giao tiếp sư phạm. Nghĩa là, việc học để thực sự giao tiếp với các học sinh chỉ chiếm một phần rất nhỏ, trong chưa tới 10% kiến thức về nghiệp vụ. Hơn 100 tín chỉ còn lại, đều là kiến thức chuyên môn.
Việc quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của học sinh dường như là không đáng kể khi đào tạo các giáo viên tương lai. Những kiến thức về thực hành giao tiếp, tìm hiểu những em học sinh đang gặp vấn đề tâm lý thường được giao cho ngành Giáo dục đặc biệt hoặc ngành Tâm lý học đường, tức là những mảng hoàn toàn khác so với Sư phạm Ngữ Văn hay Sư phạm Toán. Trong khi, ở trên lớp, người tiếp xúc với học sinh mỗi ngày đều là các giáo viên dạy chuyên môn.
Tiếng nói cảm xúc của các em học sinh không có cơ hội được cất lên, và các giáo viên chuyên môn cũng khó để hoàn toàn thấu hiểu vì chưa được đào tạo bài bản về mặt này. Thế nên thật khó để sức khoẻ tâm lý của học sinh được quan tâm đúng mực.
Giao tiếp phi bạo lực sẽ mang đến thay đổi gì trong môi trường sư phạm Việt Nam?
Khi kiểm tra tác động của 6 tháng đào tạo và huấn luyện giao tiếp phi bạo lực với 23 giám đốc điều hành, kết quả đã cho thấy rằng các vấn đề được giải quyết trong thời gian ít hơn bình thường từ 50-80%.
Vậy nên lợi ích dễ dàng nhận thấy của việc thực hành phương pháp này trong môi trường sư phạm là tính tiết kiệm thời gian và hiệu quả trong giao tiếp. Hai bên đều không còn tranh cãi chỉ để chứng minh mình đúng và người kia sai, mà tập trung để vấn đề được giải quyết triệt để nhất.
Để thực hiện giao tiếp phi bạo lực, có 4 yếu tố quan trọng cần được thực hiện, bao gồm quan sát, xác định cảm xúc, xác định nhu cầu và đưa ra lời đề nghị.
Trong câu chuyện của cô giáo M.H, nếu được thực hành 4 yếu tố này, hẳn cô cũng sẽ hiểu hơn về cảm xúc của những em học sinh bị trầm cảm, về việc nó đang là một vấn đề lớn của cả xã hội và không thể chỉ được giải quyết bằng luận điểm “kim cương và than đá”.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Các gánh nặng tinh thần của các em không thể chỉ đơn giản là lười học hay không chịu được áp lực giỏi như ông cha, bởi Xã hội học Thế hệ (Sociology of Generations) cũng cho biết rằng mỗi thế hệ đều có một hoàn cảnh và nó ảnh hưởng lên cách suy nghĩ một cách rất khác nhau.
Nhưng nếu người lớn vẫn tiếp tục không đặt mối quan hệ thứ bậc ở sau lưng, không thực sự đồng cảm để đi sâu vào thế giới của học sinh, các em cũng sẽ vẫn tiếp tục im lặng. Và kết cục, như ta biết, đôi khi có thể đầy ám ảnh như nam sinh lớp 11.
Phần tiếp theo: Bình đẳng giữa giáo viên và học sinh: Không phải chuyện viễn tưởng